Sau "linh nghiệm" những điều cần nói
Chữ nghĩa ơi! nghiệt ngã vô cùng.
Chữ nghĩa ơi! nghiệt ngã vô cùng.
Hữu Thỉnh thoát hiểm, nhưng dư chấn Linh
nghiệm vẫn còn. Nghe nói có lần người ta định đưa ông vào ủy viên
"trung ương", thế mà họ kiếm cớ vụ Linh nghiệm để cản trở ông.
Ngày ấy cái lối đọc suy diễn này thịnh hành
lắm. Nhớ hồi tiểu thuyết Vào đời của Hà Minh Tuân. Như
một cơn lên đồng, có người chưa đọc cũng tham gia đánh. Có người chưa thấy mặt
mũi cuốn sách cũng lên tiếng phẫn nộ. Đến nỗi sau này ông thân tàn danh
liệt sống thui thủi ở một căn phòng chật hẹp trên phố hàng Ngang. Rồi đến tập
thơCửa mở của Việt Phương cũng bị lôi ra mổ xẻ mặc
dù đến nay tập thơ vẫn còn nguyên giá trị, tác giả cũng bị lao đao. Rồi đến tập Bầu
trời của Huyền Kiêu bị Nguyên Ngọc và Giang Nam quật
cho túi bụi khiến Huyền Kiêu cũng lặn luôn.
Trở lại vụ việc này trong biên bản cuộc
họp chi bộ báo Văn nghệ ngày 14-6-1977 còn ghi như sau: ý kiến Đào Vũ – Vấn
đề cuốn Bầu Trời bên ngoài thúc ta nên phê phán, đấu tranh. Có chiều hướng kích
động là hèn và sợ … có ý kiến đả kích cho ta là giữ nhiều cửa quá, cũng có ý
kiến cho là bỏ qua cũng được, dây vào làm gì. Chúng ta chủ trương đúng mức, vừa
phải không cầu an không cơ hội.
Nhà thơ Ngô Văn Phú lúc này đang là tổ trưởng
tổ thơ cũng cho rằng – thực chất tập thơ cũng không đáng gì, nó phản
ánh đúng anh Huyền Kiêu. Ta nên chủ động giữ vững ý kiến.
Rồi tiếp đến cái sẹo đất của Ngô
Văn Phú và Vòng Trắng của Phạm Tiến Duật khiến
cho một vùng quê trung du đang yên ả cũng sôi lên lo cho người thân của mình.
Có lẽ nên trích toàn văn biên bản cuộc họp
giữa nhà thơ Bảo Định Giang trong buổi chia tay với báo Văn nghệ ngày 21-6-1977
trở lại miền Nam sau "giải phóng", để thấy một phần nào bức tranh văn
nghệ bấy giờ:
- Lần đi này đối với
tôi đặc biệt, có nhiều xúc động. Tôi ra công tác rồi ở luôn, tôi không đi tập
kết nên không có tiễn đưa, chia ly gì gây xúc động cả. Tôi công tác ở miền bắc
hơn 20 năm, toàn công tác tuyên huấn văn nghệ. Ba lần về làm báo, chỉ làm phần
chuyên môn, không làm công tác nội bộ, tập trung vào việc duyệt bài vở thôi.
Chỉ có một lần sinh hoạt găng tức là trước khi anh Đào Vũ về. Tôi là người kí
tên đề đạt ý kiến của đảng đoàn đề bạt anh Đào Vũ lên làm phó tổng biên tập và
khi có quyết định của tuyên huấn bổ nhiệm anh tôi lại là người tiếp nhận quyết
định và thực hiên đúng đắn.
Vấn đề lương, hội còn
dư 2 tiêu chuẩn lên lương, tôi đề nghị dành cho anh Hoài An, anh Trân hoặc anh
Đại, nhưng ban lương của báo xét chưa thể lên được, do gay cấn trong quan hệ
đối chiếu trong chi bộ.
Lương của báo có thấp.
Nhưng tỷ lệ tăng lương được nhiều hơn, so với toàn khối văn nghệ.
Còn anh Phú, tôi không
chủ trương lên lương cho anh ấy. Đối với sai lầm Cái sẹo đất ,
tôi bảo vệ anh Phú ở mức là vẫn để anh Phú làm bí thư chi bộ, đăng bài cho anh
Phú nhưng chưa lên lương. Vấn đề của anh Trân là tôi có sửa thêm, tôi ghi nặng
hơn, tôi kí tên, tôi chịu trách nhiệm. Nếu có sai tôi xin lỗi anh Trân.
Về bài vở tôi hoan
toàn chịu trách nhiệm, còn vấn đề lên lương tôi chỉ chịu trách nhiệm một phần
thôi.
Chúng ta có lỗi với
nhau rất nhiều, còn nợ nhau. Tôi làm việc ở tòa soạn 3 lần, quan hệ với anh em
bình thường, không thân thiện với ai, không đậm đà với ai, cũng không giận ai
không thù oán ai.
Nếu có sự hiểu lầm gì
cũng không đáng kể tôi không quan hoài tôi ký thác vấn đề này cho các anh
biên ủy.
Còn vấn đề tài chính:
Tôi có vay khoản 100 đồng và chịu trách nhiệm chi tiêu ở miền nam một số tiền
tôi đề nghị chị Thịnh xem lại sổ sách đã trừ hết nợ chưa, và vấn đề chi tiêu có
gì sai nguyên tắc thì báo lại để tôi bồi thường. anh em có nhận xét gì cứ nói
ra, tôi có khả năng bồi thường, vì đang xuất bản tập thơ, có nhuận bút. Tôi yêu
cầu có gì cứ nói thẳng cho tôi biết chứ đừng để sau, khi tôi đi rồi xì xào,
hiểu lầm cho rằng chi tiêu, tài chính có vấn đề, như vậy nguy hại lắm.
Trước khi đi tôi có
bàn giao kĩ càng với ban thư kí, với Đảng Đoàn , Đảng ủy, tất cả đều có
giấy tờ lưu lại ở văn phòng Đảng ủy. Nếu các đồng chí có thắc mắc gì hỏi ở văn
phòng Đảng ủy, không nên gây dư luận đối với một đồng chí của mình. Tôi có thể
nói là tôi không hổ thẹn là đồng chí của các đồng chí.
Có một cái thư tố cáo
tôi, tôi có đọc cho chị Trai nghe. Mọi vấn đề đó tôi đã báo cáo đầy đủ với ban
thư kí. Tôi có thể tự hào là trước khi trở về không để xảy ra vấn đề gì đáng ân
hận, tự hào nhìn thẳng vào các đồng chí. Tôi trở về miền nam vơi tình cảm nhớ
thương da diết. Rời miền Bắc tôi day dứt nhiều đêm vì tình cảm đó.
Tôi công tác ở đây
nhiều năm, thế nào cũng có sai, điều gì sai tôi xin lỗi, nhưng không nên hiểu
lầm. Tôi sợ một số vấn đề hiểu lầm nên phải nói lại. Tôi đề nghị chị Thịnh cho
biết vấn đề tài chính.
Chị Thịnh:
- Anh Giang có một vài
lần tạm ứng tiền nhuận bút, đã trừ hết. 500 đồng tiếp cộng tác viên cũng đã trừ
hết. Việc chi tiêu đó không đúng theo qui chế, chế độ không cho phép.
Lạ thật, vay thì trả , thì trừ nhuận
bút, qui chế, chế độ gì ở đây. Cứ nghĩ bây giờ liệu có còn ai như thế.
Trở lại sự vụ Linh nghiệm tuy là thoát nhưng
lần đó Hữu Thỉnh vẫn bị chậm lên lương 1 năm. Bùi Binh Thi nói rằng: vụ Linh
nghiệm đến tai thủ tướng Phạm Văn Đồng ông bảo: Văn sĩ đã khổ quá thôi
đừng hành thêm nữa.
Không thể không nói đến nhà văn Trần Huy Quang
tác giả của Linh nghiệm, quê Nghệ An, hơi ngang và gàn nhưng tốt tính, bộc
trực. Nếu đọc những gì anh viết về chiến tranh thì thấy ở anh một sự đau đáu về
cuộc chiến về những đau thương và mất mát, trong tiểu thuyết Những cô
gái Đồng Lộc anh viết như thê này: Những người yên nghỉ, các
bạn của tôi, xin các bạn hãy vĩnh viễn yên nghỉ, cuộc sống này, dù sao đi nữa,
cuối cùng cũng không để các bạn phải đau lòng. Thẳng thắn và bộc trực
là phẩm chất của anh. Dù người ta gán ghép đủ thứ tư tưởng cho anh.
Và không thể nói ở
Linh Nghiệm anh muốn gì như những lời qui chụp. Anh viết những điều nhà văn
quan tâm. May cho anh, bản chất khiến anh không suy sụp. Nhưng có điều buồn,
chiều hôm đó Thỉnh dẫn con gái đến nhà quỳ sụp lạy Quang để trả nợ cái nghĩa
Quang xin cho con Thỉnh về Hà Nội học. Sau Linh Nghiệm một sự nghi ngờ dấy lên
trong lòng Thỉnh, ông cho rằng Trân Huy Quang đã hại ông, ông cũng nghi ngờ một
số người khác trong đó có Phạm Tiến Duật lợi dụng Linh nghiệm nói xấu ông.
Ngày 12-9-1992 Hữu Thỉnh chất vấn Duật: Anh
Duật có nói chuyện về Linh Nghiệm ở Quảng Ninh không?
Ngày 16-2-1993 Hữu Thỉnh nhắc lại: lúc
Linh Nghiệm anh Duật chưa góp phần ổn định cơ quan.
Duật nói: Tôi chưa từng phát biểu cơ
quan nào về Linh nghiệm, một lần duy nhất tôi có trả lời Hồ Anh Dũng, tôi có
bênh anh Thỉnh. Hữu Thỉnh đối xử với tôi tồi tệ trong giai đoạn vừa rồi.
Người ta còn xì xầm về một chuyện cười ra nước
mắt.
Hôm ấy trên chiếc xe u oát chở Thỉnh về Thổ
Tang (là xã kết nghĩa với báo từ thời Nguyên Ngọc). Buổi gặp gỡ đó có cháu ruột
nhà thơ Ngô Văn Phú lúc đó là chủ tịch công đoàn của báo. Tiệc rượu no say, khi
ra về vừa ra đến sân đình Thổ Tang, Thỉnh kiếm cớ gây sự với cháu nhà thơ Ngô
Văn Phú, không ai biết chuyện gì xảy ra, mải khi Thỉnh buông câu: Mày
tưởng cậu mày về làm tổng biên tập báo mà vênh mặt à. À ra thế, gần
đây rộ lên tin đồn Ngô Văn Phú sẽ về báo. Trong cuộc trò chuyện tổng thư kí
Nguyễn Đình Thi có thăm dò hỏi Ngô Văn Phú rằng mình muốn cậu về lại Văn Nghệ.
Tất nhiên Ngô Văn Phú không nhận lời. Lần ấy Thỉnh đuổi luôn tay ấy xuống xe.
Gặp phải tay không vừa thằng cha ấy xuống liền không nói nửa lời, chuyện này sẽ
nói đến sau.
Ngô Văn Phú về báo Văn học (tiền thân của Văn
nghệ) ngay sau khi tốt nghiệp đại học tổng hợp văn. Hồi đó ông nổi tiếng ở bài
ca dao được giải nhì báo Văn học (không có giải nhất):
Trên
trời mây trắng như bông
ở
dưới ruộng đồng bông trắng như mây
Những cô má đỏ hây hây
Đội bông như thể đội mây về làng .
Rồi ông đi bộ đội, trở về Văn Nghệ Quân
Đội, sau lại về Văn Nghệ.
Ông có đứa cháu đi bộ đội hơn 10
năm, nay muốn về Văn nghệ, ông báo cáo và được nhà văn Vũ Tú Nam chấp nhận. Bên
hội liên hiệp văn học nghệ thuật đông ý. Chị Cán, trưởng phòng tổ chức ra quyết
định tiếp nhận. Nhà thơ Bảo Định Giang hỏi chị Cán rằng xin người sao ông không
được biết. Thế là Ngô Văn Phú rút lui luôn. Sau ông Bảo Định Giang biết đó là
cháu Phú liền trách: Cháu Phú ở chiến trường ra mà không nói với mình.
Ngô Văn Phú nói rằng sợ phiền đến anh. Thế là ông Giang nhắc tổ chức tiếp nhận.
Có cháu về cùng cùng cơ quan là phức tạp rồi,
lúc này nhà văn Vũ Tú Nam đã chuyển sang làm giám đóc nhà xuất bản muốn lôi Ngô
Văn Phú sang cùng. Việc này được ghi trong biên bản ngày 14-6-1977 như sau:
Đào Vũ: việc anh Phú
yêu cầu đi, anh Vũ Tú Nam xin nhiều lần tôi kiên trì giữ. Thực ra trong lòng
không muốn cho anh Phú đi. nếu cứ ép anh Phú quá thì mặt tình cảm không tiện.
Chị Trai: nếu vì lý do
sáng tác đề nghị biên ủy quan tâm tạo điều kiện. Anh Phú đi thì tổ thơ cũng khó
khăn. Nếu có dư luận thì biên ủy phải giải thích .
Bội: nguyện vọng anh
Phú có từ lâu. Nên tạo điều kiện. Chỉ áy náy tổ thơ.
Và Ngô Văn Phú quyết
tâm ra đi, mặc dù ông nói: Nói nguyện vọng thì chưa phải chính đáng.
Nhưng yêu cầu cho sang vì nxb đang cần. Nếu sang một thời gian mà báo cần gọi
về thì sẽ về.
Miền nam có câu zậy mà
không phải zậy. Ở báo Văn Nghệ nhiều năm ông quá hiểu, chỉ có Hữu Thỉnh hốt
hoảng mới thành to chuyện.
Nói đến điều này để thấy Ngô Văn Phú không bao
giờ trở về Văn Nghệ, vì lúc đó ông đang là phó giám đốc nhà xuất bản, chẳng qua
Thỉnh thấy không yên định dằn mặt, Ngô Văn Phú biết chuyện này ông chỉ cười và
im lặng.
Thật là:
đâu phải bên Tàu có
Tào Tháo
Máu đa nghi trong mỗi
con người .
Muốn biết sự việc ra
sao xin xem hồi sau sẽ rõ .
BVN-TH
Truyện này như một bản tiểu sử HCM cực
ngắn mà rất đầy đủ như sau.
LINH NGHIỆM
TRẦN HUY QUANG
Hinh là con trai thứ ba trong một gia đình
nông dân, không nghèo nhưng cũng chẳng giàu có gì lắm. Cha anh ta có đỗ đạt, đã
từng làm quan nhưng tính khí thất thường, lòng đầy ham hố nên quan trên không
mặn mà gì nên đã bỏ quan, khi đi dạy học ở chốn kinh kỳ, khi ngồi bốc thuốc ở
vùng sơn cước. Hinh thừa hưởng ở dòng họ và khí chất của vùng chôn rau cắt rốn
cái nết cơ bản cần cho kẻ có hoài bão tham chính là tính đa mưu túc kế, lòng dạ
thật không bao giờ lộ ra mặt, bạn bè cùng lứa không ai dám kết làm bằng hữu.
Hinh sáng dạ, lại có chí, học đâu biết đó, hai mươi tuổi làm thơ chữ Hán, đọc
Rút-xô, Mông-tét-ski-ơ…bằng nguyên bản, nhưng Hinh chán học, chỉ nhăm nhăm một
dạ xuất ngoại. Đạo học không có đường tắt, mà lập thân bằng con đường học vấn
thì mù mịt, xa vời quá. Bằng văn chương thì chỉ khi thế cùng lực tận, bất đắc
dĩ mà thôi.
Hằng ngày Hinh sống như người nuốt phải quả
chuỳ gai vào bụng, buốt nhói, nhăn nhó, bồn chồn, vừa ngồi đã đứng lên, mới ngủ
đã vùng dậy, trán nhăn tối, mắt xa xăm. Như đang phải lòng một tiểu thư khuê
các. Nhưng Hinh đâu phải là người dại dột, không bao giờ để phí chí khí, sức
lực vào chuyện đàn bà. Vớ vẩn ! Chiếm mười trái tim đàn bà đâu có khó nhưng một
trái tim nhân loại thì phải vượt trùng dương. Hinh ngước cái đầu mong đợi lên
bầu trời, hoài vọng bóng dáng một con tàu, tìm kiếm một phép thần thông, mong
đợi một dấu vết của cõi Thiên hoặc hơi hướng của miền Cực lạc để đưa về cho
chúng sinh.
Tháng ngày như sợi chỉ căng mà lòng khao khát
làm trai hải hồ, khắc khoải mong một phút được quỳ dưới chân bậc Chí Thánh và
nói :"Ơn người. Người là nguồn ánh sáng dẫn dắt chúng con…Lũ chúng sinh
con khao khát được gặp Người…"
Thế rồi, như sự linh nghiệm của lời nguyện
cầu, một đêm giông tố bão bùng đất trời như trong cơn đau sinh nở, Hinh đã lên
chín tầng Thánh địa để được gặp đấng Chí linh.
Bắt đầu là một ngọn nến, ánh lửa dịu ấm, toả
một quầng sáng hình nón. Vầng sáng ấy toả hào quang, tia hào quang không thẳng
mà có hình gấp khúc. Cuối cùng ở trung tâm vầng sáng ấy hiện ra khuôn mặt kiều
diễm của một cô gái tóc vàng.
- Kính thưa…Hinh bàng hoàng thốt lên.
- Không phải ! – cô gái mỉm cười độ lượng –
Tôi chỉ là sứ giả của đấng Lập đạo. Anh có lời thỉnh cầu gì gấp lắm không ?
Người đang bận, việc hành đạo chỉ ở bước khởi đầu.
- Kính thưa, tôi là người của xứ Nhọc nhằn tăm
tối…
- Thôi, anh không cần phải nói, chàng trai ạ,
người xứ Nhọc nhằn có khát khao ánh sáng thì việc hành đạo mới càng được dễ
dàng. Đây anh cầm lấy, theo Đạo thư này, anh sẽ tìm được chân lý.
Vị sứ giả trao cho Hinh Đạo thư quý giá ấy rồi
nhỏ dần, nhỏ dần cho đến khi chỉ còn như một cái chấm chính giữa vầng hào quang
rồi biến mất giữa bao la. Hai tay đỡ cuốn sách trước trán, Hinh vẫn quỳ và
thành kính đặt lên đó một cái hôn, rồi anh run run dở ra đọc :
"Hãy đi về phía Nam theo con đường một
bên là cây và một bên là nước, cuối con đường có quán bia hơi và thịt chó ;
đừng nhìn vào chốn đam mê ấy và đi thật chậm. Dọc đường sẽ có người hỏi
:"Có đi không ?" thì đừng đi. Đó cũng là người cần lao chứ không phải
ma quỷ cám dỗ, nhưng phải đành từ chối. Đi tiếp, sẽ gặp một ki-ốt sách báo nên
rẽ trái, trước mặt đã là vườn hoa nhỏ. Bây giờ anh phải khom người xuống, đi
chậm bước từng bước một, mắt nhìn xuống mặt đất để "tìm cái này". Cứ
thế…chỉ cần một lúc sau,anh sẽ có được thiên hạ."
Hinh ấp cuốn Đạo thư vào ngực tức tưởi :
"Trời ơi,bảo bối, bảo bối…". Hinh sung sướng hét toáng lên. Tiếng anh
vang rất to trong đêm và lúc ấy Hinh mới biết mình vừa qua một giấc mơ. Nhưng
trời ơi, tại sao những điều anh nung nấu trong tâm can bấy lâu nay lại được
giải đáp trong mơ. Anh sung sướng và cảm động đến mức nước mắt giàn giụa.
"Ôi chúng sinh nhọc nhằn và tăm tối của ta, bảo bối này sẽ soi sáng đường
chúng ta đi…"
Sáng hôm sau, Hinh thành kính chuẩn bị lên
đường. Quần áo tươm tất ,mũ miện đàng hoàng. Trước nhà anh có một đại lộ chính
Nam, có lẽ đúng là con đường này nên anh dấn bước ra đi. Một bên cây và một bên
nước, hay một bên rừng một bên biển. Anh cứ đi, qua vài đoạn phố nữa thì anh
thấy mình đi đúng con đường men theo cái hồ. Và giữa phố có hàng bia hơi thịt
chó mà vài lần anh cũng đã bị cuốn vào đó. Ôi sự linh nghiệm không sai một dấu
phẩy. Đường phố trong veo, lui cui mấy chiếc xe đạp chở kẹo bánh, than tổ ong
đi bỏ mối cho các hàng nước vỉa hè, lọc cọc đôi chiếc xích-lô cà tàng đi tìm
khách. Vài cô gái điếm vật vờ.
- Có đi không ?
Một cô gái điếm rủ rê. Hinh nhớ đến giấc mơ mà
thấy lạnh xương sống ; trong mơ cũng ba chữ ấy. Đến cuối phố, Hinh thấy một
ki-ốt sách báo thật ; chủ quán vừa mở cửa. Tại sao có sự kỳ diệu thế này, khi tỉnh
anh nào có biết chỗ này có một quán sách ? Đi tiếp gặp một ki-ốt sách báo nên
rẽ trái, trước mặt là vườn hoa nhỏ. Hinh liền rẽ trái, đi một đoạn qua các cửa
hàng bách hoá đã thấy vườn hoa Mùa Xuân.
Kẻ hành đạo không chần chừ đắn đo, đi tới giữa
vườn hoa, lòng ngây ngất hơi men, một nửa muốn bay lên, một nửa trì xuống. Mắt
Hinh hoa lên, đâu Thiên Thần, đâu Địa Thánh, không biết con đang đứng giữa Địa
đàng hay mặt đất. Rồi anh chợt tỉnh lại..."Tìm cái này" là tìm cái gì
, anh không hiểu nhưng không dám nghi ngờ lời vàng ngọc của đấng Tiên tri. Vườn
hoa nằm cạnh đại lộ, lúc này đang vắng hoa, chỉ có mấy ông già tập thể dục
muộn, dăm chàng thanh niên đá bóng và một tốp học sinh cấp ba đi học sắp qua.
Bây giờ anh phải khom người xuống, đi chậm từng bước một, mắt nhìn xuống mặt
đất… Hinh vừa cúi lom khom chăm chú tìm kiếm vừa lẩm nhẩm đọc. Anh như bị thôi
miên, không biết mình đang tìm cái gì, nhưng anh cứ trung thành với lời chỉ
gíáo, người cúi lom khom, mắt dán xuống đất và bước từng bước một chậm rãi.
Những người đang qua đường lấy làm lạ. Bắt đầu
là nhóm học sinh cấp ba, mấy đứa con trai vốn hiếu kỳ đi đến và tự hỏi, không
biết ông kia tìm cái gì nhỉ ? Chúng không thể tự giải đáp được.
- Anh ơi, anh tìm cái gì đấy ?
Hinh mải mê không hề nhìn lên, chỉ buột miệng
trả lời :
- Tìm cái này.
Đối với chúng, câu trả lời ấy, làm ngứa ngáy
chân tay. Nhất định cha này mất nhẫn, dây chuyền hay hạt xoàn gì đó thôi, chúng
mình mà vớ được thì hay lắm.
Thế là cả bọn, cặp sách dồn lại một đống, nhảy
vào cuộc tìm kiếm. Khi cả một đám người bò ra sục sạo tìm kiếm thì sự lạ càng
tăng lên hàng chục lần. Người đi qua vườn hoa không bao giờ hết, dân lang thang
thất nghiệp, dân nhà quê bỏ ra thành phố kiếm cơm…đang đói rách hy vọng vớ được
một chút may mắn, những người này đi đến và không thể không hỏi:
- Tìm cái gì đấy ?
Lần này thì tụi trẻ con đã mau miệng trả lời :
- Tìm cái này !
Câu này đối với người lớn làm ngứa ngáy đầu
óc. Thế là họ bỏ cả gồng gánh, xe cộ, nhảy vào quảng trường.
Rồi tiếp đến... Bây giờ là dân xích-lô, ba
gác, dân ăn xin, trẻ mồ côi bán báo, dăm cô điếm, đám bụi đời móc túi nghe tin
cũng tìm đến.
- Tìm cái gì đấy ?
- Tìm cái này.
Mả mẹ chúng nó, giấu như mèo giấu cứt. Nhất
định là hạt xoàn, ru-bi, có lẽ tối qua tụi đào đá đỏ qua đây đánh nhau đổ ra
một bị đá đỏ không chừng. Mẹ chúng nó, ông mà biết trước, ông rào lại, ông đuổi
tất. Ông kia được một viên rồi hả , bắt nộp phạt, chúng mày !
Cứ thế...
Và số người hy vọng có một chút no ấm bò lê
trên vườn hoa để tìm vật báu, đến lúc này đã đông như đàn kiến.
Hinh chợt nhận ra tiếng ồn của đám đông và anh
ngạc nhiên đứng nhìn họ. Hoá ra thiên hạ đang bu lại xung quanh mình. Một lúc
sau anh sẽ có được thiên hạ. Hinh sung sướng đến rơm rớm nước mắt và mãn nguyện
ra về.
Cái đám đông ấy cứ như dòng nước trong lòng
sông, trôi đi chứ không cạn. Người đến trước thất vọng ra về trước, người đến
sau thất vọng ra về sau. "Tìm cái này" là cái gì thì không ai biết,
nhưng cứ hy vọng có chút no ấm mờ mờ phía trước cũng đã hấp dẫn lắm, để họ trở
thành một dòng nước.
Trưa.
Rồi chiều.
Và... vẫn còn đám đông xúm xít giữa vườn hoa
Mùa Xuân. v
Trần Huy Quang
(Truyện ngắn này được
đăng trên tuần báo Văn Nghệ, số 27 ra ngày 04.7.1992. Bị thu hồi và có lệnh hủy
sau khi phát hành 4 ngày, nhưng càng được tìm đọc. Tác giả Trần Huy Quang bị
treo bút 3 năm. Tổng biên tập lúc ấy là Hữu Thỉnh, tuy đi vắng, vẫn bị nghiêm
khắc khiển trách. Tác giả cho biết phải suy nghĩ hơn 10 năm mới viết được
truyện ngắn cô đọng này ; anh phải suy nghĩ chọn từng câu, từng chữ, từng ý,
từng hình ảnh...)
No comments:
Post a Comment