Friday, April 5, 2013

VỤ ÁN CƯỠNG CHẾ ĐẤT Ở TIÊN LÃNG



Vụ án cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng là vụ án về tranh chấp đất đai giữa ông Đoàn Văn Vươn ở Cống Rộc, Vinh Quang cùng gia đình và Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Vụ án thu hút dư luận Việt Nam vì đây được coi là đỉnh điểm về xung đột về đất đai, của những bất cập về cả pháp luật đất đai, việc thực thi pháp luật ở các cấp địa phương và là một tổn thất chính trị to lớn. Kết quả là 4 công an và 2 người thuộc ngành quân đội bị thương,[1] 6 người dân bị bắt và bị khởi tố, việc thu hồi đất bị hủy bỏ  một số cán bộ địa phương bị đình chỉ công tác và bị cách chức 

Đoàn Văn Vươn (1963) sinh sống tại Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, từng phục vụ trong quân đội nhân dân Việt Nam, là kĩ sư nông nghiệp tốt nghiệpĐại học Nông nghiệp Hà Nội. Từ năm 1993, ông Vươn thực hiện việc quai đê lấn biển để nuôi trồng thủy sản. Ông khởi nghiệp bằng việc bán tài sản, vay mượn bạn bè, người thân và ngân hàng, chịu nhiều thiệt hại mất mát trong quá trình lấn biển, bao gồm cái chết của con gái đầu 8 tuổi bị rơi xuống cống chết đuối trong một lần theo bố mẹ ra đầm. Gia đình ông theo đạo Công giáo thuộc giáo phận Hải Phòng.

Cụ thể, năm 1993, huyện Tiên Lãng ban hành quyết định giao cho Đoàn Văn Vươn diện tích 21ha đất bãi biển khu vực nam cống Rộc thuộc xã Vinh Quang để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản, thời hạn sử dụng là 14 năm. Trong quá trình sử dụng ông đã tự ý đắp bờ bao để sử dụng vượt quá diện tích được giao.

Từ năm 1995, ông đã xây được một con đê cao tạo thành bờ bao cho một vùng đầm rộng lớn hàng chục ha cùng hàng ngàn cây sú, vẹt mọc lên tạo thành cánh rừng chắn sóng.[12] Gia đình ông đã có đầm nuôi tôm, cá để sinh sống.

Tháng 3 năm 1997, ông Vươn làm đơn xin giao đất bổ sung phần diện tích lấn biển ngoài diện tích được giao. Tháng 4 năm 1997, huyện Tiên Lãng ra quyết định giao bổ sung cho ông Vươn 19,3ha giáp với diện tích đã giao, thời hạn 14 năm. Tổng cộng ông Vươn được sử dụng 40,3ha đất để nuôi trồng thủy sản.[15]

Đê lấn biển của ông còn được cho rằng đã góp phần giúp nhân dân trong vùng không phải lo vỡ đê mỗi khi bão lũ [16]. Ông Vươn đã đắp được một số đoạn đê để bảo vệ đầm thủy sản của mình, ví dụ như đoạn đê công vụ. Chính quyền huyện sau này cũng đắp thêm được một số đoạn nhỏ của đê công vụ, nhưng lại nhận rằng chính quyền đã có công đắp đê chứ không phải ông Vươn. Việc này đã bị người dân địa phương phản đối

Diễn biến
Đến thời điểm hết hạn giao đất, năm 2009, huyện Tiên Lãng đã làm thủ tục thu hồi toàn bộ 40,3 ha của ông Đoàn Văn Vươn. Tuy nhiên, ông Vươn đã khiếu nại việc thu hồi 19,3ha đất lên huyện, sau đó không đồng tình quyết định của huyện, ông khởi kiện lên Tòa án.

Ngày 27 tháng 1 năm 2010, Tòa án huyện Tiên Lãng đã xét xử sơ thẩm và bác đơn khởi kiện của ông Vươn; giữ nguyên quyết định thu hồi. Đoàn Văn Vươn tiếp tục kháng cáo bản án sơ thẩm. Tóa án Nhân dân thành phố Hải Phòng đã thụ lý hồ sơ và tiến hành “hòa giải” bằng “Biên bản thỏa thuận”: nếu ông rút đơn thì UBND huyện Tiên Lãng sẽ tiếp tục cho thuê đất.

Sau khi có Quyết định đưa vụ án ra xét xử ngày 19 tháng 4 năm 2010, ông Vươn rút toàn bộ yêu cầu kháng cáo. Ba ngày sau, Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng quyết định đình chỉ việc xét xử phúc thẩm vụ án hành chính này. Sau đó, huyện Tiên Lãng đã nhiều lần gửi thông báo làm việc với ông Vươn về việc thu hồi đất đã hết thời hạn sử dụng. Ông Vươn vẫn yêu cầu huyện tiếp tục cho ông thuê đất để nuôi trồng thủy sản.

Sáng 5 tháng 1 năm 2012, huyện Tiên Lãng đã tiến hành cưỡng chế với lực lượng đông đảo hơn 100 người bao gồm cả lực lượng công an và quân đội do phó chủ tịch huyện Nguyễn Văn Khanh làm trưởng ban cưỡng chế nhưng đã bị gia đình ông Đoàn Văn Vươn chống trả. Đoàn Văn Vươn vắng mặt vì lúc đó bận lên Viện Kiểm sát nhân dân Hải Phòng kháng cáo nhưng gia đình đã dùng mìn tự chế và đạn hoa cải bắn trả nhằm vào lực lưỡng cưỡng chế, hậu quả là 4 công an và 2 người thuộc ngành quân đội bị thương.

Phát biểu của đại tá Đỗ Hữu Ca

Trả lời phỏng vấn báo điện tử Vnmedia vào ngày 8-1, về vụ việc cưỡng chế đầm của ông Đoàn Văn Vươn, Đại tá Đỗ Hữu Ca – Giám đốc Công an TP Hải Phòng, mà đã xuống chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường, kể lại[18]: "Vụ việc hôm ấy tuy bắt không được đối tượng nhưng mà trấn áp được đối tượng. Phải nói rằng việc hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay. Tôi bảo, không có cuộc diễn tập nào thành công bằng cuộc diễn tập lần này.

Một là, anh em cơ động dùng thuyền để tiếp cận là chưa có bao giờ trong giáo án, đã phải dùng thuyền nan để chèo vào, bí mật áp sát mục tiêu đấy. Đánh mũi trực diện nghi binh ra làm sao. Rồi là tác chiến vòng ngoài, vòng trong thế nào.

Tôi nghĩ là rất hay, có thể viết thành sách. Tôi nói với các đồng chí Thường trực rằng đây không phải kế hoạch tập trận nhưng đúng là phải rút kinh nghiệm, cái này nó rất là hay, có sự kết hợp giữa địa phương, giữa công an, quân đội, biên phòng rất là đẹp, đâm ra không có gì phải phàn nàn về cái chuyện ấy cả."

Kết quả
Sau vụ cưỡng chế bất thành ngày 5 tháng 1, quyết định thu hồi đất bị tạm hoãn, 4 người thuộc ngành công an và 2 thuộc ngành quân đội nhân dân bị thương. Cơ quan công an Hải Phòng ra quyết định khởi tố vụ án giết người và chống người thi hành công vụ đối với Đoàn Văn Vươn và các đối tượng tham gia liên quan, các ông Đoàn Văn Quý (sinh năm 1966); Đoàn Văn Vươn (sinh năm 1963); Đoàn Văn Sinh (sinh năm 1957) và Đoàn Văn Vệ (sinh năm 1974),[19], ngôi nhà 2 tầng của Đoàn Văn Vươn dùng cố thủ bị phá hủy, mà Phó chủ tịch UBND Hải Phòng Đỗ Trung Thoại cho là do "nhân dân bất bình nên vào phá" và người dân rất đồng tình với việc cưỡng chế này.[20] Cơ quan công an cũng khởi tố Phạm Thị Báu (sinh năm 1982) và Nguyễn Thị Thương (sinh năm 1970, vợ ông Vươn) và đang truy tìm hai người khác là Đoàn Văn Thoại (sinh năm 1970) và Phạm Văn Thái (sinh năm 1977).

Tuy nhiên việc thu hồi đất đã bị hủy bỏ, chủ tịch UBND và Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang cũng bị đình chỉ chức vụ.[5] Ngày 10 tháng 2, thủ tướng chính phủ đã yêu cầu chính quyền địa phương thi hành các thủ tục cho phép gia đình ông Vươn tiếp tục được sử dụng đất đã giao.[21] Chiều ngày 23 tháng 2 năm 2012, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng bị cách chức.

Kết luận vụ phá nhà ông Vươn
Sau cuộc điều tra vụ án hủy hoại tài sản tại khu đầm nhà ông Đoàn Văn Vươn, Công an thành phố Hải Phòng đã có kết luận vào ngày 18 tháng 12 năm 2012[22], cáo buộc Phó Chủ tịch huyện Tiên Lãng, ông Nguyễn Văn Khanh, có vai trò đứng đầu, như làm trưởng ban chỉ đạo, trực tiếp có mặt tại hiên trường, chỉ đạo phá nhà ông Vươn, trực tiếp gọi máy xúc phá nhà. Cơ quan công an Hải Phòng nói ông Khanh “biết rõ nhà của ông Quý (em ông Vươn) nằm ngoài khu vực cưỡng chế” nhưng vẫn ra lệnh phá, nên “phải chịu trách nhiệm toàn bộ về hành vi tổ chức và thực hiện việc huỷ hoại tài sản”. Ngoài ra, công an nói 3 người khác, Phạm Xuân Hòa (nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Tiên Lãng), Lê Thanh Liêm (nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng), và Phạm Đăng Hoan (nguyên bí thư xã) cũng bị đề nghị truy tố tội Hủy hoại tài sản, quy định tại khoản 3 điều 143 Bộ luật Hình sự.

Theo ông Vũ Văn Luận, Thư ký Liên chi hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng thì quyết định này: “không khách quan và cố tình bỏ lọt tội phạm”. Ông Luận cho biết, ông Khanh từng phản đối việc cưỡng chế hồi năm 2010: "Ông Khanh bị chỉ đạo từ ông Hiền (Lê Văn Hiền, Chủ tịch huyện Tiên Lãng), và huyện ủy (Bùi Thế Nghĩa, Bí thư huyện ủy huyện Tiên Lãng), tại sao lại đổ cho ông Khanh?”

Ngày 21/12, Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) có công văn gửi các cơ quan tố tụng về việc không đồng tình với kết luận điều tra vụ hủy hoại tài sản tại nhà ông Đoàn Văn Vươn với 3 lý do.

Cơ quan điều tra xác định 19 người trong đoàn cưỡng chế trực tiếp đốt, phá nhà ông Vươn và ông Đoàn Văn Quý (em ông Vươn) nhưng không công bố danh tính, không truy cứu trách nhiệm hình sự là "bỏ lọt tội phạm" 

Bản kết luận của CATP Hải Phòng khẳng định đã xác định được các thành viên trong ban chỉ đạo nhưng không truy tố mà chỉ đề nghị xử lí hành chính như vậy là không khách quan. Đó là cố tình bao che, cố tình không truy cứu trách nhiệm hình sự với người phạm tội.

Công an Hải Phòng quy kết ông Nguyễn Văn Khanh phải chịu trách nhiệm toàn bộ về hành vi tổ chức và thực hiện việc huỷ hoại tải sản được liên chi hội cho là hoàn toàn không chính xác. Theo họ, ông Lê Văn Hiền (nguyên chủ tịch huyện Tiên Lãng) và ông Bùi Thế Nghĩa (Bí thư huyện ủy Tiên Lãng) mới là thủ phạm chính và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật"

Phản ứng Chính quyền địa phương:

Đại diện chính quyền huyện Tiên Lãng, việc thu hồi đất của Tiên Lãng là căn cứ theo quyết định của huyện.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng cho rằng :"Quyết định giao đất và thu hồi đất là đúng và phù hợp. Hơn nữa, theo quy định, đất chỉ được giao cho người địa phương, trong khi ông Vươn không phải người ở xã Vinh Quang" 

Ngày 7 tháng 2 năm 2012, Thường vụ Thành ủy thành phố Hải Phòng đã tổ chức họp báo thông báo quyết định kiểm điểm và ra quyết định kiểm điểm tập thể Ban thường vụ huyện ủy Tiên Lãng; đình chỉ công tác ông Lê Văn Hiền, Phó bí thư, chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, và Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Nguyễn Văn Khanh, là người trực tiếp chỉ đạo cưỡng chế thu hồi đất để kiểm điểm trách nhiệm cá nhân.

Các chính khách Việt Nam
Các báo ở Việt Nam đã dẫn lời nhiều chính khách của Việt Nam bàn về vấn đề này. Các ý kiến cho rằng Đoàn Văn Vươn và các đối tượng đã vi phạm pháp luật tội chống người thi hành công vụ, nhưng huyện Tiên Lãng cũng có thể sai về mặt pháp luật khi tiến hành cưỡng chế ở vụ án này.

Nguyên Chủ tịch nước Việt Nam, Lê Đức Anh nói, trong vụ cưỡng chế này, chính quyền huyện, xã đều sai và đây là bài học mà chính quyền cả nước phải rút kinh nghiệm [28]. Ông cũng cho rằng "Thành ủy Hải Phòng và UBND TP Hải Phòng phải có trách nhiệm xử lý, làm sai chỗ nào thì phải nhận sai ở chỗ đó, không được trả lời loanh quanh và không được che giấu sai phạm. Trả lời tiền hậu bất nhất là không thể được" và "sử dụng bộ đội để cưỡng chế với dân là tuyệt đối sai" 

Quan điểm của GS Đặng Hùng Võ là: Một mặt, chính quyền huyện Tiên Lãng đã giao đất cho ông Vươn là sai luật. Mặt khác, chính quyền huyện không có đủ thẩm quyền để quyết định thời gian giao đất là bao nhiêu năm và đất giao cho ông Vươn phải gọi là đất nông nghiệp.[30] Bài báo cũng coi đây là đỉnh điểm về xung đột đất đai.

Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, đây có thể coi là một tổn thất chính trị lớn 

Các luật sư và trí thức Việt Nam:

Luật sư Trần Vũ Hải, gửi đơn lên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (cũng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khu vực 3 Hải Phòng, trong đó có huyện Tiên Lãng) kiến nghị xem xét khởi tố hình sự vụ chính quyền Hải Phòng phá sập nhà ông Vươn và em trai ông. Theo ông Hải, nguyên thủy việc cưỡng chế đầm tôm của ông Vươn cũng sai vì "xuất phát từ quyết định thu hồi sai" và "Phải xác định xem chính quyền (Tiên Lãng) sai thế nào mới dẫn đến ông Vươn quá bức xúc và có hành động quá khích"

Dư luận xã hội:

Theo bà Trần Thị Mịn, em dâu ông Đoàn Văn Vươn: "Họ dồn đến đường cùng, nên anh tôi bảo là phải giữ, chứ cũng không dám nổ súng đâu... Bây giờ nợ hơn chục tỷ thì gọi là lên bờ chỉ có chết thôi, không thể sống bằng cái gì được, nhà cửa không có. Nên phải giữ lấy đất, chứ không phải chống trả đâu".

Sau khi một số cán bộ địa phương bị đình chỉ công tác hay bị cách chức, nhiều người dân đã bày tỏ ý kiến đồng tình với việc cách chức này.

Một số dư luận trái chiều khác như theo một nhóm phóng viên thuộc báo Công an nhân dân, Đoàn Văn Vươn được mô tả là con người có hàng loạt sai phạm trong quá trình sử dụng đất [35]. Theo báo này, ông Vươn được cho là lấn chiếm đất nhà nước với diện tích 19,3 ha để "khai hoang".

Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào ngày 10 tháng 2 năm 2012 đã họp với các bộ ngành và cơ quan chức năng địa phương về vụ cưỡng chế đầm và phá nhà ông Đoàn Văn Vươn tại Tiên Lãng. Sau đó Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã cho biết kết luận của thủ tướng.

Về quyết định giao đất cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn, quyết định thứ nhất giao 21 ha đất là đúng, nhưng quyết định thứ hai giao thêm 19,3 ha (thời hạn 14 năm) là chưa đúng với quy định Luật đất đai.
Quyết định thu hồi đất của ông Vươn với lý do hết thời hạn sử dụng cũng trái luật. Luật đất đai quy định 5 trường hợp thu hồi đất, nhưng gia đình ông Vươn không nằm trong 5 trường hợp trên.
Huyện Tiên Lãng huy động lực lượng quân đội của Ban chỉ huy quân sự huyện tham gia cưỡng chế là không đúng.
Công tác tổ chức thực hiện cưỡng chế cũng có nhiều sai sót, gây thương vong cho lực lượng tham gia. Việc phá nhà có sự chỉ đạo của một số lãnh đạo địa phương.

Vụ án phá nhà ông Vươn:

Ngày 02/01/2013 cựu chủ tịch huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an TP Hải Phòng khởi tố trong vụ án phá nhà Đoàn Văn Vươn, xử lý về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 285 của Bộ Luật Hình sự, nhưng được tại ngoại. Ngoài ra bốn cựu quan chức huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang khác cũng bị truy tố. Cựu Phó Chủ tịch huyện Tiên Lãng Nguyễn Văn Khanh được xác định có vai trò chỉ đạo trong vụ phá nhà của gia đình ông Vươn. Ông Khanh cùng các bị can Phạm Xuân Hoa (cựu Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện) và Lê Thanh Liêm (cựu Chủ tịch xã Vinh Quang) có hành vi phạm tội “Hủy hoại tài sản” qui định tại khoản 3, Điều 143 BLHS. Riêng, cựu Bí thư xã Vinh Quang Phạm Đặng Hoan vi phạm khoản 2, Điều 143 BLHS [38].

Vụ án Đoàn Văn Vươn
Ngày 2/4, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Đoàn Văn Vươn xảy ra tại đầm tôm của hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn vào ngày 5/1/2012 chính thức được đưa ra xét xử công khai. 6 bị cáo bao gồm Đoàn Văn Vươn (chủ đầm tôm) cùng vợ và 3 anh em trai, 1 em dâu trong gia đình ông Vươn. Phiên tòa sẽ có sự tham dự của 12 luật sư bào chữa cho các bị cáo và bị hại. Trong đó, có 11 luật sư đăng ký tham dự để bào chữa cho bị cáo Đoàn Văn Vươn và các đồng phạm; có duy nhất một luật sư đăng ký bào chữa cho các bị hại trong vụ án này là Luật sư Dương Văn Thành (Đoàn luật sư Hải Phòng). 4 bị cáo gồm Đoàn Văn Vươn (SN 1963), Đoàn Văn Quý (SN 1966), Đoàn Văn Sịnh (SN 1957), Đoàn Văn Vệ (SN 1974) bị đề nghị truy tố trước tòa tội danh “Giết người” được quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 93 BLHS, có khung hình phạt từ 12 năm đến chung thân hoặc tử hình. 2 bị cáo nữ trong vụ án này là Nguyễn Thị Thương, SN 1970, (vợ ông Đoàn Văn Vươn) và Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Đoàn Văn Quý SN 1982) bị đề nghị truy tố ra trước tòa tội danh “Chống người thi hành công vụ” được quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 257 BLHS, có khung hình phạt từ 2 năm đến 7 năm tù

Diển biến  bên trong Phiên Tòa (ghi thêm):


Bà Phạm Thị Báu trình bày thêm, lời khai của bị cáo có sự chứng kiến của luật sư Bách và công tố viên là khách quan nhất anh Vươn đề nghị HĐXX xem xét lời khai của bị cáo ngày 8.9 đã bị để ngoài hồ sơ.


Sáng nay 3.4, phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án Đoàn Văn Vươn tiếp tục phần xét hỏi đối với các bị cáo, người bị hại và người làm chứng. Chỉ 2 trong số 7 nhân chứng có mặt tại phiên tòa. 5 nhân chứng vắng mặt.
Trả lời các câu hỏi của các luật sư, ông Đoàn Văn Quý trình bày, gia đình ông tham gia làm đầm với anh trai là Đoàn Văn Vươn từ năm 1993. Vợ chồng ông Quý sử dụng chung đầm với gia đình ông Vươn. Gia đình  ông chỉ sống vào nguồn thu nhập từ tôm cá. Trước đây gia đình ông chưa có điều kiện sống vạ vật, mới xây được căn nhà 2 tầng thì bị phá.


Gia đình anh Đoàn Văn Vươn trước vành móng ngựa.

Ngoài đầm chung với anh Vươn, gia đình ông Quý không còn ruộng ở đâu vì có tài sản gì đã bán hết để dồn vào đầm. Sáng 5.1, khi phát hiện đoàn người tiến vào ông không phân biệt được ai. Khi nổ súng là ông bị ức chế do nghĩ rằng Đoàn cưỡng chế đến để lấy đầm, gia đình ông sẽ bị đuổi ra, là mất hết nên bức xúc.

Ông Quý nhận thức rằng việc cưỡng chế của Huyện là sai pháp luật, bị cáo có quyền bảo vệ tài sản, bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Những hành vi chống lại đoàn cưỡng chế là phản ứng theo tự nhiên, ông không nhìn thấy ai, không nhằm vào ai. Khi nhìn thấy lực lượng cưỡng chế tiến vào rất đông, ông Quý không phân biệt được ai, chỉ thấy đông người, nhìn thấy súng và tiếng nổ súng thì sợ.


Phần xét hỏi người bị hại diễn ra khá căng thẳng khi luật sư Trần Đình Triển hỏi một bị hại là cán bộ chiến sỹ công an bị thương đã được khen thưởng gì chưa? Câu hỏi này đã bị HĐXX bác bỏ và giữa luật sư với chủ tọa phiên tòa đã diễn ra tranh luận gay gắt. Ông Lê Văn Mải - nguyên Trưởng Công an huyện Tiên Lãng, tổ trưởng tổ công tác số 3 Đoàn cưỡng chế từ chối trả lời nhiều câu hỏi của luật sư với lý do sức khỏe yếu và nhiều nội dung luật sư hỏi trùng với câu hỏi của HĐXX.

"Tất cả các bị hại (là cán bộ, chiến sỹ công an huyện Tiên Lãng) đều khẳng định mình thi hành đúng công vụ", thực hiện đúng nhiệm vụ được phân công là thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn an ninh trật tự, bảo vệ đoàn cưỡng chế đúng chức trách nhiệm vụ. Tuy nhiên, trong các lời khai của nhân chứng và người bị hại có điểm mâu thuẫn với nhau khi khẳng định có việc trang bị vũ khí hay không và có mang theo áo giáp chống đạn không, người nói có, người nói không.

Chiều ngày 3/4 phiên tòa chuyển sang phần tranh tụng tại tòa và dành một khoảng thời gian đầu giờ cho luật sư Trần Đình Triển hỏi người bị hại là ông Lê Văn Mải, nếu ông này có đủ sức khỏe để trả lời phần tranh tụng khá gay gắt tuy nhiên chỉ 30 phút sau khỉ phiên tòa buổi chiều diển ra ngày 3 tháng 4 năm 2013 thì ban chủ tọa phiên tòa đột ngột kêu dừng.

Luật sư Trần Đình Triển bảo vệ quyền lợi cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn chia sẻ:

Hôm 4/4/2013 bước sang ngày thứ 3 xét xử vụ án Anh Đoàn Văn Vươn. Một ngày gay cấn và căng thẳng;đại diện Viện Kiểm sát đọc bản luận tội, giữ nguyên quan điểm cáo trạng và đề xuất mức hình phạt như sau: 
A. “Tội giết người”:

1. Anh Đoàn Văn Vươn: từ 5 đến 6 năm tù;
2. Anh Đoàn Văn Quý: từ 4,5 đến 5 năm tù;
3. Anh Đoàn Văn Sịnh: từ 3,5 đến 4 năm tù;
4. Anh Đoàn Văn Vệ: từ 24 tháng đến 30 tháng tù cho hưởng án treo.
B. “Tội chống người thi hành công vụ”:
5. Chị Phạm Thị Báu( tức Hiền, vợ anh Quý): từ 18 đến 24 tháng tù cho hưởng án treo;
6. Chị Nguyễn Thị Thương (vợ anh Vươn): từ 15 đến 18 tháng tù cho hưởng án treo.
Phần trình bày lời bào chữa của các luật sư và phần tranh tụng là hết sức căng thẳng; Chủ tọa phiên tòa có khi lấn sân đại diện VKS để tranh tụng với luật sư và không ngớt lời cắt,chặn lời luật sư. Nhiều nội dung chảy bỏng cả về nội dung và tố tụng sai phạm từ thẩm quyền,điều tra,xét xử,định tội danh,có tội hay không có tội?,phạm tội nào?,công vụ hay không công vụ



Phần tranh tụng, các luật sư bảo vệ quyền lợi của gia đình anh Vươn đã tranh luận về các nội dung: động cơ, mục đích của gia đình anh Vươn trong hành vi chống đối lại lực lượng cưỡng chế xuất phát từ nguyên nhân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Các luật sư bào chữa cho gia đình anh Đoàn Văn Vươn nhấn mạnh"gia đình anh Vươn mang cái sai ra chống cái sai, mang cái trái pháp luật ra chống cái trái pháp luật".

Diển biến của phiên tòa đầu tiên:
Nhận định của Luật sư Trần Đình Triển
Sáng ngày 02/4/2013 phiên tòa khai mạc, đúng như dự đoán “Lực lượng công vụ nhiều hơn hàng nghìn lần người tham gia tố tụng, không một người dân nào được tham gia phiên tòa nếu không có giấy mời hoặc triệu tập của Tòa”. Lực lượng triển khai nhiều ngả đường,…dù lý do gì thì cũng đều không hay, bởi lẽ:

Một là: Nếu vì người dân ở nhiều nơi quá bức xúc muốn kéo về đây để phản đối phiên tòa,..thì mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân không được giải quyết, đây là mầm mống của hậu họa và thể hiện sự rơi vãi đâu đó mất niềm tin của dân với chính quyền;…

Hai là: Sợ kẻ địch, kẻ xấu,.. lợi dụng thì cũng không chấp nhận được, vì: nếu ta làm đúng - ta sợ gì ai? “kẻ địch là ai? ai là kẻ địch” thì nói rõ cho dân biết để phòng tránh! “thêm bạn, bớt thù”, tại sao để cho “kẻ địch, kẻ xấu,…”nhiều thế? Nếu họ nói đúng sự thật thì phải khen vì Đảng đã chỉ rõ “Phải nhìn thẳng vào sự thật…” kia mà! Nếu sợ hội chứng thông tin thì phải xử lý mấy “ông râu da trắng” nào đó ở nước ngoài đã phát minh ra Internet,…chứ đâu phải dân ta; “diệt cỏ phải diệt tận gốc” sao lại xử lý mấy người “ấm ớ” sử dụng?!

Các luật sư đến tòa được chăm sóc chu đáo: để xe từ xa đi bộ vào tòa gần nửa km; qua một phòng kiểm tra giấy tờ, sang phòng bên gửi điện thoại (mặc dù cả khu vực tòa đã bị phá sóng); tiếp đến một trạm kiểm tra giấy tờ, trạm cuối cùng là đưa cặp và người qua máy soi rồi mới được vào tòa;…

Nguyên tắc Hiến định: “Xét xử công khai”, mọi công dân đủ năng lực hành vi đều có quyền tham dự phiên tòa đang bị vô hiệu trên thực tế, “nói một đàng, làm một nẻo” thì dân tin sao?

Tòa tạm dừng buổi trưa, ra ngoài đường công cộng, tôi và một số luật sư đang đứng nói chuyện với chị Thương (vợ Anh Vươn) và chị Hiền (vợ anh Quý), bỗng nhiên có một người măc thường phục đeo biển “Ban tổ chức” ra ngăn cản cuộc nói chuyện. Tôi bực mình quá, đành phải thốt lên: "Này Anh! Nên bỏ vào đầu một chút kiến thức; đây là quyền của chúng tôi; anh sai nhưng nếu tôi chống lại thì sẽ bị xử lý về chống người thi hành công vụ như vụ án này đây!” buồn quá!

Ngày hôm nay, nhiều tình tiết tại phiên tòa làm cho anh em luật sư và báo chí tham dự bàng hoàng,..

Phiên tòa bắt đầu 14h chiều  ngày 02/04/2013:

Phần mở đầu phiên tòa: Luật sư Hùng (bào chữa cho anh Vươn) đề nghị thay đổi toàn bộ Hội đồng xét xử với lý do: thẩm quyền điều tra truy tố và xét xử thuộc thẩm quyền của Tòa án Quân sự. Hội đồng xét xử vào nghị án và ra quyết định bác đề nghị của luật sư Hùng với lý do đã được Tòa án Thành phố Hải Phòng và Tòa án Nhân Dân Tối Cao trả lời khiếu nại của luật sư Hùng và khẳng định thuộc thẩm quyền của Tòa án Nhân Dân Thành phố Hải Phòng xét xử.

Đa số các bị cáo đều tố cáo trong giai đoạn điều tra bị đánh đập, bức cung, mớm cung, dụ cung. Có nhiều trường hợp đưa giấy trắng ép bị cáo ký khống vào.

Cả Hội trường giật mình khi anh Đoàn Văn Vệ khai trong quá trình điều tra có một điều tra viên đưa điện thoại cho anh Vệ gọi về cho vợ đã đưa cho điều tra viên hai lần. Một lần 20 triệu và một lần 10 triệu. Điều tra viên hứa sẽ lo cho anh Vệ không có tội; nhưng sau đó không thấy kết quả vì vậy anh Vệ đề nghị thay đổi điều tra viên nhưng không được đáp ứng.

Dư luận
Luật sư Trần Vũ Hải nói với BBC hôm 30/03,so sánh vụ án ở Cống Rộc, Tiên Lãng này với Bấm vụ án Nọc Nạn xảy ra ở tỉnh Bạc Liêu từ thời Pháp thuộc mà trong đó các bị cáo chính, là nông dân người Việt đã phản kháng đàn áp, cưỡng bức ruộng đất và giết chết năm người của chính quyền thực dân Pháp và phong kiến ở Nam Kỳ, đã được tha bổng.

"Trong phiên xử này, nhân dân hy vọng rằng tòa án của Việt Nam, nhà nước công nông Việt Nam, sẽ bảo vệ tốt hơn quyền của nông dân so với tòa án thực dân Pháp hoặc ít nhất là bằng."
" Đây là phiên xử thể hiện tính công minh của hệ thống tư pháp Việt Nam và là dịp để so sánh với hệ thống tư pháp của chế độ cũ"

Nhà báo Huy Đức viết trên Facebook về điều ông gọi là "tội và công" của anh em nhà ông Đoàn Văn Vươn 

"Về tội, anh Vươn chỉ làm "trầy da, tróc vảy" mấy cán bộ công an. Về công, anh thức tỉnh được ở tầm cao nhất. Tòa nên chiểu theo khoản 4, điều 8 của Bộ Luật Hình sự (Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác) để miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho các thành viên trong gia đình anh."

"Rồi lịch sử sẽ còn nhắc lại vụ Đoàn Văn Vươn. Bản án là sự lựa chọn để lại tiếng thơm hay để lại vết nhơ trăm năm cho Chế độ"

Ông Hồng Ngọc, cựu nhà báo của VietnamNet và Văn hóa - Thể thao đưa ra quan điểm 
"Dù ai cũng biết gia đình ông Vươn phạm pháp trong cuộc đáp trả ấy, thì phản kháng tuyệt vọng ấy cần phải được nhìn nhận theo hướng gia đình ông Vươn là nạn nhân, trước khi bị nhìn nhận như thủ phạm."
"Nếu phiên tòa xử gia đình ông Vươn tới đây được sử dụng như là cách thức để chính quyền trả thù những kẻ phản kháng, niềm tin ít ỏi còn lại vào công lý ở Việt Nam sẽ bị chà đạp, và bạo lực ở nơi này hay nơi khác sẽ lại tiếp diễn, nghiêm trọng hơn."

Bạn đọc trên trang nguyentandung.org cho là trang BBC với bài "Vụ ông Vươn: 'Chính quyền sai hoàn toàn'" [40] đã cố tình xuyên tạc, lợi dụng triệt để vụ án Đoàn Văn Vươn để kích động, tuyên truyền chống phá nhà nước Việt Nam
.
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) tại Châu Á, cũng đã lên tiếng về phiên xử trong thông cáo mới nhất gửi đến báo ngày 4/4 

"Sự liên quan giữa việc cưỡng chế đất với các quan chức tham nhũng, kết hợp với sự thiếu vắng của thủ tục tố tụng hợp pháp cũng như pháp luật là điều đang khiến vụ việc vang dội trong tâm trí những người dân Việt Nam,"

Bản án
Tòa án TP Hải Phòng đã tuyên án với ông Đoàn Văn Vươn và người thân vào ngày 05 tháng tư 2013.
ông Vươn bị tuyên phạt 5 năm tù; ông Đoàn Văn Quý: 5 năm tù; Đoàn Văn Sịnh: 3 năm 6 tháng tù; và ông Đoàn Văn Vệ bị 2 năm tù về tội Giết người theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 93 Bộ Luật Hình sự.
Vợ ông Quý là bà Phạm Thị Báu bị 18 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 36 tháng và vợ ông Vươn, bà Nguyễn Thị Thương bị 15 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 30 tháng về tội chống người thi hành công vụ quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 257 Bộ Luật Hình sự.

Chú thích
^ a b Kim Linh, Thanh Lưu (20 tháng 2 năm 2012). "Một số cán bộ lão thành phản ứng với phát biểu của bí thư Thành ủy". Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh (trang TTĐT). Truy cập 5 tháng 4 năm 2013.
^ a b Thái Thịnh (13 tháng 2 năm 2012). "Hai 'quan xã' bị đình chỉ công tác trong vụ Tiên Lãng". Báo điện tử VnExpress. Truy cập 5 tháng 4 năm 2013.
^ a b “Chủ tịch Tiên Lãng 'bị cách chức'”. BBC tiếng Việt (22 tháng 2 năm 2012). Truy cập 5 tháng 4 năm 2013.
^ a b Nguyễn Hưng (24 tháng 2 năm 2012). "Chủ tịch, phó chủ tịch huyện Tiên Lãng bị cách chức". Báo điện tử VnExpress. Truy cập 5 tháng 4 năm 2013.
^ Vụ cưỡng chế ở Hải Phòng. Báo Giáo Dục Việt Nam.
^ Thế Dũng, D.Quang, B.T.Th (10 tháng 2 năm 2012). "Thu hồi, cưỡng chế đầm ông Vươn là trái luật". Báo Người Lao Động Điện tử. Truy cập 5 tháng 4 năm 2013.
^ “Từ vụ cưỡng chế ở huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng: Cần các giải pháp cấp bách về an sinh xã hội”. Báo Cựu chiến binh Việt Nam online (8 tháng 2 năm 2012). Truy cập 5 tháng 4 năm 2013.
^ Hưng Dũng, L.Kiên (20 tháng 1 năm 2012). "Chính quyền vẫn nói ngược chiều dân về ông Vươn". Báo Tuổi Trẻ online. Truy cập 5 tháng 4 năm 2013.
^ Thái Thịnh, Hải Hưng (22 tháng 12 năm 2012). "Vụ phá nhà ông Vươn bị nghi 'bỏ lọt tội phạm'". Báo điện tử VnExpress. Truy cập 5 tháng 4 năm 2013.
^ Thảo Lăng (22 tháng 12 năm 2012). "Kết luận vụ phá nhà ông Vươn bị nghi bỏ lọt tội phạm". Báo Giáo dục Việt Nam điện tử. Truy cập 5 tháng 4 năm 2013.
^ Thế Dũng (13 tháng 1 năm 2012). "Vụ nổ mìn ở Tiên Lãng: Cưỡng chế quá tay". Báo Người Lao Động Điện tử. Truy cập 5 tháng 4 năm 2013.
^ “Đình chỉ chức vụ Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng”. Báo Thanh Niên (8 tháng 2 năm 2012). Truy cập 8 tháng 2 năm 2012.
^ Thế Dũng (16 tháng 1 năm 2012). "Vụ cưỡng chế ở Hải Phòng: Chính quyền huyện, xã đều sai". Báo Người Lao Động Điện tử. Truy cập 5 tháng 4 năm 2013.
^ Nguyễn Quốc Thước (16 tháng 1 năm 2012). "Vụ Tiên Lãng là một tổn thất chính trị lớn".Chuyên trang Tuần Việt Nam, báo điện tử VietNamNet. Truy cập 5 tháng 4 năm 2013.
^ “‘Ông Vươn có thể được giảm tội’”. BBC tiếng Việt (16 tháng 1 năm 2012). Truy cập 5 tháng 4 năm 2013.
^ “Đoàn Văn Vươn với hàng loạt sai phạm trong quá trình sử dụng đất”. Báo Công an nhân dân điện tử (7 tháng 2 năm 2012). Truy cập 5 tháng 4 năm 2013.
^ Lê Tú (2 tháng 4 năm 2013). "11 luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo Đoàn Văn Vươn".Báo điện tử Infonet. Truy cập 4 tháng 4 năm 2013.
^ Thảo Nguyên (2 tháng 4 năm 2013). “BBC lợi dụng vụ Đoàn Văn Vươn để kích động, chống phá”. nguyentandung.org. Truy cập 5 tháng 4 năm 2013.

Xem thêm
Vụ án Nọc Nạn (tiếng Pháp: l’Affaire de Phong Thanh) - tranh chấp đất đai lớn, xảy ra năm 1928 tại làng Phong Thạnh, quận Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu (nay là ấp 4, xã Phong Thạnh B, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) giữa một bên là các gia đình nông dân Biện Toại, Mười Chức và bên kia là giới địa chủ cường hào, quan chức thực dân Pháp cùng tham quan Nam triều[1]. Vụ án gây thiệt mạng 5 người, là một ví dụ điển hình của chính sách phân chia và quản lý ruộng đất bất công tại Nam Kỳ dưới thời thuộc Pháp, sau này, được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Namtôn vinh như một biểu hiện của sự đấu tranh và phản kháng của nông dân với thực dân Pháp.

Diễn tiến vụ việc
Nhà Hương chánh Luông khai phá đất

Trước 1900, một nông dân đến khai phá khu rừng ở rạch Nọc Nạn, được 73 ha. Năm 1908, nông dân này chết, để lại đất cho con là Hương chánh Luông. Khi khai phá, Bạc Liêu còn hẻo lánh, việc đo đạc ruộng đất, lập bản đồ đất đai chậm so với các tỉnh khác ở Nam Kỳ.

Năm 1910, Hương chánh Luông chính thức làm đơn xin khẩn 20 ha đất, chịu đóng thuế trên diện tích này, được chính quyền chấp nhận bằng văn bản. Năm 1912, gia đình Luông lại làm đơn xin đo đạc và cấp bằng khoán (giấy chứng nhận sở hữu đất) chính thức cho toàn bộ diện tích đất canh tác 73 ha. Chủ tỉnh Bạc Liêu chấp thuận, trao cho Luông bản đồ phần đất.

Năm 1916, Tăng Văn Đ. kiện lên chủ tỉnh Bạc Liêu, yêu cầu không cấp đất cho Luông, với lý do Đ. cũng góp sức khẩn hoang. Nhà chức trách xử Đ. thua kiện, vẫn cấp giấy tờ đất cho Luông, nhưng cắt 4,5 ha cho Đ.. Luông được cấp tờ bằng khoán tạm số 303 đề ngày 7 tháng 8 năm 1916.

Âm mưu của Hoa kiều Mã Ngân
Luông qua đời, người con trai cả là Biện Toại thừa kế phần đất trên. Năm 1917, Hoa kiều giàu khét tiếng Bạc Liêu là Mã Ngân, thường gọi là Bang Tắc, muốn tranh chiếm đất đai nhà Biện Toại. Là người tinh ranh luật lệ, Bang Tắc mua lại phần đất giáp ranh Biện Toại của bà Nguyễn Thị Dương, nhưng trong hợp đồng ghi bán phần đất với ranh giới bao trùm luôn khoảnh đất anh em Biện Toại đang sử dụng. Bang Tắc biết đất của nhà Biện Toại mới chỉ có bằng khoán tạm.

Tranh chấp đất nổ ra, hai phía thưa kiện nhau bốn lần lên chủ tỉnh Bạc Liêu và bốn lần lên Thống đốc Nam Kỳ, lên cả Toàn quyền Đông Dương. Năm 1919, Bang Tắc sai tá điền đốt một căn chòi ruộng và giết một con trâu của Biện Toại để dằn mặt. Anh em Biện Toại không phản kháng, chờ nhà chức trách phân xử. Viên quan phủ H. ở quận Giá Rai, theo dư luận nghi ngờ, đã nhận tiền của Bang Tắc, yêu cầu chia đôi phần đất: Biện Toại một nửa, Bang Tắc một nửa.

Cũng năm 1919, quan phủ Ngô Văn H. được cử giữ chức Chủ tịch Hội đồng Phái viên (commission administrative), có trách nhiệm khảo sát đất đai, chính thức cấp bằng khoán đất ở làng Phong Thạnh. Hội đồng này xác nhận phần đất của gia đình Biện Toại thuộc về Nguyễn Thị Dương, và nay là của Bang Tắc.

Ngày 13 tháng 4 năm 1926, Thống đốc Nam Kỳ ký Nghị định bán lô đất 50 ha trên phần đất của Biện Toại với giá 5.000 đồng cho Bang Tắc. Đến đây, chính quyền chính thức công nhận phần đất mà gia đình Biện Toại đã hai đời khai thác và sử dụng là của Bang Tắc. Anh em Biện Toại vô cùng căm phẫn, chống đối ra mặt. Bang Tắc không dám làm to chuyện, bèn bán lô đất 50 ha cho một người rất quyền lực là bà Hà Thị Tr., mẹ vợ anh ruột quan phủ H.

Bà Tr (mẹ vợ anh ruột quan phủ H) vào cuộc
Bà Tr. bắt đầu đòi anh em Biện Toại phải nộp địa tô, coi họ như tá điền trên chính phần đất họ đã khai khẩn. Ngày 6 tháng 12 năm 1927, bà Tr. xin được án lệnh của tòa, cho phép tịch thu tất cả lúa của anh em Biện Toại. Ngày 13 tháng 2 năm 1928, lính mã tà gặp anh em Biện Toại để thực thi lệnh tịch thu lúa, anh em Biện Toại kháng cự. Ngày hôm sau, mã tà lại tới, anh em Biện Toại lại kháng cự, mã tà phải rút.

Trước thái độ cứng rắn của anh em Biện Toại, hương chức làng liền tự ý bắt giữ bà Hương chánh Luông (mẹ Biện Toại) trong 24 giờ. Thương mẹ, Biện Toại hứa không kháng cự. Bà Luông được thả. Tối 14 tháng 2 năm 1928, anh em nhà Biện Toại họp, làm lễ lạy ông bà tổ tiên và bà Luông, gọi là báo hiếu lần chót. Họ trích huyết thề ăn thua, không sợ chết, rút thăm để ông bà chỉ định ai là người hy sinh đầu tiên. Lần đầu, cô em gái tên Út Trong (tức Nguyễn Thị Trong) rút được thăm. Anh em yêu cầu bốc lại. Lần thứ hai, Út Trong vẫn rút được thăm. Cô nói: “Ông bà đã dạy, em xin liều chết!”

Thảm kịch đồng Nọc Nạn
Sáng 16 tháng 2 năm 1928, khoảng 7 giờ, hai viên cò Pháp là Tournier và Bouzou cùng bốn lính mã tà từ Bạc Liêu đến Phong Thạnh để tiếp tay viên chức làng tịch thu lúa của gia đình Biện Toại. Đến gần đống lúa, Tournier yêu cầu hương chức làng mời một người trong gia đình ra chứng kiến. Mười lăm phút sau, cô Nguyễn Thị Trong, em gái Biện Toại đi ra, dắt theo một bé gái 14 tuổi, tên là Tư. Tournier đuổi Trong, vì cho cô là phụ nữ và còn nhỏ tuổi, không thể chứng kiến việc đong lúa. Trong không đi, còn yêu cầu đong lúa xong phải ghi biên nhận.

Tournier từ chối, tát tai Trong. Cô lập tức rút ra cây dao nhỏ. Tournier đập báng súng, làm cô ngất đi. Bouzou tước dao khỏi tay Trong. Trong lúc lấy dao, ông này bị một vết thương nhỏ không đáng kể ở tay. Đứa cháu tên Tư bèn chạy về cấp báo. Anh em Biện Toại từ nhà chạy ra, mang theo dao mác gậy gộc. Họ chia thành hai tốp, tốp đầu do Mười Chức, em ruột Biện Toại, dẫn đầu. Tốp thứ nhì do bà Nghĩa (vợ Mười Chức) dẫn đầu. Tổng cộng năm đàn ông, năm phụ nữ. Tournier ra lệnh cho lính chuẩn bị ứng phó, bắn chỉ thiên, nhưng Mười Chức không dừng lại. Tournier bèn bắn Mười Chức. Bị thương nặng, nhưng Mười Chức vẫn gắng nhào đến, đâm lưỡi mác trúng bụng Tournier, rồi mới ngã xuống.

Bạo lực trở nên không thể kiểm soát. Bouzou rút súng bắn bị thương nặng bốn người phía Biện Toại. Hết đạn, Bouzou lại lấy súng của Tournier, bắn tiếp, làm nhiều người thương vong. Sáng hôm đó, Mười Chức và vợ đang mang thai (bà Nghĩa), một người anh tên Nhẫn, đều chết. Nhịn, Liễu (hai em Mười Chức) bị thương nặng. Ba ngày sau, Nhịn chết tại bệnh viện. Về phía nhà cầm quyền, Tournier thiệt mạng ngày 17 tháng 2 tại bệnh viện Bạc Liêu.

Phiên tòa
Tòa Đại hình Cần Thơ xét xử vụ án Nọc Nạn ngày 17 tháng 8 năm 1928. Chánh án là De Rozario, công tố viên là Moreau, Hội thẩm là ông Sự. Các luật sư biện hộ (miễn phí) cho gia đình Biện Toại là người Pháp, Tricon và Zévaco, theo lời nhờ của nhà báo Lê Trung Nghĩa.

Diễn biến phiên tòa
Ông phủ Tâm, viên chức phụ trách đất đai tỉnh Bạc Liêu, nói giấy tờ lưu trong sổ bộ của nhà chức trách về tờ biên lai cấp đất cho hương chánh Luông năm 1910 đã bị mất cắp. Điều này gây ra nghi ngờ có khả năng hồ sơ trong văn khố cũ bị thủ tiêu, có lợi cho những kẻ cường hào.

Hương thân làng Phong Thạnh Hồ Văn Hi xác nhận Tournier nổ súng trước. Mười Chức đâm Tournier sau khi trúng đạn.

Lâm Văn Kiết, thành viên Hội đồng phái viên, xác nhận phần đất do Hương chánh Luông và con là Biện Toại khai khẩn trước. Công tố viên nói ông Kiết không dám cãi cấp trên của mình là Tri phủ H., người theo phe Bang Tắc và là Chủ tịch Hội đồng phái viên.

Tri phủ Ngô Văn H. cho rằng vấn đề đất đai quá phức tạp, mất thì giờ, nên ông đã buông xuôi. Công tố viên rất giận dữ, cho rằng lề lối làm việc của ông H. quá bừa bãi, không thể viện lý do mất thì giờ mà không phân xử rạch ròi. Bị luật sư chất vấn, ông H. thú nhận anh ruột của ông có hùn vốn làm ăn với Bang Tắc. Sau vụ án, ông H. bị bãi chức tri phủ.

Bang Tắc ra làm chứng, nói không hối hận gì. Viên hội thẩm bức xúc: “Dân chúng nói đáng lý ra ông phải chết thay cho viên cò Tournier”.

Trước khi buộc tội, công tố viên Moreau đề nghị tòa thận trọng, nhắc lại vụ án Ninh Thạnh Lợi năm 1927. Ông cho rằng vụ này chứng tỏ bất ổn xã hội về đất đai đang gia tăng hết sức nghiêm trọng. Ông nói tình cảnh của gia đình Biện Toại rất đáng thương: bị những kẻ không có trái tim (hommes sans coeur) đến cướp đất, rồi bọn có quyền thế tiếp tay với bọn cường hào. Ông đề nghị tòa tha bổng Biện Toại, cô Liễu (em Biện Toại) và con là Tia, giảm nhẹ cho cô Trong và Miều (em rể Biện Toại, chồng Liễu).

Biện hộ của luật sư

Luật sư Tricon nhận định nguồn gốc của vụ án là vấn đề điền địa. Ông cho rằng chính sách ruộng đất thời Nguyễn công bằng và hợp thực tế, còn luật lệ do người Pháp đặt ra chưa được áp dụng đúng, thiếu thực tế, những người trong Hội đồng Phái viên chỉ ngồi một chỗ, chưa hề bước ra sở đất mà họ xem xét, chỉ quyết định dựa trên báo cáo. Ông ca ngợi tinh thần lao động khẩn hoang của gia đình Biện Toại: họ phải đấu tranh với thiên nhiên, với bọn cường hào, với cả các thủ tục pháp lý, nói: Chúng ta, những người Pháp, nên xây dựng ở xứ này một chế độ độc tài. Không phải độc tài bằng sức mạnh của súng đạn, nhưng là sự độc tài của trái tim (Non pas de la dictature de la force du mousqueton, mais de la dictature du coeur).. Ông cũng ca ngợi lập luận của công tố viên, cho rằng chính sách của nhà nước thì tốt, nhưng người thừa hành xấu đã làm cho chính sách trở nên xấu đối với dân chúng. Ông nói nên sa thải vài ông phủ, ông huyện bất hảo và vạch rõ hành động của cặp bài trùng Bang Tắc - Tri phủ H. đã dẫn đến tấn thảm kịch Nọc Nạn. Ông xin tòa tha thứ cho các bị can, nói: Lần này sẽ có một bà lão khóc về cái chết của bốn đứa con. Bốn người này đã chết, vì họ tưởng rằng có thể tự lực gìn giữ phần đất ruộng mà họ đã từng rưới mồ hôi và máu của họ lên đó.

Án tuyên

Tòa Đại hình Cần Thơ tuyên Biện Toại, Nguyễn Thị Liễu (em út Toại) và Tia (con trai Toại) được tha bổng. Cô Nguyễn Thị Trong, sáu tháng tù (đã bị tạm giam đủ sáu tháng). Miều (chồng Liễu), hai năm tù vì tiền án ăn trộm.

Làn sóng công luận

Báo chí Sài Gòn bấy giờ đua nhau phản ánh vụ Nọc Nạn. Nhà báo xuống tận nơi điều tra. Dư luận từ mọi giới, kể cả giới thực dân, đều thuận lợi cho gia đình Biện Toại. Họ bị áp bức quá lộ liễu. Họ là những tiểu điền chủ siêng năng nhưng bọn cường hào cấu kết với quan lại tham nhũng đã đẩy họ đến đường cùng.

Các phong trào yêu nước bấy giờ đang sôi nổi. Hai năm trước (1926) vừa xảy ra đám tang chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh. Đảng Lập hiến của ông Bùi Quang Chiêu cũng vừa ra đời. Dù chủ trương Pháp-Việt đề huề, ông Bùi Quang Chiêu chính là người lập tờ báo tiếng Pháp La Tribune Indochinoise. Phóng viên báo này - Lê Trung Nghĩa - đã nhờ hai luật sư Tricon và Zévacon biện hộ cho gia đình Biện Toại.

Tại tòa, trừ tờ La Dépâche l’Indochine, tất cả báo chí Sài Gòn đều có mặt: L’Écho Annamite, Đông Pháp thời báo, L’Impartial, l’Opinion, Le Courrier Saigonnais, Le Phare, La Tribune Indochinoise.

Sau phiên tòa, các nhân sĩ và đồng bào ở Phong Thạnh như các ông Huỳnh Minh Trí, Nguyễn Duy Biện, Nguyễn Viết Trọng ở Giá Rai, Bùi Văn Túc ở Long Điền, làm tiệc cảm ơn hai vị luật sư và các nhà báo Pháp và Việt, theo truyền thống trung hậu và hào hoa cố hữu của người Bạc Liêu. Bà Hương chánh Luông cũng tham dự buổi tiệc này.

Dư âm Nọc Nạn

Vụ án Nọc Nạn xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn nghệ sau này
Bài vè Nọc Nạn, được dân gian sáng tác sau vụ án không lâu
Vở cải lương Máu thắm đồng Nọc Nạn của tác giả Phạm Ngọc Truyền
Phim truyền hình năm tập Đồng Nọc Nạn, đạo diễn Trần Vịnh, kịch bản Chu Lai, nhà sản xuất Đài truyền hình Bạc Liêu năm 2004
Bộ phim truyền hình nổi tiếng Đất phương Nam, do TFS sản xuất năm 1997, cũng có đề cập đến vụ án Nọc Nạn trong một tập phim.

Di tích cấp quốc gia Nọc Nạn

Di tích Nọc Nạn, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia của Việt Nam, hiện ở ấp 4, xã Phong Thạnh B, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Di tích gồm hai phần: sân phơi lúa và khu mộ ông bà Tám Luông (Hương chánh Luông), cách nhau khoảng 300 m. Sau khi song thân mất, anh em ông Biện Toại đắp một nền mộ rộng khoảng 700 m2, cao 50 cm để an táng và xây nhà mồ. Sau sự kiện Nọc Nạn, những người thiệt mạng được chôn rải rác gần đó, đến năm 1963 được quy tập về khu mộ. Những người anh em ông Mười Chức mất sau này cũng được an táng tại đó.


Hiện nay, Bảo tàng Bạc Liêu còn lưu giữ ảnh những người đã bị giết trong vụ Nọc Nạn và những người tham gia cuộc đấu tranh của anh em Biện Toại. Ngoài ra còn có ảnh chân dung các luật sư biện hộ cho gia đình nạn nhân. Nhà nước Việt Nam đã đầu tư trùng tu và mở rộng khu di tích lên khoảng 3 ha, gồm các hạng mục khu mộ gia đình Mười Chức, nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, cụm tượng tái hiện trận đánh giữa gia đình Mười Chức và binh lính chính quyền, với kích thước người thật.

No comments:

Post a Comment