Sunday, November 11, 2012
Đại biểu chất vấn ông Nguyễn Văn Bình gay gắt về nguyên nhân nợ xấu và yếu kém trong quản lý thị trường vàng
SGTT.VN - Đứng đầu danh sách được lựa chọn cho phiên đăng đàn trực tiếp, thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng là người nhận được nhiều câu hỏi chất vấn bằng văn bản nhất, trong đó có nhiều câu hỏi khá hóc búa của đại biểu quốc hội.
Tập hợp chất vấn của đại biểu quốc hội tại kỳ họp thứ tư tính đến ngày 10.11 cho thấy, sự quan tâm ở 23 phiếu ghi chất vấn tập trung nhiều nhất ở các giải pháp xử lý nợ xấu và quản lý thị trường vàng.
Sáu ngành chiếm trên 80% nợ xấu
Thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình
Có hơn mười vị đại biểu cùng truy thống đốc về các vấn đề liên quan đến nợ xấu, với băn khoăn về tính xác thực của các con số.
Trả lời câu hỏi của một vị đại biểu đoàn TP.HCM, ông Bình cho biết đến ngày 30.6.2012, nợ xấu theo các tổ chức tín dụng báo cáo là 119.139 tỉ đồng, chiếm 4,49% so với tổng dư nợ tín dụng. Còn theo kết quả thanh tra, giám sát của ngân hàng Nhà nước, nợ xấu của các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 6.2012 chiếm khoảng 8,8% tổng dư nợ tín dụng.
Về cơ cấu, nợ xấu của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước chiếm 3,76% dư nợ tín dụng của nhóm này và chiếm 44,26% tổng nợ xấu của toàn hệ thống.
Các con số tương tự về nợ xấu của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần là 4,73% và 35,3%; của nhóm công ty tài chính là 12,27% và 7,2%; với nhóm công ty cho thuê tài chính là 44,72% và 6,7%; của các quỹ tín dụng nhân dân là 1,4% và 0,45%.
Nợ xấu của nhóm ngân hàng nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng liên doanh chiếm 2,86% dư nợ của các đối tượng này và chiếm 5,2% tổng nợ xấu của toàn hệ thống.
Đáng chú ý là lần đầu tiên các con số nợ xấu theo ngành kinh tế được công bố. Theo đó, chỉ riêng nợ xấu của sáu ngành (công nghệ chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản và hoạt động dịch vụ; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô xe máy và xe có động cơ; vận tải, kho bãi; xây dựng) đến cuối tháng 6.2012 đã gần 96.000 tỉ đồng, chiếm 80,49% tổng số nợ xấu của toàn nền kinh tế. (Cụ thể: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 4,33% dư nợ của ngành và 22,5% tổng nợ xấu của toàn hệ thống. Kinh doanh bất động sản và hoạt động dịch vụ là 7,83% và 19,25%. Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô xe máy và xe có động cơ là 4,16% và 18,52%. Vận tải, kho bãi là 11,61% và 11%. Xây dựng là 4,81% và 9,5%).
Bên cạnh nợ xấu, một số vị đại biểu còn truy thống đốc về tác động tiêu cực của lợi ích nhóm với hoạt động của hệ thống.
Dẫn quy định của luật Tổ chức tín dụng, cá nhân sở hữu tối đa không quá 5% vốn điều lệ trong một ngân hàng, một ngân hàng không được phép sở hữu một ngân hàng thứ hai được nắm giữ tối đa 11% vốn điều lệ, một vị đại biểu đã nhắc lại lời thống đốc trước đây: hiện có những ngân hàng chỉ có một, hai cổ đông hoặc một nhóm cổ đông chi phối, thâu tóm, hậu quả dư nợ ngân hàng có đến 70 – 90% phục vụ cho nhóm cổ đông đó, vốn của ngân hàng là do tiền gửi của dân bị nhóm lợi ích sử dụng cho mục đích riêng, bất chấp tiêu chuẩn an toàn; thậm chí khi được hỏi: tiền đâu để nhóm cổ đông mới thâu tóm một ngân hàng cụ thể, thống đốc đã từng trả lời “họ không báo cáo với ngân hàng Nhà nước và chúng tôi cũng không biết họ lấy tiền ở đâu” để chất vấn ông Nguyễn Văn Bình: “Việc quản lý, điều hành hệ thống ngân hàng như vậy sao có thể chấp nhận được? Phải chăng có nguyên nhân từ lợi ích nhóm và điều này gây nên nợ xấu cũng như hàng loạt vụ tiêu cực, vi phạm pháp luật trong hệ thống ngân hàng trong thời gian qua? Thống đốc lý giải vấn đề trên thế nào? Trách nhiệm của thống đốc ra sao?”
Vị đại biểu này cho biết ông đã nhận được câu trả lời nhưng theo ông, nội dung trả lời của thống đốc “vẫn loanh quanh”.
Độc quyền vàng miếng có lợi ích nhóm?
Quản lý thị trường vàng cũng là lĩnh vực bị nhiều đại biểu quốc hội chất vấn.
“Nhà nước có chủ trương độc quyền vàng miếng nhưng thời gian qua ngân hàng Nhà nước lại cho phép một công ty kinh doanh vàng thì đây có phải là lợi ích nhóm không?” một nữ đại biểu hỏi. Một đại biểu đến từ một tỉnh miền núi phía Bắc phản ánh ý kiến của cử tri cho rằng cơ chế độc quyền sản xuất vàng SJC chỉ có “người trong cuộc” hưởng lợi lớn “Vậy nhận định trên của cử tri, theo thống đốc, có đúng không?”
Một câu hỏi khác: “Trước đây thống đốc có hứa ngân hàng Nhà nước sẽ điều tiết để giá vàng trong nước không có mức chênh lệch vượt quá 400.000 đồng/lượng so với giá vàng quốc tế. Thực trạng thị trường vàng trong thời gian gần đây có diễn ra như sự cam kết của thống đốc không? Tại sao? Ngày 25.11.2012 tới đây ngân hàng thương mại không được phép huy động tín dụng bằng vàng miếng, vậy ngân hàng Nhà nước có chính sách, biện pháp gì để huy động số vàng cất giữ trong dân không?”
Một đại biểu khác, là doanh nhân, đề nghị thống đốc ngân hàng Nhà nước cho biết số tiền chênh lệch thu được từ việc chuyển từ các thương hiệu vàng khác sang vàng SJC đến thời điểm này là bao nhiêu và do ai quản lý, sử dụng; việc xử lý trách nhiệm trong việc quản lý thị trường vàng yếu kém đã được thực hiện đến đâu, như thế nào?
Ở một văn bản trả lời, thống đốc Bình thừa nhận từ tháng 4.2012 đến nay giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới, có thời điểm lên đến 3 triệu đồng/lượng. Nhưng không như thời gian trước đây, khoảng cách lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới không đi kèm với hiện tượng sốt vàng, cũng không kéo theo hiện tượng nhập lậu vàng qua biên giới. Nhờ đó, tỷ giá và thị trường ngoại tệ tương đối ổn định, không bị tác động tiêu cực bởi sự biến động của giá vàng.
Việc mua bán vàng miếng của người dân, thống đốc trả lời là sẽ được thực hiện trên thị trường có tổ chức, giá vàng miếng sẽ được xác định dựa trên cơ sở cung cầu của thị trường. “Ngân hàng Nhà nước sẽ đóng vai trò là người mua bán cuối cùng trên thị trường vàng miếng giữa các tổ chức được phép kinh doanh vàng miếng nhằm bảo tồn và tăng dự trữ ngoại hối nhà nước bằng vàng và phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ”, thống đốc khẳng định.
Theo chương trình kỳ họp, ngày 13.11 thống đốc Nguyễn Văn Bình sẽ trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội.
HÀ GIANG
Đất nông, lâm trường
Dân phải thuê, doanh nghiệp trốn nghĩa vụ tài chính
Nằm trong báo cáo chung về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của Uỷ ban thường vụ Quốc hội sẽ được trình bày tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội sáng 12.11, nội dung quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường cho thấy còn nhiều kẽ hở dễ xảy ra lãng phí, tiêu cực.
Theo kết quả giám sát, 256 lâm trường, 186 nông trường, hai trung tâm nông lâm nghiệp với diện tích đất được giao quản lý, sử dụng khoảng 4,6 triệu ha đã sắp xếp chuyển đổi thành 153 công ty lâm nghiệp, 150 công ty nông nghiệp, bốn trung tâm lâm nghiệp, 96 ban quản lý rừng với tổng diện tích đất nông, lâm trường trực tiếp quản lý, sử dụng là 3.859.835,95 ha, đã chuyển cho địa phương quản lý 905.086,35ha. Diện tích đất chưa sử dụng trong các nông, lâm trường còn khoảng 315.000ha.
Báo cáo nêu một số hạn chế trong việc quản lý, sử dụng đất ở lĩnh vực này như hầu hết các công ty nông, lâm nghiệp và ban quản lý rừng, kể cả các doanh nghiệp đã cổ phần hoá chủ yếu mới chỉ được giao đất trên bản đồ, sổ sách, thậm chí còn nhiều nông, lâm trường không có bản đồ, hồ sơ địa chính. Tại nhiều công ty trong phần diện tích đất được giao còn bao gồm cả diện tích các làng bản, đường sá, sông suối. Bên cạnh đó, tình trạng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng chéo xảy ra khá phổ biến với diện tích khoảng 7.557,39 ha, dẫn đến việc tranh chấp đất đai xảy ra rất phức tạp ở nhiều địa phương, làm giảm niềm tin của nhân dân.
Theo đánh giá của đoàn giám sát, việc sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh thực chất mới chỉ là đổi tên mà chưa xác định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ trong việc quản lý, sử dụng đất, bảo vệ và phát triển rừng, vì vậy, chưa đóng góp được nhiều cho phát triển kinh tế tại các địa phương.
Đáng lưu ý, các công ty nông, lâm nghiệp hoạt động theo luật Doanh nghiệp đều thuộc diện phải thuê đất nhưng hầu hết các công ty hiện đều chưa ký hợp đồng thuê đất, hoặc có ký hợp đồng thì cũng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai. Trong khi đó, khi thực hiện giao khoán đất cho các hộ dân sản xuất, trong hợp đồng khoán, người dân phải nộp giá trị sản phẩm và cả tiền thuê đất cho nông trường, lâm trường, dẫn đến tình trạng thiếu công bằng, không khách quan dễ xảy ra lãng phí, tiêu cực.
Đáng quan ngại nữa là nhiều lâm trường được giao rừng tự nhiên để quản lý, nhưng chất lượng và trữ lượng rừng ngày càng giảm. Mặt khác, đa số các doanh nghiệp đều thiếu vốn đầu tư dẫn đến để đất hoang hoá hoặc sử dụng kém hiệu quả.
VĨNH AN
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment