Dân Làm Báo - Trung Quốc lại tiếp tục thủ đoạn xâm lược bằng chiêu thức "cắm dùi". Sau bảng hiệu "Tam Sa", Đường lưỡi bò trên hộ chiếu là trò mới nhất. Phản đối, lên án tập đoàn bành trướng là điều cần nhưng không đủ. Việt Nam phải chủ động để xác định chủ quyền quốc gia một cách mạnh mẽ và rộng khắp; trong đó bên cạnh vai trò của nhà nước còn có sự tham gia của nhân dân Việt Nam là những người chủ của đất nước. Trước vụ việc "hộ chiếu lưỡi bò" Trung Quốc, từ quần chúng cho đến nhà nước Việt Nam có thể:
Phía người dân Việt Nam:
Đất nước không phải của riêng ai. Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của tổ tiên và gia tài để lại cho thế hệ mai sau là quyền của mọi công dân. Trong hoàn cảnh và khả năng của mỗi người, trong khuôn khổ quyền công dân được quy định bởi Hiến pháp, chúng ta có thể:
1. Cùng nhau tự phát, phát động phong trào Tôi Yêu Việt Nam qua đó xác định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông là của Việt Nam.
2. Tự thiết kế, đa dạng những mẫu áo có hàng chữ "Tôi Yêu Việt Nam - Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông là của Việt Nam".
3. In trên áo và mặc ở chốn công cộng.
4. Dán vào mũ bảo hiểm.
5. In thành bảng viết, biểu ngữ và treo trước nhà của mình.
6. Rủ bạn bè cùng nhau chụp hình nơi công cộng với biểu ngữ, bản viết sau đó phổ biến trên mạng.
7. Rủ bạn bè cùng thực hiện một trang dữ kiện về tình hình Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông và đem đến các trường Trung Học, Đại Học để chia sẻ thông tin với các bạn trẻ. Khi đi mặt áo No-U, áo với hàng chữ Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông là của Việt Nam.
8. Phát triển phong trào No-U đang có tại Hà Nội và Sài Gòn thêm nhiều thành viên, sinh hoạt đa dạng, đồng thời mở rộng phong trào No-U đến các tỉnh thành khác, đặc biệt là môi trường sinh viên, học sinh.
9. Tiếp tục tham gia và đẩy mạnh phong trào "Tẩy chay sản phẩm độc hại của Trung Quốc"
10. Thực hiện mọi sáng kiến cá nhân, nhóm, gặp gỡ, bàn thảo biến lòng yêu nước, ý thức công dân thành hành động cụ thể.
Phía nhà nước Việt Nam:
Đất nước Việt Nam là sở hữu của gần 90 triệu người dân Việt. Trong khi đó, nhà nước với vai trò được quy định bởi hiến pháp, bên cạnh những phản ứng ngoại giao, có thể đẩy mạnh những chiến dịch để bày tỏ thái độ dứt khoát trong việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ và biển đảo:
1. Tại tất cả các cổng hải quan nơi người ngoại quốc trình hộ chiếu, treo bản lớn với hàng chữ Việt, Anh, Pháp, Trung: Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
2. Cùng vị trí, treo bản đồ xác định Trường Sa, Hoàng Sa và vùng biển Đông thuộc chủ quyền VN.
3. Khi người Trung Quốc đến Việt Nam, ngay tại chỗ vẽ hình lưỡi bò trên hộ chiếu, đóng con dấu lớn với hàng chữ bằng tiếng Việt, Trung khẳng định vùng biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam.
4. Khắp Thủ đô và tỉnh thành treo các biểu ngữ xác định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
5. Tại các cơ quan nhà nước, đặc biệt là tại các phiên họp quốc hội, treo biểu ngữ xác định chủ quyền để thể hiện ý nguyện của toàn dân mà các đại biểu quốc hội đang đóng vai trò đại diện cử tri.
6. Tất cả các trang quảng cáo du lịch Việt Nam, các ấn phẩm tiếp thị du lịch đều có những hình ảnh, khẩu hiệu xác định chủ quyền.
7. Các đặc phẩm hàng không phát cho khách trên các chuyến bay quốc tế (Heritage), mỗi số đều có một bài viết về Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông trong đó xác định chủ quyền của Việt Nam.
8. Phối hợp với các cơ quan truyền thông báo chí, giáo dục, du lịch tổ chức cuộc thi thơ, nhạc, tranh, ảnh, biếm hoạ về Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông.
9. Phát hành bản đồ Việt Nam khổ lớn, xác định chủ quyền biển đảo và treo trong tất cả các lớp học ở mọi cấp. Bên cạnh là những câu viết xác định chủ quyền để nâng cao ý thức và sự quan tâm của học sinh, sinh viên.
10. Bày bán những bản đồ này ở mọi hiệu sách.
Tất cả việc làm này đều nằm trong khả năng của mỗi cá nhân hoặc nhà nước; thể hiện tinh thần dứt khoát, thái độ chủ động trong việc xác định và bảo vệ chủ quyền quốc gia; phù hợp với chính sách ngoại giao của một quốc gia văn minh, tự trọng nhưng cương quyết khi toàn vẹn lãnh thổ bị đe dọa.
__________________________________
* Những hình ảnh trong bài là ảnh minh họa
No comments:
Post a Comment