Saturday, June 1, 2013

DÂN VẬN CỦA CỘNG VÀ CỘNG VẬN CỦA DÂN!!!



Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 172 (01-06-2013)
Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Cộng đảng, trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 7 sáng ngày 11-05-2013, đã đề cập đến một vấn đề quan trọng mang tính sống còn đối với đảng: đó là vấn đề tuyên truyền, núp dưới mỹ từ “dân vận”: “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận là rất cần thiết trong tình hình hiện nay”. Lý do là: “Trong điều kiện Đảng cầm quyền, xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, có rất nhiều vấn đề mới đặt ra tác động đến tư tưởng, tình cảm, đời sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Những hiện tượng phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội, cùng với tệ quan liêu, tham nhũng, xa dân, xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng là thách thức đối với mối liên hệ giữa dân với Đảng”. Nói cho đúng, đảng nhận ra rằng dân càng ngày càng thấy rõ: với việc hành xử độc quyền, xây dựng một nhà nước công an trị, phát triển nền kinh tế chỉ có lợi cho đảng, tạo ra hiện tượng chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn, củng cố và bành trướng tệ quan liêu tham nhũng, xâm phạm không những quyền làm chủ của nhân dân mà cả quyền tự quyết của dân tộc, đảng đã trở thành kẻ thù của đất nước. 

Điều đó khiến đảng hoảng hốt: “Chỉ có đổi mới và làm tốt công tác dân vận, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với dân, cũng như khối đại đoàn kết toàn dân thì Đảng mới có sức mạnh, mới phát huy được sức mạnh to lớn của toàn dân phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Thật ra, trong lịch sử, mối liên hệ giữa dân với đảng chưa bao giờ là liên hệ máu thịt mà là liên hệ sắt máu, và đảng đã lợi dụng niềm tin của dân để đảng có sức mạnh mà thống trị và xây dựng một chế độ độc tài tàn hại cả Tổ quốc.

Tiếp đó Ng. Phú Trọng chỉ ra “tinh thần của việc dân vận”: “Phải tôn trọng và phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân; hết lòng, hết sức chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, chú trọng đến lợi ích trực tiếp của người dân; luôn trọng dân, gần dân, hiểu dân, tin dân; những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh. Thường xuyên chỉnh đốn, xây dựng Đảng, Nhà nước, chính quyền trong sạch, vững mạnh; mọi quan điểm, chủ trương của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước phải vì dân, xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu, tận tuỵ với công việc, nói đi đôi với làm để nhân dân tin tưởng, noi theo”. Rõ ràng là kiểu hô hào rỗng tuếch và mỵ dân đểu giả (41 từ “dân” trong đoạn về dân vận). Vì thực tế gần 60 năm thống trị của đảng, dân chỉ là bung xung che chắn, khiên mộc đỡ đòn, động vật thí nghiệm. Đảng đã luôn coi dân như con cái để dạy dỗ, như con ở để sai bảo, như con tin để mặc cả. Và nay dân vẫn là bầy nô lệ.

Cuối cùng, Nguyễn Phú Trọng nêu phương thức hành động: (1) “Tiếp tục nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của công tác dân vận”, nghĩa là tiếp tục xem tuyên truyền lừa gạt như một trong ba chân của cái kiềng vững chãi (hai chân kia là bạo lực và bưng bít); (2) “Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước đến với nhân dân”, những chủ trương đường lối, luật pháp chính sách tựu trung củng cố quyền lực, thâu tóm quyền lợi cho đảng. Cụ thể là qua việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi HP, đảng muốn bắt nhân dân phải chấp nhận sự thống trị vĩnh viễn của đảng, bắt quân đội phải tuyệt đối trung thành với đảng, bắt toàn dân phải trao quyền sở hữu đất đai vào tay đảng; (3) “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về các hoạt động thông tin, truyền thông, định hướng dư luận xã hội; kịp thời ngăn chặn, đấu tranh với các thông tin xấu, độc hại, nhất là qua mạng Internet”. Đảng đang tích cực làm điều này qua việc nắm chặt hàng ngàn báo viết, báo hình, báo điện tử công cụ với hàng chục ngàn phóng viên vô liêm sỉ, qua việc ngày càng củng cố lực lượng trí thức gia nô, ký sinh ăn bám vô tư cách trong các trường đảng, đại học, học viện công an quân đội, viện nghiên cứu các ngành, qua việc chiêu mộ thêm lực lượng (nay lên tới cả 100.000) dư luận viên chuyên viết những bình luận bênh đảng cách ngu xuẩn ngang ngược, thậm chí thô tục mất dạy, qua việc đào tạo thêm hàng ngàn tên tin tặc ngày đêm lùng sục để phá hoại hoặc chỉ điểm những trang mạng, dân mạng dám nói sự thật và bênh vực lẽ phải; (4) “Kiên quyết, kiên trì thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, làm cho Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh; tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng”. Thật ra thì đảng ngày càng trở nên một bầy sâu lúc nhúc, chẳng đảng viên nào trị được đảng viên nào (nhất là ở thượng tầng lãnh đạo), vì anh nào cũng có tì vết, cũng bị đối thủ (thậm chí Tàu cộng) nắm đầy đủ hồ sơ, tố nhau là chết cả lũ. Trong đảng cũng đang hình thành các phe phái chỉ biết tranh chấp quyền lực và giành giật quyền lợi, bỏ mặc dân tình khốn khổ, xã hội hỗn loạn, đạo đức suy đồi và an ninh Tổ quốc lâm nguy; (5) “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến cơ sở. Tập trung giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc trong nhân dân, nhất là về đời sống, công ăn việc làm, giải tỏa, đền bù đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân, cải cách thủ tục hành chính; khắc phục tình trạng tiêu cực, phiền hà; ách tắc và tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, bảo đảm an sinh xã hội…” Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nhà nước từ trung ương đến cơ sở chỉ là hiệu lực đàn áp bóc lột, hiệu quả tham nhũng phá hoại. Quốc hội vẫn tiếp tục mù quáng nghe lệnh Bộ chính trị để cương quyết không trao quyền tư hữu đất đai cho nhân dân. Dân oan vẫn hàng ngàn đoàn người khiếu kiện trong tuyệt vọng, trong huyết lệ, và kết thúc lộ trình khổ ải bằng thương tật nơi bệnh viện vì bị đánh đấm, bằng cái chết bên đường vì đói và bệnh, hay bằng những cuốn lịch trong nhà tù vì đã dám “chống người thi hành công vụ”, “phá hoại chính sách phát triển của nhà nước”. Dân lành vẫn hàng triệu triệu điêu đứng trên đường vì nạn công an giao thông đòi hối lộ, nạn côn đồ lộng hành cướp giật như chỗ không người, vẫn hàng triệu người vong mạng mỗi năm vì tai nạn xe cộ, vì bằng lái bán tràn lan, vì công trình đường sá cầu cống bị rút ruột. An sinh xã hội thì bị bỏ mặc với các công ty bảo hiểm hoạnh họe đủ điều, khắt khe xét đoán, với các bệnh viện thu phí trên trời, bán cả thuốc dổm, với các bác sĩ coi khinh bệnh nhân, tắc trách bổn phận, đòi hối lộ công khai, gây tử vong còn thoái thác trách nhiệm… (6) “Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân. Đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, các hội quần chúng. Kiện toàn, nâng cao năng lực dân vận của các cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận trong toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là trong các cơ quan hành chính nhà nước, các cán bộ thường xuyên có quan hệ, tiếp xúc trực tiếp với dân. Đổi mới mạnh tác phong công tác, thật sự gần dân, trọng dân, học dân. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở”. Phong trào thi đua yêu nước này dĩ nhiên không phải là biểu tình chống Trung cộng xâm lược (đáng bị dẹp bỏ), không phải là dã ngoại để thảo luận về nhân quyền (đáng bị cấm cản), không phải là đòi công lý cho dân oan (đáng bị phê bình) và càng không phải là sáng tác ca khúc về đất nước, tham gia các đảng phái dân chủ, viết bài tẩy chay bầu cử giả hiệu, rải truyền đơn bảo Tàu khựa cút khỏi Biển đông, viết khẩu hiệu máu nguyền rủa đảng Cộng sản (đáng bị tống ngục nhiều năm dài). Công tác dân vận, gần dân, trọng dân, học dân chính là công an, mặt trận, dân phòng, đoàn viên, côn đồ… theo dõi nhân dân ngày đêm để nghe ngóng tiếng nói, rình rập bước đi, dò xét hành động; để đứng chặn cửa cổng, ngăn cản sinh kế, tước đoạt máy móc, cướp giật tài liệu; để cưỡng bức về đồn, lột trần y phục, đánh cho tả tơi, buộc phải nhận tội. Và một khi dân không may vào tù vì công lý, thì dân vận chính là dùng biện pháp cắt thăm nuôi, cấm gởi thuốc, không chữa bệnh để bẻ gẫy ý chí, buộc tù nhân hối lỗi và xin khoan hồng….

Đấy mới là thực chất cuộc dân vận của Cộng sản, cái đảng ngày càng lộ nguyên hình là mafia quốc gia, nòi vong bản bán nước, ông chủ ác với dân và tôi tớ hèn với giặc, nhưng vẫn mù quáng tin vào sự dối trá ngụy biện, sự đàn áp thẳng tay, sự dồi dào phương tiện (sẵn sàng chi 200 triệu đô để dựng lên trang mạng cho đoàn Thanh niên CS), để tiếp tục chính sách ngu dân, đầu độc giới trẻ và lèo lái dư luận xã hội, ngõ hầu thống trị lâu dài.

Nó không ngờ rằng với những kỹ thuật thông tin hiện đại của thế giới như phương tiện, với những màn lừa gạt và bạo hành của nhà cầm quyền như kháng nguyên, với những tấm gương anh hùng của các nhà đấu tranh đủ mọi hạng tuổi như chất xúc tác, nhân dân đang có một hành động trả đũa xứng hợp là Cộng vận.

Hàng trăm trang web, hàng ngàn trang blog, hàng vạn trang twitter, facebook đang là lực lượng truyền thông của những công dân thương nước thương nòi, yêu tự do dân chủ. Để cộng vận, họ quyết vạch trần sự giả trá của các thần tượng như Lê Văn Tám, Kim Đồng, Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi…, những sai lầm của chủ thuyết Mác-Lê và tội ác của chế độ, kể từ lãnh tụ họ Hồ, các Tổng bí thư đến các Bộ chính trị, các ủy viên trung ương đảng, kể từ cán bộ to đến cán bộ nhỏ, kể từ cuộc chiến Đông Dương I vô ích, cuộc chiến Đông Dương II vô nghĩa, đến cuộc chiến chống nông dân trong Cải cách ruộng đất, chống trí thức trong Nhân văn Giai phẩm, chống dân lành trong Thảm sát Mậu Thân…. Như Cửu Bình đã gây nên phong trào thoái đảng mạnh mẽ bên Tàu cộng, những tác phẩm của họ đang khai sáng tâm trí cho những đảng viên mù quáng hay bị bưng bít đầu độc. Họ quyết thực hiện cuộc “góp ý nhận định chân thực về Hiến pháp” dù bị mạ lỵ, cuộc “bỏ phiếu cùng Quốc hội” về các thành viên chính phủ dù bị bắt tù, quyết thực việc “lên tiếng như những công dân tự do” dù bị sách nhiễu,  việc “kêu gọi những kẻ lầm đường lạc lối hãy bỏ đảng” dù bị trù dập tứ bề.
     
 Nhưng với ánh sáng của sự thật, sức mạnh của lẽ phải, sự tỉnh táo trong đầu óc, sự kiên trì trong ý chí và lòng nhân ái trong con tim, cuộc cộng vận của Dân cuối cùng sẽ thành tựu.

            BAN BIÊN TẬP

Linh mục Nguyễn Hữu Giải nhận định về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
(Phỏng vấn và trả lời 28-05-2013)

            1- Nhà nước công bố bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để lấy ý kiến nhân dân, Linh mục nghĩ sao về việc này?

            · Đây là việc làm chính đáng và cần thiết. Vấn đề là Hiến pháp phục vụ ai, xây dựng dân quyền hay đảng quyền? Nghĩa là những dân quyền (và nhân quyền) trong Hiến pháp phải làm sao được hiểu đúng, được tôn trọng, được bảo đảm trên lý thuyết lẫn trong thực hành. Không thể hữu danh vô thực, có tiếng mà không có miếng, toàn là bánh vẽ như lâu nay!

            2- Nhiều nơi nhà nước gởi tới từng nhà dân văn kiện Hiến pháp 1992 và bản Dự thảo sửa đổi để xin góp ý rộng rãi. Tại địa bàn hoạt động của Linh mục (giáo xứ), có như vậy không?

Có như vậy! Ngoài 2 văn bản trên (đối chiếu nhau), người dân nhận được một tờ xác nhận đã được trao 2 văn bản, phải ký liền tại chỗ, và một tờ góp ý với nội dung: 1- Ý kiến chung về Dự thảo (không nói rõ là có quyền bất đồng ý); 2- Ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung điều khoản nào đó… Tờ góp ý này cán bộ địa phương sẽ thu hồi một hai ngày sau.

            3- Người dân phản ứng ra sao?

Nhà thì nhận lấy, nhà không. Nơi thì cán bộ đi thu hồi, nơi lại bỏ mặc. Chẳng rõ vì sao?

Riêng các gia đình Công giáo, được các linh mục hướng dẫn thực tế, đã đón nhận và ghi vào tờ góp ý rằng: Chúng tôi không đồng ý với Dự thảo HP mà chỉ đồng ý với những nhận định và góp ý của Hội đồng Giám mục Việt Nam ngày 01-03-2013. Có người còn gửi kèm theo (bản trả lời) Thư của Hội đồng Giám mục Việt Nam nữa.

            4- Linh mục nghĩ thế nào về những nhận định và góp ý của Hội đồng Giám mục Việt Nam?

HĐGMVN khẳng định những điểm căn bản về Hiến pháp: các quyền con người, quyền làm chủ của nhân dân, việc thi hành quyền bính chính trị, và xác định rõ nội dung các quyền này. Chúng gắn liền với phẩm giá con người, mang tính phổ quát, bất khả xâm phạm và bất khả nhượng.

 HĐGMVN đã nêu lên những nhận định thực tế, phong phú. Phân tích những mâu thuẫn và tính bất hợp lý ngay trong nội dung Hiến pháp hiện hành, những bất hợp lý trong thực tế cuộc sống, nguồn gốc của vô số bất công hiện nay.

            HĐGMVN đưa ra những đề nghị tuyệt vời, tràn trề hy vọng cho toàn dân Việt Nam.
            5- Linh mục có nhận được tờ xin góp ý của Nhà nước không?

            · Ngày 04-05-2013, cán bộ Ủy ban nhân dân xã Vinh An, Phú Vang, Thừa Thiên Huế có đến trao cho tôi bảng so sánh Hiến pháp năm 1992 với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 gồm 60 trang khổ lớn và tờ góp ý.

            Trước hai cán bộ xã, tôi ghi ngay vào tờ góp ý như sau: Chúng tôi nhất trí với 12 đề nghị của HĐGM VN trong các mục của thư góp ý ký ngày 01-03-2013. Chúng tôi yêu cầu Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 hết sức coi trọng, thực tình lắng nghe các ý kiến ấy, và can đảm quyết định cho hợp lý và nhất là hợp lòng dân. Rồi tôi đính kèm văn thư nhận định và góp ý của HĐGMVN.

            6-  Hiện giờ Nhà nước đang áp dụng Nghị định số 92 đối với các tôn giáo. Linh mục nghĩ gì về Nghị định này?

            · Tháng 3 vừa rồi, ở Huế, một số linh mục và chức sắc các tôn giáo khác được mời học tập Nghị định này để “nghiêm túc chấp hành”!?!

            Theo tôi, có hai điểm phải nêu lên cho quyền tự do tôn giáo: Một là mọi văn bản pháp luật nằm dưới Hiến pháp không được đặt ra những điều khoản hạn chế quyền tự do tôn giáo của người dân, trái lại phải tạo điều kiện thuận lợi cho quyền đó. Pháp lệnh về tín ngưỡng tôn giáo năm 2004 (còn hiệu lực) thực chất là sợi xích sắt 5 vòng, và Nghị định 92 hiện áp dụng nó là một cái rọ nhốt các Giáo hội.

            Hai là thực ra không cần và không được có luật gì dưới Hiến pháp lấy các tôn giáo, các Giáo hội làm đối tượng. Pháp lệnh tôn giáo hiện hành, theo ý nghĩ và mục đích của nhà cầm quyền, là để quản lý tôn giáo cách đặc biệt mà họ luôn nghi ngờ và thù ghét. Nhưng tự bản chất, các tôn giáo (các Giáo hội) chỉ là những xã hội dân sự bên cạnh những xã hội dân sự khác, và mọi thành viên trong các Giáo hội cũng là những công dân trong xã hội. Dù là tín đồ, nhưng trước hết là công dân, họ có các nhân quyền và dân quyền cơ bản vốn đã được xác định trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và hai Công ước quốc tế về các quyền Dân sự, Chính trị, Kinh tế, Văn hóa và xã hội.

            Các luật dưới Hiến pháp có bổn phận làm rõ lẫn bảo vệ những quyền ấy, và mọi người, kể cả tín đồ, chỉ cần chấp hành các luật lệ liên quan đến các quyền đó là đủ. (còn cộng đoàn tôn giáo của họ thì chấp hành các luật chung và chính đáng về xã hội dân sự). Thành thử không có vấn đề cần đặt ra luật riêng cho các tôn giáo dưới tên gọi Pháp lệnh, Nghị định…

            7- Linh mục hy vọng gì ở Hiến pháp tương lai?

HĐGMVN đã có những phân tích, nhận định sâu sắc, thực tế về một số mục cũng như về toàn bộ tinh thần và nội dung của Dự thảo. Các tôn giáo, các nhà trí thức, các phong trào và nhiều công dân cũng đã có những đóng góp tâm huyết hầu tìm ra một HP đúng đắn, đích thực cho dân cho nước. Nhưng vì HP ấy chỉ có thể hình thành từ một Quốc hội của dân, do dân, vì dân chứ không phải của đảng, vì đảng như hiện thời, nên vấn đề tiên quyết vẫn là phải có một Quốc hội đúng nghĩa, thay vì một “đảng hội gia nô” đang ngồi ở Hà Nội.

Hiện giờ, về việc góp ý cho HP, Nhà nước có những cách thức đưa tin sai trái, những thủ đoạn cưỡng bức hù dọa rộng khắp, xin góp ý mà cứ bắt theo “lề phải”. Nếu cứ như thế, chắc chắn người dân Việt Nam sẽ mãi mãi bị giam cầm trong ngục tù cộng sản vô thần, độc tài toàn trị thay vì được hưởng chân lý, tự do, công bình và tình thương trong một xã hội tự do dân chủ.

Chúng ta vì vậy càng phải sáng suốt, tích cực, hiệp nhất, kiên trì đấu tranh bằng mọi cách phi bạo lực, cho mau có một Quốc hội chân chính, từ đó đẻ ra một Hiến pháp đúng nghĩa, để xây dựng một Xã hội dân chủ và phồn thịnh.
            Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho dự tính tốt đẹp này của tất cả chúng ta./.

No comments:

Post a Comment