Ít nhất 85 người Tây Tạng đã tự thiêu kể từ năm 2009 để đòi tự do và đòi để cho Đức Đạt Lai Lạt Ma đang sống lưu vong được hồi hương. Chỉ riêng tháng này đã có 23 người Tây Tạng châm lửa tự thiêu.
VOA - Thêm 4 người Tây Tạng đã tự thiêu trên khắp khu vực phía tây của Trung Quốc trong hai ngày qua, trong khi một cuộc biểu tình của sinh viên Tây Tạng chống lại chính phủ Bắc Kinh đã bị lực lượng an ninh đàn áp. Ban tiếng Tây Tạng của đài VOA cho hay, 3 người đàn ông đã châm lửa tự thiêu hôm thứ Hai và một nữ tu đã qua đời sau khi tự thiêu vào Chủ nhật.
Wangyal, một thanh niên Tây Tạng 20 tuổi, tự thiêu ở tỉnh Tứ Xuyên. Tin tức nói anh đã hô các khẩu hiệu kêu gọi Đức Đạt Lai Lạt Ma hồi hương và tự do cho người Tây Tạng.
Các nguồn tin cho biết giới hữu trách Trung Quốc đã ngay lập tức đến hiện trường hôm thứ Hai và đem thi thể cháy đen của anh Wangyal đi nơi khác.
Một thanh niên khác 24 tuổi, Gonpo Tsering, tự thiêu đến chết trước một tu viện ở tỉnh Cam Túc hôm thứ Hai. Anh cũng hô khẩu hiệu kêu gọi tự do cho Tây Tạng.
Hình ảnh từ video nghiệp vụ cho thấy một thanh niên Tây Tạng tự thiêu ở quận Yushu trong tỉnh Thanh Hải của Trung Quốc để phản đối sự cai trị của Trung Quốc. Người thanh niên thứ ba là Kunchok Tsering, 18 tuổi, cũng qua đời sau khi nổi lửa tự thiêu ở tỉnh Cam Túc.
Sangay Dolma, một nữ tu thuộc tu viện Sangag Dhargeyling Mindrol, qua đời sau khi tự thiêu một ngày trước đó trước một văn phòng chính phủ ở tỉnh Thanh Hải.
Trong một sự kiện riêng rẽ, lực lượng an ninh Trung Quốc hôm thứ Hai đã đàn áp một cuộc biểu tình của hàng ngàn sinh viên Tây Tạng ở tỉnh Thanh Hải khiến một số người bị thương nặng.
Những người biểu tình hô khẩu hiệu đòi quyền bình đẳng về ngôn ngữ và nhiều quyền tự do hơn.
Hôm Chủ nhật, Trung Quốc loan báo ý định gia tăng sự trấn áp đối với những hoạt động đòi ly khai ở những khu vực có người Tây Tạng sinh sống. Tuy nhiên, tổ chức tranh đấu có tên Chiến dịch Quốc tế vì Tây Tạng nói rằng, rõ ràng là người Tây Tạng đã không chùn bước trước việc tăng cường an ninh hoặc những biện pháp đe dọa khác của chính quyền.
Ít nhất 85 người Tây Tạng đã tự thiêu kể từ năm 2009 để đòi tự do và đòi để cho Đức Đạt Lai Lạt Ma đang sống lưu vong được hồi hương.
Chỉ riêng tháng này đã có 23 người Tây Tạng châm lửa tự thiêu.
*
Biểu tình và tự thiêu liên tiếp vì Tây Tạng
Thắp nến tưởng nhớ những người đã tự thiêu
tại Dharamshala, thủ phủ chính phủ Tây Tạng lưu vong
BBC - Lại có thêm bốn người Tạng tự thiêu và 20 người phải nhập viện sau khi xung đột với công an trong làn sóng phản đối sự cai trị của Trung Quốc đối với Tây Tạng.
Hãng tin Mỹ AP cho biết bốn vụ tự thiêu mới nhất này diễn ra trong hai hôm 25 và 26/11 tại các tỉnh Cam Túc, Tứ Xuyên và Thanh Hải.
Sinh viên biểu tình
Trong khi đó một cuộc biểu tình ở tỉnh Thanh Hải đã trở nên bạo lực và ít nhất 20 sinh viên đã được đưa vào bệnh viện, Đài Á châu Tự do có trụ sở ở Mỹ dẫn nguồn tin từ những người Tạng lưu vong có liên hệ với bên nhà cho biết.
Những người biểu tình phản đối một cuốn sổ tay do chính phủ phát hành trong đó nói tiếng Tạng không có ích gì và lên án các hành động tự thiêu là ‘ngu ngốc’.
Tổ chức Tây Tạng Tự do có trụ sở ở London cho biết có đến 1.000 sinh viên tham gia trong cuộc biểu tình vào sáng thứ Hai ngày 26/11 này.
Đài Á châu Tự do cho biết các sinh viên giận dữ đã đốt cuốn sổ tay này vốn được phát tại Viện Y khoa Tsolho.
Hãng tin Kyodo của Nhật cho biết cảnh sát vũ trang đã được triển khai đến hiện trường để đàn áp cuộc biểu tình tại huyện Cộng Hòa. Một số sinh viên ‘đã bị thương nặng’.
Hãng tin này dẫn nguồn chính phủ lưu vong Tây Tạng cho biết ‘hàng ngàn sinh viên’ ở Trường Y Sorig Lobling đã xuống đường giơ cao các khẩu hiệu yêu cầu bình đẳng, tự do và thay đổi lãnh đạo.
Lực lượng an ninh hiện đã phong tỏa ngôi trường này và các sinh viên đã mất liên lạc với bố mẹ, Kyodo cho biết.
Bốn vụ tự thiêu
Đài Á châu Tự do cũng dẫn các nguồn tin ẩn danh bên trong Trung Quốc cho biết chi tiết về các vụ tự thiêu mới nhất như sau:
Hôm Chủ nhật ngày 25/11, tại huyện Đồng Nhân tỉnh Thanh Hải, một vị ni cô thiếu niên có tên là Sangay Dolmas đã chết sau khi tự thiêu.
Hôm thứ Hai ngày 26/11, tại huyện Hạ Hà tỉnh Cam Túc, một thanh niên 18 tuổi tên là Kunchok Tsering cũng thiêu mình đến chết.
Cùng ngày, tại huyện Sắc Đạt tỉnh Tứ Xuyên, Wang Gyal, một vị tăng sỹ 20 tuổi đã hoàn tục cũng châm lửa tự thiêu nhưng đến giờ vẫn chưa rõ sống chết thế nào.
Cũng trong hôm thứ Hai, tại huyện Lục Khúc tỉnh Cam Túc, anh Gonpo Tsering 24 tuổi cũng đã qua đời sau khi tự thiêu.
Tổ chức Chiến dịch Quốc tế vì Tây Tạng đặt tại Washington cho biết số lượng người Tạng chết vì tự thiêu ở Trung Quốc cho đến nay đã là 84 người.
Những người phản kháng này tự tẩm xăng vào mình rồi châm lửa sau khi hô những khẩu hiệu kêu gọi độc lập cho Tây Tạng.
Mặc dù Bắc Kinh đã tăng cường an ninh và xây dựng một mạng lưới mật vụ dày đặc nhưng họ dường như vẫn bất lực trong việc dập tắt làn sóng tự thiêu.
*
Nhịp độ tự thiêu của người Tây Tạng gia tăng: Thêm 4 vụ trong 2 ngày
Một phụ nữ Tây Tạng tại Kathmandu đốt đèn nến tưởng niệm
những người tự thiêu phản đối Trung Quốc, và các
nạn nhân bạo lực ở Tây Tạng, ngày 17/11/2012.
REUTERS/Navesh Chitrakar
Tú Anh (RFI) - Thêm bốn người Tây Tạng biến thân làm đuốc tại ba tỉnh Tứ Xuyên, Thanh Hải và Cam Túc. Khoảng 20 sinh viên nhập viện sau khi công an lục soát trường. Phóng viên quốc tế tiếp tục bị Trung Quốc cấm đến những khu vực liên tục có người tự thiêu phản kháng chính sách đàn áp của Bắc Kinh.
Theo tổ chức Tây tạng Tự do Free Tibet, thì "ngày nào cũng nhận được tin có người tự thiêu để phản kháng". Theo tin hôm nay 27/11/2012 thì trong hai ngày Chủ nhật và thứ Hai xảy ra bốn vụ tự thiêu và ít nhất ba người đã chết. Trong số 4 nạn nhân Tây tạng hy sinh để đánh thức lương tâm chế độ cộng sản Trung Quốc, hai người tự thiêu ở Cam Túc, một ni cô 17 tuổi ở Thanh Hải và người thứ tư ở Tứ Xuyên.
Theo AFP, mặc dù Bắc Kinh cho phép báo chí quốc tế thăm ba tỉnh này nhưng trên thực tế phóng viên ngoại quốc bị cấm đặt chân đến những vùng có người Tây Tạng tranh đấu.
Giám đốc tổ chức Free Tibet, bà Stephanie Bridgen cho biết thêm, một trường học ở Thanh Hải bị công an lục soát gây thương tích cho khoảng 20 học sinh. Trước đó khoảng 1.000 sinh viên học sinh đã biểu tình phản đối chính quyền phát sách lên án phong trào tự thiêu và tiếng Tây Tạng.
Mặc dù hơn 80 tu sĩ và thế tục Tây Tạng tự thiêu từ tháng ba năm 2010, sau đợt an ninh Trung Quốc trấn áp kiểm soát chùa chiền và thủ tiêu hàng trăm tu sĩ, chế độ Bắc Kinh vẫn giả điếc và quy trách nhiệm cho Đức Đạt Lai Lạt Ma.
No comments:
Post a Comment