6. Hai loại người
Tôi và những đồng nghiệp hay gọi anh sinh viên này là một con chó
Nhật vì anh ta có một làn da sáng, mũi tẹt và có mái tóc hơi dợn sóng.
Chúng tôi không mất nhiều thì giờ để tìm thấy hắn giữa đám đông. Bất cứ
những gì chúng tôi nói trong lúc thuyết trình, bên cạnh những bài học,
những câu chuyện trao đổi ở hành lang trong lúc chờ giờ trở vào bục
giảng, tất cả những chuyện đó đều được ghi chú cẩn thận và được báo cáo
đầy đủ cho giới chức trách nhiệm. Chúng tôi đã biết chuyện kẻ làm do
thám gián điệp đã gây ô uế cho giới sinh viên. Nhưng con chó Nhật này là
kẻ nguy hiểm nhất vì nó làm chuyện này hết dạ hết lòng, cần mẫn chăm
chỉ và, nếu cần, hắn có thể bịa ra những câu chuyện để làm tăng thêm
việc hiểu lầm giữa chúng tôi và uỷ viên chính trị chịu trách nhiệm ở Đại
Học. Vì thế tôi lắng nghe hắn nói.
- Thưa giáo sư, ông có biết rằng lập trường chính trị nó quan trọng
như thế nào với quốc gia, nhất là trên lãnh vực giáo dục? Tôi không muốn
sỉ nhục giáo sư khi tin rằng giáo sư không biết gì về chuyện này. Giáo
sư là một trí thức nặng cân đã cống hiến tất cả tài sản của mình cho
Đảng trước khi tham gia bí mật kháng chiến. Giáo sư đã được bổ nhiệm vào
những công tác quan trọng. Vì lẽ đó, giáo sư phải biết về tầm quan
trọng mà Đảng đã đặt lên vần đề giáo dục. Nhiệm vụ của giáo sư là đào
tạo người cộng sản trẻ cho ngày mai để họ nỗ lực cống hiến những đóng
góp trong việc xây dựng đất nước. Chủ Tịch Hồ Chí Minh của chúng ta công
nhận là có những khó khăn trong công tác giáo dục, “Phải mất mười năm
để trồng cây, nhưng phải cần một trăm năm để trồng người”. Thật vậy, để
đào tạo ra những người mà Đảng mong muốn, cần phải tự mình chứng minh là
có lập trường chính trị tốt.
- Anh bạn trẻ của tôi ơi, tôi không biết anh đã lấy tin từ kẻ nào về
quá khứ của tôi. Có thể là anh đang bỏ tôi vào cối xay với những điều
quan trọng để tâng bốc tôi. Cho phép tôi được điều chỉnh vài chỗ sai.
Thứ nhất tôi không phải là người trí thức “nặng cân” khi mà tôi chỉ cao
có một mét sáu. Như thế tôi chỉ là kẻ bé tẹo bên cạnh những ông “to”
trong nước. Nhưng, kẻ thấp lùn như tôi đã vỗ tay đón mừng Cách Mạng
Tháng Tám cùng với toàn dân trong nước, và trong những giờ phút đầu
tiên, trước những lời kêu gọi đầu tiên, tôi đã trọn mình dâng hiến cho
dân tộc. Nếu tôi đã chiêm ngưỡng và quý phục những người đi cách mạng,
nếu tôi đã biết ơn những hy sinh mà họ đã chịu, những thành công mà họ
đã thắng lợi trong quá trình đấu tranh giành Tự Do cho Dân Tộc và Độc
Lập cho Việt Nam, tôi phải thú thật với anh là tôi không hề biết cái
Đảng mà tôi không hề xin gia nhập, không hề biết những lễ nghi và những
bí mật mà tôi chưa bao giờ được qua buổi vỡ lòng và những chuyện ấy làm
cho lưỡi tôi trở nên khô cứng mỗi lần tôi muốn hô “vì Đảng”. Tất cả
những gì tôi đã làm, cống hiến toàn bộ tài sản và công việc, là tôi làm
cho Dân Tộc.
Chẳng có gì ở đó khác hơn là cái logic. Tôi muốn mời anh hãy suy nghĩ
một chút về nguồn gốc của quyền lực. Quyền lực luôn được chinh phục
hoặc bằng phương pháp hoà bình hoặc bằng vũ lực. Nhưng dù bằng bất cứ
cách nào, quyền lực luôn có một nhu cầu cấp bách là phải tự mình chứng
minh với những kẻ đang nắm nó hay những kẻ đang chịu nó nắm. Hơn nữa,
việc nắm quyền chỉ có hai con đường để theo: một là tự cho mình là kẻ có
Thiên Mệnh, hai là được nhân dân giao phó. Hoặc theo kiểu thần quyền
hoặc theo cách dân chủ. Từ khi mà quyền lực được chiếm lấy bằng bạo lực,
nó không thể cho rằng là do Thiên Mệnh hay là do dân. Vì thế, nó buộc
phải tìm cách khác để tự bào chữa rằng nó không cần hay không cảm thấy
cần thiết phải chứng minh, nói cho cùng nó cũng chẳng có gì dựa để biện
minh, nó chỉ tự chống chế mà thôi. Nhưng giới quyền lực tự bảo vệ với
ai? với nhân dân và với một lực lượng chính trị khác. Để chống lại sư
tranh đua của những tổ chức chính trị khác, giới quyền lực đã tuyên bố
độc quyền chính trị dưới sự chỉ đạo của mình. Để chống lại nhân dân nó
hình thành một bộ máy Nhà Nước với với những cơ cấu, chức năng, với
nhiệm vụ là thi hành những mệnh lệnh và xây dựng nên những tổ chức nghề
nghiệp và xã hội để gồm nhập cả dân chúng vào một hệ thống tổ chức, theo
từng sinh hoạt, tuổi tác, tính phái, niềm tin tôn giáo, thành một cộng
đồng dân tộc mà cả tinh thần, con tim và hành động đều bị giới cầm quyền
đưa vào khuôn để kiểm soát. Nhưng, khi giới cầm quyền cần làm những
quyết định, xác định những quan điểm, đưa ra những biện pháp nhằm bảo
đảm cho ưu quyền và lợi ích của họ là những điều cần được dấu kín trước
sự tò mò của quần chúng, họ phải tự trốn kín trong một sự bí mật không
thể xâm nhập, trùm kín bưng sau những bức màn thần bí không thể xuyên
qua được. Cơ cấu hình Kim Tự Tháp của quyền lực đã chế ngự khắp nơi, từ
trong cơ quan Nhà Nước và những chức năng của nó, đến mọi tổ chức xã hội
với những chân rết của nó. Trên toàn nước, từ làng xã và quận huyện cho
đến các Bộ và cơ quan Trung Ương, những chức vụ chủ chốt đếu do Đảng
viên đảm nhận việc điều hành, giám sát và kiểm tra, và như thế, thông
qua Vụ Tổ Chức để bổ nhiệm tất cả cán bộ công nhân viên nhà nước, và
thông qua bộ Nội Vụ và Công An để giữ yên tĩnh cho lãnh đạo có được một
giấc ngủ ngon lành.
- Thưa giáo sư, hình như ông thiếu cơ sở chính trị khi mà ông chỉ
quan tâm đến cái vẻ bề ngoài hơn là những điều thực tế, và ông đang đào
sâu hố chia cách không hiện hữu giữa Đảng và nhân dân. Đảng của chúng
tôi không hề tuyên phán là có nguồn gốc Thiên Định: chỉ nội cái ý đó là
đã thấy nực cười, lạc hậu và lỗi thời. Một cách khách quan, Đảng không
được bầu lên để nắm chính quyền, để nói là bởi nhân dân, và buộc phải
giữ cơ chế và hoạt động trong bí mật. Nhưng tôi xin trở lại thời mà chủ
thuyết và những đảng cộng sản nắm chính quyền. Hệ tư tưởng của họ trực
diện đối đầu với chính quyền đương nhiệm vì họ nhắm tiêu diệt diệt chủ
nghĩa tư bản và tất cả những đảng phái chính trị sinh ra trong chế độ
đó. Từ đó, mọi chính thể tư bản đếu tìm cách tiêu diệt chủ nghĩa cộng
sản, cho nên người cộng sản để tự bảo vệ đã phải đi vào bí mật. Thói
quen kín đáo và bí mật đã bắt rễ trong người cộng sản. Hơn nữa, Đảng
cộng sản như một gia đình không muốn người ngoài biết chuyện nhà mình.
Chính vì cùng lý do tự bảo vệ chống lại những kẻ thù của cộng sản mà Nhà
Nước đã có một cấu trúc hình Kim Tự Tháp và đặt tất cả người của mình
dưới những cái chóp Kim Tự Tháp đó. Như giáo sư thấy đó, tuy rằng Đảng
đã nắm chính quyền nhưng cuộc đấu tranh với chủ nghĩa tư bản vẫn còn
tiếp tục. Vì lẽ đó, và hơn bao giờ hết, những kế hoạch cẩn phải giữ
trong bóng tối và việc nắm chính quyền cần phải chặt chẽ hơn để chống
lại những đòn tấn công của chủ nghĩa tư bản đến từ trong và ngoài nước.
Hoàn cảnh lịch sử mà chủ nghĩa cộng sản đã sinh ra đã quyết định cách
làm của họ, cách làm có thể gây sốc cho giáo sư, nhưng có thể thông cảm
được.
Cái chuẩn về hạnh phúc của nhân dân có phải chăng là trật tự và an
toàn? Vì vậy, không chỉ lãnh đạo của chúng tôi có những giấc ngủ bình an
mà toàn dân cũng hưởng cùng ưu đãi đó. Dân chủ không phải chỉ có nghĩa
là chính quyền bởi dân, nhưng còn hơn nữa là vì dân. Trước quan điểm đó,
không có một loại dân chủ nào khác có thể so sánh với nến dân chủ của
chúng tôi, trong khi lãnh đạo của chúng tôi chỉ có một niềm lo duy nhất:
đó là hạnh phúc của nhân dân!
- Anh vừa nói đến chuyện vàng ngọc. Trong lúc này, tình hình sức khoẻ
của đất nước ta có vẻ tốt. Nhưng tìm hiểu thêm về bề sâu, tìm hiểu vể
cấu trúc của nhà nước và xã hội, đã thấy những lỗi lầm và những tì vết
không sớm thì muộn sẽ chứng minh những lo lắng của chúng tôi là có cơ
sở.
Sự độc quyền chính trị mà Đảng bám víu, về lâu dài, sẽ gây nên những
hậu quả tai hại vô cùng. Thứ nhất, tất cả những vị trí lãnh đạo, bất kể
quan trọng như thế nào, đều do người của Đảng nắm. Chúng ta đều biết rõ
rằng lãnh đạo của chúng ta và những người cấp dưới không thể nào cho
rằng họ có cùng trình độ văn hoá và kiến thức để hoàn thành một cách hợp
pháp và có trách nhiệm những nhiệm vụ được giao trong một nhà nước hiện
đại và rất phức tạp mà ở đó sự ngu dốt và thiếu khả năng đành phải thú
nhận là vô ích. Nhưng, nếu những người công chức đang gây gánh nặng cho
những cơ quan hành chánh và kỷ thuật vì sự thiếu khả năng của mình, gây
những mất mát không sửa chữa được cho ngân sách nhà nước thì đồng thời
họ cũng làm hại đến uy tín và niềm tin ở Đảng bằng đủ loại phạm pháp: ăn
cắp của công, tham ô, biển thủ, gian lận, giả mạo và sử dụng đồ giả
mạo… Độc quyền sẽ sản sinh ra lạm quyền và sẽ đẩy người nắm quyền tuột
trên con dốc được bôi trơn bởi truỵ lạc và tội ác. Niềm tin của nhân dân
đối với đảng mỗi ngày bị giảm và bị xoi mòn, niềm tin ấy đang mờ dần.
Nền kinh tế đang được tổ chức và quản lý bởi một thứ chủ nghĩa duy ý
chí theo sở thích sớm muộn sẽ gây nên những hậu quả tàn phá thảm khôc và
thê thảm. Không có cạnh tranh, nền sản xuất trở nên trì trệ, luôn giữ
và lập lại những lỗi lầm và sai lạc, hàng hoá bị giữ thối mục trong
những nhà kho, chỉ đáng một ngày nào đó ném vào hố rác. Về lao động, cả
lao động chân tay lẫn trí óc, bị trả lương rẻ mạt, trì trệ trong nghèo
đói và chán nản, đang chết đuối dưới cơn thuỷ triều của cay đắng và vô
vọng. Ngoại tệ bị xuống thấp, máy in tiền chạy hết công suất không ngừng
để in giấy bạc, lạm phát mỗi ngày một nặng. Những quỹ mật không ngừng
lớn và các lãnh đạo đã tiêu pha những khoản tiền cực lớn trong những
chuyện chi tiêu đáng xấu hổ.
Tầng lớp trí thức, bị xem thường khinh miệt và hạ xuống cho làm những
việc tầm thường, không thể nào cống hiến được hết khả năng và kiến thức
mà họ chỉ mong được phép cống hiến cho dân tộc. Họ bị chỉ trích, kết án
vì nguồn gốc tư sản và tiểu sư sản của họ, vì những liên hệ trong quá
khứ, vì họ không chịu từ bỏ tính phản biện, phê phán và những khuynh
hướng dân chủ của họ. Một thái độ như thế không thể nào tha thứ được
trong thời đại của cách mạng khoa học và kỹ thuật.
Tất cả những phân tích và nhận định này đã đưa tôi tới việc đánh
tiếng chuông báo động trong hội nghị lần thứ nhất mà Mặt Trận đã yêu cầu
tôi đóng góp. Tôi không có ý định mở ra một cuộc tranh luận về chuyện
xứng đáng hay không của Dân Chủ, và tôi cũng không đả phá nền tảng đang
thể hiện của chủ nghĩa Cộng Sản. Nhìn thấy những chuyện đó, trong sự
quan hệ giữa Đảng và Nhân Dân, giòng nước của sự chuyên quyền đổ dài từ
trên xuống dưới, và khi được hứng ở trong chậu ở tầng chót, nó đã mang
theo bao nhiêu là dơ bẩn không thể cho người uống được. Tôi không đòi
hỏi ngưng ngay giòng nước hay cắt ngay nguồn, nhưng chỉ mong làm cho
giòng nước trở nên sạch, nên trong để có thể uống được.
Bên cạnh đó, tôi cũng nhận thấy ngành tư pháp cũng có lỗi vì thiếu
độc lập và quyền tự do, dẫn đến việc trừng phạt nhiều khi rất nặng nề,
trong khi họ không chứng minh được bất cứ sự phạm tội nào. Ngược lại, có
những vụ phạm tội gây chấn động dư luận lại không bị trừng phạt gì.
Tình trạng như thế thật sự đã làm lương tâm của công chúng và dư luận
nổi loạn. Dù đã phải chịu ảnh hưởng nhiều ngàn năm dưới chế độ chuyên
quyền phong kiến, không có những dịp lý tưởng để tiếp cận Dân Chủ một
cách nhanh chóng, nhưng không phải vần đề là ở đây. Vấn đề là có yêu
cầu, không hề đụng chạm gì đến guồng máy của Đảng và Nhà Nước, là nhân
dân là có thể được tiếp xúc được giới cầm quyền để phàn nàn, kêu ca hay
kiến nghị. Đó là, nếu có thể nói được như thế, vấn đề tự do ngôn luận,
chuyện này chỉ có thể tăng cường quan hệ tốt, hai chiều giữa Đảng và
Nhân Dân, nó chẳng những làm cho hai bên hiểu nhau và nó còn tránh cho
Đảng những lỗi lầm mắc phải nếu tiếng nói của dân đến kịp lúc. Tự do
ngôn luận, tự nó không hàm chứa gì về dân chủ hay chủ nghĩa xã hội,
nhưng bất cứ chính quyền nào tự cho mình làm là CHO dân thì phải lấy đây
làm bổn phận và ban bố truyền bá nó. Nếu tất cả những tranh chấp là
liên quan đến văn phạm, tại sao chứng ta lại cãi nhau trên nghĩa của từ
ngữ? Có cần mặc cho hạnh phúc chiếc áo chủ nghĩa xã hội hay tư bản hay
không?
- Thưa giáo sư, đây chính là chỗ mà ông lầm lẫn. Chúng tôi đã nghi
rằng ông thiếu lập trường chính trị. Bây giờ thì chúng tôi biết chắc
điều ấy là đúng. Trước nhất, ông đã chia cắt Nhân Dân ra khỏi Đảng, trái
hẳn với điều mà Đảng không ngừng tuyên bố. Người cộng sản hiểu dân chủ
theo nghĩa vì dân và làm tất cả mọi chuyện để phục vụ tốt đẹp quyền lợi
của nhân dân, không phải chỉ trên lý thuyết suông hay trên giấy, mà là
những chuyện cụ thể trên thực tế. Những điều chúng tôi cho rằng quan
trọng tột bực thì ông lại bảo đó là chuyện chữ nghĩa. Chúng tôi không
đấu tranh trên từ ngữ. Bọn tư sản thề thốt là chúng tôi độc quyền lãnh
đạo, chúng tuyên truyền không ngừng nghĩ sự hận thù đối với chúng tôi.
Chúng mưu đồ tiêu diệt chúng tôi. Sự chống phá chúng tôi được diễn ra
trên bình diện quốc tế bởi cuộc chiến tranh lạnh, làm tê liệt mọi quan
hệ đoàn kết giữa các nước và tình hữu nghị giữa các dân tộc. Cái ngôn từ
“tư bản” nó cô đọng tất cả nội dung nói trên, nó làm chúng tôi thức
tỉnh và chỉ cho chúng tôi thấy kẻ thù nào đang muốn cái chết của chúng
tôi và là kẻ thù mà chúng tôi phải triệt hạ. Đối diện với chủ nghĩa tư
bản đang căm hờn chúng tôi và chúng tôi cũng đang ghê tởm chúng, chúng
tôi đã xây dựng chủ nghĩa xã hội, một chủ nghĩa hiện thân cho những hy
vọng và ước mơ của chúng tôi, chỉ cho chúng tôi con đường để mang hạnh
phúc lại cho nhân dân và cho thế giới vô sản, một chủ nghĩa tượng trưng
cho tương lai của nhân loại. Như giáo sư có thể thấy, đây không phải là
vấn đề thuần từ ngữ mà là hai nhận thức về cuộc sống, hai cách sống, hai
loại khẩu hiệu đấu tranh. Ngược lại với những gì mà ông đang nghĩ, hạnh
phúc xã hội chủ nghĩa là trái ngược với hạnh phúc tư bản chủ nghĩa, vì
lẽ rằng người lao động, với mồ hôi trên trán, đã chinh phục được niềm
vui trong cuộc sống, trong khi hạnh phúc ở các nước tư bản là qua sự bóc
lột thấm ướt bằng máu và nước mắt của nhân dân, thế mà giáo sư lại đòi
quyền tự do ngôn luận cho nhân dân. Giáo sư có thấy gì về chuyện ấy
không? Nó mở rộng cửa cho đủ thứ loại tiếng kêu phát xuất từ sự ngu dốt,
thiếu hiểu biết, ý đồ xấu, thiên vị và đôi khi là những ý nghĩ kỳ quặc
điên cuồng. Nhiều người được kẻ thù trả tiền sẽ lợi dụng nó để ngăn chận
chủ nghĩa cộng sản, gieo trồng tình trạng thù địch, hận thù chống lãnh
đạo. Toàn xã hội sẽ phải gánh chịu một hậu quả đầy bạo lực và hỗn loạn.
Giáo sư không có một cơ sờ chính trị lành mạnh, cũng như nhiều trí thức
khác, bị ám ảnh bởi những định kiến, những nhận thức và những phản ánh
của giáo sư là sai lầm.
Và đối với chúng tôi, là những thanh niên cộng sản, chúng tôi có niềm
tin vào chủ nghĩa cộng sản và Đảng. Đảng chính là tai và mắt của chúng
tôi. Đảng đã dạy cho chúng tôi khả năng tư duy và cảm xúc, đào tạo và
biến chúng tôi xứng đáng để thành những kiến trúc sư, những người xây
dựng và thành viên của xã hội tương lai, xã hội của một chủ nghĩa xã hội
thắng lợi. Đó là chân lý của chúng tôi. Chúng tôi xây dựng một nhân
loại mới mà trong đó những đức hạnh chủ yếu là kỷ luật, tuân phục và
tinh thần hy sinh. Chúng tôi không bàn cãi lệnh, chúng tôi chỉ biết thi
hành lệnh, và nếu cần thiết, hy sinh quyền lợi riêng tư, không ngần
ngại, nhắm mắt mà thi hành.
- Vâng, anh thuộc về một loại người không giống loại của chúng tôi
đang sống. Người trí thức chúng tôi có cái thiển cận là cố gắng hiểu
trước khi làm, cân nhắc lợi hại trước khi lấy quyết định, có cái nhìn đủ
cảnh giác để có thể nhìn xuyên qua cái túi da đựng rượu chứa đầy kiêu
căng và tự đắc, và nắm bắt sự diễu cợt, vênh vang tự đại của những bài
diễn văn. Nếu những tình cảm chân thật khiến chúng tôi biết xúc động,
thì những điệu bộ của những kẻ ích kỷ làm tôi cao hứng và chúng tôi thật
sự kinh hoàng với những tội ác của những ông tai to mặt lớn. Chúng tôi
chống lại trong niềm bi quan, chúng tôi phản công tại bằng mỉa mai châm
biếm. Loại người của chúng tôi là hoàn toàn trái ngược với loại nhãi con
cuồng tín ung mủ chỉ làm bực mình nhăn trán và con tim đau xót.
Một sự yên lặng kinh hoàng bao trùm cả phòng họp. Mọi người trong
phòng như nín thở để theo dõi từng chi tiêt trong cuộc đấu giữa hai loại
người của nhân loại. Khi con chó nhỏ rời bục giảng thì một giáo sư bước
lên thế chỗ.
Có một khoảng cách chừng ba mươi tuổi giữa hai người đó, nhưng cả hai
đều thuộc về giống người đi bằng bốn chân với cái đuôi ngoe nguẩy là
những dấu riêng dễ biết. Ông ta là một giáo sư trung học của một trường
nào đó ở miền Trung Việt Nam. Nhưng, trong thời Nhật chiếm đóng, hắn ta
chụp hình mặc nguyên bộ đồ quan lại Triều Đình, với tấm thẻ bài bằng ngà
voi đeo trân trọng trên bộ ngực ưỡn ra và với bộ mặt rạng rỡ. Dường như
ông ta đã đạt được giấc mơ của cuộc đời. Sau đó, trong thời kỳ kháng
chiến chống thực dân, nghề quan-lại mất dần hào quang, bị xoá bỏ trên
bản đồ xã hội với xương cốt và tay chân trần trụi bị chôn vùi dưới đống
gạch đổ nát của chế độ phong kiến. Viên chức của triều đình Huế kia đã
cẩn thận dấu bộ áo quan và cái thẻ bài bằng ngà voi đâu đó và sẽ rất
giận dữ nếu ai đó nhắc dậy quá khứ của mình, thay vì nịnh hót hay chỉ
trích. Bị tước áo choàng, ông ta cảm thấy cần có một làn da mới. Trở lại
với nghề đi dạy, với sự luồn cúi và nụ cười dễ thương, ông ta không bỏ
mất một cơ hội nào để khúm núm phục vụ cho những kẻ bạo quyền mà hắn
nhận lệnh và được ban cho một vài ưu đãi. Hắn leo lên từng nấc thang một
trong lãnh vực giáo dục. Sau hội nghị Genève, khi chính phủ kháng chiến
trở về Hà Nội và khi các Phân Khoa Đại Học được mở cửa trở lại, hắn
xoay sở có được một chức giảng viên Đại Học mặc dù không có một cơ sở
văn bằng hay công trình nghiên cứu nào để chứng minh mà các ứng viên
giảng dạy ở cấp đại học thường phải có. Nhưng thực tế là, suốt cho tới
khi nào không còn cộng sản, họ luôn luôn nâng đỡ đưa vào những chức vụ
trách nhiệm những bạn đồng chí mà khả năng duy nhất của họ chỉ là được ý
kiến thuận lợi và quý mến từ những người đang cầm quyền. Một người nào
đó phải nói là rất ngu dại mới đến chúc mừng ông ta trong bộ dáng với bộ
quần áo quan triều như trong tấm hình mà xưa kia ông ta hay phân phát
cho gia đình những người quen biết để nhắc họ rằng ông là một người
trong danh mục của triều đình Huế. Ngày nay hắn ta sẽ phải tự cắn ngón
tay của mình khi thấy hình hắn ta đang bốc đồng tự cao tự đại chụp ngày
trước và phổ biến cho thiên hạ.
7. Hai nền văn hoá
Nếu con chó Nhật của tôi nêu lên vấn đề xung đột giữa hai loại người,
chó hai chân nhưng biết cười bằng mồm cũng như giống chó biết ngoắc
đuôi để mừng đã làm tôi hết sức ngạc nhiên. Nhưng lần này, thật là điều
ngạc nhiên lớn lao hơn nữa khi thấy một anh chàng xuất hiện ở đấu trường
lại là một kẻ lâu nay luôn chong mắt chờ đợi ở Đảng nhưng không được
kết quả gì, cho đến nay vẫn là một người không đảng. Có phải lần này là
lần thử thách làm hắn ngời ánh mắt đầy hy vọng, và nếu hắn kết thúc
thắng lợi lần này, liệu hắn có được nhận vào hàng ngũ của Đảng và để hắn
chu toàn một tham vọng cháy bỏng của những kẻ cơ hội chủ nghĩa mà hắn
là một thành viên sáng chói? Có phải cuối cùng rồi hắn cũng có cách giải
cơn khát vì đã có thể khiển trách giữa công chúng một giáo sư Đại Học
trước mặt các đồng nghiệp vá các sinh viên của ông ta, và trong một lúc
nào đó, gạt bỏ những mặc cảm thua thiệt của một kẻ đắm mình khao khát
một tham vọng mà khả năng không thể nào đạt tới? Có cần phải chứng minh
rằng với tất cả là, trong đám đông của những con người không đảng, ta
vẫn có thể tìm ra người ưu tú nhất, đại diện đứng vai kẻ buộc tội đã
được Đảng phê chuẩn, và kẻ bị kết án hoá thân của sự xấu xa nhất đang
sắp bị những cơn cuồng nộ của Trời cao giáng xuống? Đây không phải tại
vì bản chất của việc tranh luận về quan hệ giữa Đảng và tầng lớp trí
thực, hay giữa chính trị và chất xám mà là việc giới lãnh đạo ngần ngại
trực tiếp can thiệp nên chọn giải pháp giao cho một kẻ không đảng để bảo
vệ cho chủ nghĩa cộng sản? Dĩ nhiên, Đảng cũng có thể chọn một luật sư
giỏi hơn, nhưng có thể là những người mà Đảng liên hệ đã từ chối không
đứng cùng phe với Đảng để chống lại giới trí thức mà ước vọng về dân chủ
của họ ai cũng biết.
Kẻ buộc tội tôi tung loạt tấn công đầu tiên.
- Thưa đồng nghiệp, trong những bài giảng của giáo sư về văn chương
phương Tây, tại sao giáo sư dành quá nhiều quan trọng cho những tác giả
và tác phẩm tư bản chủ nghĩa như thế? Văn chương xã hội chủ nghĩa xem ra
chỉ là những người bà con xa nghèo khổ. Điều đó gây cảm tưởng là ông có
khuynh hướng thiên quá nhiều về kẻ thù.
- Thưa đồng nghiệp tài ba của tôi, cái nhìn của ông thật vui nhộn, và
tôi nghĩ rằng nếu ông không muốn làm vấy bẩn đến danh tiếng của mình,
ông không nên có những nhận thức như thế. Tuy nhiên, tôi cho rằng ông
chỉ bị chút lãng trí trong bộ óc ưu tú đang bị nhiễm những hơi độc của
chính trị, nên tôi mong được nhắc nhở cho ông là văn chương phương Tây
đã xuất hiện từ nhiều ngàn năm nay, văn chương xã hội chủ nghĩa mới có
chừng một trăm năm nay.
Đến phiên tôi xin được nói là chữ “kẻ thù” mà ông dùng là không đúng
chỗ và không đứng đắn. Từ này là thuộc một số ngôn từ chính trị mà một
số lãnh đạo hay dùng một cách thái quá. Nó không có một ý nghĩa gì về
văn chương, và ngay cả trong lãnh vực chính trị, nó chỉ là một thứ lưu
hành đã lỗi thời, cũng không phải là một sự tranh cãi về pháp lý. Ông đã
qua những buổi học về duy vật biện chứng thì ông phải biết là mọi sự
đếu thay đổi, kẻ thù hôm qua có thể thành người bạn ngày mai, và ngược
lại. Một người dạy về văn chương không có chuyện nghiêng về phía kẻ thù
hay nghiêng về phía bạn. Những tác giả lớn về văn chương trên thế giới
không là bạn hay thù của bất cứ ai, họ là bạn của nhân loại mà họ muốn
tìm hiểu và trau dồi trí tuệ. Đừng để chúng ta bị cái kỳ quặc của chính
trị trùm lên việc nghiên cứu văn chương.
- Bây giờ chúng ta đã đi vào tâm điểm của vấn đề. Làm sao giáo sư có
thể điều chỉnh quan hệ giữa chính trị và văn hoá? Chúng ta đứng giữa hai
loại văn hoá: văn hoá cộng sản và văn hoá của giới trí thức. Cả hai đều
nhắm vào việc gầy dựng con người. Ông nghĩ thế nào về văn hoá cộng sản?
- Văn hoá cộng sản là muốn đào tạo con người trên cở sở hình ảnh của
những nhân vật cộng sản tốt nhất, được yêu quí và được trọng nể bởi
những người mơ ước được giống như thế. Không thể chối cãi được là những
nhân vật đó được phú cho những đức tính tốt ở một mức cao nhất về phẩm
chất con người. Những đức tính đó là yêu quê hương và dân tộc, có tinh
thần hy sinh và can đảm bất chấp sự chết và những đòn tra tấn, và tình
đồng chí cùng chí hướng. Rủi thay, vẫn có quá nhiều đức tính đáng khâm
phục và quí giá lại bị thui chột, trong khi làm nhiệm vụ, vì thiếu văn
hoá và kinh nghiệm trong việc quản lý đất nước và con người. Người cộng
sản có một tấm lòng trong sáng nhưng do kiến thức giới hạn, nên họ tự
bằng lòng trong sự nghiêm túc và thờ ơ trong việc đánh giá con người,
sống trong chủ nghĩa duy ý chí và chủ quan trong việc sắp đặt cấu trúc
của nền kinh tế. Họ thích đơn giản vấn đề và muốn thống nhất, tiêu chuẩn
hoá mọi sự để họ dễ dàng quản lý con người và của cải vật chất. Trong
quan hệ với những người trí thức, họ không giúp được gì vì mặc cảm tự ty
đã khiến họ có thái độ cứng nhắc không nhân nhượng, tự chứng tỏ mình
qua những hình thức chống lại tình hửu nghị và sự tin cậy lẫn nhau giữa
hai bên: họ và trí thức; nhưng họ lại giữ cho mình một thái độ nghi ngờ
và đầy ác cảm. Họ là loại người chưa bao giờ từng được biết đến trong xã
hội Việt-Nam. Nếu quần chúng nhân dân thần tượng hoá họ - ít nhất là
cho đến bao lâu mà họ còn giữ được tính trong sáng trong nhận thức, còn
đạo đức trong lương tâm, và còn biết bảo vệ danh dự và nhân phẩm của
mình – thì người trí thức vẫn còn những dè dặt bảo lưu và còn nhiều cẩn
thận để khỏi bị đâm bởi lưỡi kiếm đã sẵn sàng tuốt ra khỏi vỏ, sẵn sàng
đâm vào những ai vô tâm và ngây thơ có mâu thuẫn với họ.
- Nếu người cộng sản đã được tôi luyện trong cuốc đấu tranh cách mạng
mà trong đó những chiến sĩ thiếu đạo đức sẽ phải bị loại bỏ và chỉ
những người xứng đáng có đạo đức mới được giữ lại, những đạo đức như thế
phải được dùng để làm ra một hình ảnh mẫu mực của người cộng sản, thì
người trí thức được đào tạo qua con đường học vấn và lối sống trong môi
trường thành thị của họ trước đây, nơi mà giai cấp lao động vô sản, vừa
mới ra đời, đang còn loay hoay tìm kiếm một con đường và đang học hỏi để
đóng vai trò của mình. Công an và cảnh sát thực dân, cũng như những
trường học thực dân cô lập tách người trí thức ra khỏi thế giới của cách
mạng, làm cho họ không thể thấm nhuần và lĩnh hội những tư tưởng cách
mạng. Được đào tạo trong những điều kiện như thế, người trí thức không
khỏi tiêm nhiễm những thói hư tật xấu và những thiếu sót của nến giáo
dục tư bản chủ nghĩa. Họ mở lòng đón nhận những ảnh hưởng của nền dân
chủ như thể họ đang tự dâng mình cho phúc âm được giảng dạy bởi những
triết gia từ thời đại Ánh Sáng ở thế kỷ 18, chấp nhận ý thức hệ của cuộc
cách mạng tư sản năm 1789 và cho rằng được hưởng những quyền tự nhiên
của con người là tiêu chuẩn của một xã hội văn minh. Như vậy, họ đã thấm
nhuần những đức tính của tư bản, nhưng nếu thiếu sự giáo dục cộng sản
chủ nghĩa, họ chỉ còn biết tự giới hạn mình trong sự hưởng thụ an nhàn,
sợ xáo trộn và bạo lực, và tỏ ra kinh hãi lo sợ trước bất cứ lực lượng
chính trị nào, đặc biết là lực lượng có màu đỏ. Họ chất chứa trong mình
những phẩm chất quý giá về trí óc, vận dụng một cách khôn khéo sự hồi
kiểm về những chuyện đã qua, phân tích, lô gic và áp dụng những tài giỏi
của mình để chỉ trích phê phán. Họ tự gán cho mình những ý niệm trừu
tượng tách con người ra khỏi những ngẫu nhiên bất ngờ của xã hội và lịch
sử, ra khỏi việc đấu tranh giai cấp. Đó là lý do chính cho thấy tại sao
họ lại sợ bạo lực và những lực lượng chính trị. Vì thế, khi tiếp xúc
với người cộng sản họ không tránh khỏi mặc cảm tự ti: họ tự cảm thấy nhỏ
bé, yếu đuối và hèn nhát khi đứng trước những anh hùng là những người
đối diện với cái chết với tia mắt rực lửa hận thù vì bị áp bức và bất
công.
- Như thế, về cả hai phía, chắc chắn cái mặc cảm tự ty nó là cái gánh
nặng đang đè lên quan hệ giữa chúng ta. Vì vậy, hậu quả đưa đến là
chúng ta thiếu tự nhiên, nhiệt tình, thành thật, mật thiết, và chân
thành tin cậy lẫn nhau. Sự lễ độ chỉ là gượng gạo, lịch sự với nhau hoàn
toàn mang tính ngoại giao và đầy nghi kỵ dè dặt. Mỗi bên chúng ta đếu
sợ bị bên phía kia coi thường, và quyền lợi chung bị tổn hại.
- Nhưng người trí thức phải biết chấp nhận cái chuyện không tránh
khỏi. Họ phải công nhận là chế độ cộng sản là có lợi cho nhân dân. Kinh
nghiệm cách mạng đã khiến cho lãnh đạo của chúng ta dành thắng lợi trong
cuộc chạm trán với các đảng phái quốc gia là những đảng đã xuống cấp mà
ai cũng biết là vì bất tài, có đạo đức đáng ngờ, buông mình theo những
đam mê về lợi lộc và đã vĩnh viễn mất uy tín ở trong nước. Sự thành công
của văn hoá cộng sản đã biến con người cách mạng thành một người mạnh
mẽ như thép cứng.
- Ông đang đá vào một cánh cửa đã được mở tung. Văn hoá công sản đào
tạo con người để đấu tranh cách mạng, văn hoá trí thức đào tạo con người
biết suy nghĩ chín chắn. Nhưng văn hoá cộng sản không được quyền nuốt
chửng văn hoá trí thức được. Hai luồng văn hoá vẫn có thể sống chung hoà
bình với nhau, và tốt đẹp hơn nữa, là có thể hợp tác với nhau vì lợi
ích của đôi bên, và của toàn dân.
- Tốt lắm. Ở đây không có chuyện cộng sản tiêu diệt trí thức. Cánh
cửa luôn luôn được mở rộng để hoà hợp, để thông hiểu lẫn nhau. Người
cộng sản có thể, và đúng hơn là phải yêu cầu giới trí thức tham gia giúp
đỡ trong việc quản lý nền kinh tế, quản lý đất nước và triển khai Luật
Pháp. Một sự hợp tác như thế là cần thiết và ích lợi cho đất nước.
- Nhưng chuyện này đã không xảy ra trong nước. Những vị trí lãnh đạo
và trách nhiệm luôn luôn được giao cho người trong Đảng, và phần lớn
trong họ lại thiếu khả năng và không đủ đạo đức. Những kẻ cơ hội chủ
nghĩa, những người luôn nhắm vào chức vị đó, thường quay lưng lại với
nhân dân mà chính nhân dân cũng không trông đợi gì nhiều ở các kẻ này,
và chỉ đưa mắt trông chờ vào Đảng là người nắm và thổi cái tù-và phân
phát những ưu quyền, những chức ngồi chơi xơi nước, danh phận và ưu
tiên. Trong thời kỳ bí mật kháng chiến, muốn được vào Đảng là phải qua
những điều kiện cực kỳ khắt khe và phải được tập thể nhất trí thông qua.
Bây giờ thì trò vận động ngầm và sự ích kỷ và tham vọng xấu xa đã nổ
bung ra hết cỡ, chuyện tuyển lựa đảng viên nay được tính đến số lượng mà
không cần chất lượng. Cái quyền lực vô cùng to lớn mà Đảng đã dành
riêng cho mình đang dẫn đến những lạm dụng kinh hoàng: tham nhũng đã lan
tràn đến từng cán bộ và những đợt sóng của vô đạo đức và tội lỗi đang
xâm chiếm toàn bộ bộ máy của Nhà Nước.
Vậy thì, dưới cái nhìn đang thấy cả một cơn thuỷ triều đang đe doạ
đất nước bằng một sự tàn phá, nếu xảy ra thì không thể nào đảo ngược
lại, tôi xin hỏi ông: ”Giới trí thức có được phép trình bày vấn đề này
cho Đảng không?”
- Tôi không biết quan điểm của Đảng là như thế nào, nhưng tôi nghĩ là
trí thức ít ra phải có quyền được nêu những vần đề này lên các lãnh
đạo. Việc cơ bản ở đây là chúng ta phải tôn trọng thủ tục và tất cả mọi
chuyện đều phải bàn bạc ở chỗ riêng tư vì đây là chuyện xung đột trong
gia đình.
- Đối diện với một sự tàn phá nhất định sẽ đến, người trí thức tự cảm
thấy mình có trách nhiệm đúc kết trình bày những vấn đề trọng đại liên
quan đến chủ nghĩa cộng sản để kiếm ra một giải pháp.
Đúng vậy, có nhiều chuyện đã xảy ra làm chúng ta phải suy nghĩ. Đảng
là một tổ chức được mà sự thành hình, tổ chức và sinh hoạt đều nằm ngoài
nhân dân, thiếu hẳn một cơ chế kiểm sát thường trực và chính quy. Mọi
chuyện do Đảng định làm đều được tính toán trong vòng tuyệt đối bí mật, y
như bọn mafia. Nếu đây là một công ty hay một hội đoàn tư nhân, được
thành lập để bảo vệ quyền lợi cho hội viên của mình, trong vòng Pháp
Luật, thì chẳng có gì đáng nói. Nhưng chính Đảng đã có ý muốn được nắm
quyền, và hiện đang quản lý nhân dân, những quyết định của Đảng mang
tính ràng buộc về Pháp Lý và phải được áp dụng trên toàn nước. Chẳng
phải do Thiên Định hay do dân bầu lên, Đảng vẫn đang quản lý nhân dân.
Thật vậy, chẳng có chi nhiều để tranh cãi về chuyện này, nhiều cuộc bầu
cử thật ra chỉ là một sự sắp xếp hoàn toàn. bằng những cái gọi là “đề
nghị”, “cố vấn” và thậm chí làm áp lực để người dân phải bầu những cá
nhân mà không hề biết họ là ai và cũng không giao phó cho họ bất cứ thứ
quyền nào. Để biện minh, Đảng tuyên bố là Đảng hành động như thế là vì
quyền lợi của nhân dân. Như thế nhân dân đã bị đẩy xuống hàng trẻ con
hay một loại người tàn tật mà người khác đút cho ăn mà không bao giờ
được hỏi là thích món ăn nào! Tệ hại hơn nữa là nhân đân còn bị cấm
không cho quyền phát biểu ý kiến, toàn chế độ trở thành những người chỉ
biết nói láp dáp một mình và chỉ có những người cúi đầu tuân phục. Chung
quanh pháo đài, những hào sâu tường cao là những đội bảo vệ ngày đêm
gìn giữ giấc ngủ bình yên của lãnh đạo và gia đình họ, của đĩ hạng sang,
che chắn cho họ trước sự xâm nhập của những lời than khóc nức nở của
người dân quê về những nỗi khổ đau và bất hạnh của họ.
Có phải văn hoá cộng sản là khuyến khích dối trá và ích kỷ, công nhận sự lường gạt và gian manh, lừa phỉnh nhân dân?
- Đó là những gì giáo sư nói, nhưng theo cá nhân tôi, tôi nhìn chuyện
dưới góc cạnh khác. Trước nhất, những quyết định chính trị có thể không
mang đến ngay những kết quả trông thấy, nhưng trong dài hạn thì sẽ có.
Không thể để mình rơi vào lỗi lầm là nhìn mọi chuyện dưới góc cạnh muôn
đời, không thể chối cãi là yếu tố thời gian phải giữ một vai trò quan
trọng cho một dân tộc lạc hậu mà lãnh đạo đã hứa là sẽ mang đến cho họ
một tương lai sáng chói. Nhân dân cần phải có thời gian để hiểu và thấm
nhận những nguyên tắc mới, để có thể leo lên những bức thang của tiến bộ
xã hội. Quan điểm của tôi khác với những quan điểm của giáo sư. Tôi dám
khẳng định với giáo sư là bất cứ nơi nào có bầu cử, nơi đó có dân chủ,
một khi mà mọi chuyện là do dân. Và, một khi mà nhà lãnh đạo không tìm
cách vơ vét đầy túi, không tích luỷ tài sản riêng cho mình, lúc ấy tôi
có thể khẳng định những chính sách đưa ra là vì dân.
- Giả dối! Thưa đồng chí, đó chỉ là giả dối. Những cuộc bầu cử xếp
đặt không thể nào là dân chủ. Đảng không kiếm cách làm giàu nhưng túi
tiền một số khá lớn đảng viên lại căn phồng, trong khi chờ tới lúc cái
ung nhọt tham nhũng nó bao trùm lên tất cả những kẻ có chút quyền hành
trong tay. Đồng chí nói mọi chuyện đều do dân làm. Tốt, vậy cho tôi hỏi
đồng chí: nhân dân có được hỏi ý kiến về những chính sách quan trọng của
Đảng như Cải Cách Ruộng Đất và Hợp Tác Hoá ruộng đất, kế hoạch kinh tế,
và đặc biệt là việc hướng dân tộc vào con đường xã hội chủ nghĩa không?
Không và không. Độc tài chính trị đã đóng cửa đất nước và khoá mồm cho
tất cả dư luận. Quyền tự nhiên của con người mà mọi người trong thế giới
văn minh đều được hưởng thì hoàn toàn không có ở đây, và lại còn bị cấm
không được quyền đòi hỏi, thậm chí là chỉ bàn bạc về nó. Đồng chí đang
nhìn thấy những điều không có thật bởi niềm tin chính trị mà đồng chí đã
được kẻ cầm quyền đã gieo vào đầu. Trong cuộc cách mạng tháng Tám, toàn
thể nhân dân cùng một lòng đứng dậy để giành lại Tự Do và Độc Lập. Nhân
dân đặt niềm tin vào lời nói của lãnh đạo cộng sản là toàn những người
với quá khứ vinh quang đầy hy sinh cho Tổ Quốc. Nhưng sau đó, từng bước,
nhân dân bị áp đặt dưới cái gọi là “dân chủ nhân dân”, rồi sau đó là
chủ nghĩa xã hội. Chúng ta không còn tôn thờ Khổng Tử, trong khi vẫn gìn
giữ những giá trị của đạo Khổng, chúng ta bị cải đạo sang tôn giáo Ba
ngôi của chủ nghĩa Marx: Marx-Lenin-Stalin, với ba tấm hình được treo
cao để ba ông được nhìn xuống đám thần dân! Từ lúc nào và ở đâu chúng
tôi được hỏi ý về những ước ao và mong muốn của chúng tôi? Chuyện chẳng
hề xảy ra. Đảng là con mắt nhìn mọi chuyện dùm chúng tôi, quyết định cho
chúng tôi, rồi ra lệnh chúng tôi phải tuân theo quan điểm của Đảng mà
họ cho rằng sẽ mang đến một tương lai huy hoàng và hạnh phúc. Đó là cách
mà văn hoá cộng sản đã đào tạo lãnh đạo và muốn đào tạo cả chúng tôi.
Nó chỉ trích văn hoá Tây Phương là đã tưởng tượng ra con người lý thuyết
cô lập khỏi thực tế và tưởng tượng ra nhóm người tách ra khỏi cuộc đấu
tranh giai cấp, một cuộc đấu tranh đang sắp mang lại hạnh phúc cho mọi
người, bằng cách làm mới xã hội hiện tại và xây dựng một xã hội mới. Văn
hoá phương Tây sẽ kết án chủ nghĩa Cộng Sản là tạo ra những con người
cháy bỏng với những cuồng tín về chính trị, chỉ biết theo chân của lãnh
đạo, nhắm mắt bịt tai với những thực tế của thế giới, ngậm miệng không
dám chỉ trích bất cứ chuyện gì. Thật đáng ngạc nhiên khi nhìn thấy một
con người, được nhào nặn trong lò bánh của cộng sản, đã mất cả con người
riêng, còn mất luôn cả nhân cách của mình, thay vào mình một con người
chỉ biết động đậy theo những tín hiệu từ xa bấm nút bởi người khác. Cổ
tích phương Tây kể chuyện một kẻ bán linh hồn cho quỷ dữ. Người cộng
sản, được đào tạo trong lò văn hoá cộng sản, đã bán linh hồn cho Đảng.
- Cứ cho rằng chuyện đúng như giáo sư nói, tôi thấy không có gì hại
trong chuyện đó. Giáo sư có muốn đẩy câu chuyện tới mức là kẻ độc tài
cấm mọi người đi tìm sự thật, và khi kiếm thấy nó sẽ theo nó suốt con
đường? Khi người Công Giáo nhìn Chúa Giê Su như là Sự Thật của mình,
người Phật Tử xem Phật là Chân Lý của mình, thì tại sao Giáo Sư không
muốn người cộng sản được chọn Đảng là Chân Lý của mình?
Mỗi con người đều đi tìm con đường cứu rỗi cho mình, ở bất cứ nơi nào
mà ông đó hay bà đó có thể tìm thấy được. Chúng tôi là những người thấy
sự soi sáng đó trên đường đi tìm chân lý. Đó là chủ nghĩa Cộng Sản.
(Còn tiếp)
Nguyễn Mạnh Tường
Nguyễn Quốc Vĩ chuyển ngữ
Nguyễn Quốc Vĩ chuyển ngữ
No comments:
Post a Comment