Phạm Trần - Hội nghị Trung ương 7 của Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN), từ 02 đến 11 tháng 05 (2013), đã lộ ra những bất ổn trong nội bộ ngày một nghiêm trọng và uy tín lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xuống thấp trước giữa nhiệm kỳ 5 năm.
Bằng chứng đã tập trung vào 4 lĩnh vực trong Bài diễn văn khai mạc Hội nghị của ông Trọng:
- Thứ nhất, hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở lỏng lẻo, chồng chéo, rườm rà, tự duy cán bộ, đảng viên chậm đổi mới, tiếp tục đùn đầy trách nhiệm và vô trách nhiệm.
- Thứ hai, Đảng không nắm được dân, dân ngày một xa đảng, thù ghét cán bộ.
- Thứ ba, Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng đã thất bại, các tệ nạn tham nhũng, chạy chức chạy quyền tiếp tục lan rộng. Suy thoái tư tưởng và mất phẩn chất chưa có dấu hiệu suy giảm.
- Thứ 4, Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược gặp khó khăn, các phe nhóm lợi ích trong đảng, quân đội và công an tiếp tục lũng đọan, phá nhau để bảo vệ quyền lực, chống “đổi mới chính trị”.
Vế điểm một, ông Nguyễn Phú Trọng thừa nhận sau hai khoá đảng IX và X, tổng cộng 10 năm, hệ thống lãnh đạo đảng và nhà nước vẫn: “Chưa được phát huy đầy đủ; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chậm được nâng cao; việc đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa mạnh, tình trạng "hành chính hóa " chậm được khắc phục? Vì sao cải cách hành chính chưa đạt được kết quả mong muốn; bộ máy tổ chức và tổng biên chế vẫn tiếp tục phình to, nhất là ở cấp tổng cục, các đơn vị trực thuộc bộ và chính quyền cơ sở. Tình trạng "tách ra, nhập vào", "nhập vào, tách ra" vẫn lặp đi lặp lại.”
Nhưng tại sao lại có tình trạng này sau 12 năm Việt Nam bắt đầu thực hiện cuộc Cải cách Hành chính (CCHC) từ 2001?
Lý do chính và quan trọng nhất là “không ai muốn thay đổi vì thay đổi là thất thu cho bản thân và phe nhóm” nên người dân ở Việt Nam đã quen gọi “hành là chính” trong muôn vàn lọai giấy tờ và quyết định, nghị định dù Chính phủ biết không đem lại kết qủa cũng cứ ban hành để vừa làm vừa sửa rồi không sửa gì cả, để mặc cho dân chịu những hậu qủa!
Vì vậy, sau 10 năm “cải cách hành chính” từ 2001 đến 2010 (nhiệm kỳ đảng IX và X thời Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh), Chính phủ thừa nhận: “Tuy vậy, 10 năm thực hiện CCHC vẫn còn có những hạn chế, yếu kém như tốc độ chậm, kết quả chưa được như mục tiêu đặt ra: Hệ thống thể chế còn thiếu đồng bộ, thống nhất, vẫn chồng chéo, nhiều về số lượng nhưng hạn chế về chất lượng; các đầu mối trực thuộc CP giảm nhưng bộ máy bên trong các bộ chưa giảm; cơ chế quy định trách nhiệm người đứng đầu chưa rõ ràng; cải cách tài chính công mới chỉ là bước đầu, kết quả còn hạn chế...
Đặc biệt, cải cách tiền lương vẫn còn chậm, lương chưa chưa trở thành động lực cho cán bộ, công chức phấn đấu và cống hiến.” (Báo ViệtNamNet, 02/04/2011)
Báo cáo tổng kết CCHC 10 năm cũng nhìn nhận một bộ phận cán bộ, công chức còn "thiếu trách nhiệm, chưa thạo việc, hạn chế về năng lực” nhưng số nhân viên vẫn mỗi ngày một nhiều thêm, thay vì bớt đi như kế họach đã đề ra.
Trong một bài nghiên cứu Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Văn Thâm của Học Viện Hành chính Quốc gia viết: “Những tồn tại qua hơn 10 năm cải cách nền hành chính nhà nước vẫn còn nhiều. Có thể kể ra những tồn tại chính như sau:
Bộ máy hành chính vẫn mang nặng nhiều dấu ấn cũ trong quá trình điều hành (quan liêu , bao cấp), không theo kịp yêu cầu của giai đoạn mới, Cụ thể:
- Chức năng, nhiệm vụ, phân công, phân cấp chưa rõ ràng, chưa phù hợp với cơ chế thị trường;
- Hệ thống thể chế không đồng bộ, không thống nhất. Thủ tục hành chính vẫn còn nhiều điều rườm rà, nặng nề. Kỷ cương quản lý không nghiêm. Nạn lãng phí, tham nhũng không bị đẩy lùi, thậm chí có xu hướng trầm trọng;
- Bộ máy vẫn còn cồng kềnh. Phương thức quản lý vừa quan liêu vừa phân tán. Không nắm hết được yêu cầu của dân.
- Cơ chế tài chính không thích hợp.
Công chức còn nhiều người yếu kém về năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, phẩm chất chưa tương xứng với yêu cầu của thời kỳ mới, xử lý tình huống phức tạp còn lúng túng.”
Ông Trọng thay ông Nông Đức Mạnh lãnh đạo đảng kể từ ngày 19/1/2011 nhưng những điều Giáo sư Nguyễn Văn Thâm nêu ra vẫn còn nguyên nên ông Trọng mới nói thêm trong Diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 7 rằng: “Hoạt động của nhiều ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy khối vẫn lúng túng. Giữa các bộ, ngành vẫn còn một số nội dung quản lý nhà nước trùng lắp hoặc chưa được phân công cụ thể, rõ ràng. Việc phân cấp của Trung ương cho chính quyền địa phương, của cấp trên đối với cấp dưới nhìn chung chưa thật hợp lý; có lĩnh vực quá rộng, thiếu sự kiểm tra, giám sát, ảnh hưởng đến sự quản lý thống nhất cả nước; có lĩnh vực lại quá hẹp, không phát huy được quyền chủ động, tính năng động, sáng tạo của địa phương. Các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện sau khi sắp xếp lại tuy có giảm đầu mối trực thuộc ủy ban nhân dân nhưng lại tăng các đơn vị bên trong các sở, ngành. Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về vị trí, vai trò, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường. Vấn đề biên chế, phụ cấp cho cán bộ cơ sở vẫn chưa có lời giải thấu đáo. Số các hội quần chúng được lập mới vẫn tăng nhanh, một số hội đề nghị có biên chế cán bộ, công chức và hưởng kinh phí từ ngân sách nhà nước...”
Như thế rõ ràng là cả hệ thống cầm quyền từ Trung ương xuống cơ sở đã chưa làm theo quyết định của Bộ Nội vụ khi tổng kết 10 thi hành CCHC và đề ra nhiệm vụ cho 5 năm (2011-2016).
Báo cáo do Tiến sỹ Vũ Văn Thái, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Biên chế, Bộ Nội vụ đề ra các nhiệm vụ này gồm:
- Nghiên cứu sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân đáp ứng tinh thần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XI và tạo cơ sở pháp lý để cải cách cơ bản hơn hệ thống các cơ quan hành chính các cấp.
- Xây dựng đề án cơ cấu tổ chức Chính phủ khoá XIII theo yêu cầu, nâng cao hàm lượng cải cách để tổ chức được tinh gọn, hợp lý hơn. Theo đó, điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thống nhất với cơ cấu tổ chức Chính phủ sau khi được điều chỉnh, sắp xếp lại.
- Xây dựng, hoàn thiện thể chế tổ chức bộ máy, đặc biệt là ban hành Nghị định quy định chung về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; các Nghị định riêng quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng bộ, cơ quan ngang bộ, nhất là đối với những bộ được sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức.
- Tiếp tục rà soát, điều chỉnh việc phân cấp quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực giữa Trung ương và địa phương theo yêu cầu giảm mạnh quan hệ “xin - cho” trong việc thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
- Nghiên cứu hình thành một cơ quan ngang tầm để thực hiện chức năng chủ sở hữu, và giám sát hoạt động đối với các doanh nghiệp nhà nước, để thực hiện việc tách căn bản giữa chức năng quản lý hành chính nhà nước với chức năng quản lý của doanh nghiệp.
- Hoàn thiện cơ chế quản lý đối với khu vực sự nghiệp công, tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động cung ứng dịch vụ công.
- Đẩy mạnh phân cấp quản lý gắn với giảm quan hệ “xin – cho” và kiểm soát thủ tục hành chính, trong việc thực hiện thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước.
Như vậy, liệu thời gian còn lại chỉ còn hơn 2 năm sẽ đến Đại hội đảng XII (nhiệm kỳ 2016-2021), đảng có đủ thời giờ để làm sạch mình và canh tân guồng máy cai trị không?
Và nếu không (phần nhiều là không) thì hậu qủa của “hệ thống chính trị” sa lầy này sẽ đưa dân đi về đâu?
Ngay trong trường hợp Hội nghị Trung ương 7 có “sáng kiến” cho đảng và luôn để giúp bản thân 200 Ủy viên thì cũng để nằm trên giấy, khó mà biến thành hiện thực như đã chứng minh từ bấy lâu nay.
DÂN VẬN HAY LÀM CHO DÂN GIẬN?
Về công tác “Dân vận” ông Trọng thắc mắc: “Vấn đề đặt ra là vì sao lúc này chúng ta lại phải bàn về đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận?”
Không có gì khó hiểu cả. Nếu ông Trọng trả lời được tại sao cái gì đảng cũng nói là “của dân, do dân và vì dân” mà đảng và cán bộ, đảng viên nắm tất cả và có tất cả còn dân thì trắng tay?
Đảng nói “nhân dân làm chủ” nhưng lại để cho Nhà nước “qủan lý cái dân làm chủ” như không cho dân được quyền tự do ứng cử, bầu cử, tự do lập hội, tự do biểu tình, tự do ra báo và tự do thờ phượng và hành đạo, không cho dân có quyền làm chủ ruộng vườn do cha ông đã dầy công khai phá để lại thì làm sao mà đảng nói dân nghe lọt lỗ tai?
Đảng và ngay cả Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đã nhiều lần kêu gọi dân giúp đảng vạch mặt, chỉ tên những kẻ có chức, có quyền đã đục khoét công qũy, rút của mồ hôi nước mắt của dân để thanh toán “quốc nạn” tham nhũng, và truy tố những kẻ áp bức, đe dọa dân nhưng lại không dám bảo vệ dân để không bị kẻ ác trù dập thì có ai dám “đưa đầu ra cho chúng báng”?
Lại nữa, khi người dân bị lấy đất, bị cưỡng chế bằng bạo lực thì nhà nước lại bênh vực kẻ có tiền, chủ đầu tư để mặc cho dân bị mất công bằng và bị bóc lột đến trắng tay bại sản thì nhân dân tin ai?
Đấy cũng là nguyên do của các vụ người dân đã không ngại đường xa, nằm đường xó chợ về tận Trung ương, ăn vạ trước Nhà các Lãnh đạo để khiếu kiện đông người, hoặc phải tấn công vào các Trụ sở Ủy ban Nhân dân để đòi công bằng đã diễn ra khắp nước chỉ vì các cấp chính quyền đã đùn đẩy cho nhau đến vô cảm trước đau khổ, đói nghèo của dân.
Ngay đến việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân chống mọi mưu toan chiếm đất, chiếm biển Việt Nam của Trung Cộng mà nhà nước cũng ra tay đàn áp, bắt dân bỏ tù để làm hài lòng “các đồng chí anh em” Bắc Kinh thì làm sao mà dân không nghi ngờ trong đảng đã có những kẻ “nối giáo cho giặc” hoặc “cõng rắn cắn gà nhà” như lời cảnh báo của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang?
Vì vậy, ông Nguyễn Phú Trọng đã “bắt trúng mạch” bất mãn của dân khi ông nhìn nhận: “Phải chăng là do bối cảnh, tình hình đã và đang có nhiều thay đổi. Bên cạnh mặt thuận lợi cơ bản, cũng xuất hiện không ít khó khăn, thách thức mới, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ mới và bản thân công tác dân vận hiện còn những hạn chế, yếu kém?... Tình trạng phân hóa giàu nghèo, phân cực, phân tầng xã hội; những biến đổi về quan hệ lợi ích, hệ giá trị xã hội; sự cách biệt về kinh tế, xã hội... làm nảy sinh tiền đề của sự phân hóa về nhận thức, tư tưởng... Những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... đang làm tổn thương đến uy tín của Đảng và Nhà nước, làm giảm sút niềm tin của nhân dân.”
Ông Trọng nói đúng và trúng. Nhưng khi ông “chạy quanh” đổ vạ chuyện rối ren nội bộ, ruỗng rữa trong hàng ngũ là do “các thế lực thù đich” đã lợi dụng cơ hội để “nói xấu chế độ” và “bôi nhọ đội ngũ lãnh đạo” là ông không thành thật chịu trách nhiệm của một người lãnh đạo.
Ông nói: “Lợi dụng những khó khăn của nước ta trên con đường phát triển, các thế lực thù địch đang đẩy mạnh các hoạt động "diễn biến hòa bình", xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, nói xấu chế độ, bôi nhọ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, tìm mọi thủ đoạn phân hóa nội bộ Đảng, kích động chia rẽ nhân dân với Đảng, Nhà nước.”
Ông Trọng và các lãnh đạo Nhà nước hãy nghiêm chỉnh soi gương xem trên mặt mình có vết nhám nào không rồi hãy lên án những người chỉ trích mình thì có lẽ phải đạo hơn là cứ nhắm mắt che dấu những khuyết điểm của mình và của đồng chí để tạo nghi ngờ trong dân, trong khi không lo sửa mình như Nghị quyết Trung ương 4 đã đòi hỏi.
CÁN BỘ CHIẾN LƯỢC VÀ LÁ PHIẾU TÍN NHIỆM
Điểm thứ ba, tuy ông Trọng nói dài về kết qủa 1 năm sau ngày thi hành Nghị quyết 4 về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" nhưng ông không “vớt vát” được những mất mát nghiêm trọng do chính ông gây ra tại Hội nghị Trung ương 6.
Tại Hội nghị 6, ông Trọng đã để cho các phe phái thao túng Ủy ban Trung ương đảng để đưa đến việc không kỷ luật Bộ Chính trị và cá nhân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dù ông Dũng và một số người khác đã có “có biểu hiện chưa gương mẫu về đạo đức, lối sống của bản thân và gia đình, nói không đi đôi với làm, đã làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước và bản thân các đồng chí đó, đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng.”
Mặc dù tại Hội nghị 7 ông Trọng nhìn nhận “trong hơn một năm qua, dù thời gian còn ngắn, nhiều việc mới triển khai hoặc chưa đạt kết quả như mong muốn, chưa đáp ứng được kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân...”, nhưng ông không lấy lại được niềm tin trong dân mà ông và Ban Chấp hành Trung ương đã đánh mất tại Hội nghị 6.
Ông Trọng đã thất bại và uy tín của ông cũng đã xuống dốc như chiếc xe mất thắng sau hơn 2 năm lãnh đạo. Những điều ông “phân bua” trong Diễn văn khai mạc Hội nghị 7 về Nghị quyết 4 chỉ làm cho đảng viên và người dân đứng xa ông hơn.
Do đó, những gì ông nói về công tác được gọi là “xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược” cho niên khóa đảng XII (20016-2021) cũng không gây được ấn tượng gì trong nhân dân, nếu lấy kinh nghiệm “mánh mung, phe cánh, chạy chọt, đùn đầy, chia chác” đã diễn ra tại Đại hội đảng XI để soi gương.
Vì vậy, không ai ngạc nhiên khi thấy ông Trọng đã rào đón rằng: “Đây là lần đầu tiên Trung ương tiến hành xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, chắc là không tránh khỏi những mặt còn hạn chế, chúng ta sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm.”
Nhưng Đảng đã có qúa nhiều kế họach, dự án kinh tế được gọi là “vừa làm vừa rút kinh nghiệm” để sau đó đổ vỡ, lãng phí không biết bao nhiêu triệu tỷ đồng tiền mồ hôi nước mắt của dân như “phong trào mía đường”, “nhà máy xi-măng”, “bến cảng” đến “đánh bắt xa bờ”.
Ngay cả “dự án khai thác Bauxite” trên Tây Nguyên cũng đang lâm vào ngõ bí thì có hy vọng gì trong dự án “quy họach cán bộ cấp chiến lược” cho tương lai đảng sẽ bảo đảm không xẩy ra nạn bè phái, bênh che, nể nang, chạy chọt của các “nhóm lợi ích” đang lũng đọan trong Quân đội, Công an và bộ máy kinh tế-tài chính ở Việt Nam?
Ấy là chưa kể đến kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khai mạc ngày 20/5 (2013) sẽ có việc thảo luận việc “lấy phiếu tín nhiệm” 49 Chức danh do Quốc hội phê chuẩn.
Nhiều lời cảnh giác trong dân về dự phòng sẽ có tình rạng “chạy chức chạy quyền”, “bỏ phiếu cho có lệ”, “chín bỏ làm mười”, “nay anh mai tôi”, “cùng đồng chí với nhau” ai nỡ làm khó nhau, “chạy cửa hậu” v.v... đã đến ngưỡng cửa Quốc hội.
Các chức danh sẽ “bị” lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội gồm: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.
Nhưng từ khi “lấy phiếu” đến giai đòan “bỏ phiếu tín nhiệm” còn dài.
Theo dự kiến thì người có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Người có trên hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc 02 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội “bỏ phiếu tín nhiệm”.
Đây sẽ là cuộc trắc nghiệm mới mà 500 Đại biểu Quốc hội phải chứng minh với nhân dân xem họ có thật lòng muốn “đổi mới bộ mặt chính trị” của Việt Nam hay sẽ lại tiếp tục đi theo đường cũ “đảng bảo sao tôi làm vậy” như từng xẩy ra trước đây.
Vì vậy mọi con mắt ở Việt Nam đang tập trung vào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xem cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội có ảnh hưởng đến địa vị chính trị của ông hay ông sẽ thoát khỏi thêm lần nữa như đã xảy ra tại Hội nghị Trung ương 6?
(05/013)
No comments:
Post a Comment