Sunday, June 16, 2013

CUNG OÁN NGÂM KHÚC


Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều
TIỂU SỬ ÔN NHƯ HẦU

Ôn-như Hầu tức Nguyễn-Gia-Thiều tiên-sinh, người làng Liễu-Ngạn, huyện Siêu-Loại, tỉnh Bắc-ninh (nay là phủ Thuận-thành), thân-phụ là Nguyễn gia Cư, thân-mẫu là bà Ngọc Tuân Quỳnh Liên công-chúa, con gái chúa Trịnh hy Tô.
Nguyễn tiên-sinh vốn con dòng-dõi trâm-anh, sinh năm 1741, có tính-chất thông-minh dĩnh-ngộ khác thường, khi trẻ ngoài sự học văn còn theo học võ, tinh-thông nghề cung-kiếm, 19 tuổi được tuyển-dụng vào cung-trung làm chức Hiệu-uý quản binh mã, có chiến công, được phong tước Ôn-như Hầu. Từ phong hầu về sau tiên-sinh lại chuyên nghiên-cứu luyện-tập văn-chương và thiên-văn địa-lý, khảo-cứu đạo Phật, đạo Tiên, thường tự xưng là Hy Tôn Tử và Nhu Ý Thuyền, giao-du cùng các nhà triết học, thi-học, lấy sự nhàn-hạ khoáng-dật phong-lưu tiêu-sái làm chí thú, ngâm phong vinh nguyệt làm thích, không quản việc triều-đình, nên mất sự tín-nhiệm của nhà nước. Vả cũng có nhiều người đương thời không ưa vì ganh tài-năng nên gièm-pha, tiên-sinh cũng chẳng quan tâm. Đến khi Tây-sơn lấy Bắc-hà, thì tiên-sinh đi ở ẩn không chịu ra làm quan, và thọ bệnh mất năm 1798, hưởng thọ 58 tuổi (ngày mồng 9 tháng 5 năm Mậu-ngọ).
Những tác-phẩm còn để lại, về phần chữ nho có bộ Tiền-hậu thi-tập, nhưng chưa tìm thấy, chỉ còn khẩu truyền một đôi bài. Về quốc-âm thì còn Tây-hồ thi-tập, bộ tứ-trai và Cung-oán ngâm khúc.
Tiên-sinh rất tinh nghề Thanh nghệ luật (nghề làm thơ), đã dìu-dắt phái thi học đời hậu Lê được lắm nhà thơ hay.
Ở tập Chuyết-thập tạp-chí của ông Lý văn Phức chép truyện Ôn-nhu Hầu có nói rằng: " Nhất thị ứng khẩu thành tụng, ngữ ngữ khả nhân, nhất thị thiên đoàn bách luyện, ngữ ngữ kinh nhân" . Nghĩa là: một là ra lời nói thành câu thơ, lời lời thảy nghe được, hai là nghìn lần nhồi nặn, trăm lần nung-luyện ra câu thơ, lời lời khiến người nghe phải sợ... tức là tiên-sinh có tài nhanh-chóng cũng hay và có công trau-nắn càng hay.
Tài lành dễ đâu chôn lấp được, một thiên " Cung-oán ngâm-khúc " nay còn truyền xa.

Huế ngày 6 tháng 5-1950
Vân-bình Tôn Thất Lương kính thuật


Tiểu dẫn


Hai chữ Cung-oán là sự oán-hờn nơi cung cấm của các cung-phi, cung-tần đã từng được vua yêu rồi lại bị ghét bỏ, vì lời gièm-pha ghen-tuông lẫn nhau ; hoặc có người đã chọn mà suốt đời không được sự hạnh-sủng, nên đã thốt ra nỗi oán-hờn.
Trải xem các đời từ xưa nơi cung cấm, cung-nhân nhiều đến số ba bốn nghìn, mà trong số ấy thường chỉ có vài người được sủng ái, nên phần nhiều cung-nhân có tài học tự làm ra lời cung-oán, hoặc các nhà thơ đặt ra lời cung-oán, mượn thân-phận của cung-nữ mà tỷ-nghĩ thân-phận mình, cũng đề là cung-oán. Về sau hai chữ " cung-oán " thành một cái nhan đề, chuyên nói sự oán-hờn của cung-nữ.
Lại có đề "khuê-oán" chyên nói sự oán-hờn của người đàn-bà có chồng, bị chồng đi xa không về ; đề "khuê-oán" phần nhiều cũng là lời của các nhà thơ mượn sự tình của người để bày thân-phận của mình vậy.
"Cung-oán ngâm khúc" sau đây là một khúc ngâm về nỗi oán-hờn của cung-nhân mà Ôn-như Hầu tiên-sinh đã mượn tình-trạng cung-phi để tự ví thân-phận mình ; khúc ngâm này dùng điệu "song-thất lục-bát". Lời van đã thâm-thuý, nghĩa lý lại mắc-mỏ và đoạn lại khó phân. Nếu cứ để suông tự đầu đến cuối, đem đọc mấy lần cũng không hiểu thấu, nên đây phải dùng lối phân-tích, chia ra làm tám đoạn, mỗi đoạn kể lược-tự sự-trạng của tác giả đã nói, có những tình-ý gì ở trong nguyên văn; theo nguyên văn lại tiếp mục giải-nghĩa và chú-thích để người đọc đến hiểu ngay, không phải mờ-mịt mà hóa ra chán nản.

Mong rằng các độc-giả chú ý : phàm viết một bài chuyên nói một mục-đích gì, thì cũng như theo ý của nhan-đề mà làm thành lối dàn-bài như một bài thơ "Đường-luật" tám câu:
câu 1 là câu "phá", câu 2 là câu "thừa";
"Phá" là mở lời đầu tiên nói tổng-quát toàn cả một sự-trạng của đề mục hay của nhan-đề.
"Thừa" là thừa-tiếp nghĩa của câu "Phá" để đem ban bố sự-trạng ấy ra sau
hai câu 3, 4 là hai câu "Trạng", tả rõ từng thái-trạng của nhan-đề ấy ;
rồi tiếp đến hai câu 5, 6 là hai câu "Luận" luận-bàn và dẫn-chứng mà bài-liệt thêm ra cho nhiều rộng ý-nghĩa ;
sau câu "Luận" tiếp câu thứ bẩy là câu "Thúc" hay là "Chuyển", nghĩa là gói và thu-tóm, hoặc di-chuyển cả ý-tứ những câu 1, 2, 3, 4, 5, và 6 mà thu- tóm ý-nghĩa ở câu 7,
để kết-liễu toàn ý-tứ của nhan-đề ở câu 8 là câu "Kết" trọn vẹn ; thành một bài thơ có thứ-tự theo lối dàn bài, có kiểu mẫu nhất-định.
Có thứ-tự như thế thì không lộn-xộn, và theo phép ấy, nếu làm một bài dài trường-thiên hay là một khúc ca ngâm có mấy trăm câu mặc dù, ta cũng phải biết chia ra làm tám phần, ít nhiều câu tuy không dịnh, nhưng phải phân-tích thành đoạn-lạc rạch-ròi, cũng như một bài thơ Đường-luật vậy.

Bài "Cung-oán ngâm khúc" này có 356 câu, đã phân ra tám phần như đã nói trên. Các độc-giả khi đọc nên cẩn-thận rõ từng chi-tiết một, và sưu-tầm những lời chú-thích dẫn-giải đã chỉ rõ lối dùng chữ, lối mượn điển, dùng điển phân-minh.
Đó là dẫn-giải trình-bày theo lối phổ-thông, hầu được giúp ích cho kẻ hậu học tân-tiến, trong khi luyện-tập quốc-văn, giảng-cầu cổ-điển.
Nếu không dùng lối thích nghĩa này thì dù đọc mấy lần cũng chỉ hiểu từng câu một với một nghĩa-lý mơ-hồ, hư-huyễn, không dính-dáng vào đâu, chẳng còn biết tác-giả muốn nói việc gì, càng thêm rối trí vô-ích.
Vậy các độc-giả đọc sau đây dần dần hiểu thấu suốt toàn thiên và không còn thiếu-sót một nghĩa gì đáng nghi-hoặc vậy.

______________________________
l- Cung- oán ngâm khúc (câu 1 - câu 12)

1- Trải vách quế gió vàng hiu-hắt,
Mảnh vũ-y lạnh ngắt như đồng;
Oán chi những khách tiêu-phòng,
Mà xui phận bạc nằm trong má đào !
5-Duyên đã may cớ sao lại rủi ?
Nghĩ nguồn-cơn dở-dói sao đang ?
Vì đâu nên nỗi dở-dang,
Nghĩ mình, mình lại thêm thương nỗi mình !
Trộm nhớ thủa gây hình tạo-hóa,
10-Vẻ phù-dung một đóa khoe tươi ;
Nhuỵ hoa chưa mỉm miệng cười,
Gấm nàng Ban đã nhạt mùi thu-dung.

ll--Cung-oán ngâm khúc (câu 13 - câu 32)

Áng Đào Kiển đâm bông não chúng
Khoé thu-ba dợn sóng khuynh thành ;
Bóng gươm lấp-loáng dưới mành,
Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa !
17- Chìm đáy nước cá lờ-đờ lặn,
Lửng da trời, nhạn ngẩn-ngơ sa !
Hương trời đắm nguyệt say hoa,
Tây Thi mất vía, Hằng Nga giật mình.
21- Câu cẩm-tú đàn anh họ Lý
Nét đan-thanh bậc chị chàng Vương
Cờ tiên rượu thánh ai đang,
Lưu Linh, Đế Thích là làng tri-âm.
25- Cầm điếm nguyệt, phỏng tầm Tư-mã
Địch lầu thu, đọ gã Tiêu-lang
Dẫu mà tay múa, miệng xang,
Thiên-tiên cũng ngảnh Nghê-thường trong trăng.
29- Tài-sắc đã vang-lừng trong nước,
Bướm-ong càng xao-xác ngoài hiên,
Tai nghe nhưng mắt chưa nhìn,
Bệnh Tề Tuyên đã nổi lên đùng đùng.


Chú thích


vách quế: vách quế, cung quế là nơi cung-điện gọi là Quế-cung. Sách Nam-bộ yên hoa ký chép : Vua Trần Hậu-chúa làm một nơi cung-điện cho cung-phi Trương lệ Hoa ở tại sau điện Quang-chiêu, xây một cửa tròn lớn, khảm tấm thủy-tinh pha-lê như hình mặt trăng, sau bôi phấn trắng, giữa sân rộng, trước cửa ấy chỉ trồng một cây quế, tượng hình cây quế trong mặt trăng, như lời thế-tục nói: Nguyệt trung đơn quế. Cung ấy gọi là Quế-cung.
Quế tức là cây Mộc-tê tục gọi cây hoa-mộc, hoa từng chùm như cái vỏ lúa, có hương thơm xa.
Đây dùng vách quế mượn điển xưa, chỉ nơi của cung-nhân có sắc đẹp được vua yêu ở đấy.

gió vàng: bởi chữ Kim-phong là gió mùa thu, mùa thu thuộc số ngũ-hành là chữ kim, về vị-trí thu ở hướng tây, về số địa-chi thuộc quẻ Canh-tân loài kim, nên gọi thu là Kim-thiên. Gió thu là Kim-phong : gió vàng.
vũ-y: áo dệt bằng lông chim ngũ sắc để dùng múa, có vẻ lộng-lẫy như các tiên bay trên trời. Những cung-phi thường mặc áo ấy để khi có cuộc vui, chầu ngự múa.
tiêu-phòng: Đời xưa ở nơi phòng bà Hoàng-hậu ở, dùng tiêu tán nhỏ, bôi vào vách cho thơm và ấm, gọi là tiêu-đồ. Đây dùng Tiêu-phòng tức nơi phòng bôi tiêu, nơi cung cấm các bà hậu-phi ở.
tạo-hóa: nghĩa là trời đất sáng-tạo và hóa-dục muôn vật.
Vẻ phù-dung: là vẻ đẹp của hoa Phù-dung. Hoa ấy màu cung phấn đỏ nhạt, hoa lớn gồm 4,5 hoa tường vi, buổi mai nở, buổi chiều tàn, thường ví nhan-sắc người đẹp.
Thơ Bạch cư Dị, bài Trường-hận ca, tả tình vua Đường Minh-hoàng nhớ bà Dương quí-phi có câu : Phù-dung như diện liễu như my : hoa phù-dung như mặt, lá dương-liễu như mày.
Gấm nàng Ban đã nhạt mùi thu-dung: Câu này dùng điển nàng Ban tiệp Dư là một cung nhân của vua Thành-đế nhà Hán, bà làm nữ-quan đến chức Tiệp Dư họ là Ban, được vua yêu lắm, sau bị nàng Triệu phi Yến gièm, bà sợ nguy thân xin vua cho ở chầu hầu bà Thái-hậu, mẹ vua ở cung Trường-tín. Từ khi bà về ở cung ấy thì sự sủng-hạnh ngày một phai dần, nên bà đã đề một bài thơ ở trên cái quạt tròn, bằng một thứ bát tơ trắng gọi là gọi là Tề-hoàn mà bà tự dệt ra và tự chế thành cái quạt tròn, để tự ví thân phận mình, thơ rằng :
Tân chế Tề hoàn tố
Hạo khiết như sương tuyết
Tài thành Hợp-hoan phiến
Đoàn-đoàn tự minh nguyệt
Xuất nhập quân hoài tụ
Động đạo vi phong phát
Thường khủng thu tiết chí
Lương viêm đoạt viêm nhiệt
Khí nguyên giáp tư trung
Ân-tình trung đạo tuyệt.
Nghĩa là :
Mới chế lụa Tề trắng
Trong sạch như sương tuyết
Đem làm quạt Hợp-hoan
Tròn hinh giống mặt nguyệt
Ra vào trong tay vua
Lay động sinh gió mát
Thường sợ tiết thu đến
Gió mát cướp nồng nhiệt
Ném cất vào xó rương
Nửa đường ân-ái tuyệt.
Cái quạt và bài thơ Ban tiệp Dư tự ví mình như cái quạt Hợp-hoan tròn đã từng được vua yêu-chuộng nhưng phải ném cất vào xó rương, vì hơi thu mát đã cướp mất gió mát của quạt, nên ân tình nửa đường phải đoạn tuyệt. Ví mình bị người dèm pha, bị vua ghét bỏ.
Đây tác giả dùng chữ "gấm" cho khỏi dùng chữ Tề-hoàn là một thứ lụa mỏng hay bát tơ có vẻ sáng đẹp dùng làm quạt rất dẹp. Đáng lẽ nói lụa nàng Ban, hay quạt nàng Ban. Bởi chữ gấm ấy mà lắm người không rõ lại giải-nghĩa- Gấm của nàng Ban tiệp Dư và nàng Triệu phi Yến dệt, thì rất vô nghĩa. Vả những chữ Đoàn-phiến : quạt tròn, chữ "Thu-dung" là dung mạo lạnh lẽo mùa thu, thảy là những chữ thành-ngữ của Ban tiệp Dư, đọc đến biết ngay không phải nghi-hoặc gì nữa.
Áng Đào Kiển: Áng cái khuôn-khổ, nề-nếp có vẻ đẹp, hoặc có văn-chương hay. Đào Kiển là Đào Kiển phu-nhân là tên riêng của nàng Qua tiểu Nga. Sử nhà Nguyên chép : một cung-phi phong chức Thục cơ nhất-phẩm phu-nhân đời vua Thuận-đế nhà Nguyên là Qua tiểu Nga có thể chất rất lạ : trắng mà ửng màu hồng, mỗi khi rửa mặt hoặc ra mồ hôi ướt da, thì mặt có vẻ tươi như hoa đào ngậm lộ, càng thêm vẻ yêu kiều. Vua Thuận-đế gọi nàng là yêu đào nữ : gái đào thơ ; nhân lời vua mà trong cung kêu nàng là Đào Kiển phu-nhân : phu-nhân có vẻ đẹp uốn vặn dã-dượi như cây đào non. Nàng có vẻ đẹp ấy, riêng được vua yêu chuộng hơn các cung-phi khác làm cho cung nhân phải phiền não.
Khoé thu-ba: khoé là khóe con mắt. Thu ba là sóng mùa thu, nước thu thường đầy, sóng thu càng đẹp. Con mắt người gái đẹp có vẻ uớt và sáng như sóng mùa thu.
sóng khuynh thành: Làn sóng làm cho thành nghiêng đổ, nghĩa bóng, đôi con mắt liếc, người phải theo đến nỗi nghiêng thành. Kinh thi có câu:
Triết phu thành thành, Triết phụ khuynh thành :
Người đàn ông giỏi dựng nên một thành trì, người đàn bà đẹp làm nghiêng đổ thành trì.
mây mưa: bởi chữ vân-võ, bởi điển vua Tương vương nước Sở đi chơi đầm Vân-mộng gần núi Vu-sơn chiêm bao thấy một người gái rất đẹp đến chung chạ chăn gối với Vương, và tự xưng là Vu-sơn thần nữ : thần nữ ở núi Vu-sơn. Lại nói: mỗi buổi mai thần nữ làm mây, buổi chiều làm mưa ở núi Vu-sơn. Về sau Vương nghiệm xen quả thật như lời Thần nữ nói trong giấc mộng, bèn lập đền thờ Thần nữ ở chân núi Vu-sơn. Bởi điển ấy người sau dùng chữ "vân" "mây mưa" mà ví sự trai gái chăn-gối chưng chạ ấp-yêu. Hoặc dùng chữ non Thần, non Vu, đỉnh Giáp, đều nghĩa ấy.
cá lờ-đờ lặn: Sách Trang tử nói : sắc đẹp nàng Vương Tường và Lệ Cơ đẹp dến nỗi con cá thấy phải chìm lặn, con nhạn thấy phải bay cao, tức chữ "Trầm ngư lạc nhạn" : cá lặn nhạn sa, ý nói đẹp quá con cá con nhạn đều phải tránh bay cao . Người sau đổi chữ bay cao làm chữ sa xuống mà nói: "cá lặn nhạn sa".
nhạn ngẩn-ngơ sa: Xem chú thich số 12 ở trên.
Tây Thi, Hằng Nga: tên người con gái quê làm vải sợi, giặt vải sợi, ở thôn Trữ-la, có sắc đẹp tuyệt thế. Đời Xuân thu vua Việt-vương là Câu Tiễn bị thua vua Ngô-vương ở đất Cối-kê, sau mưu thần của Việt-vương là Phạm Lãi mua nàng Tây Thi về dạy ca múa thành tài, rồi đem dâng vua Ngô là Phù Sai tại nơi điện Cô-tô. Phù sai yêu nàng, mê say phải mất nước. Về sau Phạm Lãi đem Tây Thi đi chơi cảnh Ngũ Hồ mất tích.
"Hằng Nga" nguyên là vợ chàng Hậu Ngại đời vua Hoàng đế. Ngại học tiên, cầu được thuốc trường sinh bị Hằng Nga uống trộm thành tiên bay lên cung trăng (Liệt tiên truyện)
Tây Thi và Hằng Nga là hai người có nhan-sắc tuyệt thế.
Câu cẩm-tú:Cẩm-tú là gấm thêu
họ Lý: tức là Lý Bạch là một thi-nhân đời Đường, có tiếng giỏi văn-chương xưng là "miệng gấm lòng thêu" (tú khẩu cẩm tâm) Lý Bạch hiệu là Thanh Liên. "Chàng Vương" là Vương Duy có tài vẽ khéo thơ hay, trong thơ có vẽ có thơ. Vương Duy hiệu là Ma Cật. "Lý Bạch, Vương Duy" là hai nhà thơ hay vẽ khéo đời Đương.
đan-thanh:Sắc đỏ sắc xanh
Lưu Linh: sinh ra khoảng cuối đời Tấn, người đất Bái, tự là Bá Luân. Có tính phóng-khoáng hay uống rượu, cùng ông Nguyễn Tịch, Khê Khương kết bạn thân, có làm bài Tửu đức tụng chúc tụng đức tính của rượu. Ông làm quan với nước Tấn đến chức Kiến-oai tướng-quân.
Đế Thích: tên Lý Chế là một sư có tài đánh cờ vây (cờ tiên) rất cao. Chưa rõ ở đời nào
tri-âm:người tinh-sành âm-luật, gọi là tri-âm. Cổ-thi có câu :"Bất tích ca giả khổ, đãn thương tri-âm hy" : không tiếc người hát khó nhọc, chỉ đau-đớn người tri-âm ít mà thôi.
Tư-mã: Tư-mã Tương Như người ở Thành-đô đời Hán, có tài học giỏi đàn hay, đã đàn khúc Phụng Cầu làm cho nàng Trác văn Quân bỏ nhà theo làm vợ
Tiêu-lang:chàng Tiêu, tức Tiêu Sử đời Xuân-thu, có tài thổi ống tiêu như tiếng chim phụng kêu; dạy nghề ấy cho vợ, là con ông Mục-công nước Tần là nàng Lộng Ngọc thành tài. Có chim phụng bay xuống, hai vợ chồng cỡi phụng bay lên trời thành tiên (chuyện chép ở Liệt-tiên-truyện).
Bệnh Tề Tuyên:Vua Tuyên-vương nước Tề trong khi nói chuyện trị nước (chính-trị) với thầy Mạnh-tử, có nói câu "quả-nhân hữu-tật, quả nhân hiếu sắc :kẻ quả-nhân (tụ xưng) này có tật, kẻ quả-nhân này ưa sắc". Đó chỉ là một câu nói ví-dụ ở trong việc chính-trị, mà đây dùng lối "đoạn chương thủ nghĩa" (cắt câu lấy nghĩa) cho thêm lý-thú khôi-hài. Bệnh Tề Tuyên đã nổi lên, tức bệnh ưa sắc đẹp của một đấng quân-vương.


________________________________
lll--Cung-oán ngâm khúc (câu 33 - câu 132)

Hoa xuân nọ còn phong nộn nhụy,
Nguyệt thu kia, chưa hé hàn-quang,
Hồng-lâu còn khóa then sương,
Thâm-khuê còn giấm mùi hương khuynh thành.
37- Làng cung-kiếm rấp-ranh bắn sẻ,
Khách công-hầu gấm-ghé mong sao
Vườn xuân bướm hãy còn rào,
Thấy hoa mà chẳng lối vào tìm hương.
41- Gan chẳng đá khôn đường há chuyển
Mặt phàm kia dễ đến Thiên-thai ?
Hương trời sá động trần-ai,
Dẫu vàng nghìn lạng dễ cười một khi.
45- Ngẫm nhân-sự cớ chi ra thế ?
Sợi xích-thằng chi để vương chân
Vắt tay nằm nghĩ cơ trần,
Nước dương muốn rảy nguội dần lửa duyên.
49- Kìa thế-cục như in giấc mộng.
Máy huyền-vi mở đóng khôn lường !
Vẻ chi ăn uống sự thường,
Cũng còn tiền-định khá thương, lọ là.
53- Đòi những kẻ thiên-ma bách-chiết
Hình thì còn, bụng chết đòi nau !
Thảo nào khi mới chôn nhau,
Đã mang tiếng khóc bưng đầu mà ra !
57- Khóc vì nỗi thiết-tha sự thế,
Ai bày trò bãi bể nương dâu ?
Trắng răng đến thuở bạc đầu,
Tử, sinh, kinh, cụ làm nau mấy lần ?
61- Cuộc thành bại hầu cằn mái tóc,
Lớp cùng-thông như đốt buồng gan,
Bệnh trần đòi đoạn tâm can,
Lửa cơ đốt ruột dao hàn cắt da !
65- Gót danh-lợi bùn pha sắc xám,
Mặt phong-trần nắng nám mùi dâu,
Nghĩ thân phù-thế mà đau,
Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê.
69- Mùi tục-vị lưỡi tê tân-khổ,
Đương thế-đồ gót rỗ khi-khu,
Sóng cồn cửa bể nhấp-nhô,
Chiếc thuyền bào ảnh lô-xô gập-ghềnh.
73- Trẻ tạo-hóa đành-hanh quá ngán,
Chết đuối người trên cạn mà chơi !
Lò cừ nung nấu sự đời,
Bức tranh vân-cẩu vẽ người tang-thương.
77- Đền vũ-tạ nhện giăng cửa mốc,
Thú ca-lâu dế khóc canh dài,
Đất bằng bỗng rấp trông gai,
Ai đem nhân-ảnh nhuốm mùi tà-dương ?
81- Mùi phú-quí nhử làng xa-mã,
Bả vinh-hoa lừa gã công-khanh,
Giấc Nam-kha khéo bất tình
Bừng con mắt dậy, thấy mình tay không !
85- Sân đào-lý giâm lồng man-mác
Nền đỉnh-chung nguyệt gác mơ-màng
Cái phong-ba khéo cợt phường lợi danh.
89- Quyền họa-phúc trời tranh mất cả,
Chút tiện-nghi chẳng trả phần ai !
Cái quay búng sẵn trên trời,
Mờ-mờ nhân-ảnh như người đi đêm.
93- Hình mộc-thạch vàng kim ố cổ,
Sắc cầm-ngư ủ vũ ê phong,
Tiêu-điều nhân-sự đã xong,
Sơn-hà cũng huyễn, côn-trùng cũng hư.
97- Cầu Thệ-thủy ngồi trơ cổ-độ
Quán Thu-phong đứng rũ tà-huy
Phong-trần đến cả sơn khê,
Tang-thương đến cả hoa kia cỏ này.
101- Tuồng huyễn-hóa đã bày ra đấy,
Kiếp phù-sinh trông thấy mà đau !
Trăm năm còn có gì đâu,
Chẳng qua một nắm cổ-khâu xanh rì !
105- Mùi tục-lụy dường kia cay-đắng,
Vui chi mà đeo-đẳng trần-duyên ?
Cái gương nhân-sự chiền-chiền,
Liệu thân này với cơ-thiền phải nao.
109- Thà mượn thú tiêu-dao cửa Phật,
Mối thất tình quyết dứt cho xong
Đa-mang chi nữa đèo-bòng ?
Vui gì thế-sự, mà mong nhân-tình !
113- Lấy gió mát trăng thanh kết nghĩa,
Mượn hoa đàm đuốc tuệ làm duyên
Thoát trần một gót thiên-nhiên,
Cái thân ngoại vật là tiên trong đời.
117- Ý cũng rắp ra ngoài đào-chú,
Quyết lộn vòng phu-phụ cho cam !
Ai ngờ trời chẳng cho làm,
Quyết đem dây thắm mà giam bông đào !
121- Hẳn túc-trái làm sao đây tá ?
Hay tiền-nhân hậu-quả xưa kia ?
Hay Thiên-cung có điều gì ?
Xuống trần mà trả nợ đi cho rồi.
125- Kìa điểu-thú là loài vạn vật,
Dẫu vô tri cũng bắt đèo-bòng,
Có âm-dương, có vợ chồng,
Dẫu từ thiên-địa cũng vòng phu-thê.
129- Đường tác-hợp trời kia giong-ruổi,
Lọt làm sao cho khỏi nhân-tình,
Thôi thôi ngảnh mặt làm thinh
Thử xem con tạo gieo mình nơi nao ?


Chú thích


khuynh thành: sắc đẹp đàn làm đến nỗi nghiêng thành nghiêng nước
bắn sẻ: bởi chữ tước-bình. Tước là con sẻ hoặc con công. Bình là bức tranh chắn gió. Đây dùng tích chọn rể. Sách Đường-thư chép : cha bà Đậu Hậu là ông Nghị chọn rể, bèn vẽ con công trên một bức bình-phong, để những con nhà quí-phái ai bắn trúng con mắt chim ấy thì được gả con. Sau đã có lắm người bắn không trúng. Cuối cùng là Đường Cao-tổ (khi chưa làm vua) bắn trúng, được vợ tức Đậu Hậu. Về sau dùng tích ấy là sự chọn rể. Tước là con công ( khổng-tước) hay chim sẻ. Đây dùng chữ bắn sẻ, vì chữ Tước có hai nghĩa con công, con sẻ.
mong sao: là trông ngôi sao trên trời Bởi chữ Tinh-kỳ ở Kinh Thi nói sự thành hôn, nên lễ cưới vợ có câu : " Trù mâu thúc tân, tam tinh tại thiên, kim tịch hà tịch, kiến thử lương-nhân,: Chăm chỉ bó củi,trông ba ngôi sao trên trời. Đêm này hay là đêm nào, sẽ thấy người bạn lành của ta; ý nói khi làm-lụng và trông có lứa đôi. Đây dùng mong sao, lấy ý câu ấy. (Sự dò tuổi hỏi tên cầu bề phối-ngẫu cũng gọi mong sao).
Gan chẳng đá khôn đường há chuyển: ý nói tấm lòng vốn không phải là đá mà dễ lay-chuyển được. Kinh Thi, thiên Bá Châu :"Ngã tâm phỉ thạch, bất khả chuyển gỉa".
Thiên-thai: tên núi có tiên ở. Đời Đông Hán có Lư Thần và Nguyễn Triệu vào hái thuốc ở núi Thiên-thai, gặp hai tiên-nữ kết làm vợ chồng, được vài tháng nhớ nhà xin về thăm. Về đến nhà đã quá bảy đời người, chỉ còn đứa cháu bảy đời. Sau Lưu và Nguyễn lại rủ nhau vào núi mất tích. Hai người còn cốt phàm-thai nên không trọn đời làm tiên.
Dẫu vàng nghìn lạng dễ cười một khi: ý nói mua được nụ cười dù có vàng nghìn lượng cũng chẳng có. Thơ Vương tăng Nhu vịnh người hầu yêu: "Nhất tiếu thiên kim mãi" : một nụ cười nghìn lạng vàng cũng mua. Thơ Lý Bạch : "Mỹ-nhân nhất tiếu hoán thiên kim": nụ cười người đẹp xứng một nghìn lạng vàng.
Sợi xích-thằng: dây đỏ. Vy Cố đời Đường ở Tống-đô, đêm đi chơi mát, gặp ông già ngồi xem sách ở dưới trăng, bên có cái đãy đựng tơ đỏ (xích-thằng) hỏi ông đáp rằng: Quyển sổ này chép tên tuổi, đãy đựng sợi tơ đỏ để buộc duyên-phận vợ chồng người. Những người đã ghi tên vào sổ này, dù người thù hoặc ở nước khác cũng vầy nên chồng vợ. Ông này không có tên, ông xem sách dưới trăng nên gọi Nguyệt-lão :ông già dưới trăng. "Trăng già" đều nghĩa ấy.
Nước dương: bởi chữ Dương-chi-thủy, giọt nước nơi cành dương-liễu. Sách Pháp-uyển Châu-lâm chép : ông sư tên Phật đồ Trừng người nước Thiên-trúc một hôm ông Thạch Lặc mời đến nhà chơi, vừa có đứa con đau bệnh nặng. Phật đồ Trừng lấy cành dương liễu tẩm nước phép rảy cho đứa bé đau, liền lành khỏi, Phép ấy của Phật Quan Âm có bình ngọc cắm cành dương-liễu.
Cũng còn tiền-định: Sách Mạnh Tử nói : nhất ẩm nhất trác sự giai tiền-định. Vạn sự phận dĩ định, phù-sinh không tự mang : một bữa ăn bữa uống cũng đã có định trước, muôn việc thảy có định phần cả; chỉ có sự sống trôi-nổi làm nên băn-khoăn mà thôi.
bãi bể nương dâu: bởi chữ tang thương: tang là cây dâu, nương trồng dâu. Thương là bể khơi, bãi bể. Sách Liệt-tiên-truyện chép: Bà Ma-cô tiên-nữ đã nói bà từng thấy một nơi kia đám nương trồng dâu đã ba lần hóa thành bể khơi, bãi bể v. v...Ý nói sụ thay đổi nơi trần thế nhiều lần. Tang-hải-Tang-thương- Bãi bể nương dâu- Bể dâu, đều nột nghĩa.
bể khổ: bởi chữ khổ-hải. Tiếng nói của nhà Phật, ví sự khốn-khổ mênh-mông vô cùng như bể vậy.
bến mê:bởi chữ mê-tân, nhà Phật nói: sự ngờ vực ở nơi tam giới và lục đạo thì gọi là Mê-tân, bến lạc đường phải nhờ thuyền Từ-bi của Phật mới đưa vào đến bến.
Mùi tục-vị lưỡi tê tân-khổ: có bản chép"tục-lụy" e sai vì "tục vị" mới đối với "thế đồ" (vị: mùi ; đồ: đường).
bào ảnh: là cái bọt cái bóng. Kinh Kim-cương bát nhã nói: nhất thiết hữu vi pháp, như mộng, huyễn, bào, ảnh, như lộ riệc như điện, ưng tác như thị quan nghĩa là : hết thảy những điều có làm, có bắt chước thảy là như giấc chiêm bao, như chuyện huyền-ảo, như bọt nước, như bóng đèn, như giọt móc và cũng như ánh sáng của chớp-nhoáng, thì hết thảy nên xem như vậy cả. Ý nói những sự hiện hữu trên đời đều không được lâu bền.
Trẻ tạo-hóa: bởi chữ tạo-hóa tiểu-nhi, trẻ nhỏ tạo-hóa, lời nói bỡn gọi ông trời bằng trẻ con; bởi điển ông Đỗ thẩm Ngôn đời Đường, khi đau nặng, bọn ông Tống chi Vấn vào thăm, Đỗ thẩm Ngôn nói rằng :"Ngao ngán thay trẻ tạo-hóa làm ta nên khổ-sở..."
Chết đuối người trên cạn: bởi chữ Lục-trầm. Lục là trên cạn. Trầm là chìm đắm, Trang tử nói: không thèm đi chung với đường đời gọi là chết đắm trên cạn. Đây dùng ý không hạp với tình đời.
Lò cừ: là cái lò lớn, bởi chữ ở bào phú của ông Giả Nghị có câu :
Thiên-địa vi lô hề, tạo-hóa vi công
nghĩa là:
Trời đất làm cái lò, mà đấng Tạo-hóa làm thợ để đúc nặn ra muôn vật.
vân-cẩu: là mây chó, thơ Đỗ Phủ:
Thiên thượng phù-vân như bạch y,
Tu tư hốt biến vi thương cẩu
{trên trời đám mây nổi như cái áo trắng,
bỗng chốc hóa hình con chó xanh (xám)}.
Ý nói sự biến chuyển nhanh-chóng của mây.Về sau đem ví sự thay-đổi trên đời.
Giấc Nam-kha: bởi chữ Nam Kha mộng, giấc mộng ở cành hướng nam. Tên một bài ký của Lý công Tá đời đường chép rằng:
Thuần vu Phần chiêm bao đến nước Hoè-an được quốc-vương cho làm chức Thái-thú và gả con gái cho, đủ mọi sự vinh-hiển; sau bị thua trận, lại vợ chết và bị ông gia nghi-kỵ cho về, bỗng tỉnh giấc, thấy mình ngủ dưới gốc cây hòe, dưới nhánh hòe hướng nam có cái hang kiến, mới sục tỉnh-ngộ là mình chiêm bao vào nơi hang ấy.
Về sau dùng điển ấy ví sự vinh hoa là giấc mộng.
Sân đào-lý: bởi chữ Đào lý viên là một nơi danh thắng ở kinh-đô Tràng an xưa, mà Lý Bạch đã cùng các bạn văn-chương hôi họp làm bài tự rất nổi tiếng. Dùng vườn Đào lý nghĩa bóng nơi hội họp khách văn-vật tài-ba. Đào-lý cũng có nghĩa là kẻ quan-lại có tài năng, nên có lời công-chúng khen là : Đào lý trong thiên hạ đều ở nơi cửa ngài mà ra. " thiên-hạ đào-lý tận tại công-môn"
Nền đỉnh-chung: Đỉnh là cái vạc. Chung là cái chuông, nhà quyền-quí có đông người, phải dùng cái vạc mà nấu ăn, dùng cái chuông mà gọi người ăn cơm. Dùng chữ Đỉnh-chung hoặc Chung-đỉnh, Chuông vạc đều là một nghĩa như nhau.
Cái quay: bởi chữ Luân hồi, bánh xe quay, là cái máy quay của tạo-hóa; nhà Phật nói : chúng-sinh ở trong thế giới, từ khi đầu tiên đến nay cứ bị quay xoay vần trong lục đạo hết kiếp này đến kiếp kia mãi, như cái bánh xe quay mãi không thôi. Chỉ có kẻ tu hành đắc đạo mới thoát khỏi luân-hồi ấy.
Thệ-thủy: là nước chảy. Cầu thệ-thụy bởi lấy chữ ở sách Luận-ngữ, Đức Khổng Tử đứng trên sông mà nói rằng :
Thệ giả như ty phù, bất xả trú dạ :
(nước chảy như vậy chẳng dứt cả đêm liền ngày)
Ý nói sự hóa-sinh của trời đất nó tiếp tục nhau không bao giờ thôi, như nước chảy vậy. Đó là lẽ đạo-thể bày tỏ thí-dụ ở nước chảy cho ta thấy.
Nghĩa bóng nói vật gì cũng sẽ khuất-lấp cả. " Cầu thệ-thủy ngồi trơ cổ-độ" ý nói ngồi nơi bến cũ ( cổ-độ) mà nhìn sự quá-vãng trên đời.
Quán Thu-phong: bởi chữ Trừu-phong là sự cầu xin kẻ khác giúp đỡ mình. Nhưng lâu ngày theo lời truyền ngoa của thế-tục nói "trừu phong" ra "thu phong" là muốn cầu xin người giúp đỡ. "Quán thu-phong đứng rũ tà-huy", ý nói đứng dưới bóng nắng chiều rũ chân mà chờ-đợi sự giúp-đỡ.
Thu phong có cũng có nghĩa là gió mùa thu, có vẻ hắt-hiu thêm buồn. Cầu thệ-tuỷ, quán thu-phong, hai chữ cầu, quán, dặm thêm cho có nghĩa có tên chứ vốn không có quán nào, cầu nào tên là thệ-thủy, thu-phong cả.
thất tình:là bảy tình của người ta là : hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục: mừng, giận, thương, vui, yêu, ghét và muốn, là tình ai ai cũng có.
hoa đàm: bởi chữ Ưu-đàm-hoa là một hoa thiêng-liêng của nhà Phật, ba nghìn năm mới có một lần nở hoa, mỗi khi có hoa tức có Phật ra đời,(Điển lược chép ở Pháp Hoa kinh).
đuốc tuệ: bởi chữ Tuệ-hỏa, tiếng nhà Phật nói : ngọn lửa trí-tuệ để đem chúng sinh ra khỏi nơi chướng-ngại khổ-sở.
đào-chú: là nắn-đúc, tức tạo-hóa nắn-đúc nên muôn vật, nghĩa bóng là trời đất.
tiền-nhân: là sự nguyên-nhân đời trước hậu-quả là sự kết-quả đời sau. Điển Phật ở Truyền-đăng-lục nói :
Dục tri tiền thế nhân, kim sinh thọ giả thị;
Dục tri lai sinh quả, kim sinh tác giả thị :
Muốn biết nguyên-nhân đời trước ta thế nào, thì ta cứ xem những hưởng-thụ của ta đời nay;
Muốn biết sự kết đời sau thế nào, ta cứ xem sự ta làm đời nay đó.
Nghĩa đen : nếu đời trước ta vốn có nhân-đức thì đời nay được hưởng-thụ sự lành; nếu đời nay ta làm điều không lành, ắt đời sau sẽ bị thiệt hại vậy.
Có âm-dương, có vợ chồng: Kinh Lễ nói: Khí âm hay sinh nhưng phải có khí dương mới sinh được : khí dương hay nuôi vật nhưng nếu không có khí âm thì không lớn được. Cho nên trai phải có vợ, gái phải có chồng, phối hợp âm-đương mới có thể sinh trưởng được.

lV--Cung-oán ngâm khúc (câu 133 - câu 196)

Tay Nguyệt-lão khờ sao có một,
Bỗng tơ-tình vướng gót cung-phi
Cái đêm hôm ấy, đêm gì ?
Bóng Dương lồng bóng Đồ-my trập-trùng.
137- Khoa thược-dược mơ-mòng thụy-vũ,
Đóa hải-đường thức ngủ xuân tiêu
Cành xuân hoa chúm-chím chào,
Gió đông thôi đã cợt đào ghẹo mai.
141- Xiêm nghê nọ tả-tơi trước gió,
Áo vũ kia lấp-ló trong trăng,
Sanh-ca mấy khúc vang lừng,
Cái thân Tây Tử lên chừng điện Tô.
145-Đệm hồng-thúy thơm-tho mùi xạ
Bóng bội-hoàn lấp-ló trăng thanh
Mây-mưa mấy giọt chung tình.
Đình Trầm-hương khóa một cành mẫu-đơn.
149- Tiếng thánh-thót cung đàn thuý-dịch.
Giọng nỉ-non ngón địch đan-trì,
Càng đàn, càng địch, càng mê,
Càng gay-gắt điệu, càng tê-tái lòng !
153- Mày ngài lẫn mặt rồng lồ lộ,
Sắp song song đôi lứa nhân-duyên.
Hoa thơm muôn đội ơn trên.
Cam công mang tiếng thuyền-quyên với đời.
157- Trên chín bệ mặt trời gang tấc,
Chữ xuân riêng sớm trực trưa chầu
Phải duyên hương-lửa cùng nhau
Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào.
161- Khi ấp mận ôm đào gác nguyệt,
Lúc cười sương cợt tuyết đền phong,
Đóa lê ngon mắt cửu-trùng
Tuy mày điểm nhạt nhưng lòng cũng xiêu
165- Vẻ vưu vật trăm chiều chải-chuốt
Lòng quân-vương chi chút trên tay
Má hồng không thuốc mà say,
Nước kia muốn đổ, thành này muốn long !
169- Vườn Tây-uyển khúc trùng Thanh-dạ,
Gác Lâm-xuân điệu ngã Đình hoa.
Thừa ân một giấc canh tà,
Tờ mờ nét ngọc, lập-lòa vẻ son.
173- Trên trướng gấm Chí-tôn vòi vọi,
Những khi nào gần-gũi quân-vương
Dẫu mà ai có nghìn vàng,
Đố ai mua được một tràng mộng xuân .
177- Thôi cười nọ lại nhăn mày liễu,
Ghẹo hoa kia, lại nhíu gót xen,
Thân này uốn éo vì duyên,
Cũng cam một tiếng thuyền-quyên với người !
181- Lan mấy đóa lạc-loài sơn-dã,
Uổng mùi hương vương-giả lắm thay !
Gẫm như cân-trất duyên này,
Cam công đặt cái khăn này tắc-ơ !
185- Tranh tỹ-dực nhìn ưa chim nọ,
Đồ liên-chi lần trỏ hoa kia,
Chữ đồng lấy đó mà ghi,
Mượn điều thất-tịch mà thề bách niên.
189- Hạt mưa đã lọt miền đài-các,
Những mừng thầm cá nước duyên may
Càng lâu, càng lắm mùi hay,
Cho cam công kẻ nhúng tay thùng chàm
193- Ai ngờ bỗng một năm một nhạt,
Nguồn cơn kia chẳng tát mà vơi !
Thôi-di đâu biết cơ trời,
Bỗng không mà hóa ra người vị vong

V--Cung-oán ngâm khúc (câu 197 - câu 244)

Đuốc vương-gỉa chí công là thế
Chẳng soi cho đến khoé âm-nhai!
Muôn hồng nghìn tía đua tươi,
Chúa xuân nhìn hái một hai bông gần.
201- Vốn đã biết cái thân câu trõ
Cá no mồi cũng khó nhử lên,
Ngán thay cái én ba nghìn,
Một cây Cù-mộc biết chen cành nào ?
205- Song đã cậy má đào chon-chót,
Hẳn duyên tươi phận tốt hơn người
Nào hay con tạo trêu ngươi,
Hang sâu chút hé mặt trời lại giâm !
209- Trong cung quế âm-thầm chiếc bóng
Đêm năm canh trông-ngóng lần lần,
Khoảnh làm chi, bấy chúa xuân !
Chơi hoa cho rữa nhụy dần lại thôi !
213- Lầu đãi nguyệt đứng ngồi dạ-vũ
Gác thừa-lương thức ngủ thu-phong,
Phòng tiêu lạnh ngắt như đồng
Gương loan bẻ nửa, giải đồng xẻ đôi,
217- Chiều ủ-dột giấc mai trưa sớm
Vẻ bâng khuâng hồn bướm vẩn-vơ
Thâm-khuê vắng ngắt như tờ,
Cửa châu gió lọt rèm ngà sương gieo.
221- Ngấn phượng-liễn chòm rêu lỗ-chỗ,
Dấu dương-xa đám cỏ quanh-co
Lầu Tần chiều nhạt vẻ thu,
Gối loan tuyết đóng, chăn cù gía đông.
225- Ngày sáu khắc tin mong nhạn vắng,
Đêm năm canh tiếng lắng chuông rền
Lạnh lùng thay giấc cô-miên
Mùi hương tịch mịch bóng đèn thâm u.
229- Tranh biếng ngắm trong đồ Tố-nữ,
Mặt buồn trông trên cửa Nghiêm-lâu.
Một mình đứng tủi, ngồi sầu,
Đã than với nguyệt, lại rầu với hoa !
233- Buồn mọi nỗi lòng đà khắc khoải,
Ngán trăm chiều bước lại ngẩn-ngơ
Hoa này bướm nỡ thờ-ơ !
Để gầy bông thắm, để xơ nhụy vàng.
237- Đêm năm canh lần nương vách quế,
Cái buồn này ai dễ giết nhau
Giết nhau bằng cái Lưu-cầu,
Giết nhau bằng cái ưu-sầu, độc chưa ?
241- Tay Nguyệt-lão chẳng xe thì chớ,
Xe thế này có dở-dang không ?
Đang tay muốn dứt tơ-hồng,
Bực mình muốn đạp tiêu-phòng mà ra.


Chú thích


Nguyệt-lão: Ông già dưới trăng.
cung-phi: là một chức thứ hai, dưới chức Hoàng-hậu , Phi, Tần, Tiếp-dư, tài-nhân, Mỹ-nhân "cung-nữ" v.v...
Bóng Dương: là bóng mặt trời, nghĩa bóng là vua.
Đồ-my: là một thứ hoa leo giàn, có hoa như hoa lài kép, lá có nhiều chỉa và gai, như lá hoa Tường-vi. Hoa sắc trắng pha vàng nhạt như sắc rượu Đồ-my nên cũng viết Đồ-my là tên rượu Đồ-my; đây dùng ví với dung-mạo cung-phi.
thược-dược: giống mẫu-đơn mà ít cạnh. Có tên riêng là hoa tướng : Tể-tướng của loài hoa. Câu 137 chữ "Liều" nguyên chữ nôm chép sai.Hai chữ Khoa và Liệu giống nhau, đã chép là Liệu rồi lại đọc sai là "Liều", vậy nên đính-chính, đọc là khoa nghĩa là một cành. Ví dụ : Thảo-mộc nhất khoa là một cành cây cành cỏ.
thụy-vũ: là cơn mưa ứng với điềm lành được mùa. Đây dùng Thụy-vũ là ân vua như mưa móc ứng điềm lành.
hải-đường: cây này có nhiều tên : Tây Phủ, Thùy Ty, Niêm Ngạnh, có hoa màu cung phấn đỏ nhạt, hoa đẹp, đẹp như hoa Hồng-hạnh. Sơn-trà, thường ví con gái đẹp. Ta có hoa Hải-đường nhưng không phải thứ kể trên. "Đoá Hải-đường thức ngủ xuân-tiêu", câu này dùng điển Dương quí-phi say nằm ngủ, vua Minh Hoàng gọi mấy lần không dạy, bèn nói : "Hải-đường thuỵ vị túc gia ?" hoa Hải-đường ngủ chưa đủ sao ? ý yêu lắm và ví đẹp như hoa Hải-đường.
xuân tiêu: đêm xuân, Đường Thi : Xuân-tiêu nhất khắc trị thiên kim: một khắc đêm xuân xứng nghìn vàng.
Xiêm nghê: bởi chữ Nghê-thường áo xiêm dệt bằng lông ngũ-sắc để múa
Áo vũ: vũ-y, áo bằng lông chim
điện Tô: nơi vua Phù sai nước Ngô làm cho Tây Thi ở.
Đệm hồng-thúy: là nệm thêu bằng lông chim Phỉ-túy sắc xanh, đỏ.
mùi xạ: xạ thứ hương lấy ở dái con xạ. Xạ như con hươu có hai cánh nanh dài, người săn nó nghe mùi thơm ngoài mười ngàn dặm. Xưa dùng hương ấy ướp áo, nệm ,mền và làm thuốc.
bội-hoàn: là các thứ ngọc chạm hình vẽ lắm thức của đàn bà sang quí đeo hai bên hạ-thể, khi bước nghe kêu leng-keng thêm vẻ đẹp.
Mây-mưa: bởi chữ vân-võ.
Đình Trầm-hương: nhà lục giác bằng gỗ thơm trầm-hương của vua Minh-hoàng cùng ngồi thưởng hoa Mẫu-đơn cùng Dương quí-phi tại vườn Thượng-uyển trong đêm xuân. Mẫu đơn là một thứ hoa đẹp hơn các loài hoa, gọi là hoa-vương, vua các hoa. Ngày xưa gọi mộc thược dược: Hoa có nhiều cạnh giống hoa Tường-vi, có nhiều màu vàng, tím, trắng, đỏ, chính-sắc và gián-sắc, lá có nắm chia, cây cao năm sáu thước, Xuân nở hoa đến đầu hạ. Có tên riêng là Phú-quí-hoa vì có vẻ sặc-sỡ sang giàu, lại có tên Diêu-hoàng, ngụy-tử : vàng họ Diêu, tím họ Ngụy. Vì hai họ ấy đã tìm được hoa ấy màu vàng, tím đẹp hơn cả.
thuý-dịch: là nơi cung thự ở hai bên cửa vào Đại-nội. Cung thự ấy sơn màu túy (xanh biếc) hoặc gọi cấm-dịch.
đan-trì: nơi thềm sơn màu đỏ, là nơi điện-đài, chốn cung-cấm thường sơn đỏ,- Chữ thúy-dịch đối với đơn-trì.
Mày ngài:bởi chữ Nga-my. Nga là con bướm-ngài do con tằm hóa ra, có đôi mày cong và đẹp, nên mày con gái đẹp thường vẽ như mày con ngài, gọi mày ngài.
mặt rồng: bởi chữ Long-nhan, chữ ví diện-mạo vua , vì vua thường ví với con rồng là một vật rất linh, đứng đầu tứ linh long, lân, qui, phụng. Vua Hán Cao-tổ có lời ví diện mạo: Long-chuẩn, long nhan, mũi rồng, mặt rồng
mặt trời gang tấc:bởi chữ Chỉ-nhan, Tả Truyện: "Thiên oai bất vi nhan chỉ xích": oai trời không xa trái nơi gang tấc. Ấy nói oai vua chỉ ở gần kẻ bày tôi. Đây dùng ý nói dối vua rất gần.
Chữ xuân riêng: Kinh Thi, thiên Thiện-nam: "Hữu nữ hoài xuân, cát sĩ dụ chi": Con gái nhớ tình xuân, kẻ trai tài dỗ-dành đó.
Về sau trai gái có tình yêu mến nhau gọi là "xuân riêng". Phàm con gái đến 17,18 tuổi biết tình yêu con trai gọi là "xuân-ý", "xuân-tình", "hoài-xuân", "tư-xuân".
hương-lửa: bởi chữ hương-hoả. Ngày xưa mỗi khi trai gái thề nguyền sự nhân duyên phối ngẫu, thường dùng hương lửa cúng vái quỉ-thần mà thề nguyền, nên nhân duyên cũng gọi là hương lửa.
Xe dê: bởi chữ Dương xa. Tấn-thư chép : vua Võ-đế có lắm cung nhân, mỗi khi muốn đến với cung nhân nào vua ngồi trên xe nhỏ khảm châu-ngọc có con dê kéo, để tuỳ ý dê muốn vào cung-điện nào ; cho nên những cung-nhân thường lấy nước muối, rắt ở cửa viện, con dê ưa ăn vị ấy nó vào. Đây dùng lá dâu, có lẽ vì vận trên phải ép mà để chữ "dâu", chính lá "tre" mới đúng.
ấp mận ôm đào: cây đào, cây mận thường ở chung một bồn, ý nói vợ chồng yêu-mến - Gác nguyệt là nơi lầu các đêm trăng.
cười sương cợt tuyết: nghĩa bóng, chơi đùa với nhau khi đêm đông lạnh lẽo, nơi nệm thúy chăn loan - Phong là một thứ cây giống cây bàng, mùa thu lá đỏ rất đẹp, thường trồng nơi cung-điện, gọi là "đền phong", "sân phong", "bệ phong", nghĩa giống nhau.
Đóa lê: là hoa lê, sắc trắng như hoa mai, có vẻ đẹp như người gái thơ: Lê hoa nhất chi xuân đái vũ :một cành lê đám mưa xuân; tả vẻ đẹp Dương quí-phi. Thơ Bạch cư Dị ở bài Trường-hận ca.
cửu-trùng: chin tầng, là nơi vua ở. Sở-Từ:" Quân hề cửu trùng": cửa vua ở chín tầng . Lại có gọi là Tôn động thiên nơi trời tôn kính sự đụng-chạm, là nơi tầng trời yên-lặng thứ chín, Trời ở.
Tuy mày điểm nhạt nhưng lòng cũng xiêu:bởi câu Thơ Trương Hựu vịnh bà Quốc-quốc phu-nhân là em thứ ba của Dương quí-phi, có nhan-sắc thiên nhiên, không dùng son phấn, khi vào chầu vua chỉ vẽ một nét mực nhạt ở đôi mày mà được vua yêu-chuông. "khước hiềm chi phấn ô nha sắc, đạm tảo nga my triều chí tôn" : vì sợ phấn son làm nhơ nhan-sắc, chỉ vẽ sơ đôi mày vào chầu đấng Chí-tôn.
vưu vật: nghĩa là vật hiếm có và lạ (Tả Truyện) "Phù hữu vưu vật, tức dĩ di nhân" :
Ôi có vật hiếm lạ đủ làm cho người phải đổi lòng: ý nói gái đẹp. Đây dùng vưu vật là gái đẹp
trên tay: bởi chữ Chưởng-thượng-trân : vật báu nâng-niu trên tay. "Chẳng chút trên tay", là không chút chi nâng-niu.
Nước kia muốn đổ, thành này muốn long: ý nói vì sắc đẹp làm nên thành long nước đổ.
khúc trùng Thanh-dạ:Trùng lần thứ hai. Thanh-dạ du là chơi trong vườn Tây-uyển, nay đem hát lại. ( Trùng là hai lần)
Đình hoa: tên một bài hát : Hậu đình-hoa hay là Ngọc thu hậu đình hoa của vua Trần Hậu-chúa đặt cho các cung nữ có văn-học hát chơi ở gác Lâm-xuân làm bằng gỗ trầm-hương - "Điệu ngã đình hoa" là say-đắm khúc ca.
Thừa ân: là sự được vua ban ân-huệ. Giấc thừa ân là giấc chiêm-bao được yên.
Tờ mờ nét ngọc, lập-lòa vẻ son: vẻ ngọc nét son là sự chăn chung gối chạ của nhà vua.
Chí-tôn: là đấng tôn-quí- chỉ nhà cua.
một tràng mộng xuân: bởi chữ nhất tràng mộng xuân bởi điển Tô Thức (Tô đông Pha) khi về hưu dạo chơi nơi đồng ruộng, gặp mụ già đi bới rơm, hỏi rằng :
" Ngài có phải đã từng làm chức Nội Hàn được vinh-quí, nay còn có chút nào ở cõi mộng xuân ấy không ?
Ý nói sự vinh-quí chóng hết như một giấc mộng ngắn ngủi đêm xuân vậy. Ví sự vinh hoa hư-huyễn của người đời.
Từ đó chữ xuân-mộng-bà là bà mộng xuân.
mày liễu: nét vẽ mày dài và nhọn vót như hình lá liễu. Chữ gọi là Liễu-my.
gót sen: gót giày đàn-bà sang-quí, bởi điển Đông hôn Hầu có vợ là Phan Phi, có dáng đi rất dịu-dàng, ông bèn làm hoa sen vàng khảm vào nền điện cho bà đi. Ông ngắm-nghía mà khen rằng :"bước bước nảy hoa sen" (bộ bộ sinh liên hoa). Dùng chữ : Bước sen- gót sen- hài sen- vẻ sen là tiếng ta và Liên-bộ, liên câu thảy là một nghĩa chân đàn bà đẹp bước.
Lan:Có lắm tên : Bạch ngọc- Nhất điểm hồng- Tử cán- Tứ thời- Tuý-ông. Phong lan là một loài cây có lá dài hoa thơm ở núi thâm sơn, hoặc bám vào gốc cây và lèn đá mà tươi tốt. Có hoa đẹp hương thơm, người văn-nhân liệt lan vào hạng cây sang-quí, ví với quân-vương, hoặc bạn-bè văn-chương hiền nhân quân-tử.
mùi hương vương-giả: Tức hương lan. Bởi điển ở sách Khổng tử gia ngữ. Đức Khổng Tử từ nước vệ về nước Lỗ thấy nơi núi sâu hang rậm có nhiều hoa lan, bèn than rằng :
Lan vi vương giả hương, kim nải dữ chúng thảo ngũ ? : Lan có mùi thơm kẻ quân vương ( hơn cả các hương khác) nay lại khiến lẫn với các loài cỏ ? Ý ngài tự ví mình phải rủi-ro không gặp vận tốt; bèn đặt ra khúc hát Y-lan vừa đàn vừa hát theo.
Đây dùng ý cung-phi tự thương hại mình không có thời vận.
cân-trất: Là cái khăn lược, công việc đàn-bà săn sóc chồng. (Tả truyện) Lời bà Định Khương nói : Dư dĩ cân trất sự tiên quân : Ta từng cầm cái khăn cái lược mà hầu-hạ đấng tiên-quân (vua trước) ý nói hầu-hạ chồng. (cân là cái khăn lau mặt, hoặc cái mão đội trên đầu)
đặt cái khăn: bởi chữ "thiết-tuế". Kinh Lễ chép : Khi sinh con gái, thì đặt cái khăn bên hữu cửa phòng đẻ để tỏ ra việc khăn lược là việc con gái.
tắc-ơ:là tiếng chắc-lưỡi lắc đầu có ý chán nản.
tỹ-dực: là chắp cánh. sách Nhĩ Nhã chép : ở phương nam có chim chắp cánh mỗi con chỉ có một cánh, khi bay phải chắp nhau, hai con mới bay được. Sự ấy người sau đem ví vợ chồng. (Trường-hân ca): Thơ Bạch cư Dị thuật lời thề của Đường Minh-hoàng cùng Dương Quí-phi, trong đêm thất-tịch, mồng bảy tháng bảy tại điện Trường-sinh rằng :
"Tại thiên nguyện tắc tỷ-dực điểu tại địa nguyện vi liên lý chi :
Nếu sinh ở trên đời đôi ta sẽ nguyện làm chim chắp cánh, ở đất nguyền làm cây liền cành. Ý nguyền không hề rời nhau ra.
Đồ liên-chi: tức chữ liên lý chi là cây liền cành nói ở trên.
Chữ đồng: bởi chữ Đồng-tâm cùng nhau một lòng ( vợ chồng ).
thất-tịch: đêm mồng bảy tháng bảy. Sách Tục Tề Hài Chi chép ở phía đông sông Thiên-hà có cháu gái trời là Chức nữ chăm lo việc nữ-công lắm; trời yêu sự siêng năng bèn gả cho Khiên ngưu Lang; sau khi có chồng lại làm biếng-nhác thêu dệt, bị trời phạt bắt phải chia-lià nhau, mỗi năm chỉ được họp mặt một lần ở bến sông Thiên-hà đêm mồng bảy tháng bảy; ấy là sự hoang-đường, vì hai sao Khiên-Ngưu Chức-Nữ đêm ấy vừa độ đi gặp nhau ở giới hạn sông Thiên-hà ( Ngân-hà). Điển ấy về sau dùng làm sự phân-ly của vợ chồng.
Hạt mưa đã lọt miền đài-các: bởi câu ca-dao ta ví thân-phận người đời " Thân em như hạt mưa sa, hạt vào đài-các hạt ra ao bèo ".
cá nước: bởi chữ ngư-thuỷ có nhiều nghĩa : Vua tôi tin-cậy, vợ chồng hòa-mục. Đời Tam Quốc Lưu Bị cùng Khổng Minh Gia Cát Lượng rất thân mật. Các Ông Quan Công, Trương Phi không bằng lòng. Lưu Bị nói : Ta có Khổng Minh như cá gặp nước, các ngươi chớ nên giận phiền.
Kinh Thi:" Hạo giả thuỷ, dục-dục giả ngư" : Mênh-mông kia là nước, nhởn nhơ kia là cá. Ý ví vợ chồng hoà mục.
nhúng tay thùng chàm: là lời ngạn-ngữ ta ví chuyện gì đã trót lỡ làm nên như đã nhúng tay vào thùng chàm xanh, thì không thán-oán nữa.
vị vong: là chưa chết, lời tự xưng của người đàn-bà là vị-vong nhân người chưa chết, ý nói phận đàn bà buộc phải theo chồng. Chồng chết phải chết theo, nếu còn sống là người dáng chết mà chưa chết vậy.
Cung-phi tự xưng như thế là ví mình tuy có chồng mà cũng như chồng chết vậy.


âm-nhai: âm là im, nhai là nơi gành sâu bờ thẳm. (nghĩa bóng, thân-phận cung-nhân bị cảnh lẻ-loi). Tạp-truyện Kinh Thư có câu :" Thái-dương tuy vô tư, kỳ chiếu âm-nhai hàn-cốc gỉa độc hậu " : Bóng mặt trời tuy không thiên-vị, mà soi đến nơi gành sâu hang thẳm về sau cuối-cùng.
Muôn hồng nghìn tía: hoa có lắm màu sắc. Đường Thi :"Vạn tử thiên hồng tổng thị xuân " : Muôn hồng nghìn tía thảy là xuân vậy.
Chúa xuân: bởi chữ Đông-quân, tên một vị thần mặt trời ra từ phương Đông, và riêng thống-trị mùa xuân ( Chữ ở bài Cửu-ca).
Đông-quân, đông hoàng, chúa xuân đều một nghĩa.
câu trõ: là câu cá ở nơi có nhiều ngươì câu, mình câu ké.
Cái én: tức con chim yến, nghĩa bóng là cung nữ. Ở bài "Tần cung-nữ oán Bái-công văn" của Đặng trần Thường có câu : "Cái én tam thiên ngơ-ngẩn đó : ví với ba nghìn cung-nữ ở cung Tần ".
Cù-mộc: là cây cao mà cong, chữ ấy ở thiên Cù-mộc trong Kinh Thi: "Nam hữu cù-mộc, cát-lũy lụy chi " (Phương nam có cây cong, dây sắn dây bìm leo đó). Ví các tì-thiếp, hầu mọn cám đức bà Hậu-phi, vợ vua Văn-vương, không ghen-tuông, bọn ấy được yên phận, nên ví cây sắn cây bìm nương-tựa cù-mộc. Đây dùng nghĩa bóng, lối thoát thai, ví vua là cây cù-mộc, cung nữ là cái én.
giâm: là đám mây đen che im bóng mặt trời. Ví nghĩa bóng như cung nữ được yêu đương một hồi lại thôi. ( hang sâu chút hé mặt trời lại giâm).
cung quế: nơi cung-phi ở
rữa: là rã rời. "chơi hoa cho rữa nhụy hoa " là cho rã rời nhụy.
Phòng tiêu: bởi chữ tiêu-phòng.
Gương loan: có lắm nghĩa:
1- cái gương soi mặt, chạm hình chim loan ở phía sau lưng, hoặc cái gía gương chạm hình chim loan.
2- Diệm tần Dương nuôi chim loan đã ba năm, nó không kêu. Phu-nhân (vợ) nghe nói cho nó soi gương nó sẽ kêu. Quả-nhiên loan soi gương thấy bóng nhớ loài, kêu suốt đêm thì chết.-
Phú ông Vương Bột có câu rằng : "Nguyệt khai loan kinh, hoài tinh giám dĩ phân hình : gương mở kính loan, soi bónh tinh-tường mà lẻ phân hình-dạng. Đây dùng gương loan bẻ nửa, là ý lẻ-loi, không có đôi-bạn, chồng, tức vua, nên tưởng-tượng như mảnh gương loan bẻ một phần nửa.
giải đồng: bởi chữ Đồng tâm đái hoặc Đông-tâm kết là một giải thắt lưng có hai mối thắt lại giữa rốn, bằng gấm thêu, vật ấy xưa vua Tùy Dương-đế đã tự niêm phong gởi cho bà phu-nhân được Đế yêu. Đồng-tâm kết, nghĩa là mối buộc đồng lòng.
giấc mai: Giấc ngủ cung-phi, ví cốt cách đẹp như cây mai, thì gọi giấc ngủ là giấc mai. Cũng có điển Triệu sư Hùng đến quán rượu bên chân núi La-phù, uống rượu say nằm ngủ dưới gốc mai. Chiêm bao thấy có người gái đẹp đến trò-chuyện, khi tỉnh mới biết là giấc mộng, cũng gọi giấc mai.
hồn bướm: tức hồn trong giấc mộng, bởi điển ông Trang Chu nói khi thức là mình ông, khi ngủ ông hóa ra con bướm, nên gọi giấc bướm- hoặc giấc Trang- Giấc Điệp - Bướm Trang- Giấc hồ đồng một nghĩa.
phượng-liễn: là cái kiệu, cái xe chạm hình chim phượng của vua ngự.
dương-xa: là xe con dê kéo.
Lầu Tần chiều nhạt vẻ thu: là những nơi phong lưu diệm-dã, nay có chiều phai-nhạt như vẻ tiêu-điều mùa thu.
Lầu Tần quán Sở, là chữ thành ngữ của cảnh phong-lưu sung sướng. Thơ người đời Tống chơi xứ Bạch-hạ về, có câu:
Lai-vãng không lao Bạch-hạ thuyền,
Tần lâu Sở quán tổng mang nhiên.
Duy dư nhất quyển tân thi thảo,
Thính vũ giang hồ thập nhị niên.
Nghĩa :
Đi đi lại lại luống nhọc con thuyền ở xứ Bạch-hạ và những cảnh lầu Tần quán Sở phong-lưu diệm-dã thảy quên man-mác cả; chỉ còn lại một tập thơ mới làm và một kỷ-niệm bên tai là mười-hai năm nghe mưa ở nơi giang-hồ. Ý nói sự hào-dật phong-lưu đều quên cả, chỉ còn tâm-huyết là tập thơ mới làm và tinh-thần là khi yên-tịnh nghe mưa ban đêm đã mười-hai năm qua đó thôi.
Gối loan: là gối thêu hình chim loan, ý dùng nói nhớ lứa đôi.
chăn cù: là cái chăn bằng lông cù, lông ấm (chiên).
nhạn: là con chim ngỗng trời, con mái là nhạn, con trống là hồng, nhưng dùng nhạn là tiếng chung. "Mong nhạn vắng" là mong tin-tức vắng không thấy. Điển Tô Võ đi sứ rợ Hung-nô hòa với Hán, Hán hỏi Tô Võ, thì rợ ấy nói chết rồi. Mưu-thần là Thường Huệ dặn xứ qua nói với Hung nô rằng Tô Võ đi chăn dê có bắt được con chim nhạn, xé áo lụa, viết thư buộc vào chân thả nhạn bay về, vua Hán đi bắn được nhạn, biết ông hãy còn sống. Hung nô tưởng chuyện bắn nhạn ó thật, sợ, bèn cho Tô Võ về Hán. Về sau dùng điển ấy ví tin-tức.
Tố-nữ: nghĩa : đây dùng đồ Tố-nữ là bức tranh vẽ hình Tố nữ. Tố-nữ đây là chuyện nghệ-thuật riêng nơi khuê phòng, làm cho chồng yêu khi chung-chạ gối-chăn. ( Sách Tùy-thư kinh Tịch-chí chép). Đây dùng ý nói vua không yêu, không gối-chăn chung-chạ, nên biếng-nhác không muốn ngắm tranh Tố-nữ.
Nghiêm-lâu: là nơi lầu tôn-nghiêm của vua ở. có vẻ rất tôn nghiêm.
vách quế: nơi cung-phi ở.
Lưu-cầu: nước ở gần nước Nhật-bản, xứ ấy có thép tốt làm đao, gươm rất bén. Gươm đao bén gọi là Lưu-cầu.
tiêu-phòng: nơi cung-phi ở.


Vl.- Cung-oán ngâm khúc (câu 245 - câu 284)

245- Nào lối dạo vườn hoa năm ngoái,
Đóa hồng đào hái buổi còn xanh
Trên gác phượng, dưới lầu oanh,
Gối Du-tiên hãy rành rành, song song.
249- Bây giờ đã ra lòng rẻ-rúng
Để thân này cỏ úng tơ mành,
Đông-quân sao khéo bất tình,
Cành hoa tàn nguyệt bực mình hoài xuân.
253- Nào lúc tựa lầu Tần hôm nọ,
Cành liễu mành bẻ thủa đương tơ
Khi trướng ngọc, lúc rèm ngà,
Mảnh xuân-y hãy sờ sờ dấu phong.
257- Bây giờ đã ra lòng ruồng-rẫy,
Để thân này nước chảy hoa trôi !
Hóa công sao khéo trêu người ?
Bóng đèn tà nguyệt nhử mùi ký-sinh.
261- Cảnh hoa lạc nguyệt minh dường ấy,
Lửa hoàng-hôn như cháy tấm son
Hoàng-hôn thôi lại hôn-hoàng,
Nguyệt-hoa thôi lại thêm buồn nguyệt-hoa !
265- Buồn vì nỗi nguyệt tà ai trọng ?
Buồn vì điều hoa rụng ai nhìn ?
Tình buồn cảnh lại vô duyên,
Tình trong cảnh ấy, cảnh bên tình này.
269- Khi trận gió lung-lay cành bích,
Nghe rì-rào tiếng mách ngoài xa,
Mơ-hồ nghĩ tiếng xe ra,
Đốt phong hương-hả mà hơ áo tàn.
273- Ai ngờ tiếng dế ran ri-rỉ,
Giọng bi thu gọi kẻ cô phòng
Vắng tanh nào thấy vân-mồng
Hơi thê-lương lạnh ngắt song phi-huỳnh
277- Khi bóng thỏ chênh-vênh trước nóc,
Nghe vang lừng tiếng giục bên tai
Dè chừng nghĩ tiếng tiểu đòi,
Nghiêng bình phấn mốc, mà giồi má nheo.
281- Ai ngờ tiếng quyên kêu ra rả
Điệu thương xuân khóc ả sương-khuê
Lạnh-lùng nào thấy ủ-ê,
Khí bi-thương sực nức, hè lạc hoa.

Vll-- Cung-oán ngâm khúc (câu 285 - câu323)

285- Tiếng thúy-điện cười già ra gắt
Mùi quyền-môn thắm rất nên phai !
Nghĩ nên tiếng cửa quyền ôi
Thì thong-thả vậy, cũng thôi một đời !
289- Ví sớm biết lòng trời đeo-đẳng,
Dẫu thuê tiền cũng chẳng buồn tênh !
Nghĩ mình lại ngán cho mình,
Cái hoa đã trót gieo cành biết sao ?
293- Miếng cao-lương phong-lưu nhưng lợm
Mùi hoắc-lê thanh-đạm mà ngon.
Cùng nhau một giấc hoành-môn
Lau-nhau ríu-rít cò con cũng tình.
297- Mình có biết phận mình ra thế,
Giải-kiết điều oé-ọe làm chi
Thà rằng cục kịch nhà quê,
Dẫu lòng nũng-nịu nguyệt kia hoa này !
301- Chiều tịch-mịch đã gầy bóng thỏ
Vẻ tiêu tao lại võ hoa đèn
Muốn đem ca-tiếu giải phiền,
Cười nên tiếng khóc, hát nên giọng sầu.
305- Ngọn tâm-hỏa đốt rầu nét liễu
Giọt hồng-băng thấm ráo làn son
Dơ buồn đến thú cỏn con,
Trà chuyên nước nhất, hương dồn khói đôi.
309- Trong gang tấc mặt trời xa mấy !
Phận hẩm-hiu nhường ấy vì đâu ?
Sinh-ly đòi rất thời Ngâu
Một năm còn thấy mặt nhau một lần.
313- Huống chi cũng lạm phần son phấn,
Luống năm-năm chực phận buồng không!
Khéo vô duyên với cửu-trùng !
Thắm nào nhuộm lại tơ-hồng cho tươi ?
317- Vườn Thượng-uyển hoa cười với nắng,
Lối đi về ai chẳng chiều ong ?
Doành Nhâm một giải nông-nông,
Bóng dương bên ấy, đứng trông bên này.
321- Tình rầu-rĩ khôn khuây nhĩ-mục
Chốn phòng không như giục mây-mưa
Giấc chiêm-bao những đêm xưa,
Giọt mưa cửu-hạn còn mơ đến rày.
325- Trên chín bệ có hay chăng nhẽ ?
Khách quần-thoa mà để lạnh-lùng !
Thù nhau chi, hỡi đông-phong ?
Góc vườn dãi nắng cầm bông hoa đào.

Vlll--Cung-oán ngâm khúc (câu 329 - câu 356)

329- Tay Tạo-hóa cớ sao mà độc,
Buộc người vào Kim-ốc mà chơi.
Chống tay ngồi ngẫm sự đời,
Muốn kêu một tiếng cho dài, kẻo căm !
333- Nơi lạnh-lẽo, nơi xem gần-gặn,
Há phai son nhạt phấn ru mà !
Trêu ngươi chi bấy trăng già ?
Sao cho chỉ thắm mà ra tơ mành ?
337- Lòng ngán-ngẩm buồn-tênh mọi nỗi,
Khúc sầu-tràng bối rối dường tơ,
Ngọn đèn phòng động đêm xưa
Chòm hoa tịnh-đế trơ-trơ chưa tàn
341- Mà lượng thánh đa-đoan kíp mấy,
Bỗng ra lòng rún-rẩy vì đâu ?
Bõ-già tỏ nỗi xưa sau,
Chẳng đem nỗi ấy mà tâu ngự cùng ?
345- Đem phong-vũ lạnh-lùng có một,
Giọt ba-tiêu thánh-thót cầm canh,
Bên tường thấp-thoáng bóng huỳnh,
Vách sương nghi- ngút, đèn xanh lờ-mờ.
349- Mắt chưa nhắp, đồng-hồ đã cạn,
Cảnh tiêu điều ngao-ngán dường bao !
Buồn này mới gọi buồn sao ?
Một đêm nhớ cảnh biết bao nhiêu tình !
353- Bóng câu thoáng bên mành mấy nỗi,
Những hương sầu phấn tủi sao xong !
Phòng khi động đến cửu-trùng
Giữ sao cho được má hồng như xưa.


= HẾT=


Chú thích


Du-tiên: là nơi cõi tiên. Gối du-tiên bởi chữ Du-tiên-chẩm. Sách Khai-thiên di-sự chép việc trong niên-hiệu Khai-thiên đời Đường rằng :" Nước Qui-tư có dâng vua một cái gối, sắc như ngọc Mã não, khi gối ngủ thì chiêm-bao chơi khắp các miền tiên, cõi tiên ". Vua Minh-hoàng đặt tên là Du-tiên-chẩm.
Đông-quân: nghĩa bóng là vua.
hoài xuân: là nhớ xuân.
lầu Tần: là nơi phong lưu dư- dả.
xuân-y: là áo đẹp, hoặc áo chầu triều của các quan và các phi, tần trong cung-cấm.
Thơ Đỗ Phủ: Triều hồi nhật nhật điểm xuân-y : mỗi ngày đi chầu về đem áo chầu đi thế ( để mua rượu)
nước chảy hoa trôi: bởi câu Đường thi : "thủy lưu hoa tạ lưỡng vô tình" : nước trôi hoa rụng thảy vô tình.
hoa lạc nguyệt minh: Hoa rụng trăng mờ tối.
hoàng-hôn: buổi gần tối- chạng vạng. Sách Hoài-nam-tử nói : Mặt trời lặn đến nơi Ngu-uyên là hoàng hôn, đến nơi Mông cốc là định-hôn.
cành bích: Cành cây ngô-đồng. Chim phụng-hoàng thường đậu, ví vua. Thơ Đỗ Phủ : Bích ngô thê lão phụng-hoàng chi : Cành Ngô-bích là cành chim phụng đậu đã già rồi.
bi thu: là sự thương phong vật mùa thu có vẻ tiêu-điều ở non sông cây cỏ, kẽ văn sĩ thi-ông thường cảm khái yêu mến. Thơ Đỗ Phủ : Vạn lý bi thu thường tách khách : Thương mùa thu thường làm khách xa muôm dặm.
cô phòng: phòng lẻ loi một mình.
vân-mồng: là tin tức ngóng trông, tăm-hơi tin-tức.
thê-lương: lạnh-lẽo.
phi-huỳnh: con đom-đóm bay.
bóng thỏ: bởi chữ thố-ảnh. Theo lời tục truyền : trong mặt trăng có con thỏ, con cóc. Vậy bóng thỏ là bóng trăng. Thiềm-ảnh bóng con cóc- Ngân thiềm, đều một nghĩa.
tiểu đòi: tiểu hầu, là đứa tớ gái nhỏ.
quyên: là chim đỗ quyên. Đỗ-quyên hay là Đỗ vũ là con chim giống chim ò-ho, tu-hú, thường kêu suốt đêm ngày. Sách Hoa-Dương quốc-chí chép : Vua Đỗ Vũ nước Thục mất nước chết hóa chim Đỗ-quyên.
Thơ bà huyện Thanh-quan qua đèo Ngang " nhớ nước đau lòng con quốc-quốc.
thương xuân: một khúc hát tự than-van đời người chậm-trễ sự hanh-thông. Chuyện Phạm Thận ở Nam-sử chép : Ông ấy mới 29 tuổi mà tóc bạc phơ, chẳng gặp thời vận, bèn đặt khúc "Thương xuân" tự than mình.
sương-khuê: là nơi phòng đàn-bà góa chồng ở.
thúy-điện: là nơi đền cung-phi ở thường màu túy (xanh pha lục) như túy-lâu, lầu túy. Tuý-dịch nơi viện tuý.- Tuý-hoa cái kiệu vua đi v.v...Túy-dịch nơi viện túy- túy-hoa cái kiệu vua đi v. v..
quyền-môn: nơi cửa quyền, tức nơi nhà vua quan có oai-quyền thì gọi là cửa quyền.
cửa quyền ôi: nơi cửa quyền nguội lạnh hẩm hiu, không có vẻ náo nhiệt.
gieo cành: là rơi-rụng ra khỏi cành, hoa gieo cành là hoa rụng. Hoa rụng có chữ Phiên-hủ hoa, hoa rơi vào rảnh bùn nhơ. Nam-Sử chép chuyện Phạm Thận nói với Cảnh-lăng-vương rằng : "Người sinh ở đời như cái hoa, khi sinh ra, cùng sinh rồi cùng nở, khi rụng thì có cái hoa may-mắn bay vào nơi chiếu-nệm, lầu-đài, tức như vương ( Cảnh-lăng-vương), có hoa rủi rơi bay vào rãnh bùn-nhơ như tôi đây vậy. Ý nói người có may rủi khác nhau. Đây dùng hoa gieo cành bởi nghĩa chữ Phiên-hủ ấy.
cao-lương: là vị ăn ngon lành. Cao là mỡ, lương là gạo thứ ngon. Phong-lưu là sang trọng đủ sung-sướng.
hoắc-lê: là thứ rau dền, rau nhiếp, ăn ngon, có thể đỡ đói, vị ăn của nhà nghèo.
hoành-môn: gác ngang cây gỗ, cây tre làm cửa ngõ tầm thường bằng lẽ gỗ, đoạn tre cũng khá ở yên. Ý nói người ở ẩn.
cò con: bởi chữ âu-lộ, là loài chim cò, chim le-le ở. Sách Liệt-Tử có chữ Âu-lộ vong cơ : chim âu chim lộ quên cả then máy. Ý nói loài chim ấy tự do không quan-hệ với việc đời, và có chữ âu-manh làm bạn trao lời hẹn-ước với chim âu. Đây dùng Cò con bởi nghĩa ấy. Ngoài Bắc cũng nói cò con là những sự đoàn-tụ nhỏ của người mà có vẻ vui-vầy. Như chơi cò con là chơi một nhóm người ít mà vui.
oé-ọe: là những giọng hát bội dở, nghe buồn ( giải-kiết điều oé-ọe làm chi) nghĩa là không cởi ra mang vào những lốt vai tuồng vô ích dở-dang trên sân-khấu. Ý nói làm cung-phi không xứng lòng thêm vô ích.
bóng thỏ: bóng trăng.
tiêu tao: là xơ-xác đau-thương (võ) kết bạn với một vẻ lẻ-loi chếch-mác.
tâm-hỏa: là lửa lòng, nỗi uất hận như ngọn lửa đốt lòng.
nét liễu: là nét đôi mày vẽ như hình lá liễu-yếu.
hồng-băng thấm ráo: Hồng băng gía đỏ, là nước mắt đỏ. Điển cung-phi là Tiết linh Vân đời vua Ngụy văn Đế có dung mạo tuyệt vời, ông Thái-thú quận Thường-sơn là Cốc Tập mua hằng nghìn lạng vàng dâng vua Ngụy văn Đế. Khi nàng từ-biệt cha mẹ, khóc như mưa, lấy bình ngọc hứng, sau hóa ra khối băng đỏ (hồng băng).
làn son: là cái vẻ má hồng.
Trà chuyên nước nhất, hương dồn khói đôi: Trà là trà uống, chuyên nước nhất là pha lần đầu đã thôi uống. Ý nói không có ai cùng uống nên mau chán. Lô Đồng đời Đường có bài Trà-ca...
Nhất trản hầu vẩn nhuận,
nhị trản phá cô-muộn.
Tam trản...
Uống một chén thì cổ và họng thấm và nhuần, uống hai chén thì sự buồn quạnh-quẽ phá tan. Chén thứ ba...
Đây vì không phá nỗi buồn cô-quạnh được nên chén thứ hai không uống ( Chè chuyên nước nhất ).
Hương dồn khói đôi: Hương, ngày xưa dùng các thứ hương như: Trầm hương- Bài-hương - Tốc-hương - Kê cốt trầm hương - Bạch-đàn nhủ hương v.v... gọi là bách hoa hương tán nhỏ hoà với nước mía cất trong vịm sành, múc từng muỗng bạc nhỏ đốt trên cái giá đồng trong lò, trên viên than hầm, lò bằng đồng, nắp lò chạm hình con nghê, gọi là Kim nghê hoặc trong lò bằng đồng đen, chạm hình con vịt nằm khảm cái kim khí đẹp, gọi là Bửu-áp. Các nhà sang quí thường đốt trong ngày lạnh ở trong phòng ngủ, phòng khách, Hương đem đốt dồn mãi để mong rước vua, ngỡ vua đến cứ đốt dồn nhiều lần; nhưng vua vẫn không đến (hương dồn khói đôi).
gang tấc: nghĩa gần vua.
Ngâu: tức Khiên Ngưu. Sao Ngưu sao Nữ, Chức Nữ mỗi năm chỉ gặp nhau một lần.
Vườn Thượng-uyển: là vườn hoa của vua. Thượng-lâm cũng đồng nghĩa.
Doành Nhâm: Doành bởi chữ doanh là một vùng nước. Nhâm là tên thần nước. Thơ Hàn Dũ có câu :
Nữ Đinh phu Nhâm truyền thế hôn:
nghĩa là Nữ Đinh là vợ Nhâm đời tương-truyền là vợ chồng.
Lời chú-thích của Đông-Sơn Tiểu Liên rằng, con trai vua Huyền-minh là Nhâm phu An, con gái họ chúc Dung là Đinh Dương đều là thần ở dưới nước. Huyền-minh chi tử viết Nhâm phu An, Chúc Dung chi nữ viết Đinh Dương.
Thơ Tô Thức (Đông Pha): Nhâm công phi không Định Nữ tàng : Nhâm-công bay trên không Đinh Nữ dấu mình. Thơ ấy vịnh cái suối bay ( cái thác). Chú nghỉa : Nhâm-công là tên thần ở dưới nước cạn và im (chữ Nhâm hoặc có lầm chữ giâm là im)
mây-mưa: là gối chăn chung chạ.
cửu-hạn: là nắng hạn lâu ngày Giọt mưa cửu hạn là trời mưa khi đã nắng hạn lâu rồi mới được. Ý nói sự yêu đương của vua đã ban cho từ lâu rồi nay còn nhớ, còn mong.
chín bệ: là nơi vua ở, ngồi nơi chín tầng bệ cao, bệ là cái thềm.
Các quan gọi là Bệ-hạ dưới bệ - ý tôn-kính nói nơi dưới bệ, không dám nói tận nơi vua. Người nhỏ gọi người lớn thì gọi là Các hạ, túc hạ: dưới gác lầu, dưới chân, ý tôn kính cao xa.
quần-thoa: quần là cái quần, là một tấm hàng hoặc gấm quàng dưới hạ thể con gái đàn bà như cái váy. Có sáu tấm kết lại thành cái quần, không phải quần như của ta. Thoa là cái trâm giắt tóc có hai ngành bằng vàng. Phục sức của phụ-nữ.
đông-phong: chỉ mùa xuân, có gọi Đông phu cũng như Đông-quân.
hoa đào: Ví người con gái có nhan sắc như hoa đào. Thơ Thôi Hộ đời Đường nhân ngày lễ Thanh minh đi thăm mộ, ghé vào xin chén nước trà của người gái đương đứng dưới cửa ngõ bên cây đào. Người gái mời chén trà và có ý nhìn Thôi Hộ bằng một vẻ hữu tình. Năm sau đi lễ Thanh minh lại ghé thì không thấy người ấy. Hộ bèn đề một bài thơ :
Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nghân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện chỉ kim hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
Dịch :
Cửa này năm ngoái thấy bên trong,
Vẻ thắm đào tươi yến má hồng
Nay chẳng thấy người đâu đó tá ?
Hoa đào còn cợt gió đông.
Qua năm thứ ba, Hộ đi Thanh minh lại ghé lần nữa nghe, cửa đóng trong nhà có tiếng khóc. Hỏi thăm mới được biết rằng người con gái ấy đã vì bài thơ của Hộ đề, mà đau tương-tư, nay mới chết và chưa liệm. Hộ xin vào thăm, đến bên tử-thi gọi to lên rằng : "Có Thôi Hộ đến đây". Người chết tỉnh dậy. Chuyện chép ở Lệ-tình tập.
Tạo-hóa: là ông trời
Kim-ốc: nhà vàng : là một nhan-sắc tuyệt vời, bởi điển Hán Võ-đế khi còn làm thaí-tử, đang nhỏ, bà trưởng công-chúa muốn gả con là A Kiều cho đế, bèn chỉ A Kiều mà hỏi đế rằng có muốn A Kiều làm vợ chăng ? Và hỏi Kiều có đẹp chăng ? Đế đáp rằng nếu được A Kiều sẽ đúc cái nhà bằng vàng cho ở.
Nay dùng điển nhà vàng ví sắc đẹp tuyệt thế. Hoặc nhữ bà Phi Hậu có sắc đẹp.
trăng già: bởi chữ nguyệt lão
tơ mành: là sợi dây rất nhỏ, dễ đứt không bềnv.v...
phòng động: tức động phòng, nơi buồng kín dùng bày lễ hợp-cẩn khi vợ chồng mới cưới về.
Chòm hoa tịnh-đế: tịnh là đôi, đế là cái đế hoa, hai hoa cùng nở trên một đế, như sen một cọng nở hai hoa, hoa cúc, hoa lài một cọng nở hoa sinh đôi là điềm lành của sự vợ chồng đôi lứa.
Hai ngọn đèn thắp cúng khi đầu lễ thành hôn, gọi là hoa-chúc (đuốc hoa) ví như đôi hoa tinh-đế ( chòm hoa tịnh-đế, một chòm nở hai hoa).
Thơ nàng Tiểu Thanh đời Thanh có câu :
Nguyện tương nhất trích dương chi thủy,
hóa tác nhân-gian tịnh đế liên
Nguyền xin Phật Quan-âm cho một giọt nước nhiệm màu ở cành dương liễu để hóa thân nàng thành đôi hoa sen Tịnh-Đế ở chốn nhân gian.
Tiểu-thanh là một tài nữ bị làm vợ lẽ, bị vợ cả ghen giam chết khi 18 tuổi. Câu thơ này là khi nàng lễ Phật Quan-âm xin hóa kiếp làm sen tịnh-đế, ý nói làm một vợ một chồng.
Bõ: là những hoạn-quan thái-giám chầu-hầu vua. Đời xưa những đàn-ông lại-cái chọn vào chầu hầu nơi cung-cấm gọi là hoạn quan, là Phụ, Tự và Thái-giám. Nước ta gọi là Bõ là ông Giám.
ngự: là sự thống-trị thiên-hạ của nhà vua như Ngự-quốc, những hành-động của vua đều gọi là Ngự..Các quan gọi vua là ngài ngự.
đồng-hồ: là một khí-dụng ngày xưa dùng để đo thì gìờ tuy kiểu làm khác nhau, nhưng chẳng ngoại một cái bầu đựng nước dưới đáy xoi lỗ nhỏ cho nước chảy, trong bầu để đo thì giờ theo giọt nước chảy cạn lần đến mỗi dấu gạch làm một giờ- bên bầu có cái giá cắm thẻ, để hết một giờ ghi một thẻ. Cũng gọi là Lậu-hồ. Đồng-long hoặc Dạ-lậu.
Bóng câu: là bóng con ngựa con, hoặc ngựa nhỏ mà mạnh- nghĩa bóng là bóng nắng. Bởi điển vua Tống Thái-tổ nói : nhân sinh nhất như bạch câu quá khích : Người sinh trong một đời như bóng ngựa trắng qua cửa sổ.
cửu-trùng: là vua, là chín tầng
má hồng như xưa: nghĩa bóng là những bà Phi, Hậu đời trước có đức hạnh tốt giúp vua trị nước như bà Thái Tỷ, Ấp Khương ngày xưa đời nhà Chu đã giúp vua trị nước có tiếng giỏi.

No comments:

Post a Comment