Tuesday, April 2, 2013

BÁO LE MONDE VÀ AFP ĐƯA TIN VỀ PHIÊN TÒA XÉT XỬ ĐOÀN VĂN VƯƠN



Việt Nam: Bắt đầu phiên tòa xử một nông dân chống cưỡng chế đất

(Le Monde/AFP 02/04/2013) Phiên tòa xử một người nuôi thủy sản đã sử dụng chất nổ để chống lại lực lượng cưỡng chế đến trục xuất ông ra khỏi mảnh đất của mình, đã được mở ra ngày thứ Ba 2/4 tại Việt Nam. Hàng mấy trăm công an đã phong tỏa các ngả đường dẫn đến tòa án Hải Phòng (Bắc Việt Nam), ngăn trở đám đông đến ủng hộ Đoàn Văn Vươn. Những người tranh đấu khác bị chận lại ở ngoại ô thành phố.
Ông Đoàn Văn Vươn đã làm bị thương bốn công an và hai bộ đội trong lúc bị cưỡng chế đất vào tháng Giêng năm 2012, và đã trở thành một người anh hùng thực sự, tại một quốc gia cộng sản mà vấn đề đất đai đã trở nên hết sức nhạy cảm.

Ông Vươn và ba người đàn ông khác, tất cả đều là thành viên trong cùng một gia đình công giáo, phải ra tòa vì tội mưu sát. Vợ ông và người em dâu bị xét xử vì tội chống người thi hành công vụ. Hành động thách thức này, rất hiếm hoi tại Việt Nam, đã tạo ra một chiến dịch rộng rãi trên toàn quốc ủng hộ các bị cáo. Chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã cho rằng vụ cưỡng chế này là « bất hợp pháp », và hứa hẹn sẽ truy tố các quan chức địa phương tham nhũng.

Thứ Hai tới, năm cựu viên chức địa phương sẽ ra tòa vì đã phá hủy nhà của ông Đoàn Văn Vươn. « Chúng tôi đến đây một cách ôn hòa để bày tỏ sự ủng hộ gia đình ông Vươn » - nhà ly khai nổi tiếng Phạm Hồng Sơn, đã trải qua nhiều năm trong tù vì các hoạt động dân chủ - cho biết như trên. Ông lo ngại Đoàn Văn Vươn sẽ bị lãnh một bản án nặng nề « để gây sợ hãi ». « Nhiều người khác phải đối mặt với các vụ cưỡng chế bất hợp pháp và bất công. Nếu chính quyền đưa ra một bản án khoan hồng, có thể khiến những người khác phản ứng mạnh mẽ hơn».


Các vụ cưỡng chế đất là nguồn gốc gây căng thẳng từ nhiều thập kỷ qua tại Việt Nam, nhưng độ nóng đã tăng lên với vụ Đoàn Văn Vươn. Từ cuối thập niên 80, chính quyền đã bắt đầu giai đoạn chuyển tiếp khó khăn sang nền kinh tế thị trường. Và từ năm 1993, người dân Việt Nam có được « quyền sử dụng đất » trong vòng hai mươi năm, trên thực tế đất đai vẫn thuộc sở hữu Nhà nước.

Nhiều triệu nông dân bị lệ thuộc vào các viên chức địa phương, vốn có thể thu hồi đất đai màu mỡ của họ với danh nghĩa rất mù mờ là « lợi ích công », để có được những phong bì dày cộp.

Vụ án Đoàn Văn Vươn là « hình mẫu cho tất cả những gì bất hợp lý của hệ thống quản lý đất đai » Việt Nam – theo nhận xét hồi năm 2012 của David Brown, nhà ngoại giao Mỹ về hưu và là chuyên gia về khu vực. Trên 70% vụ kiện tụng chống lại chính quyền địa phương tại nước này có liên quan đến tranh chấp đất đai, và cuộc khủng hoảng chỉ có thể trầm trọng thêm vào năm 2013, khi hàng ngàn hợp đồng thuê đất đã đến hạn.

Trong những năm gần đây, nhiều cuộc biểu tình đã được tổ chức tại các thành phố lớn ở Việt Nam vì các vụ tương tự. Năm 2007, có nhiều ngàn người ở Thành phố Hồ Chí Minh đã xuống đường tố cáo việc tịch thu đất để xây dựng một trung tâm thương mại.


Nguồn: Thụy My Blog.

No comments:

Post a Comment