Friday, April 26, 2013

THƯ GỬI EM NGƯỜI EM GÁI


Nhân đọc: Tháng tư, và bạn, và tôi của Nguyễn Thị Hậu (*)

Nhã Trần (Danlambao) - Hồng Hà thương mến,

Nhận email em ngày 18/4 nhưng mãi đến hôm nay mới reply, mong em hiểu và thông cảm về những bận rộn nơi anh. Đọc những suy tư và băn khoăn của em, anh xin nói liền cho em rõ ký ức của những ngày này cách đây gần 40 năm không hề làm anh nhói đau như em tưởng. Có chăng chỉ là những kỷ niệm nếu có ai nhắc đến: chuyện sáng ngày 30 tháng 4 ra đứng ở chân cầu Thị Nghè nhìn từng đoàn xe công-voa, xe tăng chở bộ đội tiến về dinh Độc Lập; chuyện gia đình vất vả thăm nuôi ba người anh là sĩ quan quân đội phải đi học tập; chuyện chở em đi vòng vòng Sài Gòn lúc em từ Hà Nội vào; chuyện ăn bo bo, mì lát; chuyện vượt biên... và mỗi lần nhắc lại, theo thời gian, anh và em đã quên đi một vài câu chuyện. Bởi, chúng ta đang sống cho hiện tại và đang hướng về tương lai bằng tâm thế của một con người chứ không phải bằng một thân phận trong khái niệm thắng- thua thì hà cớ phải loay hoay, để tìm cái gì, trong những ngày quá khứ ấy (?)

Ngày còn trẻ, anh nhìn thấy ở em - người con gái Hà Nội, đã có một tấm lòng nhân ái, vị tha. Ngay lúc này đây em vẫn không thay đổi khi nói với anh: “Chúng ta phải làm cầu nối cho những trái tim thế hệ hậu chiến còn thờ ơ đến được với nhau”, nhưng em có biết những người trẻ hiện nay quan tâm đến điều gì? Anh đoan chắc với em rằng “thế hệ hậu chiến”không hề bị nhói đau gì cả vì cha mẹ, anh chị của chúng không điên để cứ mãi gieo rắc tư tưởng hận thù trong đầu con cái của mình.

Em nói đến sự bao dung, độ lượng làm anh suy nghĩ phải có một lỗi lầm nào đó đang hiện hữu (?) và anh liên tưởng đến cô gái Hàn quốc Ku Su Jeong. Cô gái đã tìm hiểu cuộc chiến ở Việt Nam ngày ấy và khi biết những người lính thuộc thế hệ cha anh cô đã gây nên tội ác cho đồng bào Việt Nam, cô đã quỳ gối ở nơi xảy ra vụ thảm sát thành tâm sám hối cho những tội lỗi mà thế hệ trước cô đã gây ra.

Ở đây, sự bao dung sẽ biểu hiện nơi ai? Người nào sẽ chấp nhận sự tha thứ mà em ao ước? Giữa anh và em chẳng hề gây oán cho nhau thì lời kêu gọi thông cảm, lòng vị tha... nghe thật lạc lõng! Làm sao mà: “thế hệ chúng ta có trách nhiệm cần phải mở đầu, thúc đẩy và tiến hành những mối quan hệ nhằm làm lành những vết thương của thế hệ tham chiến” được hở em, khi em chỉ nói mà không nêu rõ những hành động cụ thể trong bối cảnh xã hội thực tế hiện nay. Thật khó tìm thấy lòng bao dung của những người mà lúc nào cũng nhìn thấy xung quanh mình toàn là “thế lực thù địch, phản động”. Và cũng khó tránh lời oán trách từ những đứa con khi thấy cha mẹ chúng cứ mãi chạy theo những phù phiếm, hư huyễn cá nhân bỏ mặc chúng nheo nhóc, bần hàn, lây lất...

Anh không hề nhói đau nhưng quá nhiều cay đắng nhận ra rằng chúng ta (lũ vùng biên) khó mà làm được điều gì để tỏ lòng từ bi, bác ái. Và anh cũng ý thức được rằng, thật tự nhiên, sẽ không có một ranh giới chia cách; sẽ không còn những ký ức hằn thù nếu anh và em, và... những người khác nữa dẹp đi nỗi sợ hãi (để xin lỗi), thật sự tôn trọng tiếng nói loài người, và hành động luôn hướng đến mục đích mang lại giá trị tốt đẹp nhất cho những người chung quanh.

Thương mến,

Nhã Trần

No comments:

Post a Comment