Tuesday, April 2, 2013

PHÚT GIÂY GẶP GỠ TRÀN NGẬP NƯỚC MẮT CỦA VỢ CHỒNG ANH VƯƠN

Đến 9 giờ, HĐXX tạm nghỉ hội ý về đề nghị thay đổi HĐXX của luật sư Hùng. Trong quá trình HĐXX hội ý, vợ chồng bị cáo Vươn – Thương, Quý – Báu đã có thời gian nói chuyện với nhau. Những giọt nước mắt đã rơi khi các bị cáo được gặp mặt sau nhiều ngày chia cách.
Cập nhật phiên xét xử sơ thẩm vụ án Đoàn Văn Vươn 

>> Tiếp tục cập nhật
9h50 phiên tòa chuyển sang phần xét hỏi. 

9h10, HĐXX đọc căn cước các bị cáo. Trong phiên xét xử sáng nay, toàn bộ 12 luật sư bảo vệ cho các bị cáo có mặt tại phiên tòa. 

Đoàn Văn Vươn từ chối luật sư chỉ định, theo đó bị cáo Đoàn Văn Vươn cho rằng mình có thể tự bào chữa. Tuy nhiên, sáng nay Luật sư Nguyễn Việt Hùng đã có mặt để bào chữa cho bị báo.

Toàn cảnh phiên xử. Ảnh: TTXVN.
Tới 7h 10 phút sáng nay, xe chở các bị cáo được đưa vào tòa, đợi xét xử. Tới 8h10, các bị cáo được đưa
ra phòng xử án.

Bị cáo Đoàn Văn Vươn trước tòa sáng 2/4.
Sáng sớm nay, hàng trăm chiến sĩ CA thành phố Hải Phòng với đủ các lực lượng: CSGT, CSTT, an ninh, dân phòng… đã tập kết từ rất sớm làm nhiệm vụ đảm bảo ANTT cho phiên xét xử anh em Đoàn Văn Vươn.

Tại khu vực quanh tòa, lực lượng CA được bố trí chốt chặn hai đầu đường Lê Hồng Phong, cách tòa khoảng 300m, mọi phương tiện qua lại đường này đều bị chặn và phải di chuyển theo làn đường bên cạnh.

Theo thông báo, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Đoàn Văn Vươn và người thân với tội danh "giết người, chống người thi hành công vụ" sẽ chính thức được bắt đầu từ 8h sáng nay (2/4) với 6 bị cáo bao gồm: Đoàn Văn Vươn (chủ đầm) cùng vợ và 3 anh em trai, 1 em dâu trong gia đình ông Vươn. 

Theo danh sách đăng ký trước phiên xét xử, phiên tòa hôm nay sẽ có sự tham dự của 12 luật sư bào chữa cho các bị cáo và bị hại. Trong đó, có 11 luật sư đăng ký tham dự để bào chữa cho bị cáo Đoàn Văn Vươn và các đồng phạm; có duy nhất một luật sư đăng ký bào chữa cho các bị hại trong vụ án này là Luật sư Dương Văn Thành (Đoàn luật sư Hải Phòng). 

Bị cáo Đoàn Văn Vươn được luật sư Nguyễn Việt Hùng, trưởng văn phòng luật sư Kinh Đô (Đoàn luật sư Hà Nội) bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. 

Dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra từ ngày 2/4 đến 5/4 dưới sự chủ trì của thẩm phán Phạm Đức Tuyên - Phó Chánh án TAND TP Hải Phòng. 

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân TP Hải Phòng: 4 bị cáo gồm Đoàn Văn Vươn (SN 1963); Đoàn Văn Quý (SN 1966); Đoàn Văn Sịnh (SN 1957); Đoàn Văn Vệ (SN 1974) bị đề nghị truy tố tội danh “Giết người” được quy định tại Bộ luật hình sự (BLHS) có khung hình phạt 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
.
Từ trái qua: Bị cáo Phạm Thị Báu và bị cáo Nguyễn Thị Thương

Từ trái qua: Bị cáo Đoàn Văn Sịnh và bị cáo Đoàn Văn Vệ

2 bị cáo nữ trong vụ án này là Nguyễn Thị Thương (SN 1970), (vợ ông Đoàn Văn Vươn) và Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Đoàn Văn Quý SN 1982) bị đề nghị truy tố tội danh “Chống người thi hành công vụ” có khung hình phạt từ 2 năm đến 7 năm tù.

Các bị can Vươn, Quý, Sịnh, Thoại (em ruột Đoàn Văn Vươn) và Phạm Thái (là anh vợ Đoàn Văn Quý) còn có hành vi chống người thi hành công vụ nhưng đã bị khởi tố, truy tố về tội giết người nên không khởi tố, xử lý về tội chống người thi hành công vụ. 

Nhóm phóng viên
Nguồn: Người đưa tin.

VNExpress: 
Sáng nay ông Đoàn Văn Vươn bị xét xử 

Ngày 2-5/4, ông Đoàn Văn Vươn cùng 5 người bị xét xử tại TAND Hải Phòng về hành vi giết người và chống người thi hành công vụ. Một nửa số nhân chứng được triệu tập không có mặt tại tòa.

Thẩm phán chủ tọa là ông Phạm Đức Tuyên, Phó Chánh án TAND Hải Phòng. 7 luật sư có mặt tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 6 bị cáo (4 bị tạm giam và 2 tại ngoại). Trong số này, luật sư Nguyễn Việt Hùng bào chữa cho bị cáo Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý. Phía các bị hại mời một luật sư.

Tòa thông báo triệu tập 8 nhân chứng nhưng chỉ 4 người có mặt. Theo đề nghị của đại diện VKS, bình gas do bị cáo kích nổ được mang ra làm vật chứng trước tòa.

Quanh khu vực tòa án chừng 100 mét, công an và nhiều lực lượng chức năng đã có mặt để làm nhiệm vụ, giải tỏa ách tắc giao thông. Hàng trăm người dân, phần đông là phụ nữ, đã tập trung ở gần tòa án để theo dõi phiên xử.


Ông Đoàn Văn Vươn ra tòa sáng 2/4. Ảnh: Hà Anh.

Theo cơ quan công tố, năm 1993, ông Vươn được UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) giao 21 ha đất bãi bồi ngoài đê biển quốc gia thuộc xã Quang Vinh để nuôi trồng thủy sản, thời hạn 14 năm. Trong quá trình đắp bờ, ông Vươn được cho là đã lấn chiếm hơn 19ha.

Tháng 4/2009, UBND huyện Tiên Lãng ra quyết định thu hồi hơn 19 ha do đã hết thời hạn sử dụng. Không đồng ý việc này, ông Vươn khởi kiện, song bị bác đơn. Sau đó, huyện ra quyết định cưỡng chế, ấn định ngày thực thi là 5-6/1/2012.

VKSND Hải Phòng cáo buộc, sau khi nhận được thông báo của chính quyền, ông Vươn đã nhiều lần cùng một số anh em trong gia đình gồm Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Thoại, Phạm Thái bàn quyết tâm giữ đầm.

Cơ quan điều tra cho rằng ông Vươn cùng các bị can Sịnh, Quý, Thoại, Báu cùng một số người trong gia đình đã làm 5 hàng rào ngăn cản tại các lối vào khu đầm và trải rơm và tưới xăng trên đường...

Với 4 kíp nổ điện cất giữ sau khi rời quân ngũ, ông Vươn bị cáo buộc đã hướng dẫn ông Quý đấu nối dây điện vào bình ắc quy đến hai quả mìn tự tạo chôn ở hai lối vào để kích nổ bình gas. Trên mỗi bình gas có hai nửa bao đá với mục đích khi gas nổ đá sẽ văng vào người tham gia cưỡng chế gây sát thương.


Toàn cảnh phiên xử. Ảnh: TTXVN.

Theo lời khai tại cơ quan điều tra, sáng 5/1/2012, thấy tổ công tác số 3 của đoàn cưỡng chế đến sát hàng rào, ông Quý kích nổ mìn làm bình gas tung lên nhưng không phát nổ. Khi tổ công tác vào thêm chừng 12 m, ông Quý bắn hai phát súng hoa cải. Thấy Thoại cầm súng mang lên tầng 2, ông Quý tiếp tục bắn phát thứ ba. Vụ việc khiến 7 người bị thương, trong đó người nặng nhất bị 23 vết thương.

Trước khi cùng Thoại, Thái chạy ra thuyền để bỏ trốn, ông Quý chạy ra đổ xăng vào rơm đốt nhưng không cháy do hôm trước trời mưa. Hai ngày sau, ông Quý đến Công an Hải Phòng đầu thú, khai cất giấu 2 súng bắn đạn hoa cải ở một bờ đê tại tỉnh Thái Bình.

VKS nhận định, đủ cơ sở quy kết bị cáo Vươn, Quý, Sịnh, Vệ đã có hành vi đồng phạm tội giết người. Theo khung hình phạt bị truy tố, 4 bị cáo phải đối mặt khung phạt 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Bị cáo Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) và Phạm Thị Báu (vợ ông Quý) bị VKS cho là đã tiếp nhận ý chí của bị cáo Vươn, Quý, Sịnh về việc chống người thi hành công vụ; trực tiếp tham gia làm hàng rào, trải rơm, mua xăng... nên đủ cơ sở xác định có hành vi chống người thi hành công vụ. Hai nữ bị cáo được tại ngoại này bị truy tố theo khung hình phạt 2-7 năm.

Cơ quan công tố cho hay, bị cáo Vươn, Quý, Sịnh, Thoại, Vệ và Thái còn có hành vi chống người thi hành công vụ nhưng đã bị khởi tố, truy về tội Giết người nên không xử lý về tội Chống người thi hành công vụ.

Bị can Thoại và Thái đang bỏ trốn nên nhà chức trách sẽ điều tra, xử lý sau khi bắt được.

- Ngày 5/1/2012, hơn 100 cảnh sát, bộ đội tham gia cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Vươn. Sau vụ chống đối của ông Vươn và một số thành viên trong gia đình, chiều cùng ngày, hai căn nhà của ông Vươn và Quý đã bị đốt, đập phá.

- Ngày 10/1/2012, ông Vươn cùng Đoàn Văn Quý (46 tuổi), Đoàn Văn Vươn (49 tuổi), Đoàn Văn Sịnh (55 tuổi) và Đoàn Văn Vệ (38 tuổi) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Giết người. Phạm Thị Báu và Nguyễn Thị Thương bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ.

- Ngày 10/2/2012, Thủ tướng kết luận các quyết định thu hồi, cưỡng chế 19,3 ha đầm tôm của gia đình ông Vươn đều trái luật.

- Cuối tháng 3/2012, 50 cán bộ tại huyện Tiên Lãng bị kiểm điểm, xử lý. Tập thể Ban cán sự Đảng UBND Hải Phòng bị kỷ luật khiển trách.

- Tháng 1/2013, liên quan trách nhiệm trong vụ phá nhà ông Vươn, nguyên chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền bị khởi tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. 

Trước đó, nguyên phó chủ tịch Nguyễn Văn Khanh và 3 bị can Phạm Xuân Hoa (nguyên trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện, phó trưởng ban chỉ đạo cưỡng chế), Lê Thanh Liêm (nguyên chủ tịch xã Vinh Quang) và Phạm Đăng Hoan (nguyên bí thư xã) đã bị xử lý hình sự về tội Hủy hoại tài sản. Ông Hiền cùng các thuộc cấp sẽ bị xét xử vào ngày 8/4 tại TAND Hải Phòng. Phiên xử do Chánh án Trần Thị Thu Hà làm chủ tọa.


Việt Dũng

Đoàn Văn Vươn gầy, trắng trước tòa

Dân Việt – Đúng 8 giờ 10 phút, bị cáo Đoàn Văn Vươn được dẫn giải vào phòng xử án. Đoàn Văn Vươn trông gầy và trắng hơn trước…


Sáng nay (2.4), Tòa án nhân dân TP Hải Phòng đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ Giết người, Chống người thi hành công vụ xảy ra ở Tiên Lãng, Hải Phòng xảy vào ngày 5.1.2012. 5 bị hại vắng mặt, trong đó có 2 người đang bận học.

Thẩm phán Phạm Đức Tuyên, Chánh án TAND TP Hải Phòng làm chủ tọa phiên tòa. Phiên tòa sẽ được xét xử trong 4 ngày từ 2 – 5.4. Có 10 luật sư bào chữa cho các bị cáo có mặt đầy đủ tại phiên tòa gồm luật sư Trần Đình Triển, luật sư Nguyễn Hồng Bách; luật sư Đinh Thị Hòa; luật sư Nguyễn Minh Long; luật sư Bùi Văn Lợi; luật sư Nguyễn Việt Hùng; luật sư Phạm Xuân Nga; luật sư Phùng Khắc Lợi; luật sư Hoàng Mạnh Hùng, luật sư Đinh Xuân Nhật. Bảo vệ cho 7 bị hại luật sư Dương Văn Thành.


Quang cảnh phiên tòa xét xử ông Đoàn Văn Vương trong sáng nay, 2.4. Ảnh: TTXVN

Lực lượng công an tham gia giữ an ninh trật tự quanh khu vực tòa án khá đông đảo.

Đúng 8 giờ 5 phút, bị cáo Nguyễn Thị Thương và bị cáo Phạm Thị Báu (tức Hiền) được dẫn giải vào phòng xử án. Bị cáo Báu mắc bộ quần áo đen, tương phản với màu áo trắng xám của bị cáo Thương.

Đúng 8 giờ 10 phút, bốn bị cáo Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Vệ được dẫn giải vào phòng xử án trong bộ kaki trắng xám, bị cáo Sịnh mái tóc bạc hơn nhiều so với thời điểm bị bắt 10.2.2012. Riêng Đoàn Văn Vươn trông gầy và trắng hơn trước…

Đúng 8 giờ 15 phút, Tòa bắt đầu với phần thủ tục với phần kiểm tra nhân thân các bị cáo.

Các bị cáo: Đoàn Văn Vươn (SN 1963); Đoàn Văn Quý (SN 1966); Đoàn Văn Sịnh (SN 1957); Đoàn Văn Vệ (SN 1974) bị truy tố về tội Giết người và Chống người thi hành công vụ. Bị cáo Nguyễn Thị Thương (SN 1970); Bị cáo Phạm Thị Báu (tức Phạm Thị Hiền - SN 1982), bị truy tố về tội Chống người thi hành công vụ.

8 giờ 20 phút, các vật chứng của vụ án giết người, chống người thi hành công vụ được đưa vào phòng xử án, gồm 2 bình ga màu xanh, dây điện, thuốc nổ…

Bị cáo đầu tiên được gọi hỏi là bị cáo Đoàn Văn Vươn. Tiếp đến là các bị cáo Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Vệ, Nguyễn Thị Thương, Phạm Thị Báu. Các bị cáo trả lời khá rành rọt trước tòa về nhân thân của mình.

Phiên tòa hôm nay có mặt 5 bị hại, 2 người với lý do bận học. Người làm chứng có mặt 4 người, vắng 5 người.

Chủ tọa hỏi ý kiến các luật sư về phần thủ tục. Luật sư Nguyễn Việt Hùng bào chữa cho bị cáo Vươn và bị cáo Quý đã đề nghị thay đổi toàn bộ Hội đồng xét xử (HĐXX) vì luật sư cho rằng thành phần HĐXX không đúng thẩm quyền. Luật sư Trần Đình Triển yêu cầu công khai danh tính của thư ký phiên tòa. Vị đại diện viện kiểm sát đề nghị HĐXX tiếp tục xét xử.

Đến 9 giờ, HĐXX tạm nghỉ hội ý về đề nghị thay đổi HĐXX của luật sư Hùng. Trong quá trình HĐXX hội ý, vợ chồng bị cáo Vươn – Thương, Quý – Báu đã có thời gian nói chuyện với nhau. Những giọt nước mắt đã rơi khi các bị cáo được gặp mặt sau nhiều ngày chia cách. Sau khi hội ý, HĐXX tiếp tục làm việc. Đại diện VKS đọc bản cáo trạng dài 13 trang luận tội các bị cáo.


Nhóm PV pháp luật
Nguồn: Dân Việt.

No comments:

Post a Comment