Trần Trường Sa (Danlambao) - "...Trên thực tế thì chủ nghĩa Mác ở Việt Nam đã tự diệt vong, chỉ còn những kẻ thực dụng khoác áo chủ nghĩa Mác (như những con ốc ăn rêu dưới bùn nhưng vẫn còn hơi hướng màu vàng trên lớp vỏ). Ngày lớp vỏ bị lột trần để lộ nguyên hình trần trụi những kẻ cơ hội, những kẻ thực dụng ích kỷ cá nhân đã cận kề..."
Ốc bươu vàng:
Ốc bươu vàng có nguồn gốc từ Trung hoa, du nhập vào Việt Nam khoảng năm 1988.
Năm 1990, tôi có dịp ghé thăm một trang trại ở Khánh Hòa có nuôi ốc bươu vàng, được tận mắt xem hồ nuôi ốc bươu vàng và được chủ nhân đãi món ốc bươu vàng rang muối. Dịp này giúp tôi quan sát con ốc bươu vàng chính hiệu. Ốc bươu vàng có vỏ rất mỏng, rang muối xong là ăn ngang cả thịt lẫn vỏ, vỏ giòn như bánh tráng, thịt béo và mềm. Theo chủ nhân trang trại cho biết: ốc bươu vàng có sức sống hơi kém hơn ốc bươu nhà mình, tầm hoạt động không rộng, chỉ thích ăn lá non nổi trên mặt nước.
Năm 1995, tôi được biết ốc bươu vàng là thủ phạm phá hoại mùa màng hại lúa làm hàng chục triệu nông dân kinh hoàng. Tôi về nông thôn tìm hiểu, lúc ấy điều tôi nhận xét đầu tiên là con ốc bươu vàng bây giờ vỏ không còn mỏng nữa, tuy nhiên một vài con vỏ cũng còn đủ mỏng để có thể dùng tay bóp vỡ nhẹ nhàng. Màu vàng tươi của vỏ ốc không còn mà chỉ là màu vàng sậm ngả sắc đen. Trứng ốc không còn màu đỏ tươi mà đã chuyển sang màu hồng. Độ dày - mỏng; màu sắc vỏ; màu sắc trứng của các con ốc khác nhau có sự chênh lệch lớn. Điều này chứng tỏ đây là sản phẩm lai giữa ốc bươu vàng và ốc bươu nhà mình.
Kết luận: Bản thân ốc bươu vàng chính hiệu không hại lắm vì sức sống yếu, bản thân ốc bươu nhà mình không hại lắm vì ăn chìm dưới mặt nước - không làm hại cây trồng. Ốc bươu vàng lai giữa hai loại ốc trên cực kỳ nguy hại vì sức sống vừa mạnh vừa ăn nổi - phá hại lúa nước.
Sau hơn cả chục năm tìm cách tận diệt, bằng đủ mọi cách, kết quả là chỉ hạn chế chứ chưa thể tiêu diệt hết được. Nhưng do phải thích nghi với điều kiện sống - nước ruộng đồng đầy dẫy thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ - xu hướng lai về phía ốc bưu nhà mình ngày càng cao. Ốc có vỏ ngày càng dày hơn, màu vỏ đen hơn, màu hồng của trứng ốc ngày càng nhạt hơn. Ốc có khả năng ăn chìm, ăn được rong rêu dưới mặt nước, xu hướng sinh sản có chậm lại. Ngày diệt vong chắc sẽ không còn xa.
Hậu sinh nên nhớ, xem đây là một bài học đắt giá, phải hết sức cẩn thận khi du nhập một giống vật nuôi, cây trồng. Lỗi là ở tại chúng ta. Xin đừng quy hết tội lỗi cho con ốc bươu vàng chính hiệu!
Chủ nghĩa Mác:
Chủ nghĩa Mác có nguồn gốc từ Tây Âu, du nhập qua Nga rồi vào Việt Nam vào đầu thế kỷ 20.
Năm 1975, tôi biết đến chủ nghĩa này qua cái tên Học thuyết Mác - Ănghen. Về cơ bản học thuyết này bàn về “duy tâm - duy vật”, về “vật chất - ý thức”, về “sự phát triển xã hội loài người và dự đoán sự phát triển tiếp theo”... Học thuyết này là một món ăn khá nhạt nhẽo cho giới thức giả vì cái cách lý luận chủ quan, phiếm diện và áp đặt. Đất sống cho học thuyết này lại khá kén chọn, phải có “giai cấp công nhân tiên tiến, hiện đại” mà chính học thuyết ấy cũng không hình dung ra là tiên tiến, hiện đại cỡ nào !
Nhưng đầu thế kỷ 20, học thuyết này lại thành công vang dội tại nước có trình độ công nghiệp sơ khai nhất trong những nước đã công nghiệp hóa thời bấy giờ, rồi tiếp theo giữa thế kỷ 20 lại thành công ở các nước nông nghiệp châu Á - trong đó có Việt Nam - dưới hình thức các chủ nghĩa Mác... Chỉ xin được xem xét tại Việt Nam.
Lúc đầu chủ nghĩa Mác ở Việt Nam phát triển mạnh, được nhiều người theo, thu được một số thắng lợi đáng kể. Nhưng đồng thời chủ nghĩa Mác ở Việt Nam cũng gây bao nỗi kinh hoàng cho cả dân tộc: Cải cánh ruộng đất, Nhân văn giai phẩm, biến cố Mậu Thân, tập trung cải tạo “ngụy quân ngụy quyền”, Cải tạo công thương nghiệp, Kinh tế mới... Kinh hoàng đến mức hàng triệu người phải lìa bỏ quê cha đất tổ để di cư vào Nam, rồi hàng triệu người liều mình bỏ nước ra đi trên những chiếc thuyền nhỏ bé, thô sơ lênh đênh vượt biển khơi (rất nhiều người đã phải làm mồi cho cá, cho hải tặc).
Không lâu sau, đã khó tìm ra dấu vết của học thuyết Mác - Ănghen trong chủ nghĩa Mác ở Việt Nam khi nền kinh tế thị trường (theo định hướng XHCN!?) khởi động. Hàng loạt phong trào “tìm về cội nguồn” được phát động. Màu sắc học thuyết Mác – Ănghen mờ dần đến nay khó nhận ra. Điều này chứng tỏ chủ nghĩa Mác ở Việt Nam là sản phẩm lai tạo giữa học thuyết Mác – Ănghen và tư tưởng thực dụng của dân Việt.
Kết luận: Bản thân học thuyết Mác - Ănghen là một niềm mơ ước chân chính như mọi học thuyết khác. Nó có cái đúng, có cái sai, nhưng không phát triển được theo đúng như dự đoán của Mác bởi sức thuyết phục kém, lập luận duy ý chí, chủ quan. Tuy thế nó cũng chẳng hại ai. Tính thực dụng của dân ta cũng không hại lắm, bởi vì tính cách ấy cũng chỉ thể hiện trong sinh hoạt riêng lẻ của từng người. Khi học thuyết Mác - Ănghen phát triển thành chủ nghĩa Mác - Lênin; chủ nghĩa Mác - Mao; chủ nghĩa Mác ở Việt Nam... lại cực kỳ nguy hại. Riêng chủ nghĩa Mác ở Việt Nam thì sức tàn phá quả là kinh hoàng vì tính thực dụng có sức sống mãnh liệt kết hợp với sức tàn phá của lý thuyết “đấu tranh giai cấp” trong học thuyết Mác – Ănghen.
Hoa Kỳ và các nước Tây Âu tìm mọi cách ngăn chận các chủ nghĩa Mác - ...nhưng chỉ làm cho chúng ít lan tỏa thêm chứ không tiêu diệt được. Đã thế việc ngăn chận còn không thành công ở Việt Nam. Năm 1975 chủ nghĩa Mác lan tràn toàn cõi Việt Nam; nhưng cũng chính sự lan tràn đó đã làm cho màu sắc của học thuyết Mác – Ănghen trong chủ nghĩa Mác ở Việt Nam phai nhạt và dần mất hẳn. Tính đấu tranh giai cấp đã không còn, thế chỗ cho nó là nỗ lực làm giàu bằng mọi giá, tính thực dụng trở về lại với từng cá thể riêng lẻ vốn là nơi trú ẩn cố hửu của nó. Các nhóm lợi ích hình thành rồi tự tan rã để hình thành nhóm lợi ích khác, không thể có nhóm lợi ích nào bền vững được lâu. Trên thực tế thì chủ nghĩa Mác ở Việt Nam đã tự diệt vong, chỉ còn những kẻ thực dụng khoác áo chủ nghĩa Mác (như những con ốc ăn rêu dưới bùn nhưng vẫn còn hơi hướng màu vàng trên lớp vỏ). Ngày lớp vỏ bị lột trần để lộ nguyên hình trần trụi những kẻ cơ hội, những kẻ thực dụng ích kỷ cá nhân đã cận kề.
Hậu sinh nên nhớ, xem đây là một bài học xương máu, phải hết sức cẩn thận khi du nhập một học thuyết. Đem bàn bạc nơi trà dư tửu hậu thì được còn muốn ứng dụng thì phải cẩn thận xem xét quanh ta đã có ai ứng dụng hay chưa? Kết quả thế nào? Có tốn nhiều xương máu lắm không? Có hợp lòng dân hay không?... “Dục tốc bất đạt”. Đừng nôn nóng mà phạm sai lầm như cha anh ta nữa! Bản thân học thuyết Mác – Ănghen không có lỗi. Lỗi là ở cha anh ta đã đưa nó về, hãm hiếp nó rồi sinh ra đứa con lai tư tưởng, tàn hại dân tộc làm cho đất nước kiệt quệ.
16/09/2012
No comments:
Post a Comment