Monday, April 8, 2013

VỤ TIÊN LÃNG: XÉT XỬ CỰU CHỦ TỊCH TIÊN LÃNG VÀ ĐỒNG PHẠM - ANH VƯƠN XIN GIẢM NHẸ HÌNH PHẠT CHO ÔNG NGUYỄN VĂN KHANH



Dân Việt - Ông Vươn đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho ông Nguyễn Văn Khanh – nguyên phó chủ tịch huyện, xử nặng các bị cáo khác trong đó có Lê Văn Hiền – nguyên Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng. 

Chiều 8.4, phiên tòa xét xử vụ hủy hoại tài sản xảy ra tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng vào chiều ngày 5 và sáng ngày 6.1.2012, tiếp tục phần xét hỏi. Khi được hỏi về lời khai của bị cáo Khanh cho rằng bị cáo Hiền chỉ đạo việc cưỡng chế và tháo dỡ nhà, bị cáo Lê Văn Hiền khai tại tòa: Trong tất cả các quyết định bị cáo đã ký đều không có nội dung tháo dỡ mà chỉ đề cập tới việc tổ chức thu hồi toàn bộ diện tích nằm trong diện tích có quyết định cưỡng chế để giao về cho UBND huyện. 

“Bị cáo Khanh phải chịu trách nhiệm về nội dung phá dỡ lều nhà ông Vươn và nhà ông Quý”, bị cáo Hiền khẳng định. 

Tuy nhiên, chủ tọa công bố lời khai của nhân chứng là ông Hiểu, trong đó ông này cho biết ngày 12.12.2011, ông Hiền là người giao cho ông Khanh ký Thông báo 225. Và khi chủ tọa hỏi vì sao trong sổ tay của bị cáo có ghi về việc tháo dỡ thì bị cáo Hiền trả lời đó là ý kiến của một cán bộ trong đoàn cưỡng chế chứ không phải của bị cáo (?). 
Ông Đoàn Văn Vươn là người bị hại tại vụ án này. 

Bị cáo Hiền thừa nhận việc thiếu trách nhiệm trong cưỡng chế thu hồi đầm tôm của gia đình ông Vươn, gây ra hậu quả. Còn việc ra quyết định thu hồi thời điểm đó bị cáo vẫn nghĩ là đúng, cho đến khi Thủ tướng có chỉ đạo thì bị cáo mới biết sai. 

Tiếp đó, HĐXX chuyển qua hỏi nhân chứng và những người bị hại. 

Nhân chứng Mai Công Nhìu cho hay, chiều ngày 5.1, tại Khu nhà thanh niên xung phong ở xã Vinh Quang, ông Khanh đã phát lệnh cho các tổ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Các tổ của đoàn cưỡng chế ra khu vực lều nhà ông Vươn. Theo ông Nhìu, ông Khanh trực tiếp chỉ huy, ông Hoa đôn đốc thực hiện cưỡng chế, tháo dỡ. 

Chủ đầm Vũ Văn Kết khai, chiều 5.1 có nhận được điện thoại của ông Hoan nói ban cưỡng chế đầm ông Vươn nhờ một việc. Ông Kết ra đầm gặp các ông Khanh, Hoan và Liêm. Ba bị cáo đã nhờ ông Kết gọi hộ 1 chiếc máy xúc để giải phóng mặt bằng nhà ông Vươn. 

Với tư cách là người bị hại trong vụ án này, khi được thẩm vấn tại phiên tòa, ông Đoàn Văn Vươn cho biết, sau đợt cưỡng chế, toàn bộ tài sản bao gồm nhà ở, lều canh, chuồng chăn nuôi, nhà kho… đã bị phá hủy. 

Suốt 14 năm đầu tư, gia đình ông đã tốn rất nhiều công sức, tiền của để gây dựng, số tiền này lên đến hàng chục tỷ đồng (theo ông Vươn ước tính khoảng 60 tỷ, đến khi bị cưỡng chế gia đình còn nợ khoảng 5 tỷ). 

Ông Vươn cũng không đồng tình với Hội đồng định giá khi đã xác định trị giá của tài sản bị phá là hơn 295 triệu và đề nghị được xác định lại. 

Cũng tại tòa, ông Vươn nói lời cảm ơn gia đình bị cáo Nguyễn Văn Khanh cũng như nhiều tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ, xây nhà mới tại khu đầm của gia đình, để gia đình ông tiếp tục sinh sống. 

Trước những hành vi của các bị cáo, ông Đoàn Văn Vươn đã đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, giảm nhẹ án phạt đối với bị cáo Nguyên Văn Khanh. Nhưng ông Vươn đề nghị HĐXX tăng khung hình phạt đối với các bị cáo Hiền, Hoa, Hoan và Liêm. 

Ngày mai (9.4), phiên tòa sẽ tiếp tục với phần tranh tụng. 

Nhóm phóng viên pháp luật' 


(Soha.vn) - Trong phần xét hỏi buổi sáng nay, bị cáo Nguyễn Văn Khanh – nguyên Phó Chủ tịch UND huyện Tiên Lãng đã không đồng tình với trả lời của các bị cáo khác trước tòa. 

Sáng nay, tại phiên sơ thẩm xét xử vụ án “Hủy hoại tài sản” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, Hội đồng xét xử (HĐXX), Viện Kiểm sát (VKS) cùng các luật sư đã tập trung hỏi để làm rõ về chủ trương, tổ chức cũng như công tác thực hiện việc tháo dỡ công trình của ông Vươn và phá nhà ông Quý. Tòa đã tập trung làm rõ vấn đề ai là người ra chủ trương, ra lệnh phá, gọi điện cho chủ đầm tên Kết mang xe ủi đến phá nhà. 

Các bị cáo tại tòa. 

Tuy nhiên, các bị cáo quanh co phủ nhận. Trả lời tòa, bị cáo Nguyễn Xuân Hoa – nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tiên Lãng cho biết mình không biết ai là người chỉ đạo phá hủy hai ngôi nhà của anh em ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý vì bị cáo không tham gia cuộc họp tổng kết. Ngày 6/1 là ngày phá nhà 2 tầng (nhà của gia đình ông Vươn) song bị cáo không có mặt nên cũng không biết ai làm. 

Bị cáo Hoa khai, bị cáo không được giao bất cứ nhiệm vụ gì trong cuộc cưỡng chế, ngay cả văn bản thông báo số 225 bị cáo cũng không nhận được. Khi bị cáo xuống khu vực cưỡng chế thì ban chỉ đạo đã tháo dỡ hết nhà của ông Đoàn Văn Vươn. Bị cáo Hoa cũng cho rằng mình không có động cơ nào khác mà chỉ có ý thức về nhiệm vụ của mình. 
bị cáo Phạm Đăng Hoan trước vành móng ngựa trả lời HĐXX. 


Tới lượt bị cáo Phạm Đăng Hoan (SN 1960, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang) trả lời tòa, bị cáo Hoan cho biết: "Ông Nguyễn Văn Khanh hỏi tôi xem ở gần đây có cái máy xúc nào không thì gọi lại đây phá nhà anh Quý. Tôi có gọi cho anh Vũ Văn Kết, anh Kết thông báo lại phải đi hỏi máy rồi nói máy hỏng nên tôi đã thông báo lại cho ban chỉ đạo. Tôi nói: "Chú xem nhà có máy thì cho ban chỉ đạo thuê máy xúc phá nhà". Sau đó ai thuê thì tôi không được biết” - bị cáo Hoan trả lời HĐXX. 

Cũng như bị cáo Hoa, bị cáo Hoan trả lời tòa rằng khi xuống tới khu đầm thì việc phá nhà đã gần xong. Tuy nhiên, bị cáo Hoan cũng thừa nhận tối 5/1, chủ đầm tên Kết thông báo, nếu không phá chuồng dê thì không đi vào được nhà nên bị cáo Hoan đã đồng ý để phá chuồng dê trên đường vào. "Tôi biết là tôi có sai và đã nộp 70 triệu để khắc phục" – bị cáo Hoan nói. 

Bị cáo Lê Thanh Liêm cũng cho rằng mình không liên quan đến việc cưỡng chế. Bởi theo bị cáo Liêm thì bị cáo dù tham gia các cuộc họp song không chỉ đạo phá dỡ nhà của ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý. 

Liên quan đến việc thuê máy xúc, bị cáo Liêm tiết lộ, sáng 6/1, khi bị cáo ra tới nơi thì máy xúc đã có mặt ở đó theo sự chỉ đạo của ông Khanh. "Cuối chiều 5/1, khi thấy lực lượng cưỡng chế phá công trình phụ xong rồi, anh Khanh nói đã thuê được máy xúc. Nhưng muộn rồi nên giao lại cho xã Vinh Quang đôn đốc thực hiện” - bị cáo Liêm nói. 

Bị cáo Liêm cũng mô tả lại việc gọi điện cho chủ đầm tên Kết. "Anh Khanh nói với tôi: "Liêm gọi đi, tôi gọi nhiều rồi". Nhưng do không có điện thoại nên tôi không gọi" - bị cáo Liêm cho biết. 


Bị cáo Nguyễn Văn Khanh. 

Trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Văn Khanh nói: "Máy xúc, trong cuộc họp do xã thuê. Tôi có nghe lời khai của các bị cáo. Các bị cáo khai không đúng. Khoảng gần 16 giờ (ngày 5/1/2012) Hoan có nói với tôi gọi điện thuê máy xúc". Theo bị cáo Khanh, chiều 5/1/2012 thì mình mới có mặt ở khu vực đầm 21 ha và không biết việc phá nhà. 

Bị cáo Khanh trả lời rằng: Chủ trương phá nhà ông Quý được đưa ra tại 2 cuộc họp ngày 12/12/2011 do ông Lê Văn Hiền chủ trì và ngày 22/12/2011 do chính bị cáo Khanh chủ trì. 

Theo bị cáo Khanh, khi cuộc họp đưa ra nội dung tháo dỡ, bị cáo Khanh đã phản đối. Bị cáo Khanh cho biết: “Việc không đồng ý này ngay từ khi huyện ra chủ trương cưỡng chế. Nhưng vì đó là Nghị quyết của tập thể nên tôi phải chấp hành. Ý kiến cá nhân của tôi được ghi vào biển bản. Tôi thấy huyện sai thì tôi cũng báo cáo tại cuộc họp với huyện như vậy". 

Theo bị cáo Khanh, 2 cuộc họp bàn rất kỹ về các phương án. 2 cuộc họp đều ghi biên bản do Văn phòng UBND huyện ghi và biên bản chỉ đạo do Phòng TN-MT huyện ghi. 

Việc điện cho chủ đầm tên Kết được bị cáo Khanh cho biết: “Tôi điện cho Kết do Hoan nhờ. Tôi bảo khẩn trương lên, mang máy xúc xuống nhanh chứ không nói để phá nhà". 

11 giờ 40, tòa tạm nghỉ. 14 giờ chiều nay, tòa tiếp tục với phần tranh luận. 


Vụ hủy hoại tại Tiên Lãng: Các bị cáo nhận sai và nộp tiền khắc phục hậu quả 

Dân Việt - Tại phiên tòa, 3 bị cáo Hoa, Hoan, Liêm đều đã tự nguyện nộp mỗi người 70 triệu đồng đế khắc phục hậu quả cho các gia đình bị hại. 


Sáng nay, tại TAND TP Hải Phòng, HĐXX do thẩm phán Trần Thị Thu Hà đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án hủy hoại tài sản xảy ra tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng vào chiều ngày 5 và sáng ngày 6.1.2012 đối với gia đình bị hại là Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý. 

Cự chủ tịch huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền trước vành móng ngựa 

Sau khi tiến hành xong phần thủ tục tại Tòa, HĐXX chuyển sang phần xét hỏi. Công tố viên Nguyễn Thị Lan đọc bản cáo trạng truy tố 4 bị cáo tội hủy hoại tài sản gồm Nguyễn Văn Khanh - nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, Phạm Xuân Hoa - nguyên Trưởng phòng TNMT huyện Tiên Lãng, Phạm Đăng Hoan - Nguyên Bí thư đảng ủy - Chủ tịch HĐND xã Vinh Quang, Lê Thanh Liêm- nguyên Chủ tịch UBND xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng; bị cáo Lê Văn Hiền bị truy tố tội thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. 

Theo bản cáo trạng nêu, năm 1993 và 1997, UBND huyện Tiên Lãng đã ban hành 2 quyết định (số 447 ngày 4.10.1993 giao 21 ha, và 220 ngày 9.4.1997 giao 19,3ha) giao tổng cộng 40,3ha đầm nuôi trồng thủy sản, thời hạn sử dụng 14 năm tính từ ngày 4.10.1993 cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn. 

Sau khi Đoàn Văn Quý (em trai Đoàn Văn Vươn) lập gia đình, ông Vươn đã giao cho Quý 6ha đầm trong diện tích 21ha để nuôi trồng thủy sản. Năm 2007 và 2009, UBND huyện ra 2 thông báo thu hồi toàn bộ 40,3ha đầm nói trên. Không đồng ý với quyết định thu hồi, ông Đoàn Văn Vươn đã khởi kiện vụ án hành chính nhưng bị TAND huyện Tiên Lãng bác đơn khởi kiện. 

Ngày 24.11.2011, UBND huyện ban hành quyết định số 3307 cưỡng chế thi hành quyết định thu hồi đất đối với diện tích 19,3ha. Ngày 24.11.2011, UBND huyện Tiên Lãng ban hành kế hoạch tổ chức cưỡng chế số 104, và quyết định số 3312 thành lập Ban chỉ đạo cưỡng chế giao cho ông Nguyễn Văn Khanh làm Trưởng ban, ông Phạm Xuân Hoa làm phó ban chỉ đạo. 

Tuy trong kế hoạch số 104 không có nội dung tháo dỡ công trình nhưng ông Nguyễn Văn Khanh đã chỉ đạo đưa nội dung tháo dỡ vật cản, cổng, lều trông coi đầm vào nội dung của kế hoạch số 225 ngày 28.12.2011. 14h ngày 5.1.2012, ông Khanh chỉ đạo phá dỡ theo kế hoạch trên diện tích 19,3 ha trong đó có nhà, công trình phụ của gia đình ông Vươn, một số lều trông đầm, sau đó về khu vực nhà 2 tầng của gia đình ông Quý. Tại đây, các bị cáo Khanh, Hoa, Hoan đã cùng lực lượng cưỡng chế tiến hành kiểm kê, thu hồi tài sản về xã quản lý và bị cáo Khanh đã ra lệnh phá dỡ nhà ông Quý. 

Lực lượng cưỡng chế đã phá hủy công trình phụ, nhà kho, nhà nuôi dê, còn căn nhà 2 tầng kiên cố không phá được bằng các dụng cụ thủ công, bị cáo Khanh đã chỉ đạo bị cáo Hoan gọi máy xúc, bị cáo Hoan không gọi được, bị cáo Khanh đã trực tiếp gọi điện thoại cho Vũ Văn Kết, nhưng do đã muộn nên bị cáo Khanh chỉ đạo bị cáo Liêm, Hoa sáng 6.1 đôn đốc phá cho xong... 

Toàn bộ số tài sản thiệt hại do các hành vi hủy hoại tài sản của các bị cáo gây ra theo kết quả giám định của cơ quan chức năng là 295 triệu đồng. 

Bị cáo Nguyễn Văn Khanh phủ nhận lời khai của các bị cáo khác 

Tại phiên tòa, trả lời câu hỏi của HĐXX, đại diện Viện kiểm sát và các luật sư, bị cáo Phạm Xuân Hoa thừa nhận việc soạn thảo kế hoạch 225 ngày 28.12.2011 là do Phòng TNMT do bị cáo là Trưởng phòng soạn thảo, trong đó có nội dung tháo dỡ các công trình cổng, vật cản, lối đi, lều trông coi đầm trên diện tích đất đã có quyết định thu hồi là không đúng với kế hoạch số 104 ngày 24.11.2011 của UBND huyện (trong kế hoạch 104 không có nội dung này). 

Người ký ban hành kế hoạch và chỉnh sửa cuối cùng là Trưởng ban chỉ đạo Nguyễn Văn Khanh. Trong các cuộc họp chuẩn bị cho cưỡng chế trươc đó, không có ai chỉ đạo, cũng không bàn bạc gì về việc tháo dỡ công trình. Chiều ngày 5.1.2012, với nhiệm vụ được phân công là Tổ trương tổ công tác số 2, bị cáo đã đôn đốc lực lượng cưỡng chế dùng công cụ thô sơ vồ, búa... tháo dỡ công trình trên diện tích 19,3ha, đến 15h là xong. Bị cáo chỉ nhận lỗi là đôn đốc chỉ đạo tháo dỡ công trình, còn việc lực lượng cưỡng chế phá dỡ là do họ tự làm, bị cáo không kiểm soát nổi, bị cáo chỉ là thực hiện nhiệm vụ được phân công, không có động cơ, vụ lợi cá nhân. 

Bị cáo Phạm Đăng Hoan thừa nhận có gọi điện cho Vũ Văn Kết để thuê máy xúc (do bị cáo Khanh nhờ) đến để phá nhà ông Đoàn Văn Qúy. Lúc đó ông Kết nói máy xúc bị hỏng sẽ gọi lại sau. Sau đó Ban chỉ đạo cưỡng chế hay ai thuê máy xúc thì bị cáo không biết. Sáng 6.1 khi bị cáo đang ăn sáng thì nhận điện thoại của ông Kết nói máy xúc đã đến gần nhà nhưng bị vướng một số công trình trên đường, bị cáo có nói, nếu vướng thì cứ phá. Khi bị cáo tới nơi thì máy xúc bắt đầu phá nhà ông Quý. 

Bị cáo Lê Thanh Liêm khai nhận chiều 5.1 khi bị cáo ra đến nhà ông Vươn thì đã thấy toàn bộ nhà ông Vươn bị phá sập, một số công trình ở nhà ông Quý cũng đã bị phá. Sáng 6.1, bị cáo ra nhà ông Quý theo chỉ đạo của Trưởng ban cưỡng chế vào cuối giờ chiểu 5.1 giao cho xã đôn đốc tiếp việc phá nhà ông Quý thì máy xúc đang phá nhà ông Quý. Bị cáo thừa nhận có sai nhưng chỉ chịu trách nhiệm liên quan đến công trình bị phá sáng 6.1 còn những công trình bị phá trước đó, chiều 5.1, bị cáo không chịu trách nhiệm. 

Bị cáo Nguyễn Văn Khanh phủ nhận lời khai trước đó của các bị cáo cho rằng bị cáo là người chỉ đạo UBND xã phá nhà ông Quý sáng 6.1. Bị cáo khằng định trước Tòa, bị cáo không hề giao cho bị cáo Hoan, Liêm việc phá nhà ông Quý. Sau khi lập biên bản cưỡng chế bàn giao đất cho UBND xã Vinh Quang xong, bị cáo đã tuyên bố kết thúc cưỡng chế tại cuộc họp rút kinh nghiệm tại Nhà văn hóa xã. 

Theo bị cáo thì ông Lê Văn Hiền- Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo UBND xã Vinh Quang làm việc này; bị cáo phủ nhận lời khai của các bị cáo cho rằng, bị cáo thuê máy xúc để phá nhà ông Quý, mà khai rằng, bị cáo được ông Hoan nhờ thuê máy xúc đến để khoanh vùng khu vực cưỡng chế tránh tái lấn chiếm. Nội dung này đã được nhắc đến trong kế hoạch cưỡng chế trước đó. Bị cáo cũng bác bỏ lời luận tội của bản cáo trạng cho rằng, do không phá được nhà ông Quý bằng dụng cụ thủ công, bị cáo đã gọi máy xúc đến để phá nhà ông Quý. 

3 bị cáo Hoa, Hoan, Liêm đều đã tự nguyện nộp mỗi người 70 triệu đồng đế khắc phục hậu quả cho các gia đình bị hại. 

Dân Việt sẽ tiếp tục cập nhật thông tin tới bạn đọc. 


Tên quan huyện ác ôn Bị cáo Lê Văn Hiền. 

TP - Sáng nay (8/4), TAND TP Hải Phòng mở phiên sơ thẩm xét xử cựu Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền cùng 4 cán bộ dưới quyền, về các hành vi huỷ hoại tài sản và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. 


8 luật sư bào chữa 

Các bị cáo trên bị xác định có sai phạm trong cuộc cưỡng chế thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn sáng 5/1/2012. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Trần Thị Thu Hà. Dự kiến, 8 luật sư tham gia tố tụng, trong đó 5 luật sư bảo vệ 5 bị cáo và 3 luật sư bảo vệ gia đình các ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý. 

Theo cáo trạng, ông Lê Văn Hiền (55 tuổi) bị truy tố về hành vi thiếu trách nhiệm..., theo Khoản 1, Điều 285 BLHS. Ba bị cáo Nguyễn Văn Khanh (52 tuổi, nguyên Phó chủ tịch huyện Tiên Lãng), Phạm Xuân Hoa (58 tuổi, nguyên Trưởng phòng TN-MT huyện), Lê Thanh Liêm (50 tuổi, em ông Hiền, nguyên Chủ tịch xã Vinh Quang, Tiên Lãng) bị truy tố về tội hủy hoại tài sản, theo Điểm a, Khoản 3, Điều 143 BLHS. 

Bị cáo Nguyễn Văn Khanh.

Cùng về hành vi hủy hoại tài sản, cựu Bí thư xã Vinh Quang Phạm Đăng Hoan (53 tuổi) bị truy tố theo Điểm G, Khoản 2, Điều 143 BLHS. Trong số này, ông Khanh đang bị bắt tạm giam. 

Về dân sự, gia đình ông Vươn và ông Quý yêu cầu phải bồi thường thỏa đáng hoặc phục hồi nguyên trạng tài sản. Các ông Hoa, Liêm và Hoan đã tự nguyện nộp 210 triệu đồng để bồi thường thiệt hại. 

Diễn biến vụ án 

Theo cáo trạng, ngày 24/11/2011, UBND huyện Tiên Lãng ban hành Quyết định 307/QĐ-UBND thu hồi 19,3 ha đất giao nuôi trồng thủy sản đã hết thời hạn sử dụng đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn. 

Đồng thời, UBND huyện có Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 24/11/2011, về việc tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định trên. Kế hoạch số 104 nêu rõ nội dung cưỡng chế, bàn giao toàn bộ diện tích đất và công trình gắn liền với đất đã thu hồi cho UBND xã Vinh Quang quản lý. 

Tuy nhiên, cựu Phó chủ tịch huyện Tiên Lãng Nguyễn Văn Khanh được giao nhiệm vụ là Trưởng ban chỉ đạo cưỡng chế thu hồi đất đã trực tiếp chỉnh sửa, ký ban hành Thông báo số 225/TB ngày 28/12/2011, phân công nhiệm vụ cho các tổ công tác để tháo dỡ tài sản ở khu vực có quyết định cưỡng chế. 

Tại buổi cưỡng chế ngày 5/1/2012, ông Khanh trực tiếp ra lệnh cho các ông Hoa, Liêm và Hoan đôn đốc những người được trưng dụng thuộc tổ 2 trực tiếp tháo dỡ lều trông đầm, nhà của ông Vươn, ông Quý. Việc tháo dỡ được thực hiện trong hai ngày 5 và 6/1/2012, gây thiệt hại hơn 295 triệu đồng. 

Cũng theo cáo trạng, các bị cáo Hoa (Phó trưởng ban chỉ đạo cưỡng chế), Liêm (thành viên Ban chỉ đạo cưỡng chế) và Hoan mặc dù biết ông Khanh chỉ đạo phá dỡ tài sản không đúng với Kế hoạch 104 nhưng vẫn giúp sức ông Khanh thực hiện, làm hư hỏng tài sản của gia đình ông Vươn, ông Quý. 

Cơ quan tố tụng xác định, các ông Khanh, Hoa, Liêm phải chịu trách nhiệm về việc hủy hoại tài sản có giá trị hơn 295 triệu đồng; ông Hoan giúp sức hủy hoại tài sản giá trị hơn 191 triệu đồng. 

Là người đứng đầu cơ quan hành chính địa phương, bị cáo Lê Văn Hiền được cho là đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ; không có biện pháp đôn đốc, kiểm tra, giám sát trong quá trình chuẩn bị cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế. 

Do đó, ông Hiền không phát hiện và ngăn chặn kịp thời, để ông Khanh cùng đồng phạm thực hiện tháo dỡ tài sản của gia đình ông Vươn, ông Quý, gây hậu quả nghiêm trọng. Hành vi này của cựu Chủ tịch huyện Tiên Lãng, theo các cơ quan tố tụng, có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. 

Phiên tòa dự kiến diễn ra từ 8/4 đến 10/4. 

Về dân sự, gia đình ông Vươn và ông Quý yêu cầu phải bồi thường thỏa đáng hoặc phục hồi nguyên trạng tài sản. Các ông Hoa, Liêm và Hoan đã tự nguyện nộp 210 triệu đồng để bồi thường thiệt hại trong khi tổn thất trong vụ cưỡng chế sai phạm tại đầm tôm của gia đình ông Vươn lên đến hàng chục tỷ đồng. 

No comments:

Post a Comment