Thursday, April 4, 2013

LS. NGUYỄN ANH VÂN: QUAN CHỨC HẢI PHÒNG VI PHẠM LUẬT HÌNH SỰ

Phải tố cáo hành vi vi phạm luật hình sự của một số quan chức Hải Phòng

Luật sư Nguyễn Anh Vân

Qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo đài, báo hình, báo viết … chúng ta có thể dễ dàng thu thập được những chứng cứ chứng minh những hành vi vi phạm pháp luật hình sự của ông Đỗ Trung Thoại - phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng và ông Đỗ Hữu Ca - Giám đốc công an thành phố Hải Phòng. Tuy nhiên, đã hơn một tháng nay, kể từ khi vụ án Tiên lãng xẩy ra, vẫn chưa thấy lãnh đạo Hải Phòng và các cơ quan bảo vệ pháp luật có thẩm quyền có bất kỳ đồng thái nào đối với những hành vi vi phạm pháp luật hình sự của hai vị này. Để bảo đảm sự công minh của pháp luật, bảo vệ pháp chế của nhà nước pháp quyền XHCN Việt nam và không để những tên tội phạm chui sâu thêm trong hàng ngũ lãnh đạo của Đảng, chúng ta hãy cùng nhau tố giác chúng để các cơ quan bảo vệ pháp luật đưa chúng ra trước vành móng ngựa.

1.Những phát biểu của ông Đỗ Trung Thoại và ông Đỗ Hữu Ca 

Sau khi bị những người dân và dư luận lên tiếng về việc phá nhà của ông Vươn, ông Quý thì hai ông Thoại, Ca cùng nhau song ca bản tình ca “Dối trá trắng trợn” do họ tự sáng tác. Họ cho rằng việc phá nhà là do người dân tham gia phá chứ đoàn cưỡng chế không phá và họ không ra lệnh cho ai phá. Sau khi bị người dân tố cáo, bị dư luận lên án họ lại trơ tráo chối tội. Sự việc dần sáng tỏ khi những người được lãnh đạo huyện Tiên lãng thuê phá nhà với tiền công là 500.000VNĐ/1 giờ tố cáo. Lúc này Cơ quan điều tra buộc phải ra Quyết định khởi tố vụ án “ Phá hủy tài sản”. Chính Quyết định khởi tố vụ án “ Phá hủy tài sản” là bằng chứng không thể chối cãi được đã tố cáo những lời dối trá của hai ông. Chúng ta dễ dàng tìm thấy lời của bản tình ca “ Dối trá trắng trợn” trên các phương thông tin đại chúng. Dưới đây là lời bài hát của họ.

Lời của ông Đỗ Trung Thoại 
“Việc phá nhà ông Vươn là do nhân dân bất bình và bức xúc quá nên làm vậy. Nhiều người dân không đồng tình với việc làm của ông Vươn và một số tờ báo viết sai.”.
“ Sau vụ nổ sung chống người thi hành công vụ, lực lượng công an phải rà phá và tìm được vũ khí, vật liệu nổ trong nhà. Các đồng chí báo cáo không ra lệnh san phẳng nhà, nhưng do nhân dân bất bình … nên vào phá. Chứ còng lực lượng cưỡng chế của huyện, lực lượng công an không san phẳng nhà này”.
“ Việc một số người dân phá hủy ngôi nhà là do UBND huyện Tiên Lãng báo cáo lên chứ chứ không phải là phát ngôn của UBND thành phố Hải phòng, cũng như cá nhân tôi”?!”.
“ Nhiều cơ quan báo chí trung ương đưa tin về vụ việc “ không đúng sự thật khiến nhân dân bất bình”. Thay mặt UBND thành phố Hải phòng ông đề nghị báo trí không tiếp tục đưa về vụ việc này nữa!”.

Lời của ông Đỗ Hữu Ca
“ … việc cưỡng chế này được sự đồng tình rất cao của người dân trong khu vực. Hàng trăm người ra đó chứng kiến sự việc này đều rất ủng hộ lực lượng công an. Cho nên khi khám nghiệm hiện trường xong, giao lại cho địa phương thì chính những người dân xung quanh người ta vào đạp đổ phá đổ. Cho nên việc phá cái chòi ấy chúng tôi cho kiểm tra lại thì không ai ra lệnh phá và cũng không biết ai làm bởi nhân dân lúc ấy người ta tràn xuống rất đông” (Đài truyền hình Hải Phòng vào lúc 19h45 ngày 17/01/2012).

2. Những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự của ông Đỗ Trung Thoại và ông Đỗ Hữu Ca
Theo nội dung những lời phát biểu trên của các ông Đỗ Trung Thoại và ông Đỗ Hữu Ca, chúng ta dễ dàng nhận thấy những dấu hiệu vi phạm tội “Vu khống” và tội “Che dấu tội phạm” của họ.

a. Hành vi có dấu hiệu vi phạm tội “Vu khống”
Trong Bộ luật hình sự 2009 tội “Vu khống” được quy định như sau:
“Điều 122. Tội vu khống
1. Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với nhiều người;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;
đ) Đối với người thi hành công vụ;
e) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.

Theo quy định của điều luật này, chúng ta cần làm rõ một số vấn đề sau:
- Hành vi bịa đặt những điều biết rõ là bịa đặt: Căn cứ vào khoản 1 điều này thì mặc dù không nhìn thấy trực tiếp người dân phá nhà ông Vươn, ông Quý nhưng Phó chủ tịch Đỗ Trung Thoại đã nói: “ Việc phá nhà ông Vươn là do nhân dân bất bình và bức xúc quá nên làm vậy. Nhiều người dân không đồng tình với việc làm của ông Vươn và một số tờ báo viết sai” và ông Ca thì khẳng định: “…Cho nên khi khám nghiệm hiện trường xong, giao lại cho địa phương thì chính những người dân xung quanh người ta vào đạp đổ phá đổ”. Thực tế thì người dân không ai phá nhà như lời ông Thoại, ông Ca nói. Điều này hiện đã được những người trực tiếp phá nhà tố cáo với cơ quan chức năng là họ được lãnh đạo UBND huyện Tiên lãng, UBND xã Vinh quang thuê phá với tiền công là 500.000VNĐ/ 1 giờ. Vụ việc này đã được Cơ quan điều tra ra Quyết định khởi tố vụ án “Hủy hoại tài sản” để điều tra làm rõ. Như vậy là ông Thoại, ông Ca đã bịa đặt việc không có thật cho người dân.

- Hành vi loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt: Việc bịa đặt này lại được các ông loan truyền trên khắp phương tiện thông tin đại chúng. Ông Thoại bịa đặt trong cuộc họp báo, ông Ca ngoài trả lời báo chí thì lên cả đài truyền hình Hải Phòng loan truyền. Việc bịa đặt này không chỉ lan truyền trong phạm vi địa phận Hải Phòng mà còn lan truyền trên khắp lãnh thổ nước Việt nam và một số quốc gia trên thế giới.

- Hậu quả của việc bịa đặt, loan truyền: Mục đích của việc bịa đặt của họ nhằm xúc phạm danh dự hay che đậy hành vi phạm tội nào khác được quy định trong Bộ luật hình sự thì các cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ. Nếu việc bịa đặt của họ nhằm mục đích che đậy hành vi vi phạm pháp luật của đoàn cưỡng chế thì hành vi này có dấu hiệu vi phạm Điều 21 (Che dấu tội phạm), Điều 313 (Tội che dấu tội phạm) Bộ luật hình sự hoặc việc bịa đặt của họ với mục đích che đậy hành vi cùng tham gia phá nhà thì hành vi này có dấu hiệu vi phạm Điều 143 (Tội hủy hoại tài sản) Bộ luật hình sự. Nếu việc bịa đặt của họ không nhằm mục đích xúc phạm danh dự của người dân thì phải xem xét việc bịa đặt của họ có gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hay không. Trong thực tế, hậu quả của việc bịa đặt đã xẩy ra. Việc bịa đặt này của cả hai ông đã xúc phạm tới danh dự của người dân xã Vinh quang nói riêng và của người dân huyện Tiên Lãng, người dân thành phố Hải Phòng nói chung. Việc bịa đặt này của hai ông cũng đã gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân như: Quyền cá nhân đối với hình ảnh, Quyền được bảo vệ danh dự theo quy định tại Điều 31, 37 Bộ luật dân sự 2005. Hình ảnh của họ bị các ông bôi nhọ. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của họ đã bị mọi người nguyền rủa. Họ đã từng bị coi là những tên tội phạm ghê tởm, không còn nhân tính, chỉ tay không mà phá được cả một ngôi nhà hai tầng kiên cố. Giả sử với chức vụ, quyền hạn của các ông, các ông bưng bít được sự thật, vụ việc không được phanh phui thì những người dân này phải đối mặt với tội “Hủy hoại tài sản” theo Điều 143 Bộ luật hình sự. Họ sẽ trở thành tội phạm, trở thành các bị can trong vụ án. Họ phải đối mặt với những bản án phạt tù theo luật định. Mặt khác, các ông còn làm mất niềm tin của nhân dân, làm xấu bộ mặt của Đảng, của chính quyền thành phố Hải Phòng.

Như vậy hành vi vi phạm tội “Vu khống” của ông Đỗ Trung Thoại - phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng và ông Đỗ Hữu Ca - Giám đốc công an thành phố Hải Phòng đã có đủ các dấu hiệu quy định tại điều luật nêu trên. Hành vi vi phạm này là quá rõ ràng và không thể chối cãi.

Hiên nay các ông này đang giữ các chức vụ trọng trách của UBND thành phố Hải Phòng và việc bịa đặt của các ông đã xúc phạm danh dự với nhiều người nên họ sẽ bị truy tố theo khoản b, c của Điều 122 và khung hình phạt tù dành cho họ là từ 1 năm – 7 năm. Ngoài ra họ còn phải chịu hình phạt theo khoản 3 điều này.
b. Hành vi có dấu hiệu vi phạm tội “Che dấu tội phạm”

Trong Bộ luật hình sự 2009 tội “Che dấu tội phạm” được quy định như sau:

“Điều 21. Che giấu tội phạm
Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện, đã che giấu người phạm tội, các dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định”.

Không phải vô cớ mà hai ông Thoại, ông Ca lại đi đổ tội cho người dân phá nhà của ông Vươn, ông Quý nếu như không che dấu một điều bất minh nào đấy. Trong vụ việc này chỉ có thể lý giải, mục đích đổ tội cho dân của hai ông cho dân là che dấu hành vi phạm pháp của cấp dưới là Chủ tịch huyện, Trưởng công an huyện, Chủ tịch xã, Bí thư xã … Nếu không phải vì mục đích này thì chắc chắn còn ẩn chứa một sự bất minh nào khác nữa lớn hơn hành vi che dấu tội phạm. Điều này thì chỉ có họ mới biết rõ. Tuy nhiên, trong giới hạn thông tin mà chúng ta nắm được thì hành vi này chỉ dừng lại ở mức độ che dấu tội phạm.

Theo quy định của điều luật này, chúng ta cần làm rõ một số vấn đề sau

- Họ đã biết tội phạm được thực hiện, đã che giấu người phạm tội, các dấu vết, tang vật của tội phạm hay không 
Để che đấu cho đồng bọn có hành vi phá hủy tài sản họ đã nhằm vào đối tượng để đổ tội là người dân thấp cổ bé họng, dễ lấp liếm. Họ là người trong cuộc, hoặc cùng tham gia đoàn cưỡng chế thì chắc chắn họ phải biết ai là thủ phạm phá nhà. Hơn nữa, ông Ca là Đại tá - Giám đốc công an thành phố Hải Phòng, quyền sinh, quyền sát trong tay thì làm gì mà không biết ai là thủ phạm phá nhà. Nếu như chưa biết ai phá nhà họ Đoàn thì hai ông phải nói là chưa điều tra, chưa xác minh được. Đàng này các ông lại khơi khơi đổ tội cho những người dân vô tội. Không ai dại gì lại đi đổ tội cho người khác để rồi phải rước họa vào thân, trừ những thằng ngu, những thằng thiểu năng não bộ. Mà các ông làm quan to thế làm sao mà ngu, mà thiểu năng trí tuệ được. Vậy thì phải có uẩn khúc nào đấy trong vụ viêc này. Mối quan hệ trong liên minh ma quỷ này để làm rõ cũng không khó nếu vụ án này được khởi tố vì có quá nhiều chứng cứ. Dấu hiệu hành vi che dấu tội phạm của ông Ca còn thể hiện ở chỗ: “ … việc phá cái chòi ấy chúng tôi cho kiểm tra lại thì không ai ra lệnh phá và cũng không biết ai làm bởi nhân dân lúc ấy người ta tràn xuống rất đông”. Ông Ca đã cho người kiểm tra vụ việc. Kiểm tra những cán bộ lãnh đạo của huyện, của xã, kiểm tra những người trong đoàn cưỡng chế và kết luận không ra lệnh phá, không ai phá cả. Ông cũng cho kiểm tra hiện trường nhưng những kẻ phá nhà không để lại dấu vết gì. Các nhân chứng lúc đó không có ai mặc dù “ … nhân dân lúc ấy người ta tràn xuống rất đông” nhưng tất cả họ đều tham gia phá nhà hoặc nếu ai không tham gia phá nhà thì đó là những người vừa câm vừa điếc và mù chữ. Không thể chấp nhận được lời giải thích của một lãnh đạo đứng đầu ngành công an của một.thành phố lớn trực thuộc trung ương như Hải Phòng. Lời giải thích ngô nghê như của một đứa trẻ mới lớn chỉ có các cháu mầm non mới tin. Để điều tra tìm ra thủ phạm đối với việc này không khó khi tại hiện trường còn nhiều dấu vết (vết xích xe cẩu chẳng hạn …) và có quá nhiều nhân chứng vì không thể tất cả mọi người dân đều xông vào phá nhà. Thực tế đã chứng minh, khi những người được lãnh đạo huyện, xã thuê họ phá nhà đã tố cáo hành vi phạm tội của họ. Rõ ràng ở đây ông ta đã cố tình che dấu những việc làm sai trái của đoàn cưỡng chế, che dấu những tên tội phạm đã ra lệnh đập phá nhà ông Vươn, ông Quý.

- Có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội hay không?
Dấu hiệu hành vi che dấu tội phạm của ông Ca còn thể hiện ở chỗ ông ta sử dụng chức vụ quyền hạn của mình “… việc phá cái chòi ấy chúng tôi cho kiểm tra lại thì không ai ra lệnh phá và cũng không biết ai làm bởi nhân dân lúc ấy người ta tràn xuống rất đông” để khẳng định với mọi người là người dân phá chứ các quan không phá. Dấu hiệu hành vi che dấu tội phạm của ông Thoại thể hiện ở chỗ ông ta cản trở việc phát hiện tội phạm của các phóng viên khi ông ta nhân danh cả UBND thành phố Hải phòng: “ Nhiều cơ quan báo chí trung ương đưa tin về vụ việc “ không đúng sự thật khiến nhân dân bất bình”. Thay mặt UBND thành phố Hải phòng ông đề nghị báo trí không tiếp tục đưa về vụ việc này nữa!”. Ông đã dùng quyền uy của mình để ngăn không muốn các nhà báo đưa tin về vụ này nhằm bưng bít thông tin để dễ bề che đậy hành vi phạm tội của cấp dưới. 

Hành vi vi phạm tội “Che dấu tội phạm” của ông Đỗ Trung Thoại - phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng và ông Đỗ Hữu Ca - Giám đốc công an thành phố Hải Phòng đã có đủ các dấu hiệu quy định tại điều luật nêu trên..

Do hiện nay các ông này đang giữ các chức vụ trọng trách của UBND thành phố Hải phòng nên hành vi che dấu tội phạm của họ đối với tội “Hủy hoại tài sản” (Điều 143 Bộ luật hình sự) thì họ bị truy tố về tội” Che giấu tội phạm” theo Điều 21 và khoản 2 Điều 313 Bộ luật hình sư.và khung hình phạt tù dành cho họ là từ 2 năm – 7 năm.

3. Phần kết 

Như vậy, những dấu hiệu vi vi phạm pháp luật hình sự đối với “Tội vu khống” và “Tội che dấu tội phạm” của ông Đỗ Trung Thoại và ông Đỗ Hữu Ca là không thể chối cãi. Căn cứ vào những dấu hiệu này Cơ quan điều tra – Bộ công an có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với hai ông này. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà các cơ quan bảo vệ pháp luật như Cơ quan điều tra – Bộ công an, Tòa án nhân đân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao vẫn chưa vào cuộc để điều tra làm rõ, mặc dù trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của họ theo Điều 13 Bộ luật tố tụng hình sự 2003. (Điều 13. Trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự. Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố vụ án và áp dụng các biện pháp do Bộ luật này quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội …). Nếu như các cơ quan thẩm quyền chưa vào cuộc hoặc không vào cuộc để điều tra làm rõ những hành vi phạm tội của hai ông này thì chúng ta phải có trách nhiệm, nghĩa vụ đấu tranh, tố cáo theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Bộ luật hình sự. (3. Mọi công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm) và có quyền tố cáo theo khoản 2 Điều 1 Luật khiếu nại , tố cáo năm 1998 “ Công đân có quyền tố cáo với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi trái pháp luật của bất cứ cơ quan tổ chức cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức”. Theo đó chúng ta có quyền đến các cơ quan có thẩm quyền nói trên để trình báo hoặc làm đơn tố cáo gửi đến các cơ quan đó. Như vậy, việc để các cơ quan bảo vệ pháp luật làm rõ hành vi phạm tội của hai ông này cũng phụ thuộc rất nhiều vào mọi người. Vậy chúng ta còn chần chừ gì nũa mà không thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình?! 

No comments:

Post a Comment