Tuesday, June 11, 2013

HÃY ĐỂ MỞ KHẢ NĂNG GIÁNG TRẢ HÀNH ĐỘNG XÂM LẤN BIỂN ĐẢO CỦA TA

Nguyễn Thanh Giang - Tôi rất không hài lòng với những câu trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Chí Vịnh trên báo Tuổi trẻ hôm 03 tháng 6 năm 2013, vài ngày trước khi ông này lên đường đi “Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt Nam – Trung Quốc”.

Nói “không hài lòng” là cách nói né tránh, nể sợ, không dám gây căng thẳng. Tâm trạng thực của tôi sau khi đọc bài trả lời phỏng vấn này là rất hoang mang, lo lắng cho vận mệnh dân tộc. Do vậy, tôi rất căm tức.

Thấy như ông Nguyễn Chí Vịnh đang bao che, đang chạy tội cho Trung Quốc! Hay, đang trói tay quân đội ta, tiếp tay cho Trung Quốc xâm lấn Việt Nam? 

Trả lời câu hỏi “Trong vấn đề biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc thì đâu là thách thức lớn nhất?”, ông Vịnh nói: “Thách thức lớn nhất là quan điểm hai bên còn khác nhau nhiều. Phát ngôn, tuyên bố của hai bên về chủ quyền còn rất xa nhau. Cả hai bên đều rất kiên định về chủ quyền - đó là đương nhiên rồi…. ”.

“Cả hai bên đều rất kiên định về chủ quyền - đó là đương nhiên rồi”!. 

Sao lại đánh đồng Trung Quốc với Việt Nam và cho rằng việc “kiên định về chủ quyền” của họ đối với Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa là “đương nhiên”? Sao lại bảo thách thức lớn nhất ở đây chỉ là vấn đề quan điểm, vấn đề phát ngôn, tuyên bố !

Trả lời câu hỏi liên quan đến vấn đề ngư dân, ông Vịnh nói: “Vấn đề biển Đông đương nhiên sẽ gắn với vấn đề ngư dân. Quan điểm của Việt Nam là đối với ngư dân trước hết phải đảm bảo thực thi pháp luật của mỗi nước. Nhưng về mặt quốc phòng thì tuyệt đối không được sử dụng vũ lực với ngư dân. Ngược lại phải đối xử nhân đạo với ngư dân. Không chỉ thế, lực lượng quân sự quốc phòng phải có hành động giúp đỡ ngư dân, ví dụ như tránh bão hay gặp khó khăn hay trục trặc ngoài khơi… Giờ Trung Quốc không cho ngư dân đánh bắt ở Hoàng Sa, trước hết là không đúng với đạo lý. Ở Hoàng Sa, mình đánh bắt cả ngàn đời rồi mà giờ họ ra đuổi bắt là vì lý do gì? Thứ nữa là vi phạm DOC. Mình đấu tranh là sẽ trên cơ sở đó”.

“Ở Hoàng Sa, mình đánh bắt cả ngàn đời rồi mà giờ họ ra đuổi bắt là vì lý do gì?”. 

Trả lời bằng câu nghi vấn ngớ ngẩn này phải chăng ông Vịnh thừa nhận việc Trung Quốc đuổi bắt ngư phủ ta là có lý do nào đó?

“...ngư dân trước hết phải đảm bảo thực thi pháp luật của mỗi nước”. 

Trong tình huống đang diễn ra trước mắt, câu nói ỡm ờ này có nghĩa gì, có lợi cho ai và hại cho ai? Liệu ông có bắt được ngư dân Trung Quốc phải thực thi pháp luật của Việt Nam? Hay là ông định bắt ngư dân Việt Nam phải thực thi pháp luật của Trung Quốc? Ngày nào, chỗ nào họ tuyên bố không được đánh bắt là ta không được đánh bắt?

“Nhưng về mặt quốc phòng thì tuyệt đối không được sử dụng vũ lực với ngư dân”.

Ông Vịnh có ra lệnh được cho Trung Quốc không, hay là, ông chỉ làm cho quân đội ta phải nhận lệnh tuyệt đối không được sử dụng vũ lực... cả với bọn ngư phủ Trung Quốc trá hình?

“Giờ Trung Quốc không cho ngư dân đánh bắt ở Hoàng Sa, trước hết là không đúng với đạo lý... Thứ nữa là vi phạm DOC...”

Trung Quốc chiếm Hoàng Sa và không cho ngư dân ta đánh bắt ở Hoàng Sa “trước hết là”/chủ yếu là chỉ vì vấn đề đạo lý ư? Vậy cử ông đi đối thoại là để xin đối phương rủ lòng thương mà san cho một ít đạo lý chứ DOC chỉ là thứ yếu thôi ư? 

Phóng viên hỏi rất hay: “Về vấn đề biển Đông, Trung Quốc gần đây nói nhiều về chuyện thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Nhưng có cảm giác đó như là bước lùi khi DOC đã được ký cách đây hơn 10 năm, trong khi Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) thì vẫn giậm chân tại chỗ?”, nhưng ông Vịnh trả lời rất dở: “Về nguyên tắc, khi hai bên đang đàm phán về tranh chấp chủ quyền thì một điều kiện tối thiểu là trong quá trình tiến tới thực hiện đầy đủ, thực hiện tốt DOC cũng như chuẩn bị COC, các bên phải đảm bảo ổn định, giữ nguyên trạng, không được sử dụng vũ lực. Còn COC bao giờ mới có thì còn phải chờ thời gian”. 

Phóng viên phàn nàn tình trạng dậm chân tại chỗ của COC thì ông Vịnh lại cho rằng “COC bao giờ mới có thì còn phải chờ thời gian” (lại cũng là đương nhiên nhỉ!)

Chẳng những thế ông còn dội thêm gáo nước lạnh vào đầu phóng viên: “Ở đây cần nói là đừng quá trông chờ nhiều vào DOC hay COC”!. 

Trước những lợi ích sống còn của Biển Đông và ý đồ bá quyền Đại Hán, việc dàn xếp các tranh chấp tại đây không thể trông chờ nhiều vào đạo lý mà chủ yếu phải dựa trên pháp lý. Nhờ đấu tranh hiệu quả của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á mà năm 2002 Trung Quốc đã phải chấp nhận DOC. Tuy nhiên bản Tuyên bố về cách ứng xử (DOC) của các bên ở Biển Đông chỉ là một tuyên bố thể hiện ý chí chính trị hơn là cam kết pháp lý của các bên tham gia. Nhằm giúp kiểm soát khả năng bùng nổ xung đột vũ trang ở Biển Đông, ASEAN đã ráo riết thuyết phục Trung Quốc tiến tới ký kết một Bộ Quy tắc ứng xử (COC) có giả trị pháp lý cao hơn DOC. COC đã được dự kiến thông qua trước Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN vào tháng 11 năm 2012 nhưng đã bị Trung Quốc phá hoại.
 
Ông Vịnh đứng trên lập trường nào mà răn bảo “COC bao giờ mới có thì còn phải chờ thời gian”, và, “đừng quá trông chờ nhiều vào DOC hay COC”!. 

Trong diễn văn đề dẫn Hội nghị Shangri-La hôm 5 tháng 6 vừa qua thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhẹ nhàng ném vào mặt Trung Quốc lời răn dạy này: “để xây dựng lòng tin chiến lược, cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao trách nhiệm của các quốc gia - nhất là các nước lớn và nâng cao hiệu quả thực thi của các cơ chế hợp tác an ninh đa phương”. 

Trả lời phỏng vấn ngay sau Hội nghị, Thủ tướng còn nhấn mạnh thêm: “Một lần nữa chúng tôi kêu gọi ASEAN và Trung Quốc cùng nhau thực hiện nghiêm túc DOC, nỗ lực xây dựng COC” kia mà.

Sao Nguyễn Chí Vịnh không tiếp thu tinh thần của Thủ tướng? Phải chăng ông ta là phát ngôn viên của Trung Quốc?

Câu sau đây của Vịnh mới càng nhảm nhí:

Trả lời câu hỏi “Mấy ngày nữa thì ông đi dự đối thoại chiến lược quốc phòng Việt Nam - Trung Quốc. Xin ông cho biết nội dung chuẩn bị?”, Vịnh nói: “Chuẩn bị của phía Việt Nam rất kỹ và phong phú. Có bốn nội dung lớn, trong đó có nội dung về an ninh liên quan tới Trung Quốc - Việt Nam, liên quan tới quan hệ song phương trong quan hệ đa phương và sẽ tập trung bàn về vấn đề biển Đông. Đề xuất các quan điểm về mặt quốc phòng nhằm đảm bảo tuyệt đối không xảy ra xung đột trên biển Đông”.

“Đề xuất các quan điểm về mặt quốc phòng” mà “đảm bảo tuyệt đối không xảy ra xung đột trên biển Đông” được ư?.

Nguyễn Chí Vịnh ngây thơ hay giả vờ ngây thơ?

Thực tế cuộc sống, không có gì tuyệt đối cả. Huống chi đây là đi làm ngoại giao. Ngôn ngữ ngoại giao cần giữ độ mở. (Quân tử nhất ngôn là quân tử dại mà).

Ỡm ờ như vậy phải chăng để hủy hoại tinh thần cảnh giác của nhân dân và làm tê liệt ý chí sẵn sàng chiến đấu của quân đội ta!

Một thứ trưởng quốc phòng, một sứ giả đối thoại quốc gia mà như vậy thì cực kỳ nguy hiểm.

Trước đây Nguyễn Chí Vịnh từng ngả vào lập trường đối thoại song phương của Trung Quốc, bây giờ ông ta lại dóng dả tuyên truyền cho chủ trương (tuyệt đối) hòa bình và (tuyệt đối) cự tuyệt hợp tác/ liên kết quân sự.

Tại hội nghị Shangri-La thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khuyến cáo:

“Tôi tin rằng các nước trong khu vực đều không phản đối can dự chiến lược của các nước ngoài khu vực nếu sự can dự đó nhằm tăng cường hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển. Chúng ta có thể kỳ vọng nhiều hơn vào vai trò của các nước lớn, nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai cường quốc có vai trò và trách nhiệm lớn nhất (tôi xin nhấn mạnh là lớn nhất) đối với tương lai quan hệ của chính mình cũng như của cả khu vực và thế giới. Điều quan trọng là sự kỳ vọng đó cần được củng cố bằng lòng tin chiến lược và lòng tin chiến lược cần được thể hiện thông qua những hành động cụ thể mang tính xây dựng của các quốc gia này”.

“ …Chúng ta trông đợi và ủng hộ Hoa Kỳ và Trung Quốc khi mà các chiến lược, các việc làm của hai cường quốc này tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền của các quốc gia, vừa đem lại lợi ích cho chính mình, đồng thời đóng góp thiết thực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng chung”.

Trên cơ sở chủ trương ấy, Thủ tướng tuyên bố:

“Chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Việt Nam không là đồng minh quân sự của nước nào và không để nước ngoài nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam không liên minh với nước này để chống lại nước khác”.

Tuyên bố long trọng đó phải được hiểu đúng và cặn kẽ là:

“Chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ”, nghĩa là, Việt Nam kiên trì giữ vững hòa bình nhưng, để tự vệ, Việt Nam sẵn sàng “đánh một trận sạch sanh kình ngạc” vào đầu bọn xâm lăng.
Phải tâm niệm lới G. Washington: “Chuẩn bị chiến tranh là phương pháp hữu hiệu nhất để gìn giữ hòa bình” (To be prepared for war is one of the most effectual means of preserving peace).

Đồng thời cũng không nên quên rằng “Nếu hòa bình không được duy trì vì danh dự thì không có hòa bình lâu dài” (Lord Russell: if peace cannot be maintained with honor, it is no longer peace).

Tại sao lại ra lệnh không được giáng trả khi họ bắn cháy tầu cá ta, bắt giam và giết hại ngư phủ ta, phá nát ngư thuyền của ta... tức là, họ không chỉ chà đạp danh dự mà cướp đi cả tính mạng, tài sản của đồng bào ta!

Không bao giờ nên chọc giận Trung Quốc mà phải tỏ ra kiêng nể họ. Tuy nhiên, nếu thiên hạ bạt tai ta thi ta phải tát vào mặt họ, nếu thiên hạ thụi vào lưng ta thì ta phải đấm vào sườn họ... Có thế mới ngăn chặn khả năng họ lấn tới bóp cổ, chọc tiết ta.Muốn ngăn chặn khả năng xẩy ra đánh lớn thì phải đánh nhỏ để cảnh cáo thiên hạ mới được.

Trở lại tuyên bố của Thủ tướng. 

“Việt Nam không là đồng minh quân sự của nước nào” nhưng, sẵn sàng hợp tác quân sự với bất kỳ nước nào (đặc biệt là với Hoa Kỳ) để tự vệ, để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải.

Việt Nam không liên minh với nước này để chống lại nước khác” nhưng, nếu “nước khác” xâm lấn, xâm lăng Việt Nam thì Việt Nam sẵn sàng liên minh với bất kỳ nước nào, trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Oxtralia … để chống lại nước đó". 

Dẫu ý kiến của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không phản ánh hoàn toàn đứng tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư thì vẫn rất đáng hoan nghênh, nhưng biểu hiện khác biệt (nếu không muốn nói là chống lại) Thủ tướng của ông Nguyễn Chí Vịnh thì phải bị trừng trị.

Một câu hỏi lớn cần đặt ra là tại sao ngay sau khi nhậm chức Tổng Bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc lại đưa vào bản Tuyên Bố Chung hai đảng một mục rất quan trọng, bố trí cho một người như Nguyễn Chí Vịnh nắm vị trí độc tôn trong việc dàn xếp quan hệ Việt Trung thông qua Đối thoại chiến lựoc hàng năm?

Hà Nội 11 tháng 6 năm 2013

Nguyễn Thanh Giang 

Số nhà 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội 
Mobi: 0984 724 165

No comments:

Post a Comment