Hiệu Minh - Mấy ngày gần đây, dư luận dấy lên vụ đường lưỡi bò của Trung Quốc in trong hộ chiếu điện tử. Nhiều bạn đọc tự hỏi, xử lý vụ này như thế nào đây. Làm sao thay đổi được tình thế mà Việt Nam là kẻ yếu trước một Big and Bad China – Trung Quốc kẻ to xác và tham lam.
Anh Đinh Kim Phúc, một chuyên gia về biển Đông và Trung Quốc, khi trả lời RFI đã nhận định
“Vừa qua có một cuộc hội thảo về Biển Đông được tổ chức tại Tp. HCM, các học giả Việt Nam đưa ra một nhận xét chung, là các học giả Trung Quốc đã dịu giọng, đã xuống nước, đã ôn hòa hơn. Tôi cho rằng những nhận xét như thế là ngộ nhận.
Mahatma Gandhi. Ảnh: Internet |
Trong diễn văn khai mạc đại hội ĐCSTQ lần thứ 18 vừa qua, ông Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh rằng Trung Quốc quyết tâm trở thành một cường quốc biển. Rõ ràng Trung Quốc là một cường quốc đang lên; họ chưa đủ sức vươn ra bốn biển. Cho nên Biển Đông là trọng điểm số 1, Biển Hoa Đông là trọng điểm số 2. Hai vùng biển này được xem như một chìa khóa để Trung Quốc mở cửa ra thế giới.
Hành động của Trung Quốc trên biển Hoa Đông cũng như trên Biển Đông trong thời gian vừa qua là một sự tiếp nối từ tư tưởng của Mao Trạch Đông cho đến lý luận của Đặng Tiểu Bình, qua Hồ Cẩm Đào và bây giờ là Tập Cận Bình. Đó là tham vọng ngàn đời của các lãnh đạo Trung Quốc. Trung Quốc muốn hòa bình, hữu nghị nhưng lời nói của họ thì không bao giờ đi đôi với việc làm. Nếu Trung Quốc quyết định in bản đồ hình lưỡi bò bao gồm hơn 80% diện tích Biển Đông thì đó là hành động cuối cùng làm thức tỉnh những ai còn ảo tưởng về sự phát triển hòa bình của Trung Quốc.”
Anh Phúc nói thêm về tình thế của Việt Nam “Một khi Trung Quốc xem Biển Đông là lợi ích cốt lõi. Và một khi Việt Nam xem tình hữu nghị Việt – Trung là lợi ích cốt lõi thì Việt Nam sẽ mất tất cả.”
Vài người bạn có email hỏi tại sao Cua Times không đưa ra lời bình, và làm sao Việt Nam có thể đối phó với Trung Quốc đang lớn mạnh và tham lam.
Lý do đơn giản, Cua Times do một anh IT phụ trách, không hiểu gì về biển Đông và Trung Quốc, có thể nói được gì.
To như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mà cũng chỉ mở miệng nói về “kẻ cõng rắn cắn gà nhà”, không dám chỉ thẳng mặt đó là ai là kẻ bán nước cho Trung Quốc.
Những ý kiến về tầm chiến lược như của bác Dương Danh Dy cũng chỉ do báo chí nước ngoài đăng là chính. Giáo sư Thayer nổi tiếng, thường nói về quan hệ giữa hai quốc gia rất chuẩn, cũng chỉ miệng nói tai nghe, ít độc giả Việt Nam được đọc trên 700 tờ báo của 4T.
Anh Điếu Cày chống Trung Quốc xâm lược vừa bị tuyên án tù 12 năm. Sinh viên trẻ Nguyễn Phương Uyên cũng vì Hoàng Sa và Trường Sa mà bị tạm giam 4 tháng. Và kể ra thì còn rất nhiều gương tầy trời người Việt “động đến Trung Quốc” là không thể yên thân với người Việt.
* Anh Đinh Kim Phúc vẫn hằng đêm đi kéo xe thồ thuê lấy tiền nuôi vợ ốm.
Cua Times được biết thêm, anh Đinh Kim Phúc, một chuyên gia hiểu sâu sắc về biển Đông, hàng đêm vẫn đi xe thồ thuê để lấy tiền nuôi vợ ốm. Một trí thức bị rẻ rúng như thế thì hỏi rằng anh chàng IT này làm được gì hơn?
Bạn định đối phó thế nào với Trung Quốc trong hoàn cảnh trên.
Viết tới đây, tôi nhớ ra Mahatma Gandhi là một nhà hiền triết của Ấn Độ và được dân tộc này tôn làm thánh. Ông câu nói một câu giản dị nhưng có giá trị trường tồn: “Be the change you want to see in the world – Hãy là sự thay đổi mà bạn muốn được thấy trên thế giới này.”
Gandhi để lại “8 nguyên tắc thay đổi thế giới” theo cách rất riêng của ông. Xin ghi lại dưới đây.
Liệu Việt Nam có thể học gì từ 8 nguyên tắc này để thay đổi chiến cục biển Đông, quan hệ với Trung Quốc, thay đổi diện mạo quốc gia và kể cả thay đổi thế giới.
Phần in nghiêng là lời bình của Cua Times. Mời các bạn đóng góp thêm cho phong phú.
1. Hãy thay đổi chính mình. “Sự vĩ đại của con người không nằm ở khả năng tái tạo thế giới, mà ở khả năng tái tạo chính bản thân mình.” – Việt Nam đã thực sự muốn thay đổi chưa?
2. Chính bạn là người chủ! “Không ai có thể làm cho tôi tổn thương, trừ phi tôi cho phép điều đó.” – Việt Nam từng để những kẻ khác giật dây, bị tổn thương vì những cuốc chiến tranh huynh đệ tương tàn. Liệu chúng ta có cho phép người khác làm điều đó một lần nữa?
3. Tha thứ: “Kẻ yếu chẳng thể nào biết tha thứ bởi tha thứ là phẩm chất của kẻ mạnh.” – Việt Nam có thể tha thứ cho Trung Quốc nếu Việt Nam không mạnh?
4. Không hành động, bạn chẳng thể đi đến đâu “Một gam hành động thì vẫn hơn một tấn giáo điều.” – Việt Nam không nói gì, không hành động gì khi Trung Quốc gây hấn ở biển Đông, in đường lưỡi bò trên hộ chiếu, thì liệu có mong Hoa Kỳ, Philippines hay Campuchia đến cứu?
5. Kiên gan bền chí: “Ban đầu, mọi người không thèm chú ý đến bạn. Sau đó, họ cười nhạo bạn. Rồi họ chống lại bạn. Nhưng sau cùng, bạn là người chiến thắng.” – Việt Nam từng là người bền gan và chiến thắng trong vài cuộc chiến tranh và vẫn có thể là người chiến thắng trong tương lai. Điều này không cần đặt câu hỏi.
\
\
6. Nhìn thấy điều tốt đẹp ở người khác: “Chỉ khi một người phát triển đến mức sẵn sàng cống hiến vì phúc lợi của đồng loại thì người đó mới trở nên vĩ đại.” – Ảnh các lãnh tụ Mác, Lê Nin không còn trên hội trường của đại hội ĐCS Trung Quốc. Chủ nghĩa XH tươi đẹp liệu có còn ở Trung Quốc, những người mặc áo Tôn Trung Sơn, giơ cao trước tác Mao Trạch đông có thực sự vì lợi ích của những quốc gia hàng xóm xung quanh BBC – Big and Bad China?
7. Hãy là con người đích thực của mình: “Hạnh phúc chỉ đạt được khi những gì bạn nghĩ, những gị bạn nói và những gì bạn làm hài hòa với nhau.” – Chính sách đối nội và đối ngoại của ta đã nhất quán? Khi nói chống tham nhũng, kẻ thù nội xâm, thì cũng phải đối xử với chúng như những kẻ phản bội tổ quốc. Khi nói về kẻ thù thì không thể bên ngoài là bạn bên trong là kẻ thù, thời nay không thể làm điều đó. “Lời nói không đi đôi với việc làm” thì làm sao đoàn kết được dân tộc?
8. Không ngừng phát triển: “Bản chất của cuộc sống là không ngừng vận động và phát triển. Thế nên, sẽ là một sai lầm to lớn nếu ta cứ khư khư bám giữ những giáo điều.” – Khư khư bám giữ giáo điều là kéo lùi lịch sử quốc gia. Chuyện này đã xảy ra và chả lẽ thời đại toàn cầu hóa, Việt Nam ta vẫn còn tiếp tục đi theo vết xe đổ của quá khứ?
Chúc bạn đọc vui cuối tuần.
Hiệu Minh
No comments:
Post a Comment