PHẦN BA: HÀNH TRÌNH ĐI VÀO SA MẠC
1. Lưỡi kiếm của Damocles
Ba phiên Toà: ba lần xuất hiện ở những toà án chính trị của Mặt Trận
Tổ quốc, Đại Học và đảng Xã Hội. Mấy ông bạn, giữ vai trò ông thần Công
Lý, là những người được chỉ định qua một sự lựa chọn rất chặt chẽ. Cái
khéo léo nhất ở đây là họ không chọn những người nằm trong hàng ngũ của
Đảng. Nếu không, sẽ như họ đã chọn huy động cả dàn đội pháo binh để bắn
một sinh vật nhỏ bé và không chút tự vệ, dùng xe tăng và đại bác bắn vào
đám biểu tình tay trần không súng đạn. Bên cạnh đó sẽ làm cho thiên hạ
nhận ra là những người cộng sản không đủ trình độ để xử lý chuyện đời,
họ sẽ bị mất mặt và uy danh của Đảng sẽ bị tổn thương. Vì thế, cách hay
nhất là lựa chọn những kẻ cơ hội không thuộc đảng nào, nhưng lại có một
quá khứ cần được chuộc lại và sẵn sàng nhận những khạc nhổ khinh bỉ của
giới trí thức. Chúng đang giữ những vai trò nhỏ mọn, nhưng vì quá mong
được nổi lên và được nhận những mảnh ăn thừa của Đảng, nên đã tự ép mình
vượt qua những xấu hổ để được làm con ngựa trong gánh xiếc chạy quanh
trên diễn trường dưới hiệu lệnh từ chiếc roi của người dạy thú. Như thế
là Đảng được phủi tay và Đảng sẽ nắm những người không-phải-là-cộng-sản
trong một cuộc thanh toán giữa các người gọi “đồng chí” với nhau. Nhưng
ông thánh Công Lý được chọn lọc kỹ lưỡng đã được chuẩn bị rất kỹ vì họ
là những người phát ngôn của Đảng. Nếu họ thi hành tốt những việc được
giao phó thì Đảng sẽ khen thưởng cho tôi tớ. Nếu chúng không hoàn thành
nhiệm vụ thì chỉ có chúng nó là người phải chịu cái sức nặng của sự thất
bại.
Tôi hiểu chuyện này và vận dụng toàn sức cố gắng để bảo vệ danh dự
của mình trong cuộc đụng độ giữa chiếc lọ bằng sắt và chiếc lọ bằng
sành. Nhìn ánh mắt của những người có mặt trong hai phiên xử ở Mặt Trận
Tổ Quốc và ở Đại Học, tôi hạnh phúc hiểu rằng tôi đã thắng, trước cái
ngượng ngập lúng túng của các ông thánh Công Lý đã tự ném mình xuống đất
đễ tìm cách rượt cắn bắp chân tôi. Mọi người đều đứng về phía tôi.
Ngày hôm sau, khi tôi khoẻ lại, có một người bạn hàng bộ trưởng tạt
ngang viếng thăm và cho biết rằng trong giới thẩm quyền họ đã quyết định
bắt nhốt tôi. Tôi có thể làm gì hơn? Ai cũng biết chính tên quan chức
cao cấp đó là người đã từng đích thân bắt những người cộng sản khác dù
rằng đó là những người cả đời hy sinh cho Cách Mạng với một danh sách
dài đầy thành tích, những kẻ mà lòng lương thiện chân thành đều được mọi
người quý trọng. Đó là trường hợp của V.Đ.H. mà tôi có dịp gặp trong
thời bí mật kháng chiến, đó là trường hợp của Đ.K.G. là người giữ chức
vụ rất cao trong một khu Kháng Chiến. Nếu những người cộng sản có đăng
ký với danh dự không tì vết còn phải chịu những đối xử như thế, chắc
chắn là do quyền lợi chính trị hay đấu đá phe nhóm, thì có nghĩa lý gì
đối với kẻ quái gỡ khốn khổ như tôi, không bạn bè trong xã hội và không
được ai trong Đảng bảo vệ? Tôi không mơ đào thoát đâu đó vì công an đã
dàn trải tay chân, do thám và chỉ điểm khắp mọi nơi. Hơn nữa, tôi cũng
không lưu ý nhiều đến giải pháp giảm giá trị đó: làm như thế là cho
thiên hạ có cảm tưởng là tôi đang chối bỏ những quan điểm và những điều
mà tôi tin. Mấy người cộng sản sẽ nghĩ gì khi mà trước đây họ đã quen
thói ca tụng nhân cách của tôi?
Tôi đành chịu thua cho số phận, để chuẩn bị cho một chuyến đi một
chiều không ngày trở về, tôi đã soạn một chiếc vali đựng quần áo và đồ
ấm. Tôi cũng đã cẩn thận soạn mang theo một cuốn Essais de Montagne
trong bộ Pleiade, cùng với giấy, viết, mực và viết chì. Tôi muốn trám
hết những thì giờ bị buộc phải nhàn rỗi đến vô tận bằng một số việc làm
trí óc để tự cứu mình trong cảnh tù đày dễ gây điên loạn. Biết đâu,
những tay cai ngục còn có lòng nhân đạo sẽ không lấy đi mất hành trang
cuối cùng mà tôi khẩn thiết cần chúng.
Trước đây tôi cũng từng đi vào những nhà tù theo những yêu cầu công
việc để gặp những người tù mà tôi là luật sư bào chữa, vì thế tôi đã
biết những gì sẽ xảy ra ở những nơi tù đày này. Những tên đầu gấu đánh
đập những kẻ mới đến và cướp đi phần lớn trong phần ăn dành cho tù nhân,
nhất là những phần lương thực dự trữ mà gia đình thỉnh thoảng gửi quà
cho họ. Số lượng rõ là đã bị cắt xén khi gói quà qua tay những kẻ giữ
tù, phần còn lại trở thành nhỏ nhoi sau khi bọn đầu gấu và đồng bọn tự
chiêu đãi thêm một phần lớn khác. Những hy sinh của gia đình chỉ để duy
trì cho cảnh phát đạt của bọn cai tù và những kẻ tàn ác đang áp bức
những kẻ khốn khổ bị nhốt trong từng xà lim. Bạo lực đã biểu thị cái
hung bạo và thống trị kẻ khác một cách vô liêm sỉ và tàn bạo. Bạo lực
được triển khai không chút ngần ngại lúng túng, đầy đạo đức giả, và
không che đậy để lừa gạt mọi người. Nó hiện mình trần trụi và, nếu ta có
thể nói, hoàn hảo. Ngược lại, khi bạo lực cải trang sau cái logic nguỵ
biện, giấu mình sau những lý luận có vẻ đúng, nói tóm lại, là chỉ để tự
bào chữa, không phải với công luận mà với chính cái sâu thẳm của một
lương tâm chưa chết hẳn, cái đó mới là điều bệnh hoạn đáng ghê tởm và
kinh hoàng.
Khơi dậy những chuyện đã qua từ khoản sâu của trí nhớ trong những năm
tháng làm việc trong Luật Sư Đoàn, tôi vẫn còn nhớ những chuyện bí mật
được nghe kể trong những chuyến đi về những vùng làng mạc thôn xóm.
Thường khi, trong những túp lều tranh vào buổi tối, những người chủ kể
cho tôi nghe những câu chuyện thương tâm buốt nhói. Trong cảnh tranh tối
tranh sáng của hoàng hôn, ở bìa những cánh rừng, họ thấy từng hàng
người lê chân, ốm đói như những bộ xương biết đi. Một giờ trôi qua, hàng
loạt tiếng súng từ trong rừng vọng về kéo họ choàng dậy ra khỏi giấc
ngủ đang say. Một cuộc thảm sát tập thể vừa xảy ra và đó là chuyện mà
mọi người không nên kiếm cách tìm hiểu để thoả mãn tính tò mò của mình.
Không ai thấy gì và cũng không dám tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra,
nhưng từ túp lều tranh này qua túp khác, tin tức chuyền đi từ người này
sang người khác, mọi người chết lặng sợ đến lạnh xương sống. Không trách
nhiệm nào được qui trách cho lãnh đạo, có khi họ cũng không được báo
cáo về chuyện đã xảy ra, nhưng sự đổ tội đã bắt đầu gán cho
tại-vì-sự-quá-cuồng-nhiệt của một số thuộc cấp muốn tranh đua lập công
nên đã vượt quá xa mức mong muốn của các ông chủ. Bất cứ thể nào, dù là
những tin đồn không có cơ sở, nhưng cũng không phải là dở khi cho rằng
những chuyện như thế là có khả năng đã xảy ra. Bất cứ chính quyền nào
trên thế giới, vào bất cứ thời điểm nào, dưới bất kỳ chế độ nào đều nuôi
dưỡng một sự căm thù tàn bạo đối với những kẻ thù muốn tiêu diệt mình,
và từ đó dai dẳng truy kích kẻ thù dưới đủ loại hình thức có thể tưởng
tượng được. Khi mà những chuyện khủng bố, giết người không thể mãi giấu
giếm và bao trùm trong bí mật, vì thế chúng cũng không thể tránh khỏi bị
nhân dân khám phá, chúng bèn đổ đùn lên nạn nhân toàn những tội lỗi đầy
ô nhục, và đưa một số người ra trước những phiên toà hèn hạ và đang run
bắn, để tự trấn áp những tiếng vọng của lương tâm và cố gắng đánh lừa,
nhưng không thành công, sự sáng suốt của nhân dân.
Với những chuyến đi đày, từ quyết định của nhà cầm quyền, đều là là những chuyến có đi mà không có về, tôi sẵn sàng.
(Còn tiếp)
Nguyễn Mạnh Tường
Nguyễn Quốc Vĩ chuyển ngữ
Nguyễn Quốc Vĩ chuyển ngữ
No comments:
Post a Comment