Monday, November 19, 2012

Lời xin lỗi không đủ để xoa dịu công chúng Việt Nam


Bảo Anh chuyển ngữ, CTV Phía Trước / Michelle FlorCruzIBT - Chính trị gia tại Việt Nam kêu gọi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ chức vì cách xử lý yếu kém của ông đối với nền kinh tế của đất nước trong thời gian qua.
Mùa hè vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thừa nhận rằng các khoản nợ xấu đã lên đến hơn 10% trong tổng số vốn cho vay của ngân hàng – một con số mà các nhà phân tích tin rằng thấp hơn nhiều so với thực tế.

Nền kinh tế tại đây gặp nhiều khó khăn vì lạm phát tăng cao, tăng trưởng kinh tế bị chậm lại, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tiếp tục giảm sút và một số vụ bê bối liên quan đến các tổng công ty nhà nước. Ngoài ra, một số các doanh nhân hàng đầu đã lần lượt bị bắt vì tội gian lận và tham nhũng.

Với nhiều bí ẩn quây quanh cuộc khủng hoảng kinh tế tại đất nước bí hiểm này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận trách nhiệm với lời xin lỗi hiếm thấy. Ông thừa nhận các vấn đề của doanh nghiệp nhà nước chiếm một tỷ lệ khá lớn trong nền kinh tế Việt Nam.

Bất kể những lời xin lỗi, tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay không được cải thiện đáng kể và sự bất bình trong công chúng đang tăng lên rất cao. Người dân Việt Nam không hài lòng với cách quản lý yếu kém của các nhà lãnh đạo đối với nền kinh tế cũng như các quyết định quan trọng của Đảng Cộng sản đang cầm quyền.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trò chuyện với Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son bên hàng lang Quốc hội – Ảnh: VnEconomy/MĐ

Hôm thứ Tư vừa qua, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc – đại biểu không thuộc đảng chính trị nào – đã chất vấn Thủ tướng trong phiên họp trực tuyến trên truyền hình quốc gia.

Theo Đài Á châu Tự do, ông Quốc tái khẳng định rằng lời xin lỗi của Dũng không đủ để xoa dịu công chúng Việt Nam.

“Phải chăng Thủ tướng nên nhân dịp này thể hiện lòng quyết tâm sửa chữa của mình bằng cách khởi động cho một cuộc phấn đấu của chính phủ, hướng tới đoạn tuyệt với những lời xin lỗi?” ông Quốc hỏi.

Ông Dũng, người hiện đang phục vụ nhiệm kỳ thứ hai năm năm trong vài trò Thủ tướng, đáp ứng lời chất vấn của ông Quốc bằng cách tuyên bố ông được đảng bổ nhiệm và sẽ tiếp tục ở lại chức vụ này.

“Đảng đã quyết định phân công tôi ứng cử làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, Trung ương phân công và Quốc hội đã bỏ phiếu”, ông Dũng nói.

“Tôi cũng không có chạy, tôi cũng không có xin và tôi cũng không có thoái thác, từ chối bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng, Nhà nước quyết định phân công, giao phó cho tôi”.

Cách trả lời của ông Dũng có thể buộc cơ chế cầm quyền tại Việt Nam, Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản, phải suy nghĩ lại về cách quyết định lãnh đạo. Trong thực tế thì sự thay đổi lãnh đạo thậm chí có thể được hoan nghênh bởi chính ông Dũng.

“Tôi sẵn sàng chấp nhận và sẵn sàng thực hiện nghiêm túc bất kỳ quyết định nào của Đảng, Uỷ ban Trung ương và Quốc hội”, ông Dũng nói.

Một chính trị gia khác, ông Nguyễn Bá Thuyền, nói với Agence France Presse rằng sự thất bại của ông Dũng trong việc khởi động lại nền kinh tế đã làm tổn thương đến hình ảnh của đảng đối với công chúng.

Bảo Anh chuyển ngữ, CTV Phía Trước / Michelle FlorCruz, IBT

© Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2012

No comments:

Post a Comment