Friday, November 23, 2012

Người Việt xin tị nạn tại Thái hiện ra sao?



2011-03-21
Trong khi tất cả các trại tỵ nạn trong vùng Đông Nam Á đều đã đóng cửa thì tại Thái Lan vẫn còn một số người từ Việt Nam trốn sang đây với hy vọng được Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc cấp cho quy chế tỵ nạn.
Số phận những người này ra sao khi Thái Lan tiếp tục lùng bắt những người di dân bất hợp pháp ngày càng căng thẳng hơn? Mặc Lâm có bài tường trình sau đây:
Cảnh sát Thái truy lùng

Ngay khi trại tỵ nạn tại Campuchia đóng cửa thì chút hy vọng le lói cho những người tìm tự do tại Thái Lan trở nên mong manh hơn lúc nào hết. Bên cạnh hơn 40 con người ra đi từ giáo xứ Cồn Dầu trong những tháng qua, mặc dù đã được Cao Ủy Tỵ nạn phỏng vấn nhưng họ vẫn bị chính phủ Thái xem là di dân bất hợp pháp cho nên sự đi lại cũng như sinh hoạt của những giáo dân này rất hạn chế, nếu không muốn nói là hoàn toàn lén lút tại đất mước này.
nhóm giáo Dân Cồn Dầu (Photo/BPSOS)
Những ngày gần Đại hội đảng, họ bắt bớ rất nhiều nhà tranh đấu dân chủ trong nước và tôi là một trong những người bị đàn áp.

Chị Thu Trâm

Một đợt người chạy khỏi Việt Nam nữa vừa xảy ra trong dịp Đại hội đảng vừa qua. Hơn ba mươi người sang Thái để tìm tự do vì họ đã hoạt động trong các phong trào tranh đấu cho tự do dân chủ. Hoàn cảnh của những người này đang bị đe dọa nặng nề không những từ chính quyền sở tại mà còn từ an ninh phía Việt Nam đang quyết tâm theo dõi và bắt họ nếu có dịp ngay trên đất Thái.

Mối đe dọa này đang làm cho họ khủng hoảng và những nhóm người đào thoát này phải phân tán mỏng để tránh sự truy lùng của hai chính phủ. Một trong những người này là chị Thu Trâm, chị cho chúng tôi biết hoàn cảnh của chị qua điện thoại như sau:

“Tôi sang Thái Lan từ ngày 16 tháng Giêng năm 2011. Tôi đã gặp Cao Ủy Tỵ nạn và đã được phỏng vấn. Hiện tại tôi đang chờ kết quả.Tôi khai những gì mà tình hình trong nước đang xảy ra, nhất là những ngày gần Đại hội đảng, họ bắt bớ rất nhiều nhà tranh đấu dân chủ trong nước và tôi là một trong những người bị đàn áp. Họ truy tìm tôi, tôi biết trước sau gì cũng bị bắt cho nên tôi cùng với vợ con của anh Nguyễn Ngọc Quang rời Việt Nam ra đi.”

Khi được hỏi trong nước chị có bị phân biệt đối xử hay bị bắt vì tranh đấu chống chính quyền hay không chị Trâm nói:

Phóng Viên The Guardian/ Mr. Dustin Roasa
và thành viên khối 8406 tại Thailand
“Tôi chưa từng bị bắt ở tù nhưngtrong nước tôi cũng là thành viên đấu tranh vì thế mà tôi bị họ sách nhiễu rất nhiều lần và họ bắt tôi lên làm việc, thẩm vấn tôi liên tục và gia đình của tôi cũng không tránh khỏi. Con gái tôi bị họ đuổi học cho nên tôi cảm thấy quá sức chịu đựng nên mới ra đi. Tôi đem những chứng cớ đó để trình bày lên với Cao Ủy Tị nạn.”

Ông Nguyễn Đức Vinh cũng cho biết sự ra đi của ông và các người cùng hoàn cảnh như sau:

“Hiện thời nhóm của tôi có 8 người nhưng đã phân tán ra làm 4. Nhóm của tôi thì còn ở Bangkok đây. Nhóm 8 người trong đó có ba gia đình có hơn hai mươi người nhưng những gia đình đó họ đã qua các tỉnh để tránh sự theo dõi rồi. Mình đang mướn nhà của dân mình ở rồi phải ráng thôi chứ không biết thế nào cả.”

Trong kỳ đại hội Đảng diễn ra sau khi anh Nguyễn Ngọc Quang trốn khỏi Việt Nam thì tại Việt Nam em bị mời lên mời xuống liên tục, từ đó em quyết định đào thoát khỏi Việt Nam.
Anh Nguyễn Ngọc Huy

Trường hợp của anh Nguyễn Ngọc Huy thì khó khăn hơn nhiều, anh bị Cao Ủy Tị nạn tại Thái Lan trì hoãn phỏng vấn nhiều lần mặc dù anh chứng minh rằng anh có chân hoạt động trong phong trào đấu tranh dân chủ mang tên Bạch Đằng Giang của Nguyễn Ngọc Quang, anh Huy nói với chúng tôi:

“Em qua Thái Lan trong kỳ đại hội Đảng diễn ra sau khi anh Nguyễn Ngọc Quang trốn khỏi Việt Nam thì tại Việt Nam em bị mời lên mời xuống liên tục, từ đó em quyết định đào thoát khỏi Việt Nam. Em thuộc tổ chức Bạch Đằng Giang phong trào của anh Nguyễn Ngọc Quang, Phạm Bá Hải. Tổ chức này tranh đấu cho tự do dân chủ từ năm 2006. Em gặp Cao Ủy rồi nhưng em gặp khó khăn là em bị Cao Ủy trì hoãn phỏng vấn đã hai tháng nay. Lần thứ nhất họ trì hoãn là ngày 8 tháng 3 và lần thứ hai vào ngày 16 tháng 3. Lần này họ trì hoãn em 45 ngày tức là ngày 27 tháng 4. Hiện tại em đang sống tại Thái Lan và rất lo sợ vì có tin từ Việt Nam cho biết là mật vụ và công an đang lùng bắt tụi em, kể cả bên Cồn Dầu cũng bị lùng bắt.”

Mật vụ Việt Nam theo dõi
Không những gặp khó khăn từ Cao Ủy Tị nạn những người này đang bị an ninh và mật vụ Việt Nam theo dõi chặt chẽ và khi được dịp họ sẽ bị bắt mang trở về nước với sự hỗ trợ của cơ quan di dân Thái Lan.

 Chị Thu Trâm cho biết:

“Khi tôi vừa đặt chân tới Thái Lan tôi nhận được nhiều tin tức bên nhà như Thượng tọa Thiện Minh, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Mục sư Nguyễn Hồng Quang, luật sư Nguyễn Bắc Truyển thông tin với tôi là hiện tại công an Việt Nam đang truy tìm tôi rất nhiều. Họ cũng ra cái giá rất cao để ai biết được tôi ở đâu.”

Ông Nguyễn Đức Vinh thì xác nhận: “Tòa đại sứ Mỹ ở đây họ cũng xác nhận chuyện đó thành ra anh em sợ quá chia thành bốn nhóm phân tán ra. Những anh em ở bên kia cho biết như vậy.”

Với những khó khăn trước mặt hầu như cả ba người đều cho là khó có hy vọng gì khi mà không một trại tỵ nạn nào dung chứa họ. Cao Ủy chỉ làm bổn phận sơ vấn rồi phỏng vấn rồi chờ đợi nước thứ ba cấp cho họ quy chế tỵ nạn.

Tình trạng kinh tế là điều đáng sợ nhất khi túi không còn tiền, thực phẩm không được cung cấp và chỗ nương thân thì phải thuê mướn. Anh Nguyễn Ngọc Huy cho biết:

“Thật ra khi qua đây cũng có cầm được một ít tiền từ Việt Nam qua rất cố gắng dành dụm để xài trong những ngày tới nhưng mà sắp hết rồi cuối tháng này không còn nữa. Mấy anh em chỉ biết san sẻ và đùm bọc lấy nhau. Hiện tại ở Thái Lan có khoảng 10 gia đình, nếu tính số nhân khẩu thì khoảng 25 tới 30 người.”

Riêng ông Nguyễn Đức Vinh thì xác nhận: “Nói chung thì kỳ này qua bên đây đâu còn trại tỵ nạn đâu. Cao Ủy nhận đơn của mình và đồng thời trong thời gian chờ đợi họ sơ vấn và phỏng vấn thì mình tự lo mọi việc, tất cả đều phải tự túc.”

Họ bắt tôi lên làm việc, thẩm vấn tôi liên tục và gia đình của tôi cũng không tránh khỏi. Con gái tôi cũng bị nhà trường đuổi học cho nên tôi cảm thấy quá sức chịu đựng nên mới ra đi.

Chị Thu Trâm

Mặc dù may mắn được phỏng vấn nhưng kết quả vẫn còn trong tay của văn phòng Cao Ủy, chị Thu Trâm chia sẻ suy nghĩ của mình khi nằm trong tình trạng khá căng thẳng này, chị nói:

“May mắn là khi qua đây tôi được một mục sư cũng tỵ nạn người VN ông đã trình bày và viết thư cho Cao Ủy Tị Nạn vì tôi không biết tiếng Thái lẫn tiếng Anh. Riêng tôi thì đã được phỏng vấn nhưng những anh em khác thì chưa được.Tôi đi chui nên cảnh sát di trú Thái muốn bắt tôi bất cứ lúc nào mặc dù tôi đã được phỏng vấn. Thậm chí kể cả những người đã được cấp quy chế tị nạn rồi thì đối với họ vẫn có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Những ngày sống ở đây cũng nhờ sự bảo bọc của anh em đi chung với tôi đùm bọc lẫn nhau. Với chúng tôi thì Thái lan này rất xa lạ chúng tôi cũng không quen biết ai hơn nữa tôi là con cái của Chúa cho nên khi qua đây thì được mục sư giúp đỡ bữa cháo bữa rau nên sống qua ngày còn hơn là ở tại Việt Nam để vào tù.”

Ba mươi tháng Tư năm nay là đã 36 năm nhưng vẫn còn có người muốn thoát ra khỏi đất nước của mình thì cũng là điều mà chính phủ cần nghiêm túc xem xét lại. Tự do phát biểu ý kiến trong nước nếu bị cấm đoán thì họ phải tìm tới nơi khác để mà thực hiện cái quyền căn bản này.

Dư luận thế giới không làm ngơ trước những áp bức và khi tiếng nói của những người dân bé mọn thay nhau nổi lên đó là lúc bất cứ một chính phủ nào cũng phải dè chừng mà xem lại chính sách của mình đối với dân chúng của họ.

Theo dòng thời sự:


No comments:

Post a Comment