Phương Bích- Từ Hải Phòng về chưa được bao lâu, đầu giờ chiều ngày nghị án, chúng tôi lại quày quả quay lại. Lần này có cả chị Trần Thanh Vân, cụ bà Lê Hiền Đức cùng về. Cuối tuần đường đông, xe chạy như rùa bò. Dọc đường thì nghe tòa đã tuyên: 5 năm!
Chúng tôi không ngạc nhiên. Lúc trước mấy anh chị em bảo nhau: khôn ngoan và tử tế thì tuyên án bằng đúng thời gian đã giam giữ, rồi thả ngay tại tòa (không hy vọng nó nhận sai hoàn toàn đâu). Rốt cục ngu dại vẫn hoàn ngu dại.
Việc đầu tiên là đến gặp những người con dâu họ Đoàn đã. Chuyện tranh đấu thì còn dài, còn phúc thẩm, còn giám đốc thẩm, còn một ngày cũng phải tranh đấu. Quan trọng là có tội hay không, chứ đâu phải một ngày hay bao nhiêu năm. Hy vọng ở trên sáng suốt hơn, không cần đến giám đốc thẩm.
Vì hai chị em Thương, Hiền đã về Tiên Lãng nên chúng tôi đi thẳng xuống đó. Đến nơi thì trời đã nhá nhem tối, người nhà họ Đoàn không đưa chúng tôi ra đầm, mà vào nhà ông Luân – thư ký Hội nuôi trồng thủy sản Tiên Lãng. Nhìn ngôi nhà của ông thư ký Hội khang trang, to và đẹp mới thấy, nếu người dân biết làm ăn thì hoàn toàn có thể trở nên “giàu” như thế này.
Chủ nhà có lẽ quá quen với các cuộc viếng thăm bất chợt, chả buồn thay trang phục mà cứ đánh cái quần sọc và chiếc may ô ba lỗ ra tiếp khách, hồ hởi và thân tình như tiếp người thân bằng cái giọng có thể át cả tiếng sóng biển.
Ông thư ký Hội cứ bức xúc ầm ầm, xoay quanh về cái điều 15 và 16 của Bộ Luật hình sự, về việc phòng vệ chính đáng trong trường hợp cấp thiết, đã không được xét làm trọng tâm. Không cần nhìn sách, ông viện dẫn điều này khoản nọ vanh vách khiến tôi cứ tròn mắt nhìn.
Đương nhiên với ông, Đoàn Văn Vươn và anh em họ Đoàn không có tội. Cụ Lê Hiền Đức thì bảo: tôi chả cần biết Luật nào cho phép cả, cứ vào nhà tôi cướp là tôi: Chiến!
Có cái thứ Luật rừng Luật rú nào trên đời, cho phép xông vào nhà người ta cướp, rồi la làng lên là chủ nhà giết người? Khi phòng vệ chính đáng trong trường hợp cấp thiết, bị cắt cổ đến nơi mà còn thời gian để ngồi bàn cãi, xem như thế nào là quá mức cần thiết? Sáng nay, ông già Ô Zôn còn gọi điện xả ầm ầm, rằng nó bảo người ta giết người, vậy những vật chứng là mảnh đạn, vỏ đạn đâu, có được trưng ra không? Những vật đó có thể dùng làm vũ khí giết người không? Có biên bản giám định xem vết thương gây ra do cái gì không? Trong phạm vi bao nhiêu mét? (ông còn bảo có khi do bắn hăng quá, gạch ngói xi măng bắn tung tóe cũng có thể gây nên thương tích không phải là chuyện không có). Hình như trong phiên tòa này, người ta kết tội anh em họ Đoàn phạm tội giết người mà không hề đưa ra những vật chứng nào ngoài cái bình ga thì phải.
.
Hóa ra cái tin do báo đưa, về việc người ta cho vợ chồng Vươn Thương, Quý Hiền ôm nhau trong nước mắt là phịa. Thậm chí họ còn không được nhắn nhủ với nhau một lời dù đứng không cách xa nhau. Cái khoảng cách vô hình của luật pháp thật nghiệt ngã quá mức cần thiết. Nhưng ghê tởm hơn là dường như bất cứ lúc nào lừa được những người đàn bà khốn khổ, hơn một năm nay không được gặp mặt chồng là họ không hề bỏ lỡ. Hiền kể, sau khi kết thúc phiên tòa, lẽ ra đi cửa này thì họ lại bảo mấy chị em đi ra cửa kia, bảo để cho gặp các anh ấy. Ra đến nơi, họ lại chỉ ra chỗ khác, bảo ra đó sẽ gặp các anh ấy. Mấy chị em chạy ra thì xe đã chở các anh ấy đi mất rồi. Hóa ra, họ sợ chúng em ra đó, gặp báo chí thì la khóc ầm ĩ lên đấy mà.
Thiên hạ vẫn thường nghĩ: ác cho lắm vào rồi đời con đời cháu các người sẽ phải hứng chịu.hậu quả.
Nghe tin chúng tôi đến, ông Trong, Phó chủ tịch Hội nuôi trồng thủy sản cũng đi xe đạp sang. Qua những câu chuyện mắt thấy tai nghe, có thể thấy người dân Tiên Lãng rất ủng hộ Đoàn Văn Vươn. Vợ ông thư ký Hội kể, mọi người còn tưởng các anh ấy được về ăn Tết (ngây thơ đến tội nghiệp), bèn kéo nhau sang Cống Rộc để hỏi thăm. Có cô vừa mới sinh con đươc hơn tháng, cũng bế con sang tận nơi để cảm ơn, vì nhờ anh Vươn chống trả lại chuyện cướp đất, nên đất nhà cô ấy mới giữ lại được. Không thấy các anh về, thì mọi người lại để chút tiền đóng góp cho gia đình.
Nói đến đây tôi lại chợt nhớ ra tiến sĩ Đỗ Xuân Thọ (người định đốt thẻ đảng) trước đó nhất định nhờ tôi đóng góp 500 ngàn cho gia đình họ Đoàn. Cảm động nhất là khi tôi hẹn gặp bác ấy sớm hơn, bác ấy thật thà thú nhận, gặp sớm hơn thì bác ấy chưa lĩnh lương. Mặc dù lương hưu của bác ấy chỉ 3,8 triệu, nhưng bác ấy dứt khoát bảo tôi phải cho bác ấy góp 500 ngàn, thậm chí quát lên rất dõng dạc, và cười sung sướng khi tôi nói đã đưa tận tay Hiền.
Sau khi động viên, chia sẻ với những người con dâu họ Đoàn cùng những người dân Tiên Lãng, chúng tôi lên đường về Hà Nội. Hẹn một ngày sớm nhất về thăm Cống Rộc và người anh hùng lấn biển Đoàn Văn Vươn.
.
No comments:
Post a Comment