Phạm Trần - Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) được Quốc hội khóa 13 thông qua tại Kỳ họp 6 ngày 28/11/2013 với tỷ số loan báo 97,59%, nhưng Hiến pháp mới làm ra cho ai và vì ai mà phải dính chặt với Cương lĩnh đảng?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khoe: “Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) lần này đã thể hiện được ý đảng, lòng dân; khẳng định vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của đảng ta, đồng thời thể hiện niềm tin, ý chí, nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân với đảng.”
Có đúng như thế không?
Đúng với ý đảng thì không sai vì đảng muốn thì Quốc hội phải gật, không ai trong số Đại biểu của Khóa 13 dám đi ngược lại vì hầu hết là đảng viên. Nhưng “lòng dân” và “nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân” có được thể hiện trong Hiến pháp mới như lời “tự chế hào sảng” của Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng hay không thì còn phải bình tĩnh “xét lại” xem sự thật có được mấy phần trăm?
Có điều chắc chắn là sau cuộc bầu cử năm 2011 Khóa Quốc hội 13 có 500 Đại biểu nhưng Bà Đặng Thị Hoàng Yến tỉnh Long An đã bị khai trừ vì khai gian lý lịch. Người thứ hai, Đại biểu K’rá phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đột tử vào năm 2012 nên tổng số còn lại là 498 người.
Nhưng theo báo Một Thế Giới ngày 29/11/2013 thì: “Vào “thời khắc lịch sử” biểu quyết thông qua Hiến pháp sửa đổi ngày hôm qua 28.11, có 10 đại biểu đã vắng mặt, chỉ còn 488 đại biểu tham gia bấm nút biểu quyết. 486 đại biểu đồng ý, chiếm 97,59%.”
Như vậy, 10 Đại biểu “vắng mặt” đã đi đâu, làm gì khi Quốc hội bỏ phiếu?
Tuy nhiên, một trong 2 Đại biểu “không bấm nút”, nhưng không phải là “phiếu chống” là ông Dương Trung Quốc của Tỉnh Đồng Nai.
Ông Quốc giải thích với báo Một Thế Giới lý do “không bấm nút”: “Bỏ phiếu “không biểu quyết” tôi muốn thể hiện quan điểm của “một bộ phận nhân dân vẫn còn một số ý kiến khác với một số nội dung của Hiến pháp” mà Chủ tịch Quốc hội đã nêu trong lời mở đầu phiên họp. Tôi đánh giá cao thái độ tôn trọng đối với những người có ý kiến khác biệt mà ông Chủ tịch Quốc hội đã thể hiện trong phát biểu của mình.
“Không biểu quyết” là cách ứng xử khi không có sự lựa chọn nào khác giữa “tán thành” và “không tán thành”, nói cách khác là chưa thỏa mãn cho một sự tán thành, nhất là với một vấn đề hệ trọng như Hiến pháp.”
Trả lời câu hỏi “Điều gì mà ông vẫn còn đang "lăn tăn" về bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này?”, Đại biểu Dương Trung Quốc đồng thời là Nhà Sử học đáp:
“Hiến pháp là một văn kiện được coi là Bộ luật Mẹ, luật gốc định hướng cho sự phát triển bền vững và lâu dài của một quốc gia, dân tộc. Nhiều quốc gia, Hiến pháp có sức sống tồn tại hàng trăm năm nhờ những định hướng có mục tiêu lâu dài.
Ở nước ta, trừ Hiến pháp 1946 mang giá trị “lập quốc” với sự lựa chọn thể chế “Dân chủ - Cộng hòa” đã đặt nền tảng cho một tiến trình phát triển lâu dài. Nhưng dường như do những biến động quá khắc nghiệt của chiến tranh, lại chịu tác động chính trị quốc tế khiến Hiến pháp của chúng ta luôn phải thay đổi “ứng biến theo thời cuộc” để rồi đến nay chỉ còn là ý chí của đảng cầm quyền (ý đảng lòng dân), trở thành văn bản nhằm “thể chế hóa cương lĩnh chính trị” của đảng trong một thời kỳ lịch sử. Với bản Hiến pháp sửa đổi lần này là “cương lĩnh thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Cái khiến tôi băn khoăn là trong lịch sử lập hiến của nước ta, đây là lần đầu tiên trong lời nói đầu của Hiến pháp viết thẳng quan niệm Hiến pháp chỉ là “thể chế hóa cương lĩnh” của đảng và kế thừa những Hiến pháp có trước. Và cũng vì thế, nhiều vấn đề mà quá trình thảo luận trong quá trình sửa đổi Hiến pháp còn chưa ngã ngũ thì cái nguyên tắc “thể chế hóa" khiến mọi sửa đổi không thể vượt qua những quy định của Cương lĩnh tựa như “kỵ húy”, ví như các vấn đề sở hữu, vị thế của kinh tế nhà nước...”
Ông Quốc nói thêm: “Đã có lúc Ủy ban đã đưa ra một Dự thảo mà theo đánh giá của riêng tôi là rất “cấp tiến” hiểu theo nghĩa là rút ngắn nhất những khoảng cách khác biệt, kể cả những vấn đề mà mọi người đều quan tâm như sự lựa chọn liên quan đến “quốc hiệu” (Dân chủ Cộng hòa hay Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa). Nhưng rất tiếc là những thay đổi cuối cùng để trình ra bản dự thảo để Quốc hội thông qua thì đã có nhiều “điều chỉnh” lại để tránh những gì bị coi là không phù hợp với Cương lĩnh.”
Tại sao phải cương lĩnh
Lời nói của ông Quốc đã chạm đúng “tim đen” của đảng khi đảng tự đem Cương lĩnh của riêng 3 triệu đảng viên đặt vào Lời mở đầu Hiến pháp mới trên tất cả 4 Hiến pháp cũ:
“Thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, kế thừa Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992, Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.”
Giải thích cho hành động này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chung Lưu trình bày trong lời giải trình trước khi Quốc hội biểu quyết hôm 28/11 (2013): “Ủy ban DTSĐHP xin được báo cáo Quốc hội như sau: Lời nói đầu của Hiến pháp được xây dựng trên cơ sở chắt lọc, lựa chọn ý tứ, từ ngữ để nêu bật được một cách ngắn gọn tinh thần, nội dung của Hiến pháp. Trên cơ sở ý kiến của nhân dân, đại biểu Quốc hội, Lời nói đầu của Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã được hoàn thiện phản ánh được lịch sử hào hùng của dân tộc và những mốc lịch sử quan trọng, những thành quả cách mạng đã đạt được. Lời nói đầu của Hiến pháp đã thể hiện ý chí, quyết tâm của nhân dân ta, thể chế hóa Cương lĩnh của đảng, kế thừa các bản Hiến pháp trước đây, xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.”
Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng cũng bồi đắp thêm: “đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân. Cho nên đảng ra đời là vì dân, xuất phát từ dân và phục vụ nhân dân
Thực tế là chúng ta luật pháp hóa, thể chế hóa điều mà lâu nay đảng ta đã nói, đã làm và đang làm.” (Báo Đại biểu Nhân dân ngày 28/11/013)
Nhưng liệu ông Trọng có biết rằng khi đảng tự cho mình quyền “luật pháp hóa” là đảng đã tiếm quyền của dân, tự đặt mình vào vị trí không do dân quyết là đảng đã ép dân, cưỡng bách dân phải làm theo điều dân không hề muốn làm?
Nếu đảng chỉ biết đến lợi ích của dân thì tại sao đảng không để dân tự quyết mà lại quyết thay dân rồi ép dân phải làm theo ý đảng như trong vụ Hiến pháp sửa đổi?
Cũng trong cuộc phỏng vấn của báo Đại biểu Nhân dân, ông Trọng còn hồ hởi nói bản Hiến pháp mới đã “phản ánh ý chí của đại đa số nhân dân, của cử tri và phản ánh tính đồng thuận của cả hệ thống chính trị theo đúng định hướng, tư tưởng chỉ đạo của đảng.”
Không ai, kể cả đảng có thể chứng minh được Hiến pháp mới đã được “đại đa số nhân dân” phản ánh “tính đồng thuận”, dù cho đảng vẫn tự khoe đã có 26 triệu lượt góp ý kiến.
Ai cũng biết con số 26 triệu không nói lên được bất cứ điều gì, ngoài những lời “tự vẽ” và “tự nhận” nhưng tại sao đảng và Ban soạn thảo Hiến pháp đã không dám tranh luận công khai với hàng triệu ý kiến không muốn đảng tiếp tục độc quyền lãnh đạo như viết trong Điều 4?
Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng vẫn cứ vẽ ra “tính dân chủ” của công tác xây dựng Hiến pháp khi ông nói rằng sự thành hình của Hiến pháp mới là: “Kết quả tất yếu của cả một quá trình làm việc hết sức công phu, nghiêm túc, bài bản, thật sự dân chủ. Có lẽ trong lịch sử làm luật, làm Hiến pháp và trong sinh hoạt chính trị của chúng ta, hiếm có cuộc nào dân chủ sâu rộng và thực chất như thế này. Chuẩn bị rất kỹ, rất công phu.”
Có dân chủ hay độc tài thì mọi người dân Việt Nam trong và ngoài nước đã rõ sau hơn 2 năm làm việc của đảng và Quốc hội trong tiến trình viết lại Hiến pháp. Chỉ có điều là ông Trọng đã tự dối lòng mình để nói ra những điều không có thật.
Ông bảo: “Biểu quyết thông qua Hiến pháp lần này là sự thống nhất của cả Quốc hội, phản ánh ý chí của nhân dân và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị theo đúng tư tưởng, định hướng chỉ đạo của Trung ương, của đảng. Chỉ đạo rất chặt chẽ và có định hướng nhưng không gò ép, áp đặt, hoàn toàn thoải mái, thảo luận dân chủ. Như thế là có sự gặp nhau rất lớn ở ý tưởng về sửa đổi Hiến pháp lần này. Cho nên, nói ý đảng, lòng dân là rất đúng, hoàn toàn phù hợp, không gượng ép. đảng không ép và dân rất thoải mái chấp nhận bởi vì nó hợp lý - là chân lý thì mọi người đều chấp nhận.”
Nếu đảng không ép thì tại sao Ban soạn thảo đã phải bỏ cụm từ “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” vào dự thảo để cho phù hợp với Cương lĩnh bổ sung năm 2011, sau khi đã đồng ý với số ý kiến ủng hộ cao trong Quốc hội với Điều 54 của “Dự thảo nguyên thủy” viết rằng:
1. “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.
2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật.”
Nhưng đến kỳ họp 6 của Quốc hội, khai mạc hôm 21/10 (2013) thì Ban soạn thảo lại “quay ngược kim đồng hồ” để trở lại với tư duy kinh tế “cực kỳ bảo thủ” khi đệ trình Bản sửa đổi với Điều 51 mới viết nguyên văn:
1. “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể hoạt động kinh tế thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.
3. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển đất nước. Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.”
Làm sao có thể “bình đẳng” khi kinh tế nhà nước “giữ vai trò chủ đạo”?
Giải thích cho hành động “xoay chiều này”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chung Lưu giải thích:“Ủy ban DTSĐHP thấy rằng, nội hàm khái niệm “nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” đã được khẳng định trong Cương lĩnh và các văn kiện khác của đảng và đã được thể hiện cụ thể trong các nội dung quy định của Hiến pháp. Phạm trù “kinh tế nhà nước” là phạm trù khái quát, bao gồm nhiều nguồn lực, nhiều nội dung, trong đó có sở hữu toàn dân. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về nội dung này như trong Dự thảo
Về các thành phần kinh tế, đa số ý kiến tán thành với quy định như trong Dự thảo. Có ý kiến đề nghị bỏ quy định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” hoặc quy định cụ thể nội hàm của kinh tế nhà nước.
Ủy ban DTSĐHP xin báo cáo Quốc hội như sau: Để bảo đảm định hướng XHCN của nền kinh tế nước ta thì việc quy định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước là cần thiết, khẳng định vai trò của Nhà nước và kinh tế nhà nước trong việc định hướng, điều tiết sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quy định như vậy không ảnh hưởng đến sự vận hành của nền kinh tế thị trường và vị trí, vai trò của các thành phần kinh tế khác. Mặt khác, kinh tế nhà nước là một phạm trù rộng, bao gồm nhiều yếu tố, nguồn lực, trong đó doanh nghiệp nhà nước chỉ là một trong nhiều yếu tố đó. Do vậy, Ủy ban DTSĐHP thấy rằng, không cần thiết phải quy định chi tiết về kinh tế nhà nước trong Dự thảo. Việc xác định nội hàm kinh tế nhà nước sẽ được cụ thể trong các đạo luật liên quan.”
Giải thích của Ủy ban soạn thảo rất luống cuống khi không định nghĩa được thế nào là “kinh tế nhà nước” nhưng ai đọc cũng thấy đó là nền kinh tế do nhà nước độc quyền quản lý và điều hành, hoàn toàn không phải là nền “kinh tế thị trường” có tự do kinh doanh.
Về quyền “phúc quyết” Hiến pháp “đương nhiên” của dân như từng ghi trong Hiến pháp nguyên thủy 1946 nhưng chưa bao giờ được thi hành và sau đó bị “tước bỏ” bởi các Hiến pháp 1959, 1980 và 1992, một lần nữa bị Hiến pháp mới 2013 tránh né khi viết rằng “Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định”. (Điều 120)
Ông Uông Chung Lưu giải trình với Quốc hội như thế này: “Đa số ý kiến đồng ý với quy định về hiệu lực của hiến pháp và việc sửa đổi Hiến pháp như trong Dự thảo. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về quyền phúc quyết Hiến pháp của nhân dân. Ý kiến khác đề nghị không quy định thẩm quyền của Quốc hội trong việc quyết định trưng cầu ý dân về Hiến pháp.
Ủy ban DTSĐHP thấy rằng, thực tiễn lập hiến ở Việt Nam cho thấy, nhân dân tham gia vào tất cả các công đoạn của quy trình lập hiến, từ việc tổng kết thi hành Hiến pháp đến việc xây dựng và tham gia ý kiến vào Dự thảo Hiến pháp trình Quốc hội thông qua. Do đó, về thực chất, Dự thảo Hiến pháp trước khi trình Quốc hội thông qua đã thể hiện ý chí và trí tuệ của nhân dân. Vì vậy, Hiến pháp đã giao Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân quyết định việc trưng cầu dân ý. Trưng cầu ý dân về Hiến pháp là việc hệ trọng nên cần phải được cân nhắc một cách toàn diện, phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng giai đoạn phát triển của nước ta. Do đó, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho giữ quy định “Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định” để kết hợp giữa thẩm quyền của Quốc hội và chủ quyền của nhân dân trong việc xây dựng Hiến pháp.”
Lời lý giải của ông Uông Chung Lưu rất quanh co và không thành thật với nhân dân. Ban soạn thảo không thể nói tùy tiện rằng: “Dự thảo Hiến pháp trước khi trình Quốc hội thông qua đã thể hiện ý chí và trí tuệ của nhân dân.”
Ý của đảng và ý của Quốc hội không thể được coi là ý của dân. Quốc hội viết Hiến pháp rồi thông qua Hiến pháp là việc của Quốc hội. Nhân dân chưa bao giờ ủy thác cho Quốc hội “độc quyền” chấp thuận Hiến pháp nên hành động ngược lại là phản dân chủ.
Cũng giống như việc Quốc hội để cho đảng khuynh loát, áp đặt Cương lĩnh của đảng lên Hiến pháp là Quốc hội đã bỏ dân đi theo đảng.
Nhân dân có quyền không coi Hiến pháp do Quốc hội bấm nút thông qua ngày 28/11/2013 là của mình nên không cần phải thi hành.
Văn kiện này chỉ có giá trị là “bản sao” của “Cương lĩnh Xây dựng Đất nước trong thời kỳ quá độ lên Xã hội Chủ nghĩa” của các đảng viên đảng Cộng sản mà thôi.
Vì vậy 90 triệu người dân Việt Nam có quyền đòi hỏi một Hiến pháp mới do chính họ làm ra.
(12/013)
Phạm Trần
No comments:
Post a Comment