1. Trong lịch sử, Trung Quốc luôn coi Việt Nam như kẻ bị bắt cóc. Đương nhiên kẻ đi bắt cóc có quyền áp đặt lên kẻ bị bắt cóc những gì gã ta muốn, miễn là không để con tin thoát khỏi tầm kiểm soát của hắn. Chỉ khác ở các triều đại trước, các cụ nhà ta coi việc triều cống là đối sách để chế ngự tính ngông cuồng của kẻ bắt cóc này. Hễ có cơ hội là quật cường đứng dậy, sẵn sàng sống mái với hắn. Sau nhiều thế kỷ, con cháu các cụ giờ làm ngược lại. Việc Trung Quốc cho in đường lưỡi bò vào pasport chính là hợp thức cách trao quyền cưỡng bức biển Đông cho từng công dân của họ. Chính quyền biến từng công dân Trung Quốc trở thành những kẻ cướp biển hợp pháp mang danh nghĩa nhà nước. Cả biển Đông, trong đó có Việt Nam, trở thành con tin cho tư tưởng đại Hán cuồng dại. Chính phủ Việt Nam sẽ làm được gì với kẻ bắt cóc này khi đề cao “quyết tâm chính trị” là không để biển Đông làm sứt mẻ “tình hữu nghị” và công cuộc xây dựng CNXH của hai nước? Dường như chính phủ hôm nay đã mắc hội chứng Stockholm, yêu chính kẻ bắt cóc mình.
2. Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là bắt đầu cuộc bỏ phiếu lấy ý kiến nhân dân về thay đổi Hiến pháp. Chắc nhiều quan chức sẽ lấy đây làm bằng chứng “dân chủ gấp vạn lần” tư bản của nhà nước Việt Nam. Sẽ là đúng nếu “phiên dịch” từ ý thức hệ CHXH ra nội hàm dân chủ. Và cái thứ “dân chủ” đó lại rơi vào mớ lí luận của ý thức hệ như đã tồn tại cả trăm năm không thay đổi và chưa sẵn sàng thay đổi. Dân chủ luôn đặt xã hội ở một không gian mở, thay đổi, phản biện, phê phán, không có điểm kết thúc…để xã hội luôn hướng đến sự phát triển. Nói như giáo sư Benjamin Barber thì: “Hiến pháp không tạo nên dân chủ, mà chính dân chủ tạo nên hiến pháp”. Vậy Hiến pháp của chúng ta sẽ tạo nên từ cái gì khi dân chủ vẫn là thứ xa vời và xa xỉ? Phải chính xác là thứ dân chủ là kết quả giành được từ đời sống Việt Nam (giá mà nền dân chủ tư bản có thể bắt cóc được chế độ độc tài để mọi người mắc chứng Stockholm?). Bao giờ có đời sống dân sự thì khi ấy mới hy vọng có nền dân chủ thực sự. Và khi ấy mới có một Hiến pháp thực sự. Bao giờ???
3. Sắp hết một năm sóng gió với những sóng gió mới đang ập đến. Mấy hôm nay báo chí đưa tin những tập đoàn NN nợ khủng, thua lỗ, các doanh nghiệp phá sản hàng loạt, ngân hàng còn lâu mới thoát được khủng hoảng…Chưa hề thấy tia sáng cuối đường hầm. Liệu người dân có bị bắt làm con tin cho những thất bại của chính phủ như đã từng bị bắt làm con tin cho công cuộc thể nghiệm xây dựng thiên đường dưới mặt đất nhiều chục năm qua? Năm tới đây sẽ là đến đáy hay xuyên đáy?
4. Ở tâm thế của một con tin, người ta sẽ làm được gì, sẽ phải làm gì nếu không mắc hội chứng Stockholm? Hoặc được người ngoài giải cứu, hoặc họ phải tự giải cứu, hoặc có cả hai cách. Nhưng không dễ dàng gì nếu trong số các con tin đem lòng yêu kẻ bắc cóc và sẵn sàng dâng tài sản, tính mạng cho những kẻ bắt cóc.
Rùng mình trộm nghĩ nếu càng ngày càng có nhiều người mắc hội chứng Stockholm. Nhưng chắc điều đó khó xảy ra. Và ngược lại, nhiều người đã từng mắc chứng bệnh này hiện đang dần chữa khỏi…
Nhưng vẫn không khỏi rùng mình khi nghĩ đến chặng đường xa ngái trước mặt…
Và mệt mỏi.
Thùy Linh
(*) - “Hội chứng Stockholm” - tức là trường hợp những nạn nhân cảm thấy gắn bó và thậm chí còn trung thành với những kẻ bắt cóc họ. Tên gọi của thuật ngữ này bắt nguồn từ một vụ cướp xảy ra vào năm 1973, khi các nhân viên của ngân hàng Kreditbanken ở Stockholm, Thụy Điển, bị hai tên cướp Jan-Erik Olsson và Clark Olofsson vũ trang súng máy bắt giữ làm con tin trong sáu ngày. Bất ngờ sau đó, bốn trong số những người bị bắt làm con tin đã một mực bênh vực tên tội phạm. Họ nói rằng vụ bắt giữ các nạn nhân chỉ là chuyện “tưởng tượng” của giới truyền thông. Vụ việc này được xem là trường hợp đầu tiên của hội chứng Stockkholm.
No comments:
Post a Comment