Theo BBC - Đại hội đảng cộng sản Trung Quốc vừa kết thúc với một hình ảnh làm thế giới chú ý: chân dung những người khai sinh ra học thuyết cộng sản Marx, Engels, và Mao đã không còn trong sảnh đường đại hội ở Bắc Kinh.
Ngay sau sự thay đổi mang tính biểu tượng chính trị này, Trung Quốc lại làm thế giới bất ngờ bởi một động thái ngoại giao: công bố hộ chiếu của công dân nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa có in hình đường lưỡi bò ôm trọn 80% diện tích biển Đông-vùng biển đã và đang trở thành điểm nóng tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước Asean bao gồm Việt Nam, Phillippines, Malaysia, Brunei.
Cả hai sự kiện đáng ngạc nhiện ấy đã khẳng định một điều không ngạc nhiên rằng, trước sau như một, Trung quốc vẫn là đất nước mang nặng hệ lụy và trung thành với chủ nghĩa bành trướng Đại Hán.
Những quan chức hoạch định chính sách ngoại giao của Trung Quốc, với việc sản sinh ra loại hộ chiếu này, đã chứng minh một điều, dù thời đại có đổi thay, tầng lớp tinh hoa của đất nước có dân số vĩ đại nhất hành tinh vẫn là đứa bé không bao giờ lớn trong chiếc nôi lịch sử được dựng lên bởi sự xâm lấn, bành trường lãnh thổ của dân tộc họ.
Hải quân Trung Quốc muốn bắn trúng nhiều đích qua vụ đường lưỡi bò? |
Hậu quả là, từ thế hệ này sang thế hệ khác, Trung Quốc luôn đối mặt với một nền hòa bình bấp bênh và đổ vỡ với các dân tộc khác.
Dân Philippines đốt cờ Trung Quốc |
Bước đi đầy tính toán
"Trung Quốc luôn luôn hiện ra như một hình ảnh người khổng lồ nhưng lại nhỏ nhen, ích kỷ"
Hàng triệu hộ chiếu của Trung Quốc có in hình lưỡi bò là một bước đi đầy tính toán, có thể thành công về mặt chiến thuật gây sức ép ngoại giao nhưng lại sai lầm về mặt chiến lược trong mục tiêu phát triển quyền lực mềm của Trung Quốc trong thế giới hiện đại. Một nước Mỹ hùng mạnh nhưng cũng gặp phải những thách thức và “bi kịch” bởi Open Door Policy -một chính sách trung tâm của nền ngoại giao Hoa Kỳ trong thế kỷ 20.
Cơ bản trong chính sách ngoại giao này, như William Appleman William đã chỉ ra trong tác phẩm kinh điển về lịch sử ngoại giao của Mỹ The Tragedy of American Diplomacy, là mở rộng biên giới ảnh hưởng của nước Mỹ thông qua việc phát triển và thống trị toàn cầu bằng hệ thống kinh tế Mỹ.
Một biên giới mới trong quan điểm của chính ngoại giao Mỹ là biên giới chính trị kinh tế không phải là mở rộng biên giới lãnh thổ.
Cho dù không va chạm về mặt chủ quyền trực tiếp nhưng open door policy của Mỹ, vẫn bị thách thức và gặp phải những bi kịch trước sự phản ứng của thế giới, đặc biệt là phong trào cách mạng ở các nước thế giới thứ ba.
Tuy nhiên, xét trên bình diện tổng thể, nước Mỹ đã thành công với chính sách quyến rũ kinh tế này khi họ trở thành một cường quốc trên thực tế.
Trung Quốc và Mỹ gần lại nhau nhưng với động cơ khác nhau |
Một trong những mục tiêu mà Open Door Policy hướng đến chính Trung Quốc và nước Mỹ đã thành công, đặc biệt là sau cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Nixon và Mao ở Bắc Kinh năm 1972.
Người Ấn Độ đốt cờ Trung Quốc |
Tuy nhiên, Trung Quốc thay vì đúc rút kinh nghiệm của Mỹ lại triển khai chính sách Open Door by Land, chính sách mở cửa bằng mở rộng đường biên giới kinh tế chính trị gắn liền hoặc phục vụ cho lợi ích cốt lõi nhất của bành trướng lãnh thổ bất chấp luật pháp quốc tế và những giá trị nhân văn ngoại giao.
Không khó khăn để thấy rằng các nước có phần đất đai và vùng biển bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trong tấm hộ chiếu sẽ phản ứng mạnh mẽ.
Tấm hộ chiếu mới sẽ mang lại bi kịch cũ: Trung Quốc to lớn vì chính sách bành trướng nhưng chưa bao giờ là một cường quốc đủ sức chinh phục thế giới.
Một sự tương hợp thích đáng về lòng tin là điều chưa bao giờ có trong chính sách ngoại giao của các nước bởi Trung Quốc luôn luôn hiện ra như một hình ảnh người khổng lồ nhưng lại nhỏ nhen, ích kỷ, và đầy thủ đoạn với mục đích là làm thế nào thôn tính đất đai nước khác cho dù đó là "người anh em cộng sản Việt Nam".
Cái giá mà các nhà hoạch định Trung Quốc phải trả là họ đã làm gia tăng sự hằn thù như một phản ứng lịch sử vốn chưa bao giờ tắt trong lòng dân các nước láng giềng, thúc đẩy các quốc gia này hình thành một liên minh phản kháng và phòng vệ khi cuộc chiến quân sự xảy ra.
Mưu cầu một cuộc chiến để giải quyết vấn đề bao giờ cũng là bước đường cùng của các nhà chính trị. Nhưng cuộc chiến hộ chiếu trên giấy này sẽ dễ dàng dẫn đến cuộc chiến thực tế trên mọi mặt trận khi mà bất cứ hệ thống chính quyền nào cũng ý thức được rằng, sự tồn tại của họ không đơn thuần là dựa vào di sản của một học thuyết mà bởi sự đồng thuận của dân tộc.
Trung Quốc gửi thông điệp gì qua tấm hộ chiếu mới? |
Trong trường hợp này, chủ nghĩa dân tộc trở thành một yếu tố chính trị, có lý lẽ mạnh mẽ nhất làm gia tăng sự xung đột ngày càng leo thang giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng về mặt lãnh thổ.
Riêng đối với Việt Nam, việc Trung Quốc phát hành hộ chiếu có hình lưỡi bò không mang đến một sự lo âu tiêu cực cho người dân mà ngược lại họ có quyền khẳng định và gia tăng sự phản kháng chính đáng đối với Trung Quốc, một hành động yêu nước nhưng từng bị quy chụp là “phản động, chống lại chính sách hòa hiếu giữa hai nước”.
Chính quyền Việt Nam không thể không có phản ứng thích đáng bởi Hà Nội thừa hiểu rằng, lịch sử của Việt Nam, khác với Trung Quốc là lịch sử của những cuộc chiến vệ quốc đã mang lại sự tồn tại cho các chính thể chính trị.
Chỉ với một tấm hộ chiếu đầy tính toán nhưng sai lầm, sức mạnh mềm của Trung Quốc thực sự đã sụp đổ.
Một câu hỏi đặt ra cho các quốc gia, trong đó có cả Mỹ, là nhà cầm quyền Trung Quốc không phải là những người yếu bóng vía hay ngây thơ mà ngược lại, chắc rằng họ đã lường trước và có đáp án cho sự sụp đổ này nhưng vấn đề là lúc nào họ có thể triển khai cái đáp án thỏa mãn chính sách mở cửa bằng mở rộng lãnh thổ?
Một cuộc chiến tranh súng đạn được dọn đường bằng cuộc chiến ngoại giao vốn là điều không mới lạ trong lịch sử quân sự thế giới.
Bài viết tại Texas 23/11/2012 thể hiện quan điểm riêng của nhà văn Văn Cầm Hải, hiện là nghiên cứu sinh chương trình tiến sỹ tại Đại học công nghệ Texas, Hoa Kỳ.
Nhà văn, Văn Cầm Hải
No comments:
Post a Comment