Monday, April 22, 2013

NHỮNG NGÀY LỊCH SỬ!

Quảng trường Thiên An Môn năm 1989
Trần Khải - Hôm nay là ngày 21 tháng 4 năm 2013. Ngày 21 tháng 4 cũng là những dấu mốc lịch sử lớn. Đúng 24 năm trước, vào ngày 21 tháng 4 năm 1989, khoảng 100,000 sinh viên Trung Quốc tụ họp ở quảng trường Thiên An Môn để tưởng niệm Hồ Diệu Bang, và công khai lên tiếng bày tỏ bất đồng chánh kiến với nhà nước độc tài cộng sản. Hồ Diệu Bang là lãnh tụ Đảng CSTQ, bị hạ bệ vì tư tưởng cấp tiến, đã chết 6 ngày trước đó. Đối với sinh viên, họ Hồ là biểu tượng cho ước mơ đổi mới đất nước, ước mơ được cởi mở các quyền con người, và khi Hồ chết là những ước mơ nhân quyền của sinh viên kể như u ám.

Một ngaỳ hôm sau là tang lễ chính thức cho Hồ Diệu Bang tổ chức ở Đại Sảnh Nhân Dân tại Thiên An Môn, và các đại diện sinh viên đã cầm một thỉnh nguyện thư bước tới bậc thềm Đại Sảnh, xin gặp Thủ Tướng Lý Bằng. Chính phủ TQ từ chối gặp sinh viên. Và sinh viên từ chối về nhà, lần đầu trong lịch sử thế giới có cuộc biểu tình khổng lồ, dài ngày đòi hỏi dân chủ và nhân quyền như thế. Ngày 4 tháng 6 năm 1989, xe tăng và quân đội chính thức càn quét, nổ súng.

Trường hợp Việt Nam: NgàyThứ Hai, 21 tháng 4 năm 1975, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức sau 10 năm ngồi trên vị trí cao nhất của Việt Nam Cộng Hòa.

Lúc đó, vào ngày này, đã có tin phòng tuyến Xuân Lộc sụp đổ. Nghĩa là, đường cho xe tăng Bắc Quân bắt đầu mở ra.

TT Thiệu lên tiếng tố cáo Hoa Kỳ phản bội, không cung cấp tiền và tiếp liệu cho quân lực VNCH tiếp tục cuộc chiến. Tuy nhiên, phòng tuyến Xuân Lộc sụp đổ, và dân và lính rã ngũ từ Miền Trung đang lũ lượt từ nhiều nơi đang chạy về Sài Gòn, cả đường bộ và đường biển.

Cuộc chiến này trong 2 năm cuối, tính từ Hiệp Định Paris 1973, Miền Nam VN, tức chính phủ VNCH có thể thắng Cộng quân hay không?

Nếu không nhìn từ khía cạnh chính trị, chúng ta có thể nhìn từ quan điểm các nhà kinh doanh, nghĩa là những người đưa tiền vào nơi có thể sinh lợi.

Phần lớn giới kinh doanh đều cho rằng VNCH sau năm 1973 là tất phải thua, chỉ sớm hay muộn thôi.

Tạp chí Time trong số báo tuần lễ 21 tháng 4, 1975, đã ghi nhận rằng giới kinh doanh Hoa Kỳ kể từ Hiệp Định Paris 1973 chỉ lên tới 230 thành viên, trong khi tổng trị giá đầu tư Hoa Kỳ trên miền đất Nam VN của chế độ Tổng Thống Thiệu chỉ là 25 triệu đôla, một số tiền mà tờ Time nói là tương đương chi phí nửa ngày quân phí cho Cuộc Chiến VN vào lúc cao điểm. Lý do, báo này nhận định, vì giới kinh doanh Hoa Kỳ không tin vào khả năng điều hành đất nước của TT Nguyễn Văn Thiệu và phần nữa là vì nạn lạm phát ở miền Nam VN – các công ty đa quốc không sẵn lòng đầu tư vaò nơi nhiều rủi ro, khó sinh lợi.

BBC nói rằng trong bài diễn văn ra đi, đọc trên truyền hình và đài phát thanh, TT Thiệu nói rằng quân lực VNCH không cản được làn sóng Cộng quân vì thiếu viện trợ Mỹ, và ông nói Ngoại Trưởng Mỹ Henry Kissinger đã gạt ông ký vào Hiệp Định Paris 1973 với lời hứa quân viện, nhưng rồi chẳng có quân viện gì cả.

Một lý do cũng cần thấy, nhìn từ quan điểm quốc tế, rằng chính phủ và quốc hội Mỹ không sẵn lòng ủng hộ TT Thiệu vì ông đã biểu lộ độc tài tới mức các vị dân cử Hoa Kỳ không hài lòng, chứ không thuần túy chỉ vì làn sóng phản chiến.

BBC bản Anh ngữ, trong bài phân tích ngày 21-4-1975, nói rằng chính giới Mỹ bất mãn vì “TT Thiệu đã tước bỏ miền Nam VN nhiều định chế dân chủ.” (But the appetite for war has gradually waned in the US and at the same time, Thieu has stripped South Vietnam of many of its democratic institutions.)

Thực tế, chúng ta không biết chắc lý cớ TT Thiệu độc tài có ảnh hưởng tới quân viện Mỹ hay không, nhưng chúng ta biết rằng nhiều quyết định độc đoán và kỳ dị của TT Thiệu về quân sự trong hai tháng cuối Cuộc Chiến VN (Cộng quân đánh lớn nơi đầu tiên là Ban Mê Thuột ngày 10 tháng 3-1975) đã dẫn tới sụp đổ toàn bộ quân lực VNCH ở Miền Trung và Miền Đông Nam Bộ.

Chúng ta cũng không biết chắc rằng nếu có một Tổng Thống khác thay ghế ông Thiệu trong hai tháng cuối cùng đó, với sự tỉnh táo và với sự hội ý từ các tướng tài sẽ có thể chiếm lại được Ban Mê Thuột hay không, nhưng quyết định của ông Thiệu buộc di tản toàn quân đoàn 2 ra khỏi Pleiku sau trận Ban Mê Thuột là quyết định tai hại nhất. Bất khả vãn hồi. Sau cuộc triệt thoái Tây Nguyên, là liên tục các phòng tuyến khác sụp đổ, cho tới khi dựng lên phòng tuyến Xuân Lộc để đánh trận chót, và rồi VNCH sụp đổ từ đây, chứ không phải từ Sài Gòn.

Nhiều ngàỳ sau khi Ban Mê Thuột thất thủ, trung đoàn 53 vẫn còn tử thủ ở phi trường Phụng Dực ở ngoạị ô Ban Mê Thuột, với toàn bộ nhân lực đều ghìm súng ở chiến hào giữa mưa đạn xe tăng vây quanh. Điều này cho thấy sức chiến đấu, hay ít nhất là tinh thần chiến đấu, của quân lực VNCH vững vàng, không suy suyển.

Phạm Huấn kể lại trong sách Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên, chương “Trận đánh Phi Trường Phụng Dực” như sau:

“Nhưng tại mặt trận phi trường Phụng Dực, cách Ban Mê Thuột khoảng 8 km về phía Đông, một Trung Đoàn của Sư Đoàn 23 BB, Trung Đoàn 53 BB vẫn tiếp tục chiến đấu thêm một tuần lễ nữa. Chiến đấu dũng mãnh, dai dẳng, phi thường… cho đến những người lính cuối cùng và những viên đạn cuối cùng được bắn đi!

…Sư Đoàn 316 Tổng Trừ Bị của Cộng Sản Bắc Việt, lần đầu tiên được tung vào chiến trường Cao Nguyên và miền Nam Việt Nam. Từ “xa lộ đất” Hồ Chí Minh, Sư Đoàn này bất chấp mọi thiệt hại di chuyển ngày đêm không nghỉ để tới trận địa đêm 10/03/1975 và ngay sáng hôm sau dốc toàn lực lượng tấn công Sư Đoàn 23 Bộ Binh!

45 phút khởi đầu là những cơn mưa pháo phủ chụp lên đầu những người lính VNCH, chiến sĩ ta “chìm ngập” trong giao thông hào. Sau đó Bắc quân với những tên lính trẻ xuất trận lần đầu hung hăng hò hét xung phong…

Từng lớp, từng lớp người đỗ rạp nhưng chúng vẫn hô, vẫn tiến điên cuồng.

Trận thư hùng thứ hai ngày 11/03 này kéo dài 2 giờ 40 phút. Gần 200 người anh hùng của chiến trường miền núi vĩnh viễn buông súng gửi thân xác của Họ ở lại với vùng Cao Nguyên Việt Nam!

Nhưng những người còn lại, vẫn tiếp tục chiến đấu. Chiến đấu không yểm trợ, không tiếp tế, không tải thương, không tắm gội, 24/24 giờ ngoài chiến hào phòng thủ!

Quá 1/2 lực lượng bị thiệt hại, từ khi ở mặt trận Quảng Đức rút về. Trung Đoàn 53 Bộ Binh hiện còn hơn 1 Tiểu Đoàn với khoảng 500 “tay súng”, và Họ đã chiến đấu một cách đơn độc sang ngày thứ ba,12/03. Ngày thứ tư, 13/3. Ngày thứ năm, 14/3. Ngày thứ sáu, 15/3, ngày thứ bảy, 16/3. Và hôm nay, ngày thứ tám … 17/03/1975!!

Thật anh hùng! Thật vĩ đại! Thật phi thường! Không còn từ ngữ nào khác hơn để ca ngợi, vinh danh Họ, Và đó cũng là một huyền thoại bi tráng nhất của chiến tranh Việt Nam, trong trận đánh sau cùng trên chiến trường Cao Nguyên…

Theo thời gian, bảy ngày đêm chiến đấu dài hơn 7 năm tại mặt trận phi trường Phụng Dực. Đã 3 ngày kể từ khi lệnh triệt thoái Cao Nguyên được ban hành, Trung Đoàn 53 không còn nhận được bất cứ một tiếp tế, liên lạc nào với Quân Đoàn. Họ đã phải sử dụng súng đạn tịch thu được của quân thù trong trận đánh đầu tiên để bắn lại chúng!!

Nhưng hôm nay, 17/03/1975, sẽ là ngày… dài nhất trong cuộc đời lính chiến của Họ!

7 giờ 40 sáng, khi rừng núi Cao Nguyên vẫn còn ngủ yên với những tầng sương mù phủ kín. Thì hàng trăm hàng ngàn đạn pháo của Bắc quân dội vào những chiến hào của Trung Đoàn 53 BB. Cỏ cây rạp xuống, những cột đất đỏ tung cao. Trận địa pháo kéo dài 1 tiếng đồng hồ. Tiếp theo sau là tiếng loa kêu gọi đầu hàng, tiếng hò reo như sóng vỡ của biển người. Và rồi tiếng gầm rú của hàng đoàn chiến xa T.54 trên khắp ngả tiến vào cày nát phi đạo phi trường Phụng Dực, Ban Mê Thuột!

…Đạn hết, lương thực hết. Không còn cấp chỉ huy, không còn được yểm trợ, không còn máy móc để liên lạc, để… kêu cứu. Những chiến sĩ Trung Đoàn 53 Bộ Binh gục ngã từng người, từng tổ, từng Tiểu Đội trong những chiến hào cho đến người cuối cùng!

11 giờ 30 sáng 17/03 Tiếng súng im bặt. Bắc quân cắm ngọn cờ đỏ trên đài kiểm soát không lưu của phi trường Phụng Dực và thu dọn chiến trường.

Không có tù binh, không có cả những người lính bị thương. Những Dũng Sĩ của Trung Đoàn 53 Bộ Binh không còn chiến đấu nữa. Họ đã tan ra, đã nát ra… từng mảnh vụn và trộn lẫn vào đất đỏ của miền Cao Nguyên hùng vĩ!

Ngày 17/03/1975, Trung Đoàn 53 Bộ Binh/ QLVNCH bị Bắc quân xóa tên. Đó cũng là một ngày bi tráng và đau buồn!”(hết trích)

Nhiều tuần lễ sau, Sài Gòn sụp đổ. Có 5 tướng VNCH đã tự sát là Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Thiếu tướng Lê Văn Hưng, Chuẩn tướng Trần Văn Hai, Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ.

Không hẳn là lỗi TT Thiệu, nếu chúng ta nhớ tới lời TT Thiệu nói rằng không còn quân viện để cầm cự nữa. Cũng không phải lỗi cụ Trần Văn Hương hay Tướng Dương Văn Minh… Các doanh gia Mỹ đã thấy trước rồi, thấy từ năm 1973, theo báo Time, là VNCH sẽ thua.

Lịch sử qua trang, để đất nước chìm hẳn vào một nền độc tài như dường chỉ có trong tiểu thuyết George Orwell — một kiểu độc tài khủng long y hệt như TQ, Bắc Hàn, Cuba.

Phải chăng đây là cái giá để thống nhất? Và tại sao cái giá này phủ cả những bóng đen cho nhiều thế hệ tuổi trẻ tới cả bây giờ?

No comments:

Post a Comment