Trần Trung Đạo - Đọc tuyên bố chung giữa
Tập Cận Bình và Trương Tấn Sang ký ngày 21 tháng Sáu vừa qua mới thấy số phận
chùm gởi CSVN phụ thuộc sâu xa vào cây cổ thụ già Cộng Sản Trung Quốc đến mức
độ nào. Sự khiếp nhược và ươn hèn thể hiện rõ đến mức chỉ trong một văn bản gồm
8 điểm nhưng có tổng cộng 29 lần “nhất trí”.
Hai bên “nhất trí” không chỉ các chính sách
đối nội nhằm duy trì quyền lãnh đạo tuyệt đối của đảng CS mà còn “có
lập trường tương tự và gần nhau trong nhiều vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan
tâm” trong đó có cả vấn đề Đài Loan, một vấn đề thuộc nội bộ Trung
Quốc không dính líu gì đến Việt Nam.
Tưởng cũng nên nhắc lại. Năm 1958, vì quá
nhiệt tình nịnh bợ đàn anh CSTQ trong tranh chấp với Mỹ về vấn đề Đài Loan, Bộ
Chính Trị đại hội II của đảng CSVN đã chỉ thị Phạm Văn Đồng viết công hàm “ghi
nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng
hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.” So sánh
nội dung của tuyên bố chung lần này với các văn bản theo đuôi Trung Quốc của
các thập niên 1950, 1960 không khác nhau nhiều. Thời gian cách nhau hơn nửa thế
kỷ nhưng mức độ khiếp nhược của CSVN đối với đàn anh CSTQ vẫn không thay đổi.
Vấn đề tranh chấp biển Đông là vấn đề nóng
bỏng nhất, Trương Tấn Sang thay vì khẳng định việc quốc tế hóa, mở rộng vấn đề
biển Đông sang các diễn đàn quốc tế như Philippines đang làm, lại cũng “nhất
trí” thu hẹp vấn đề trong phạm vi hai nước “nhất trí giữ bình tĩnh và
kiềm chế, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, đồng thời sử
dụng tốt đường dây nóng quản lý, kiểm soát khủng hoảng trên biển giữa Bộ Ngoại
giao hai nước, xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không
để các vấn đề này ảnh hưởng đến đại cục quan hệ Việt-Trung cũng như hòa bình,
ổn định tại Biển Đông.”
“Hòa bình” và “ổn định” là hai thuật ngữ ngoại
giao bắt đầu từ chủ trương Đặng Tiểu Bình đã được lập đi lập lại trong hầu hết
các văn bản về chính sách đối ngoại của CSTQ.
Từ nhiều năm nay, Trung Quốc một mặt kêu gọi
“hòa bình” và “ổn định” nhưng mặt khác đã cho dời từng cây cọc trên vùng biên
giới, lấn chiếm từng thước đất, từng bãi san hô, từng hòn đảo nhỏ trên biển
Đông. Cái hèn hạ và tin tiện của đám lãnh đạo CSTQ là chúng chỉ biết ăn hiếp
những đám lãnh đạo cũng hèn hạ và ti tiện tương tự, trong trường hợp này là
CSVN và chỉ biết ăn cắp vặt để các cường quốc không đủ lý do đặt vấn đề và các
biến cố do chúng gây ra không đủ tầm vóc để được quốc tế quan tâm.
Bài học chính trị, kinh tế, quân sự từ thời
thượng cổ đến nay đều cho thấy, đương đầu với kẻ thù lớn mạnh, chọn lựa cần
thiết của các quốc gia nhỏ yếu là liên kết chặt chẽ với nhau và đồng minh với
các nước lớn khác có quyền lợi mâu thuẫn với kẻ thù.
Dĩ nhiên giới lãnh đạo CSVN biết chiến lược
quen thuộc đó nhưng tham vọng quyền lực của đảng CS và túi tham cá nhân, băng
đảng không đáy đã làm mờ mắt họ, che mất tầm nhìn của họ vào các thế hệ tương
lai con cháu giòng giống Việt.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, Đảng Cộng sản Trung
Quốc là chỗ dựa duy nhất và cũng là cuối cùng của đảng CSVN. Từ đó đến nay, các
chính sách của đảng, từ các đổi mới kinh tế, xã hội cho đến các quan điểm chính
trị, tư tưởng gần như rập khuôn Trung Quốc.
Giới lãnh đạo CSVN quá lo cho nồi cơm riêng
của họ đến nỗi quên rằng Trung Quốc cũng có nhiều thách thức kinh tế xã hội và
hạn chế chính trị nội bộ cần phải vượt qua để có thể duy trì tốc độ phát triển
kinh tế hiện nay và tiếp tục cạnh tranh với Mỹ, Nhật, Đức.
Kỹ thuật quân sự của Trung Quốc tiến xa so với
thời kỳ chiến tranh với Việt Nam tháng Giêng 1979 nhưng điều kiện kinh tế toàn
cầu ngày nay cũng đã làm cho các cường quốc phụ thuộc vào nhau nhiều hơn so với
30 năm trước. Ngoài ra, các vấn đề môi sinh, ô nhiễm, khan hiếm năng lượng đang
là những mối đe dọa trầm trọng tại Trung Quốc và ảnh hưởng lớn đến cán cân
thương mại quốc gia trong tương lai gần.
Quốc gia nào cũng cần ổn định để phát triển
nhưng Trung Quốc cần ổn định hơn bất cứ quốc gia nào khác trong vùng.
Mặc dù viện trợ 2 tỉ đô la hàng năm để nuôi
dưỡng chế độ độc tài man rợ của gia đình họ Kim nhưng chính Trung Quốc lại là
một trong những nước lo lắng nhất khi họ Kim ra lệnh thử đầu đạn hạt nhân bất
chấp lời can gián của Bắc Kinh. Bởi vì, nếu chiến tranh Nam Bắc Hàn lần nữa xảy
ra, ngoài làn sóng tỵ nạn khổng lồ sẽ tràn ngập biên giới phía đông bắc Trung
Quốc, hạ tầng kinh tế gầy dựng bấy lâu nay của Trung Quốc sẽ sụp đổ và có thể
cả toàn bộ thượng tầng kiến trúc chính trị cũng sẽ tiêu vong theo. Giới lãnh
đạo Trung Quốc còn ôm mối lo canh cánh khác bên lòng rằngTrung Quốc tuy là một
nước lớn nhưng thường bị các nước nhỏ xâm lăng và cai trị nhiều chục năm, thậm
chí hàng trăm năm như dưới các triều đại Mãn Thanh. Sự tan rã của đế quốc CSTQ
chỉ là vấn đề thời gian.
Tuyên bố Việt-Trung mang nội dung ươn hèn và
khiếp nhược của lãnh đạo đảng CSVN trước thiên triều CSTQ là lời cảnh tỉnh cuối
cùng đối với những người đang còn ngóng cổ trông chờ, còn đang van xin thỉnh
nguyện đảng CS sớm hồi tâm, hướng thiện mà còn là tiếng chuông gõ nhịp vào
lương tri của cả dân tộc.
Như kẻ viết bài này kết luận trong bài “Ai
giết 9 ngư dân Thanh Hóa ?” trước đây, chỉ có một Việt Nam văn minh dân chủ với
một nền kinh tế cường thịnh, một hệ thống khoa học kỹ thuật hiện đại là phương
pháp hữu hiệu nhất để ngăn chận không những Trung Quốc mà bất cứ một thế lực
xâm lăng nào muốn thách thức đến chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Do
đó, thay vì van xin, thỉnh nguyện đảng CS, những ai quan tâm đến đến tiền đồ
đất nước nên dứt khoát tập trung toàn lực vào việc thay đổi cơ chế chính trị
độc tài CSVN hiện nay.
Nếu không làm được thế, rồi không chỉ 9 ngư
dân Thanh Hóa, không chỉ Hoàng Sa, Trường Sa, mà cả dân tộc lại sẽ chìm đắm
trong họa đồng hóa của thời đại mới. Và khi đó, đừng đổ thừa cho Trung Quốc mà
chính sự nhu nhược, yếu hèn, mê muội trong mỗi chúng ta đã giết chết 9 ngư dân
Thanh Hóa, giết chết chính chúng ta và dân tộc Việt Nam.
Trần Trung Đạo
No comments:
Post a Comment