Tuesday, September 18, 2012

NHÌN CHÍNH TRỊ TỪ GÓC ĐỘ VĂN HÓA


Nguyễn Hưng Quốc - Viết về chính trị, thường, người ta tập trung vào một trong ba khía cạnh chính: một là các sự kiện; hai là các chính sách và ba là cơ chế. Riêng tôi, tôi thích viết về một khía cạnh khác: văn hóa, atức những yếu tố liên quan đến niềm tin và giá trị ẩn tàng phía sau và chi phối sự chọn lựa cũng như các động thái chính trị ở một nước.
Ví dụ, liên quan đến các cuộc biểu tình chống Trung Quốc vẫn thường diễn ra ở Việt Nam, đặc biệt ở Hà Nội, trong mấy năm vừa qua, có mấy khía cạnh giới cầm bút có thể khai thác:

Thứ nhấtvề sự kiện, chúng ta có thể theo dõi và tường thuật các cuộc biểu tình ấy từ nhiều góc độ: mục tiêu, diễn tiến, cách thức tổ chức, phản ứng của chính quyền, cuối cùng, kết quả hay hậu quả của từng cuộc biểu tình với số người bị bắt hay bị đánh đập, v.v.

Thứ haivề chính sách, chúng ta có thể phân tích các chính sách của nhà nước, trước hết, liên quan đến các cuộc biểu tình ấy. Thoạt đầu, họ lẳng lặng tìm cách ngăn cản và trấn áp. Sau, trước áp lực của quần chúng, trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, giám đốc Sở Công an Hà Nội, tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 2.8.2011: “Hà Nội không có chủ trương trấn áp người biểu tình.” Nhưng mấy tháng sau, ngày 18.11.2011, chính quyền Hà Nội ra thông báo kết tội những người biểu tình chống Trung Quốc là những kẻ “gây rối” và bị xúi giục bởi “các thế lực thù địch trong và ngoài nước”, và yêu cầu "chấm dứt mọi hoạt động tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát trên địa bàn thành phố.” Từ đó về sau, người ta không những thẳng tay trấn áp những người biểu tình mà còn sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng để bêu xấu họ, xem họ như những kẻ có âm mưu hoặc bị xúi giục phản động, thậm chí, những phần tử bất hảo, chỉ nhận tiền để xuống đường chứ không hề có lý tưởng hay quan điểm gì cả.

Cũng về phương diện chính sách, chúng ta cũng có thể đi xa hơn, thay vì chỉ tập trung vào các cuộc biểu tình, chúng ta có thể, qua cách hành xử đối với các cuộc biểu tình ấy, tìm hiểu các chính sách của chính phủ nhằm đối phó với các âm mưu xâm chiếm lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam của Trung Quốc. Một số câu hỏi cần được nêu lên: Một, chính quyền có thực tâm muốn bảo vệ chủ quyền trên Hoàng Sa, Trường Sa và phần lãnh hải thuộc Việt Nam trên Biển Đông? Hai, nếu thực tâm, họ sẽ bảo vệ bằng cách nào? Họ chỉ trông cậy vào “tình hữu nghị” của Trung Quốc hay tìm kiếm các đồng minh có đủ khả năng giúp họ ngăn chận được âm mưu bành trướng của Trung Quốc? Nếu có, đó là những đồng minh nào? Ba, tất cả những điều đó có khả thi hay không? Vân vân.

Thứ ba, về cơ chế, liên quan đến vấn đề biểu tình cũng như vấn đề biển đảo nói chung, ai, trong guồng máy lãnh đạo Việt Nam hiện nay, chịu trách nhiệm chính trong việc đề ra các sách lược chung cho cả nước? Ai là người có chủ trương thân Trung Quốc và sẵn sàng nhân nhượng Trung Quốc và ai là người có tư tưởng độc lập, muốn thoát ly ra khỏi quỹ đạo Trung Quốc để tìm một lối đi riêng cho Việt Nam? Những sự bất đồng, nếu có, liên quan đến các vấn đề ấy có dẫn đến các tranh chấp quyền lực trong nội bộ đảng? Trong bài “Bẫy việt vị của Thủ tướng”, mới đây nhà báo Huy Đức tiết lộ một số chi tiết liên quan đến vai trò và âm mưu của Nguyễn Tấn Dũng: thông báo cấm biểu tình của chính quyền Hà Nội ngày 18.11.2011 là do chính Nguyễn Tấn Dũng chuẩn y theo đề nghị của thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng. Rồi, trước sự phản đối của công luận, ngày 25.11.2011, Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Quốc Hội “sớm có luật biểu tình để nhân dân thực hiện quyền đã được ghi trong Hiến pháp.” Chưa hết. Theo lời Huy Đức,

“Cũng thời gian đó, trong khi chính phủ đang đứng trước nguy cơ bị truy vấn bởi món nợ tới hạn không trả được của Vinashin và nguy cơ sụp đổ của các ngân hàng, ông Nguyễn Tấn Dũng đã việt vị Quốc Hội khi đăng đàn nói về biển đảo. Nguyễn Tấn Dũng đã khiến cho dân chúng tạm quên đi những vết thương kinh tế do ông gây ra khi trở thành chính trị gia đầu tiên của Hà Nội nói “Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa từ năm 1974”. Ngay cả Bộ chính trị cũng bị bất ngờ. Ông Dũng đã bí mật soạn bài diễn văn này, diễn đi diễn lại nhiều lần trước khi xuất hiện ngày 25-11-2011 trong phiên họp toàn thể được truyền hình trực tiếp.”

Ngoài ba khía cạnh trên, chúng ta cũng có thể nhìn các cuộc biểu tình và các sự kiện liên quan đến biểu tình từ khía cạnh văn hóa.

Ở đây, lại có nhiều góc độ.

Thứ nhất, từ phía chính quyền, đằng sau quyết định trấn áp những người biểu tình chống Trung Quốc ấy là một chủ trương: “Hãy để đảng và nhà nước lo!” Đằng sau chủ trương ấy lại là một quan niệm về tính chất độc quyền: Trước hết là độc quyền trong việc lãnh đạo và quản lý. Để làm nền tảng cho hai sự độc quyền ấy, họ giành luôn cả việc độc quyền yêu nước. Trong thế độc quyền ấy, người ta không thể không giải quyết một vấn đề khác: nhân dân. Trên nguyên tắc, người ta lúc nào cũng nhân danh nhân dân, nhưng trên thực tế, nhân dân chỉ là một biện pháp tu từ, hoàn toàn rỗng nghĩa. Đi liền với độc quyền là ý niệm về sự bí mật: người ta không thấy có bất cứ nhiệm vụ gì để trao đổi với nhân dân về các chính sách cũng như hướng chiến lược của mình, cho dù những vấn đề liên quan đến sự tồn vong của cả dân tộc.

Thứ hai, từ phía quần chúng, phần lớn những người tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc là trí thức, hầu hết là trí thức xã hội chủ nghĩa. Trước, họ thường an phận và dễ dàng chịu khuất phục; sau, họ muốn có một thái độ riêng và muốn bày tỏ thái độ riêng ấy. Ít nhất với những người ấy, quan niệm về trí thức ít nhiều đã thay đổi: Nó độc lập hơn. Và có tinh thần trách nhiệm hơn. Bất cứ thái độ độc lập nào cũng là một sự thách thức đối với quyền lực. Ngày xưa, vào cuối thế kỷ 19, nhiều trí thức miền Nam cũng từng thách thức lại quyền lực của cả vua chúa triều Nguyễn khi họ đối diện với sự xâm lược của thực dân Pháp và chứng kiến những phản ứng bất lực đến hèn yếu của nhà Nguyễn. Bây giờ một thái độ tương tự lại tái diễn. Trước, sự thách thức ấy dẫn đến việc phân hóa giữa khái niệm ái quốc và trung quân, giữa triều đình và quốc gia. Bây giờ, sự thách thức ấy có dẫn đến sự phân hóa giữa đảng và dân tộc, giữa việc trung thành đối với đất nước và trung thành đối với chế độ, giữa lòng yêu nước nói chung và yêu nước xã hội chủ nghĩa hay không là một vấn đề khác, tuy rất thú vị, nhưng chúng ta đành phải chờ xem.

Ở trên chỉ là một số ví dụ. Liên quan đến văn hóa, chắc chắn còn nhiều chuyện để bàn hơn nữa. Nhưng, xin… từ từ.


No comments:

Post a Comment