PHẦN HAI: MỎM ĐÁ PARPEIENNE
1. Vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm
Về đến Hà Nội, tôi tràn ngập trong “vinh dự”. Khoa Trưởng của trường
Luật, một trường đang chết, Phó Chủ Tịch Hội Luật Gia, Thủ Lãnh Luật Sư
Đoàn, phó Khoa Trưởng Sư Phạm, giáo sư phụ trách việc giảng dạy về Văn
Chương Pháp, thành viên ban chấp hành Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam đồng
thời cũng nằm trong ban bí thư của Mặt Trận Tổ Quốc Hà Nội, thành viên
của Hội Huynh Đệ Việt – Pháp, Hội Huynh Đệ Liên Xô - Việt Nam, thành
viên của Uỷ Ban Bảo Vệ Hoà Bình Thế Giới, chủ tịch sáng lập Câu Lạc Bộ
Đoàn Kết Trí Thức… Đó là những “vinh dự” mà tôi mang, đủ để in đầy hai
mặt của tấm danh thiếp.
Những “khuôn mặt uy quyền của chế độ” không làm phiền đến tôi, cuộc
sống khiêm nhường của tôi cũng không bị khốn đốn, tôi cũng không cảm
thấy mình quan trọng hơn hay nhỏ bé đi. Tôi biết rõ đó chỉ là một màn
kịch, nên chẳng cần phải cảm thấy được tung hô hay bị xúc phạm. Chế độ
cộng sản rất đam mê tôn thờ chủ nghĩa hình thức: họ tràn ngập thế giới
với khẩu hiệu. Danh xưng hoa mỹ và kêu to chỉ để trang trí cho những con
rối người đang bị giật dây bởi một ai đó trong nhóm, ở trên hoặc ở phía
sau lưng họ. Những kịch sĩ đang diễn trên sân khấu đã thuộc về thế giới
xa xưa của những bộ phim câm. Thế hệ phim câm và chủ nghĩa Cộng Sản
xuất hiện cùng thời, người ta tự hỏi anh nào ảnh hưởng anh nào?
Tôi đã tự hỏi tại sao tôi lại được hưởng nhiều món hời như thế. Có
phải chăng là nhờ tôi là khuôn mặt tiêu biểu cho một phẩm chất hay đại
diện cho một cái gì đó? Tôi nghĩ là không. Điều đó không hề xảy ra dù
chỉ một thoáng trong đầu của các lãnh tụ. Họ nghĩ rằng, bằng cách đưa
một người nào đó vào chức vị cao thì họ sẽ biến người này thành một nhân
vật có tầm cỡ, cũng như thế, khi họ đẩy một người nổi tiếng vào bóng
tối là họ đã gọn gàng cắt đứt lòng kính phục mà những người này được
công chúng dành cho. Nhưng đó là một sai lầm. Đã có nhiều người được
hưởng bao nhiêu quyền lợi từ Đảng nay đã biến thành vô danh không tên
tuổi, ngay khi họ đang còn chói lọi trong chức vụ. Ngược lại, có những
người đầy khả năng và đạo đức được người đời kính trọng và tiếp tục được
quần chúng tin yêu dù họ không còn giữ một địa vị gì hào nhoáng!
Có phải chăng Đảng đã chiếu cố đến tôi và muốn thổi tôi lên, biến tôi
thành một trong những con khỉ làm hề trong gánh xiếc để chọc cười lũ
trẻ con? Đã có lần vào năm 1952, trong vùng chiến khu Bắc Việt, giữa lúc
đang kháng chiến chống Pháp, tôi được đề nghị vào Đảng, nhưng tôi đã từ
chối “vinh dự” đó. Năm 1946, trước khi tham gia kháng chiến cùng với
cha mẹ và gia đình, tôi đã hiến toàn bộ tài sản của tôi, ba căn phố ở Hà
Nội, cho Cách Mạng và Dân Tộc. Trong suốt thời kỳ Kháng Chiến tôi chấp
nhận hy sinh tất cả và cống hiến tài năng của một giáo sư và một luật
gia cho Dân Tộc. Là thành viên của nhiều phái đoàn Việt Nam trong bốn
Hội Nghị Quốc Tế, một ở Dalat năm 1946, ở Bắc Kinh năm 1952, ở Vienna
năm 1953, và Bruxelles năm 1956, tôi đã đóng một vai trò tích cực và đã
mang lại một số thành quả khiêm tốn… Cũng có thể vì đó mà Đảng đã ban
cho tôi một giấy khen bằng cách cất nhắc tôi lên những vị trí danh dự
nhưng cũng không kém phần vẻ vang tôn kính. Nhưng tôi biết là Đảng có
một trí nhớ rất ngắn, dễ dàng quên đi những thành quả của người mà họ
khen thưởng trước đây, một khi kẻ này trở nên đối tượng làm họ tức giận.
Ngay cả đối với những người cộng sản nổi tiếng đã từng chia những ngày
tù tội chung khám với những người đang cầm quyền hiện nay, họ vẫn không
thể thoát khỏi bàn tay dững dưng và tàn ác của những người này.
Trong những uỷ ban điều hành các tổ chức quần chúng, người trí thức
thường được đưa ra làm phụ tá cho những đảng viên giữ vai trò chủ chốt,
nắm tay lái và điều khiển chiếc xe. Những con rối ngồi trên bàn chủ toạ,
tuyên bố mở đầu và kết thúc Hội Nghị, nhận những tràng pháo tay nhu
nhược và vỗ trả lại những tràn pháo tay nhu nhược không kém. Sinh hoạt
này trở thành một thủ tục và một chỉ dấu cho thấy một loại hợp tác chặt
chẽ giữa người trí thức ngoài Đảng và các đảng viên. Tôi hiểu rất rõ
khía cạnh này và không hề ngạc nhiên về chuyện đó. Tôi chờ vòng thịnh
suy của luân hồi quay và chuẩn bị cho tôi chịu đựng sự thống khổ sắp đến
với một tâm hồn vui vẻ.
Trong thời gian đó ở Hà Nội, giới trí thức đang trải qua một cuộc
khủng hoảng về nhiệt tình. Phong trào Trăm Hoa Đua Nở nổi lên trên toàn
nước Việt Nam. Nhiều người, cho tới lúc ấy, nghi ngại và e dè Trung Quốc
– nhưng không chống trà và thức ăn của họ - vẫn chưa biết được mặt trái
của lá bài, dấn thân hết mình vào Phong Trào. Vắng những chứng cớ thích
đáng, không có thông tin đáng tin cậy, nhưng họ vẫn đắm mình vui sướng
trong cơn thuỷ triều đang nhởn nhơ dâng, và niềm khát khao dân chủ bị
kềm kẹp và đè nén từ lâu nay bỗng nổ bùng thành những tia sáng đầy mầu
sắc chói lọi và những chùm hoa đầy đốm lửa xanh. Một tờ báo Nhân Văn
được in ra, lập tức được độc giả nhanh chóng giành đọc. Khi tờ báo Giai
Phẩm được in ra, lòng người như sôi sục, như pháo hoa.
Khi đó Nguyễn Hữu Đang đến thăm, phỏng vấn tôi cho tờ Nhân Văn, và
mong tôi viết bài cho Giai Phẩm. Tôi đã gặp Nguyễn Hữu Đang ít lâu trước
đây khi Đang đến kiếm tôi đến gặp ông Hồ vì ông Hồ cần tôi giúp để soạn
bản luận cứ mà Chính Phủ sẽ dùng để tranh đấu trong Hội Nghị Đalat năm
1946. Đang là một đảng viên Cộng Sản mà tôi tin cậy. Thời gian đó tôi
không tiếp xúc với giới văn sĩ và nhà báo vì không có thì giờ và cơ hội.
Nhưng khi tôi được cho biết về khuynh hướng của phong trào, đường hướng
mà họ chấp nhận và bảo vệ, tôi sẵn sàng góp chút phần nhỏ mà cũng là
ước vọng và mong muốn của tôi.
Năm 1928, vào năm thứ hai của tôi ở Đại Học Luật, cái tiếp xúc đầu
tiên của tôi với chủ nghĩa Cộng Sản, vào thời đó, duy nhất là Liên Xô và
bập bẹ những từ đầu tiên về chủ nghĩa này. Trong hai giờ giảng, vị giáo
sư dạy về kinh tế chính trị dạy chúng tôi những điều căn bản về kinh tế
theo Marx-Lenin. Sau đó, trong suốt mười năm theo kháng chiến chống
thực dân, tôi được học thêm về chủ nghĩa Marx. Những giảng viên khiêm
nhường tự mình nhận là những “báo cáo viên” thường là những người đã
được qua học ở Trung Quốc, đôi khi về từ Liên Xô. Phương pháp dạy của họ
làm tôi chú ý và khám phá những đặc tính của người cộng sản. Môn học về
chủ nghĩa Marx được chia làm nhiều bài học, mỗi bài sẽ được một ông
thầy “tương lai” chuyên về một chương đó dạy. Họ thấm nhuần những kiến
thức nhồi nhét bởi các thầy giáo người Trung Quốc hay Liên Xô, đúc kết
thành bài giảng cho hai giờ học, mang bài giảng cho cấp trách nhiệm phê
bình. Sau đó họ chỉ có việc đọc bài giảng cho mọi người chép, hoàn toàn
không có ý kiến riêng vì sợ gây những sai lầm về lý luận hay chệch hướng
là những điều sẽ gây hại không nhỏ cho họ!
Tôi học được hai điều: thứ nhất, đó là những người thầy thiếu nhân
cách và cá nhân tính. Họ là người máy và có thể dễ dàng thay thế bằng
một cái máy thu băng. Thứ hai, người cộng sản khi hành xử chuyện gì, họ
chỉ làm theo cách họ, tự bó mình trong một lãnh địa chật hẹp, đào sâu
trốn kỹ, không hề quan tâm hay biết người chung quanh đang làm gì.
Tôi thật sự bị kích thích bởi phương pháp làm việc của họ và tò mò
tìm hiểu muốn biết chế độ Cộng Sản đào tạo bác sĩ y khoa như thế nào.
Một người trẻ được chọn vì được người ta khám phá rằng anh này là người
thông minh và có khả năng, ngay trong khoá học xoá nạn mù chữ, và nhất
là thái độ cuồng nhiệt đối với Đảng. Anh ta được đào tạo thành một y sĩ
giải phẫu chuyên về tay và chân. Trong năm năm, anh ta phải phục vụ như
một y tá, rồi như phụ tá trong một bệnh viện ở nông thôn, cắt mổ hàng
trăm tay chân và rồi cũng có được một số kiến thức về cơ thể học giúp
tìm dò những thớ thịt, đường gân, mạch máu của chân tay. Kiến thức của
anh ta dừng ở đó và nằm luôn ở đó.
Vì thế, nền giáo dục của cộng sản là không phí thì giờ dạy cho học
sinh những điều có tính lý thuyết hay kiến thức tổng quát. Thực tế là họ
“vừa học vừa làm”, thay vì thúc đẩy tình tò mò tìm hiểu những điều cao
xa hơn, họ lại chọn “tự đào sâu trốn kỹ” trong cái lỗ càng sâu càng tốt.
Những trường hợp thành công cá biệt lại được tung hô là tất cả, lấy
chiều sâu trùm cả chiều ngang. Trong hoàn cảnh cấp bách, để tiết kiệm
thời gian, người ta không đào tạo ai thành một “người chân chính, hiểu
biết tất cả và không phiền lòng bất cứ chuyện gì” nhưng theo lối con
buôn, chỉ một lần trao đổi mà thôi. Cần phải hiểu đây là cái logic của
chủ nghĩa Cộng Sản: để đuổi kịp chủ nghĩa Tư Bản, đạt đến trình độ văn
minh tân tiến họ không dư giả thì giờ tiền bạc để đầu tư vào lãnh vực
tổng quát và nhằm đào tạo những cái đầu biết tư duy.
Những buổi học về chủ nghĩa Marx chẳng giúp ích gì cho tôi. Những gì
tôi biết về nó là tôi đã bị kéo vào thế giới Cộng Sản từ năm 1946. Những
quan hệ với con người, những gì tôi quan sát được ở Đảng và những chính
sách của họ, ở Nhà Nước với những cơ chế của nó, những ý kiến mà tôi
được nghe, những màn kịch mà tôi được xem, cộng chung với những suy nghĩ
riêng tư đã làm tôi sinh ra cảnh giác và trở nên cô đơn. Tất cả những
chuyện đó là cách tốt nhất mà tôi tiếp cận chủ nghĩa Cộng Sản. Có thể
nói một cách chung, những người bận tâm về một vấn đề như thế thường
hành xử theo cảm xúc riêng tư và chọn một thái độ mạnh mẽ. Họ theo hoặc
chống Cộng Sản! Cá nhân tôi, tôi cho rằng cả hai thái độ đều thiếu tính
thuyết phục và công bằng, trong bản sắc cũng như khách quan. Đảng không
nuông chiều tôi, những “vinh dự” được ban bố cho tôi chỉ là một màn
trưng bày loè loẹt, cũng chẳng mang lại cho tôi và gia đình một chút gì
lợi lộc hơn những người biết tán tỉnh, cầu cạnh và biết làm cho Đảng nở
những nụ cười hả hê thoả mãn. Ngược lại, mặc dù tôi đã đưa ra những bằng
chứng không thể chối cãi được về lòng yêu nước của tôi, mặc dù tôi đã
hết lòng trung thành phục vụ Dân Tộc, Đảng cũng đành đoạn đày tôi vào sa
mạc, một cuộc hành trình mới đó đã ba mươi lăm năm qua mà tôi sẽ kể lại
những khổ đau trong những trang sắp tới. Cũng nên hiểu rằng tôi có
quyền trả thù cho những khổ đau mà tôi đã gánh chịu. Tất cả kẻ thù của
chủ nghĩa Cộng Sản đang chờ xem tôi trút những cơn giận điên người lên
chủ nghĩa Cộng Sản mà tôi là một nạn nhân. Nhưng xin mọi người hãy tha
thứ cho tôi. Tôi đã chọn thái độ của một triết gia: chỉ tìm hiểu chứ
không xử án. Hiểu biết đòi hỏi mình phải nhìn vấn đề dưới mọi khía cạnh
và dưới hai phía: mặt ưu và mặt thiếu sót, mặt trái và mặt phải của
trang giấy, sự tốt và sự xấu. Nó sẽ dẫn đến sự công bằng và người trí
thức chỉ muốn điều đúng đắn.
Không cần nhắc lại là người cộng sản đã góp phần đấu tranh cho Tự Do
và Độc Lập của Dân Tộc. Thật vậy, đây không phải là lần thứ nhất Tổ Quốc
bị xâm lăng và đã đánh đuổi ngoại xâm một cách vinh quang. Lòng yêu
nước, vì vậy, là yếu tố bất biến và nguyên do sâu xa nhất cho mọi lần
thắng giặc. Nhưng lực lượng quần chúng chưa phải là lực lượng tự mình
tiến hành giải phóng Dân Tộc. Lực lượng này chỉ phát huy được sức mạnh
và hiệu quả dưới sự lãnh đạo lão luyện của một ai biết dẫn dắt nó và làm
nó phát huy hiệu quả đến mức tốt nhất. Đó là vinh dự của những ông vua
biết giao trách nhiệm cho những vì tướng biết động viên quân sĩ kiên
quyết biểu hiện chủ nghĩa anh hùng và quyết lòng hy sinh. Đó là ba nhân
tố có tầm quan trọng như nhau mà sự luân phiên vận dụng để đi tới chiến
thắng. Thật là bất công nếu chúng ta đã công nhận sự xứng đáng của người
cộng sản rồi sau đó chối bỏ sự đóng góp của họ sau ngày thành công.
Chuyện quan trọng không phải là đưa người cộng sản lên một vị thế cao
hay đưa vào chỗ thấp, mà là chuyện định đặt họ ở đúng vị trí mà họ phải
có.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đưa Dân Tộc vào con đường Xã
Hội Chủ Nghĩa về lâu về dài là một thảm hoạ. Cái lỗi lầm kinh hoàng đầu
tiên không thể quên được là cuộc Cải Cách Ruộng Đất, nó không phải chỉ
là cuộc thảm sát hàng chục ngàn người dân vô tội, mà nó còn làm giảm sút
nghiêm trọng uy tín của Đảng và làm hại đến cái giáo điều “không bao
giờ sai lầm” của Đảng. Những cặp mắt mở to, những soi mói nhìn lại chính
sách của Đảng, và những “bộ óc biết suy nghĩ”, vội vàng tỉnh giấc Nam
Kha để tổ chức những buổi phê bình thích đáng ngay trước khi Đảng lấy
lại thế đứng và quan điểm của mình.
Cá nhân tôi, qua những quan sát, phân tích và suy nghĩ, tôi đã đi đến
một số kết luận về những sai lầm của Đảng. Thứ nhất, cái mà giáng lên
ngay cả những người ít học nhất, là thái độ nô lệ thần phục hoàn toàn
trước hai “ông anh lớn” Liên Xô và Trung Quốc. Sự thần phục hoàn toàn
không chỉ ở mức độ chủ thuyết mà họ là người biện hộ cho tính chính
thống của Liên Xô và Trung Quốc, mà còn biểu hiện ngay trong cách ăn
mặc, hội họp riêng chung, cung cách chào hỏi nhau và cả đến lối sống
v.v. Việt Nam đã mất bản sắc dân tộc để trở nên một khuôn rập phản ảnh
hai nước Liên Xô và Trung Quốc.
Cái rập khuôn thứ nhất là lãnh vực kinh tế, nơi mà chúng ta có thể
nhìn thấy cùng một chính sách kế hoạch, tự quyết định chính sách giá cả,
sự độc quyền của Nhà Nước trong lãnh vực sản xuất, thương mại trong
nước và quốc tế, những chính sách thâu tóm toàn bộ lợi nhuận, bù đắp cho
mọi lỗ lã, chọn lựa nhân sự cũng như tính toán tiền lương cho họ. Quyền
tuyệt đối và sự hiện diện khắp nơi của Nhà Nước trên toàn nước, bất cứ
chỗ nào, đã gạt bỏ mọi sáng kiến, mọi quyền lợi tư nhân, sự vắng mặt của
sự cạnh tranh, không có bất cứ một quan hệ gì giữa giá phí sản xuất và
giá bán, sẽ dẫn đến không sớm thì muộn một nền kinh tế trì trệ, đến một
nền kinh tế suy sụp, một nền kinh tế hoàn toàn được dẫn dắt bởi chính
trị, hoàn toàn quay lưng về những quy luật, những giá trị và những hiệu
quả đã được chứng nghiệm suốt mấy thế kỷ vừa qua.
Hơn nữa, chưa bao giờ người ta lại khinh miệt và hận thù luât lệ với
một thái độ láo xược như thế. Nhà Nước chỉ là bàn tay nối dài của Đảng.
Người ta cấm tiệt bất cứ mọi thứ can thiệp hay ngay cả một tia mắt nhòm
ngó vào hai lãnh vực Lập Pháp và Tư Pháp. Nguyên tắc “không thể sai lầm”
và “không chịu trách nhiệm” của Đảng đã mở cửa cho biết bao chuyện kỳ
quặc, bệnh hoạn, tự tung tự tác và hậu quả là đưa đến những hành động
phạm pháp bởi mọi tầng cán bộ, bởi các đảng viên hay những người được
Đảng nặn ra. Chưa bao giờ nhân dân lại bị đẩy vào một thế im lặng đê hèn
và tai hại; không một gợi ý, đề xuất, nhận xét hay ý kiến tư vấn nào mà
nhân dân có thể đưa ra cho nhà cầm quyền để cải thiện việc điều hành
của Nhà Nước và làm cải thiện tốt hơn cho con dân trong nước. Bất hạnh
thay, những điều Luật được “bầu” ra bởi Quốc Hội, các cấp Toà do chính
phủ dựng nên chỉ có một và một mục đích duy nhất là bắt người dân quy
phục, và tuân thủ vô điều kiện bất kể chuyện gì mà nhà cầm quyền muốn dù
là chuyện ngông cuồng vô lý nhất. Mặc dù vậy, để lừa phỉnh trong nước
và quốc tế họ luôn luôn ra rả không ngừng là họ vì dân và do dân.
Những định luật khoa học, những cấu trúc thực tiễn của một nền kinh
tế đều bị khinh thường. Niềm cả tin bất khả bại cũng như tinh thần vô
trách nhiệm của lãnh đạo làm cho những định chế Lập Pháp và Tư Pháp trở
nên vô dụng. Những tai hại đó, dưới hiện tượng siêu hình, trở lại điều
khiển mọi sinh hoạt kinh tế chính trị: đó là quy luật của sự đổi thay
đổi. Người cộng sản thường hay hãnh diện về những cái biết duy vật biện
chứng về sự thay đổi mà họ rao giảng cho hàng tín đồ của họ. Nhưng trên
thực tế họ đếch cần đến nó. Họ chỉ biết dựa ngửa trên chiếc ghế bành của
lãnh đạo, tuyên phán những câu tuyệt vời là sẵn sàng chết nơi nào mà
Đảng đã đặt họ ở đó. Mọi xúc phạm (đến chỗ ngồi của họ) sẽ nhanh chóng
biến thành một cuộc đấu tranh giành quyền lực đầy hung bạo, đặc biệt là ở
những chỗ ngồi cao cấp; kẻ nắm ghế quyền lực không dễ dàng tự ý nhường
ghế cho ai! Vì thế trật tự kiểu lão làng là chỉ thị hành động cho những
người cộng sản. Nhưng trong kinh tế, sản xuất và thương mãi, chính tính ù
lì không thay đổi này đã gây ra những phiền phức đầy tai hại. Trong một
thế giới hiện đại, nơi mà cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đã phát
triển tột bực, những phương thức sản xuất, giao thông, viễn thông, tin
học, sự chuyển dịch của con người và hàng hoá, tất cả mỗi ngày mỗi thay
đổi nhanh chóng. Đã phải mất mấy ngàn năm con người mới biết định cư
định canh trong nông nghiệp và cho loài người phát triển tiến lên; phải
mất mấy trăm năm để con người khám phá ra nguồn năng lượng mới khởi đầu
cho nền văn minh máy móc, cho phép kỷ nghệ được phát triển dưới nhiều
hình thức. Khoa học kỹ thuật đã mất chừng ba thế kỷ để khám phá ra những
bí mật của thế giới vĩ mô và thế giới vi mô, khám phá ra những nguyên
liệu mới khó tin nhưng đầy tuyệt vời, bảo đảm cho một chiến thắng tuyệt
vời trên điện tử và xử lý thông tin. Một triết gia người Hy Lạp đã đưa
ra một hình ảnh gây ấn tượng sâu sắc về tính thay đổi của sự vật khi nói
“Con người không bao giờ hai lần tắm cùng một nước sông”, ngược lại
người cộng sản cứ khư khư chối bỏ không chấp nhận sự thay đổi, luôn luôn
bảo vệ tính “liên tục” của các định chế kinh tế và chính trị của họ,
đồng thời bám rễ luôn vào chỗ ngồi của mình.
Đối diện với một hoàn cảnh như thế, làm sao tôi có thể góp sức gì cho
Phong Trào Trăm Hoa Đua Nở? Tôi sẽ không tham gia bàn cãi về những vấn
đề lớn. Tôi sẽ chú tâm vào những điều chi tiết nhưng đó là những tiêu
chuẩn của một nền dân chủ: Tôi mong rằng những kẻ lạm quyền nên bớt khắt
khe, đừng bịt họng Mặt Trận Tổ Quốc, rằng họ nên chấm dứt việc đòi Thẩm
Phán phải hỏi ý kiến xin chỉ thị của Đảng cho những vi phạm Luật hay
những án hình sự. Đối những chuyện nhỏ nhặt cần chi phải ồn ào, như
người đời thường nói. Tôi không phải là một chiến sĩ, lại càng không
phải là kẻ bạo gan. Tôi không có một chút thich thú gì về chuyện xung
đột, nhất là khi một thanh kiếm gỗ phải chiến đấu với thanh kiếm sắt.
Những đồng nghiệp khác của tôi ở Đại Học như Giáo Sư Đào Duy Anh, sử gia
và là một nhà Trung Quốc Học, triết gia Trần Đức Thảo, nhà phê bình văn
học Trương Tửu cùng dấn thân trong cùng khuynh hướng dân chủ và cùng
giữ mình cẩn thận đối với những người cầm quyền mà ai cũng biết là nổi
tiếng đao phủ, tàn bạo thời trung cổ, tất cả đều dấu mình thô thiển dưới
danh nghĩa “đấu tranh giai cấp”, chiến đấu cho chủ nghĩa Marx.
Giới sĩ phu Việt Nam, nhất là ở Hà Nội, đa số - ít nhất là những
người cầm bút và còn quan tâm đến tự do và liêm sỉ của người trí thức,
kể cả những nhà văn còn trong bộ đội – Bộ Đội, như đã từng được biết, là
thành trì của tinh thần cách mạng trong sáng và chính thống - đồng tâm
đứng lên theo tiếng gọi của dân chủ và tố cáo sự bạo ngược đối với những
sinh hoạt trí thức.
Về sau này, Việt Nam còn nghe được những tin khủng khiếp động trời về
vụ tàn sát dã man của Hồng Vệ Binh bên Trung Quốc do nhà cầm quyền ra
lệnh.
Những tin tức nhận được ở Việt Nam cho thấy cuộc “Cách Mạng Văn Hoá”
chỉ đơn thuần là một cái bẫy đưa ra để thanh toán những kẻ thù của chế
độ Mao. Nạn nhân, dĩ nhiên, là bao gồm giới trí thức đã quá ngây thơ tin
vào lời nói của bọn cầm quyền độc tài và đã hát lên bài thánh ca dân
chủ hiến dâng cho giới chức quyền của của Vương Quốc Thiên Triều, và gồm
cả những người cộng sản với một quá khứ không tì vết luôn sẵn sàng quy
phục dưới thế lực của Đại Vương. Từng bầy Vệ Binh Đỏ tràn khắp đất nước,
sôi sục hận thù với những kẻ thù của Chủ Nghĩa Xã Hội, phát tiết sự
hung bạo cuồng tín tấn công khắp nơi chỉ bằng vào những lời hứa thần kỳ
của lãnh đạo. Chúng tấn công những người vô tội không phương tiện tự vệ,
những nạn nhân của những những tên sát nhân đầy mặc cảm tự ti mà sự
điên tiết và tàn bạo luôn được nhà cầm quyền khuấy động. Máu đã đổ thành
dòng, nhân dân Trung Quốc đã phải ướt chân để vượt qua những cơn thuỷ
triều đỏ màu máu, mắt của họ đỏ lên màu đỏ của những lá cờ, biểu ngữ, cờ
hiệu đang hể hả tung bay trên những nóc nhà và trên những buyn đinh.
Nhưng khi cuộc diệt chủng đến thời kỳ cuối, không còn ai để cắt cổ, thì
bọn Vệ Binh Đỏ lại tới phiên mình gục ngã dưới lằn đạn của những khẩu
súng máy ngã nhào vào những chiếc mồ chung, cũng từ lệnh ban ra từ những
tên quỉ dữ không còn muốn giữ lại một nhân chứng sống nào cho tội ác
của chúng! Qua thế giới bên kia, nạn nhân và kẻ giết người sẽ gặp nhau
và cùng khóc những giọt nước mắt đắng cay với ảo tưởng đã chết và một
niềm tin bị phản bội. Cách Mạng Văn Hoá đã buông màn phủ lên cái chết
của những người có văn hoá và lên cái chết của chính cái gì gọi là Văn
Hoá.
Ở Việt Nam, người ta bắt đầu vụ xử án liên quan đến những người viết
văn, làm báo, thầy giáo mà lý do duy nhất là họ dám diễu cợt trên cái kỳ
quặc và nực cười của những người cộng sản. Họ bị kết án là đã bắn mũi
tên vào trí tuệ của lãnh đạo, của lực lượng vũ trang. Những kẻ cứng đầu
ngoan cố này bị kết án là chống Đảng và làm nhiễm độc Cách Mạng. Nhưng
trong kho công cụ trấn áp lại không có loại văn bản nào nói về mấy tội
trên. Mặc kệ, họ có thể làm ra ngay một cái. Nhưng văn bản để áp dụng
biện pháp trị tội lại không thể có hiệu lực hồi tố. Như trong thời kỳ
Thượng Cổ, luật pháp là điều bí mật mà các Pháp Sư và quan toà nắm độc
quyền. Không còn gì kinh hoàng hơn là Nhà Nước Cộng Sản đã vực dậy những
thứ đã thành quá khứ từ hàng ngàn năm nay để nhảy xổm lên trên Luật
Pháp và dùng nó duy nhất là để cô lập, tiêu diệt những người mà họ nghi
là có tư tường xét lại chống Đảng, cóc cần biết đến cái gì là công lý và
công bằng! Tại sao mọi người phải quan tâm đến chuyện văn bản trong khi
quyền lực chỉ ở trong tay một kẻ độc tài?
Một logic như thế chỉ cho thấy mùi vị của một thứ luật rừng, của
những bộ lạc rừng rú. Có luật gia nào trung thành với thiên chức của
mình lại chịu đánh mất lương tâm, chịu nén cơn thịnh nộ để làm vui lòng
những lãnh đạo chính trị mà họ đang đợi mong những điều kỳ diệu? Nhưng
thời nào, bao giờ cũng có kẻ sẵn sàng đứng ra làm công việc hèn hạ kết
án những người trí thức mà chính họ cũng thừa biết những người này là vô
tội đối với Luật Pháp. Tên quan toà đó, tiêu biểu nhất cho loại người
cam tâm làm đầy tớ. Và đây là chân dung của loại thẩm phán đó.
2. Ông quan toà Việt Nam
Ông ta sinh ra ở một thành phố mà nơi đó đã sản sinh ra bao nhiêu
người đi làm Cách Mạng. Trong thời đại ngày nay ở Việt Nam, tinh thần
địa phuơng trở nên mạnh mẽ. Địa phương nào cũng khoe khoang về những sản
phẩm, tài nguyên thiên nhiên, những thành công về nông nghiệp, thủ công
mỹ nghệ, nền công nghiệp đang khởi sắc, và dĩ nhiên là những nhân vật
tài ba của mình. Trước đây, điều nhấn mạnh là những nhà thơ, những tướng
soái hay những công thần đã phụng sự đắc lực cho triều đình và cho dân
địa phương. Ngày nay, cách làm thì khác đi, người ta tán dương những giá
trị Cách Mạng, những “anh hùng” được tôn lên thành “Trời” và đã có được
tới những ba mươi tuổi Đảng. Mỗi năm, Trung Ương Đảng mời họ dự những
buổi lễ chính thức, và ít nhất một lần, những người cùng quê quán lại
cùng nhau họp mặt thân hửu và đôi khi chè chén với nhau.
Hắn có một khuôn mặt gầy với hai gò má nhô ra chai cứng khắc khổ. Đôi
mắt thiếu tinh anh với nụ cười gượng gạo không chút vui vẻ. Hắn gầy như
một nhà tu khổ hạnh, dường như là hậu quả của một đời sống thiếu thốn
vật chất, không phải để hắn được sinh ra để dễ dàng tán gái mà chỉ để
hắn chỉ có lo học và thức đêm để học. Người ta cho rằng hắn đã cùng đồng
hành với những luật gia đã sưu tập bộ sách Luật Dallos and Sirey. Mặc
dù còn trẻ tuổi, nhưng hắn đi đi lại lại với vẻ mặt khó khăn và nghiêm
chỉnh của một quan xử án thời Trung Cổ. Thầy bói có thể tiên đoán là
tương lai hắn sẽ là một quan Toà: chưa bao giờ người ta thấy hắn không
mang theo một chiếc cặp da đựng đầy giấy và sách! Hắn học giỏi và đã lấy
một bằng Cử Nhân Luật.
Thời hắn tốt nghiệp, đa số bạn bè chọn làm việc trong chính quyền
thực dân và đặc biệt là thành những kiểm soát viên hay thanh tra Thuế
Vụ, thư ký Toà Sơ Thẩm hay Toà Phúc Thẩm trong hệ thống Tư Pháp của
Pháp. Với những công việc đó họ hưởng mức lương bổng hậu hĩnh, sống ở
các thành phố và sống một cuộc đời sung sướng. Ông quan của chúng ta lại
chọn đi làm quan cho Triều Đình, có thể ít tự do hơn nhưng lại hưởng
lợi tức nhiều hơn nhờ hối lộ từ đám con dân mà ông ta quản lý.
Dĩ nhiên, nghề làm quan triều đình tuy bị báo chuyên châm biếm Phong
Hoá và Ngày Nay tha hồ diễu cợt cũng mang lại đôi vẻ uy danh, không phải
vị bị diễu là “cha mẹ của dân” mà là do những lợi ích của giàu sang:
một biệt thự sang trọng ở Hà Nội, một chiếc ô tô mới tinh, chiêu đãi
khách ở những nhà hàng Tàu lớn ở phố Hàng Buồm, những buổi tiệc tùng ở
những hộp đêm mà những cô nàng dễ dàng và trẻ đẹp tự gọi mình là “ca ve”
sẵn sàng cung ứng những bản nhạc không gì khác hơn là những bản nhạc
của thân xác trần truồng!
Vì thế, người anh hùng của chúng ta tự biến mình thành mệnh quan của
Triều Đình, chấp nhận cứng đầu không ngán búa rìu báo chí, bỏ túi đầy
phẩm vật hiện đại và tham gia một giai cấp mà phẩm trật và khuôn phép là
một chuyện đáng phiền và ngay cả nhục nhả. Người đời tin rằng ông ta
chọn ra làm quan là vì hám lợi và khát quà hối lộ. Dường như hắn ta đã
bỏ lại sau lưng làng huyện của hắn những tiếng thơm của những ông quan
ngày xưa đầy trung chính. Vì lẽ nào mà hắn chọn làm quan cho Triều Đình?
Nhưng có cần phải tìm hiểu tại sao không? Cái chính yếu đáng quan tâm
và sau này cũng sẽ được nhắc lại nhiều lần là sự việc ông ta là một viên
quan của Triều Đình Huế.
Sự thành công của Cách Mạng đánh tiếng chuông cáo chung nền phong
kiến. Ngôi vua của Bảo Đại sập đổ trong sự dửng dưng của mọi người. Vai
trò quan lại chết theo, không người thay thế, toàn bộ quan lại sâu bọ
cũng sụp đổ. Ông quan “cha mẹ của dân” cố làm mọi người quên mình, sau
khi đã cưỡng đoạt bao nhiêu là tiền của “con” dân, đã tỏ ra bao nhiêu
công bộc tôi tớ cho cấp trên người Pháp và Việt Nam. Sự thay hình đổi
dạng nhiều khi thật lạ lùng.
Ông luật gia của chúng ta lột xác quan triều để chọn tham gia Toà Án
của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Chọn lựa của ông ta thật đầy ý nghĩa
và cho thấy một vài góc cạnh của tâm hồn: khao khát uy quyền và sức
mạnh dưới hai khía cạnh: tuân phục kẻ trên, chà đạp kẻ dưới.
Từ khi ông ta được bổ nhiệm làm thẩm phán của Toá Án nhân Dân, tôi có
nhiều dịp cãi trước mặt hắn, trong những vụ án dân sự lẫn hình sự. Tôi
không bỏ một cơ hội nào để nắm bắt những nét cá tính: tôi để ý nghe một
vài giọng điệu của ông ta, cùng lúc những lúc nhíu mày, lúc quắc mắt,
tất cả những thứ ấy làm tôi nghĩ đây là người nghĩ nhiều về bản thân và
khinh khi những ai không có trình độ trí thức và xã hội như ông ta.
Trong một vài lần găp lãnh đạo chính trị khá cao mà ông ta chờ nhận chỉ
thị, tôi thấy dưới bộ mặt tỏ vẻ tôn kính là những kiêu hãnh cá nhân đang
giấu mặt; ông ta cảm thấy mình cao hơn người đối thoại và thường là do
những câu trả lời bén nhạy của ông ta quá đủ để cho thấy như thế. Hắn có
tư cách và cá tính, và không cho phép ai chà đạp lên đó. Có thể, như
trong vở kịch La Bruyère, ông ta phải hạ mình để phục vụ cho những kẻ
không thể ngang hàng với mình. Hắn bị tấn công cùng một lúc cả hai thứ
mặc cảm tự ti và tự tôn, làm cho hắn trở nên thù nghịch với các ông lớn
và hận ghét các ông nhỏ. Hắn che giấu cái quyền uy của hắn trước các ông
lớn nhưng lại ra quyền đối với các ông nhỏ. Được bổ nhiệm làm Thẩm Phán
Toà Phúc Thẩm và trong khi chờ được đi làm Thẩm Phán Toà Án Tối Cao hắn
nén lòng chận cơn khát một vinh quang hạng ba nên đã gia nhập Đảng Xã
Hội, một đảng được lãnh đạo Cộng Sản đẻ ra để lường gạt dân chúng trong
nước và quốc tế, hầu có cái môn bài “đa nguyên” rẻ tiền để tập hợp giới
trí thức vào ủng hộ lý tưởng cộng sản. Hắn cũng đã thành công kiếm được
chức Tổng Thư Ký của đảng Xã Hội phân bộ Hà Nội và làm đại biểu cho đảng
này trong ban Chấp Hành Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Hà Nội. Với tham
vọng và cơ hội chủ nghĩa hắn vẫn không làm sao thoả mãn được với những
chức vụ “to lớn” mà hắn đang có, cũng như một loại người bắt cá hai tay
để rồi chẳng được con nào, hắn bám đuôi các nhà lãnh đạo nhưng cũng
chẳng hưởng được một ban bố hay che chở nào.
Đảng Cộng Sản rất khôn ngoan sắc sảo: trong chính sách Hoà Hợp Dân
Tộc mà họ chủ trương qua trung gian của Mặt Trận Tổ Quốc, tất cả để che
đậy một mục tiêu thầm kín nhưng với biểu lộ bề ngoài là rộng lượng khoan
dung; họ tự kềm chế để tránh việc làm cho cả một tầng lớp quan lại trở
thành kẻ thù không đội trời chung với họ. Họ ban phát cho mấy quan một
chút vuốt ve, một vài nụ cười thân thiện để mấy quan yên lòng và thậm
chí bổ nhiệm một vài quan vào những chức vụ công quyền chính thức. Họ sẽ
không thể kiếm được những tôi tớ nhiệt thành hơn là những tay có một
quá khứ “tì vết” và những kẻ chỉ có một nhu cầu thúc bách là được chuộc
lại “lỗi lầm” trong quá khứ. Không người đàn bà nào có thể tỏ mình là
người đoan trang hơn là những cô gái già. Một khi Đảng đã nắm chắc sự
hiến dâng tận tụy của đám người đoan trang kiểu gái già đó, xem như Đảng
đã mở rộng tầm nhìn, sự độ lượng bao dung hoàn toàn không có thành kiến
và ý đồ trừng phạt trả thù.
Nhưng kẻ được nghe câu “chúng ta hãy làm bạn với nhau…” thật không
cảm thấy an lòng. Vì vậy, để giữ cho mình chút tự trọng và để đảm bảo
được chủ mới tin tường, hắn chơi trò hàng hai: độc tài trước công chúng
và khúm núm xum xoe những khi gặp cấp trên. Hắn càng tỏ ra quyền uy ở
chốn công, thì hắn lại càng khúm núm ở nhà riêng của ai đó. Nhưng hắn
không thể lường gạt ai, kể cả hắn.
Ông quan Toà nhà ta đã làm cho mình được mọi người biết đến qua một
vụ xử án quái lạ duy nhất được biết trong lịch sử ngành tư pháp văn minh
ngày nay. Một ít lâu sau khi tiếp quản Hà Nội, các lãnh đạo cao cấp đã
cho lệnh đưa ra toà để kết án một giáo sư dạy văn đã đầu độc tâm hồn
sinh viên vì đã giảng dạy bài văn có tên là “Sự Cách Ly” (“L’Isolement”)
của nhà văn người Pháp Lamartine. Ngàn xưa từ thời Socrates, ai cũng
biết là, khi nhà cầm quyền muốn bắt kẻ sĩ nào đó uống thuốc độc thì chỉ
cần gán tội cho họ là đã đầu độc tuổi trẻ. Đảng Cộng Sản đã vực dậy một
thủ đoạn đã dùng hai ngàn năm trước. Trong mọi thời đại, kẻ độc tài luôn
kiếm cách xếp đặt nhân dân theo khuôn mẫu họ muốn, đặc biệt là giới trẻ
là những kẻ đang nắm giữ tương lai. Tất cả đường lối giáo dục đều phát
xuất từ đường lối chính trị chính của họ như là một hệ luận đương nhiên.
Học đường phải là nơi đào tạo những người mà sau này phải chăm lo cho
đường lối của nhà cầm quyền. Mọi chệch hướng trong giáo dục cũng đồng
nghĩa là đi sai đường lối chính trị mà lãnh đạo đã đưa ra.
Đây chính là cái logic của mọi chuyện! Nhưng điều thảm khốc ở đây là
cái logic như thế lại phải cưu mang một cái gì đã lạc hậu nặng nề hơn
hai ngàn năm nay. Có ai dám tuyên bố là Chủ Nghĩa Cộng Sản là chỉ mang
lại tàn phá trong quá khứ? Tôi không đặt vấn đề một cách chủ quan là
giáo dục là để cho nhà nước hay cho con người? Tôi nhấn mạnh ở đây, duy
nhất trên sự kiện là nền giáo dục cộng sản tự cho mình cái bổn phận đào
tạo người cho nhà cầm quyền, sao cho người ấy hết lòng làm việc cho
chính quyền và tất cả phải làm sao cho giáo dục đạt được điều đó.
Trong những điều kiện đó, con người được đào tạo bởi nhà cầm quyền
chỉ là một công cụ để thi hành những chính sách cầm quyền và không là gì
khác hơn. Người ta tự hỏi đây là thứ chủ nghĩa xã hội loại gì mà không
ai thấy có bất cứ nơi đâu nếu có chăng là ở trong trí tưởng tượng của
những nhà lý luận. Mặc kệ! Những nhà lãnh đạo hãnh diện với chủ nghĩa
thực dụng và chủ nghĩa duy vật của mình, phê phán chủ nghĩa duy tâm dưới
mọi hình thái, đã vận dụng trí tưởng tượng của mình mà xây nên một hình
mẫu chủ nghĩa xã hội. Bằng cách chiết xuất vô tư đủ thứ lý thuyết, họ
nhồi nhét vào một hình mẫu con người xã hội chủ nghĩa với đủ thứ nết
tính tốt đẹp: cứ đọc những văn kiện lập pháp, những thông tư hành chánh,
đủ thứ văn bản mà từng đoạn văn dài dành đề ca tụng chủ nghĩa cộng sản
đang lang thang trên thiên đường của ảo tưởng. Trong những điểm đặc
trưng của con người xã hội chủ nghĩa của ngày mai của họ, điểm nhấn mạnh
là niềm vui sống, lạc quan chủ nghĩa. Nếu sự thật là thế, là chủ nghĩa
xã hội mang đến hạnh phúc cho người dân thì quả là họ đã được thăng hoa
trong cuộc sống với thứ chủ nghĩa lạc quan. Các nhà lãnh đạo đã có thấy
chăng là đời sống trong chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa của họ hiện đã trở nên ủ
ê ảm đạm, con người bị trói cột dưới sức nặng của bao nhiêu cấm đoán và
thiếu thốn, kéo dài những ngày tăm tối và họ đang bị đẩy vào buồn tủi
và vô vọng? Mặc dù với đủ mọi chuyện, nhưng có một chuyện không chối cãi
là dưới mắt người cộng sản, sự thất vọng, thờ ơ hay bi quan là những
chứng cớ tiêu cực về tinh thần, chệch hướng về chính trị, phản động và
có ý chống phá Cách Mạng.
Điều bất hạnh là một đã khi nắm được chính quyền và đang chờ thời cơ
để tiến hành những cải tổ, lãnh đạo mới tuyên bố sẽ giữ nguyên trạng mọi
việc như cũ. Khi những thành phần ưu tú và một số công chức cũ bỏ ra
nước ngoài, những người còn lại vẫn giữ nguyên chức vụ và tiếp tục hưởng
mức lương cao như ngày trước; chính chuyện này đã gây nên những xung
đột giữa những kẻ “hợp tác” (với Pháp) và những người của Kháng Chiến.
Đó là trường hợp các giáo chức. Giáo viên dạy Khoa Học thì không sợ gặp
vấn đề vì lẽ Khoa Học không có gì gọi là mang tính phản động. Trong khi
đó, giáo viên dạy Văn vẫn tiếp tục dạy thơ văn vì chương trình giảng dạy
vẫn chưa thay đổi. Vì Lamartine là bài khởi đầu của một số tiểu thuyết
lớn, nên ông giáo nhà ta không thể nào loại bỏ nó trong chương trình
học. Vì thế ông giáo bị kết án giải trình rằng phân tích cuốn Nỗi Cô Đơn
(Isolement) của Lamartine thấy diễn tả tình trạng suy sụp tinh thần,
bất mãn chán chường của đời sống từ khi có cuộc Cách Mạng (Tư Sản) 1789,
và trong nỗi chán chường và cô đơn tác giả thiên về một đầu tranh cho
một thế giới mà ông ta tìm được hy vọng và tình yêu...
Trong thời đó, khẩu hiệu tuyên truyền là “kẻ thù vẫn còn khắp mọi
nơi, tay sai của nó vẫn còn ở khắp nơi”. Việc duy trì an ninh đòi hỏi
một đề cao cảnh giác cao đến mức báo động, việc gửi những tay công an
mật vào tất cả những cuộc hội họp, cũng như việc trưng dụng những tay
làm mật báo nghiệp dư hay tự nguyện liên tục rảo quanh các con đường,
vỉa hè, vườn hoa hay công viên công cộng, trong những quán cà phê, rạp
chiếu bóng hay nhà hát, nhà nghĩ hay những toà nhà công cộng… Tất cả thư
tín cá nhân đều được ghi danh sách và kiểm tra, kiểm soát thư tín xảy
ra ngày đêm, tất cả các máy thu thanh cá nhân đều được theo dõi nhất là
vào những giờ mà các đài phát thanh nước ngoài hoạt động. Trong công sở,
ngoài những người mặc đồng phục, còn có những phòng chứa đầy do thám
tai giương to, mắt mở lớn. Những giao tiếp giữa những người với nhau,
nhất là với người nước ngoài là đối tượng đươc đặc biệt kiếm soát và
không ai ngạc nhiên khi thấy thư từ gửi cho mình tự biến mất trên đường
đến nơi nhận. Đối với những tay mật thám chuyên nghiệp, được đào tạo bài
bản và có ít nhiều kinh nghiệm thì người bị theo dõi rất khó nhận biết,
nhưng ngược lại với những tay không chuyên, nóng lòng kiếm công để lập
với cấp trên ở địa phương thì rất dễ biết và chỉ cần một hai mưu mẹo là
có thể chơi chúng nó được rồi. Cả Hà Nội là cảnh tượng một đám hình nộm
hay là một sân khấu đang có những người đang khoa chân múa tay với ánh
mắt bất động, diễn tuồng trong câm điếc, như những người máy cử động
được là nhờ những chiếc lò xo gắn bên trong. Nhưng đằng sau bức màn sân
khấu, đằng sau góc nhà, ở góc vỉa hè, trong những câu chuyện giữa hai
người, những điệu bộ châm biếm diễu cợt đã xuất hiện, để trả thù cho
những ngày sống không được nói và phải luôn sống với quán tính cẩn thận
dè chừng, như khám phá ra những điều quái gỡ, rồi bật phá ra cười bằng
cách bắt chước giọng điệu hay cung cách của nhà lãnh đạo.
Trong các Đại Học, trong các phân khoa, trong mỗi lớp, trong mỗi buổi
học, suốt cả năm, trong đám sinh viên luôn có những tay làm do thám. Có
hơn một giáo viên thuộc thành phần kháng chiến lo theo dõi các đồng
nghiệp, bất kể những người này thuộc thành phần “hợp tác” hay “kháng
chiến”, tố cáo với thẩm quyền trực tiếp về những cái gọi là những sai
lầm tư tưởng, những chệch hướng mà các giáo viên đã từng ăn lương của
chính phủ Đông Dương và nay vẫn còn tiếp tục hưởng lương của chính phủ
Cách Mạng. Họ, những giáo viên thuộc thành phần “không kháng chiến” bị
khinh khi chỉ vì họ không có một chút hy sinh nào cho Kháng Chiến trong
thời kỳ bí mật, họ trở nên đối tượng ganh ghét vì mức sống họ cao so với
người khác. Chuyện bất công như thế nên được chấm dứt. Khi mà Đảng và
Nhà Nước cần phải tránh bị mang tiếng là tiền hậu bất nhất không biết
giữ lời, một số tay “cựu hợp tác” đã được Đảng mua chuộc “thông cảm” mà
tự ý đề nghị phải “công bằng” với tất cả về chế độ lương bổng. Như thế
làm thế nào mà lãnh đạo không cảm động bởi một thỉnh cầu đúng đắn, phải
lẽ và chân thành như thế, nhất là lại nằm trong chính sách hoà hợp dân
tộc của Mặt Trận Tổ Quốc? Mặc dầu giúp Kho Bạc Nhà Nước lúc nào cũng
thiếu hụt, tiết kiệm được chút tiền và mặc dù có sự cằn nhằn của các
người được ưu đãi trước đây, và đặc biệt là các bà từ nay phải thắt lưng
buộc bụng, bầu không khí trở nên hân hoan: Nhà Nước tiết kiệm được một
giọt nước trong biển cả của thâm thụt, người xuất thân “kháng chiến” từ
nay thấy được một chút công bằng, người thuộc chế độ cũ, sau những chịu
đựng từ hôm mồng 4 tháng 8, từ đây có thể ngẩng mặt cao và xem mình đứng
ở thế ngang tầm với các đồng nghiệp xuất thân kháng chiến.
Trong hoàn cảnh đầy hân hoan như thế, cuộc xử án vị giáo viên dạy Văn
bị kết tội là đã làm hư hỏng thanh niên và đầu độc tâm hồn họ kắt đầu.
Kẻ bị kết án được khuyên là không nên tìm luật sư biện hộ cho mình vì lẽ
một luật sư giỏi, nổi tiếng là rất hiếm hoi, mà ngay có được một, thì
ông ta cũng là một loại người cứng cựa đối với những người cộng sản,
những người đã từng có những kinh nghiệm kinh hoàng với luật và những
luật sư thời trước.
Cho ngay đến những người không thường có thói quen suy nghĩ sâu trên
một vấn đề, mọi người đều cảm thấy ý nghĩa của một vụ án như thế này. Nó
nhắm biểu diễn cho những người tham dự phiên toà thấy một Nhà Nước rất
nghiêm chỉnh trong việc điều hành luật pháp một cách công bằng. Đây là
một mẫu mực trong việc điều hành của chính phủ và những việc hành chánh
sáng tạo bởi chủ nghĩa Cộng Sản, mà theo đó tất cả những sinh hoạt chính
quyền là để giáo dục quần chúng và hướng họ đến việc tôn thờ Đảng Cộng
Sản, tôn thờ những kẻ lãnh đạo Đảng và chủ nghĩa Cộng Sản mà họ tự là
người đại diện. Những điều luật và nghị quyết ban hành, những văn bản
phổ biến đến tất cả các cơ sở giáo dục, từ cấp Tiểu Học đến cấp Đại Học,
những buổi hội thảo công cộng do những diễn giả chuyên nghiệp hướng
dẫn, những bài xã luận, những cuốn sách được xuất bản, những phiên toà,
những cuốn phim được chiếu, những buổi mít tinh được tổ chức, những
tuyên bố đưa cho báo chí, tất cả đều phải đặt mình vô điều kiện và tuyệt
đối, hiến thân trọn vẹn vào đường lối chuyên chế của Đảng, một đảng
không giống bất cứ đảng nào mà phải là Đảng với chữ Đ luôn luôn được
viết hoa. Tất cả những người đi kháng chiến trong thời kỳ bí mật đều
hiểu được rằng muốn được vào Đảng, họ cần phải sẵn sàng hy sinh tất cả,
nếu cần phải làm tội ác cũng phải làm. Mỗi người đều phải trải qua những
ngày tập huấn rồi tái tập huấn theo một khuôn đúc đã được định sẵn.
Trong thời gian đó họ được khai tâm học tập, họ không cần đếm xỉa gì đến
những giá trị nhân bản, chỉ cần chuyên chú vào việc tôn thờ một vị chúa
tể duy nhất mà cái tên được người ta dựa vào để sinh ra những ý tưởng
kinh hoàng và làm những việc nhơ nhuốc nhất đều được cho phép! Con người
bị biến thể, tự biến mình thành những người máy đem tất cả tâm trí và
linh hồn để phụng sự cho chiến thắng của bản năng và thú tính, hay đúng
hơn là sự chiến thắng của sự thấp hèn và ghê tởm.
Những người kháng chiến đều biết trước diễn tiến của vụ án. Họ đều
biết vị chánh án của phiên toà là người có một quá khứ nặng nề của một
viên quan của Triều Đình; và mặc dù ông ta đã thành tâm một cách không
chối cãi, nhưng chưa bao giờ đạt được những vinh dự mong muốn, rầu rĩ và
mụ người trong cái tầm thường dù đã được mạ vàng sáng láng. Khi ông ta
được bổ nhiệm làm thẩm phán xử án, ông ta như bị xâu xé bởi một mâu
thuẫn nội tâm. Một mặt, sau những năm học Luật, tốt nghiệp và đi làm
quan, ông ta có được một sự cân bằng nào đó về kiến thức và ý niệm đạo
đức trong bản thân. Nhưng ông ta lại muốn cái “tội ác” ngày xưa được tha
thứ theo như cái nhìn của những người Cộng Sản – cho hắn có lại một sự
“trinh bạch” để được gia nhập vào giòng người sạch sẽ và trắng ngần hôm
nay, để đạt tới một tương lai huy hoàng ở ngày mai, phù hợp hơn với khát
vọng và tương lai của mình. Ông ta là hình ảnh của một con giun đang
quằn quại mà không biết mình nên tiến hay lùi. Khởi thuỷ cuộc đời hắn,
việc chọn đi làm quan cho thấy cái chủ đích thấp hèn và cái ước vọng ác
đức của hắn. Một ông chủ tư bản bóc lột công nhân, đẩy người này vào
nghèo khó, bóc lột họ đến tận cùng của sức lực. Nhưng một ông quan triều
vơ vét tiền của dân, nhẫn tâm trên đủ thứ tội ác, trên hàng vạn con
người trong vùng cai trị của hắn. Để nịnh nọt, người dân gọi các quan là
“cha mẹ của dân”. Nhưng giữa họ với nhau, họ coi ông quan như là một
thứ ký sinh trùng của dân. Chuyện cũng dễ hiểu khi ông quan còn mang
trong lương tâm cái mặc cảm của quá khứ. Ông ta cũng hiểu rằng đang có
nhiều cặp mắt đang nhìn, không phải duyên cớ nào khác hơn là để “thử
thách” khi giao cho ông nắm phiên toà xử tội một người trí thức có tư
tưởng chống lại đường lối của Đảng. Trong tình cảnh như thế, ông quan
Toà nhà ta không thể nào xử một cách công bằng không thiên vị và phải
như Luật đã định.
- Bị cáo! Ông có nhận thấy là ông có tội là đã dạy cho thanh niên của
chúng ta một loại Triết lý đầy thê lương, mất niềm tin, bi quan trong
khi Đảng của “chúng ta” được giao phó trách nhiệm tuyên truyền cho sự
lạc quan, hy vọng và vui sống?
- Thưa ngài chánh án, làm sao tôi biết được là Đảng đang dạy về một
cuộc sống đầy niềm vui, hy vọng và lạc quan? Theo chỗ tôi biết, những
người làm việc cho chế độ cũ được chính phủ kháng chiến giữ lại làm việc
chưa bao giờ học hay đọc bất kỳ ở đâu là Đảng đã dạy những điều như
thế. Ngay cả điều đó có thật, tôi cũng ngại rằng một nền giáo dục như
thế khó mà đạt được kết quả. Thực vậy, lãnh vực cảm tình không phải là
đối tượng nằm trong phạm vi quyền hạn của thế quyền. Những gì xảy ra
trong nội tâm của con người nó không biết về những qui luật về logic và
lý lẽ, những ràng buộc về luật lệ, công lý và ngay cả về đạo đức. Một
cảm xúc được hình thành, lớn lên, tàn phai rồi biến mất hay tự mình biến
thể tùy theo những thôi thúc, kích động hay những tác động bởi thế giới
bên ngoài và tùy theo cá tính chủ quan của con người trong một nền luân
lý, nếu tôi có thể nói thêm về nó, là có liên quan đến con người khi
mỗi người thu nhận hay gạt bỏ những gì đến từ môi trường chung quanh
theo cách riêng của họ. Đây là lãnh vực mà quyền lực muốn áp dụng những
điều răn dạy để chứng minh niềm kiêu hãnh của mình thì cũng sẽ buông tay
chịu thua. Nhà chính trị có thể mong muốn mang lại cho nhân dân hy
vọng, niềm lạc quan và vui sống. Nhưng việc làm không đi đôi với lời
nói, nếu nhũng thực tiễn không đi theo những lý thuyết trừu tượng thì
chẳng có chuyện gì xảy ra ngoại trừ chuyện làm phù thuỷ bắt ma! Hy vọng
không thể có nếu không có lý do nào để hy vọng và cũng chẳng có gì để mà
hy vọng. Lạc quan và vui sống sẽ thấm vào lòng người khi mà ở đâu cũng
có trật tự xã hội và phồn vinh, có tối thiểu tự do và có những quyền mà
một xã hội loài người văn minh đòi hỏi phải có. Người ta có thể thành
điên khùng như lão Don Quichotte khi bị tay Dulchinée mặt mày nhăn nheo,
miệng mồm không một chiếc răng lừa phỉnh. Một người trí thức, nhỏ nhoi
như tôi, không thể chấp nhận theo đường lối của Đảng, một đường lối tạo
dựng bằng hy vọng, lạc quan và vui sống. Nó chỉ là một điều mong muốn mà
sự thành công là tùy thuộc Đảng. Lời buộc tôi duy nhất đưa tôi trước
vòng móng ngựa ô nhục này không có một cơ sở nào đứng vũng. Tôi cho rằng
tôi không có tội là đã làm hại đến một đường lối chính trị mà nói một
cách bình thường và đúng đắn là không hiện diện. Cạnh đó, tôi sẽ rất vui
khi được cho biết là dựa trên điều khoản nào của Luật Pháp, những điều
mà chưa bao giờ có để các ông kết án tôi trước Toà?
- Chúng ta đừng chơi nhau trên chữ nghĩa, ném vào nhau những điều này
nọ của bộ Luật Hình. Sự việc đã hiển nhiên. Có hay không có việc ông
giảng dạy cho sinh viên tác phẩm Cô Đơn (Isolement) của tác giả
Lamartine và ca tụng nhà thơ này? Có hay không có việc ông tán tụng
những vần thơ chán chường, mất hy vọng và bi quan yếm thế và hậu quả là
đầu độc tâm hồn của giới trẻ đã đứng lên nghe theo tiếng gọi mà Đảng của
“chúng ta” mà đứng lên muôn người như một để xây dựng lại nền Tự Do,
Độc Lập và Tự Hào Dân Tộc?
- Thưa ngài, tôi không học Luật, nhưng bất cứ người trí thức nào cũng
đều hiểu là muốn kết án ai đều phải dựa vào một hay nhiều điều Luật về
Hình Sự định rõ tính chất và những điều kiện để cấu thành tội. Hơn nữa
họ cũng biết là chính trị và Luật là hai lãnh vực không giống nhau,
giống như giấc mơ và sự thật. Mơ ước là điều cho phép nhà chính trị làm
khi mà những việc làm của họ là nhắm tới tương lai, nhưng Luật là được
xây dựng vững chắc trên những cơ bản vững chắc, của hiện tại và cụ thể
vì nó hoạt động trong hiện tại để mà duy trì và xây dựng nên một xã hội
phù hợp với ước vọng của mọi người. Mọi lẫn lộn giữa mơ và thực, giống
như trường hợp giữa chính trị và Luật, là một bước nhảy lùi về quá khứ
hàng thế kỷ.
Lời buộc tội giờ đây có chút thay đổi. Tôi không phê phán đường lối
chủ trương của Đảng, nhưng việc tôi ca tụng một nhà thơ mơ mộng, tôi
biện hộ cho tư tưởng chán chường, thất vọng và bi quan, tôi tự nhắc với
tôi là người trí thức có tiếng tăm không làm chuyện ca tụng bất cứ ai,
biện hộ cho bất cứ người nào. Hai từ ngữ đó phải được lấy ra khỏi trong
mọi lời lẽ buộc tội: đó là một sự lạc đề không đúng với ý nghĩa chính
thức của hai từ đó. Có thể nói một cách chính đáng, đây là một hành động
hạ nhục và xúc phạm đến lòng tự trọng của người trí thức. Ngay khi đang
lúc tán dương, người trí thức tự kềm chế mình để không bị bất ngờ vì
tán dương dỏm và luôn luôn giữ một sự dè dặt nào đó. Nụ cười và thái độ
quỳ lạy không nằm trong nghề của họ, nhưng làm vũ khí của những người đã
bán rẽ lòng tự trọng để chắc mót được những lợi lộc tồi tàn. Tôi xin
nhắc lại: tôi không tán dương một ai, ngay cả người ấy là người được mọi
người ca tụng. Tôi không đứng ra bào chữa cho một chủ thuyết nào, ngay
cả khi có hàng triệu người theo nó và ca tụng nó. Không, tôi chỉ phân
tích, giải thích, cố gắng làm cho sinh viên hiểu cái trạng thái tình cảm
mà không một kẻ độc tài nào, không một chế độ độc tài nào có thể xoá
bỏ, khi mà tác phẩm ấy đã có mặt hơn một thế kỷ nay. Chính trị có thể
thực hiện quyền lực của mình ở hiện tại, đôi khi trong tương lai, nhưng
cũng phải chấp nhận là đối với quá khứ thì không thể làm được gì.
Vì vậy, tình cảm mơ mộng là một trạng thái của tâm hồn là chuyện đã
có từ lâu, nếu ngài cho phép tôi có ý kiến, là mọi người đều có thể
chứng minh đó là một điều chân thành, con người ai cũng liên tục mơ mộng
cho đến một tuổi nào đó và trong một hoàn cảnh sống nào đó. Chỉ có
những người cộng sản lão đời, những người khắc khổ không còn nước mắt
mới cho rằng không thể có những giọt nước mắt khốn cùng của loài người,
để tự nâng mình thành một loại siêu nhân.
Thưa ngài, tôi không tự biện hộ cho tôi, tôi chỉ làm công việc trả
lời cho sự kết án của ông. Tôi đã biết trước số phận của tôi: không có
người nào bị toà án nhân dân xử mà bước ra khỏ đó để về nhà. Tôi có thể
nghe buổi xét xử. Tôi có thể đơn giản nhận tội và nhờ sự khoan hồng của
Đảng, và với những cố gắng cá nhân, tôi hứa rằng tôi sẽ không từ bỏ một
nỗ lực nào nhằm cải thiện và làm trong sạch những suy nghĩ của tôi để đi
đúng đường lối của Đảng. Nhưng tôi mong mõi rằng, ít nhất một lần,
tiếng nói trung chính của người trí thức được nghe đến, để cho những thế
hệ ngày nay và mai sau hiểu chính xác thế nào là một nền công lý cách
mạng.
Cái không cho phép kẻ bị kết án làm là làm thay đổi một thẩm phán
thành một người có cái nhìn thấu đáo của sự thật, nhất là khi đó là một
nguyên quan Triều vừa mới được xức dầu thánh cách mạng. Không, con đường
đi đến danh dự không nằm trong những loại vinh dự đó, tất cả những chi
tiết như vậy nó không làm hưởng thêm những đồng tiền thưởng còm cõi,
không thêm được một bổ nhiệm trong hàng chức sắc, nhưng chỉ là nụ cười
cho kẻ đã ban phát cho tên đầy tớ vừa mới làm xong một công việc được
chủ giao phó. Thật vậy, có thể là ngược với ý muốn, sau khi đè nén những
đau đớn của lương tâm, ngài quan Toà đã kêu án ông giáo sư bốn năm tù
giam.
Trong bốn năm tù đày trong một nhà tù cách thủ đô 200 km, người vợ kẻ
tù kia ngoài chuyện cần mẫn lo cho gia đình còn phải lo làm thêm, đã
không được gia đình giúp đỡ, nhưng mỗi tháng ít nhất một lần phải đạp xe
một vòng 400 cây số để mang cho chồng một đôi thứ vụn vặt, để thông tin
cho chồng số phận của những đứa con, để động viên chồng thêm can đảm mà
chịu đựng thiếu thốn và khổ đau, vừa hy vọng một ngày nào đó công lý,
luật pháp và tình người trở lại giữa người với người.
Bản án đó không phải là duy nhất trong hồ sơ của nền công lý cách
mạng, như ai cũng có thể dễ dàng đoán biết. Sẽ rất lý thú nếu ai đó tìm
được hồ sơ cũ - nếu có và được tàng trữ - của những phiên toà ở thủ đô, ở
các tỉnh, những hồ sơ, sẽ cho thấy những cách thức mà công lý đã bị sự
bất công chế ngự, thực hiện những vụ án giả mạo, thả lỏng kỷ cương bằng
những phương cách bất hợp pháp và khủng bố, bằng cách dùng những tôi tớ
mà chính những kẻ này cũng không được thưởng xứng đáng. Và tất cả những
chuyện đó được làm nhân danh Đảng và Cách Mạng. Chưa bao giờ trước đây
mà chủ nghĩa Cộng Sản lại bị chính những người đấu tranh vì nó ngược đãi
như thế.
(Còn tiếp)
Nguyễn Mạnh Tường
Nguyễn Quốc Vĩ chuyển ngữ
Nguyễn Quốc Vĩ chuyển ngữ
_____________________
[1] Mỏm đá Tarpeienne nằm ở Ý, vào thời kỳ La Mã người ta xử chết
những kẻ phản bội hay tội hình bằng cách ném các tử tội từ trên mỏm đá
cao.
No comments:
Post a Comment