Tuesday, November 13, 2012

Nợ xấu như... Ruồi!: tổng hợp tin


Ngân hàng Nhà nước: 'Nợ xấu tăng 66%'

BBC - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết nợ xấu tiếp tục tăng và không dễ giải quyết trong phiên trả lời chất vấn của Quốc hội sáng 13/11. Theo công bố của ông Nguyễn Văn Bình, tỷ lệ nợ xấu tính đến tháng Chín năm nay chiếm 8,82% tổng số nợ hiện tại, gần gấp đôi con số các ngân hàng đưa ra. Trong năm ngoái, nợ xấu tăng 64% và đến 10 tháng đầu năm nay thì nợ xấu tăng khoảng 66%.
Ông Bình cũng cho biết đây là tỷ lệ "hợp lý hơn cả" giữa các cách tính khác nhau trên toàn hệ thống. 

Hiện tại, tổng dư nợ tín dụng cả nước đạt khoảng 2,7 triệu tỷ đồng, trong đó có hơn 66% được đảm bảo bằng bất động sản. 

Trách nhiệm về ai? 

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về nguyên nhân của tỷ lệ nợ xấu hiện tại, vị Thống đốc cho biết chất lượng tín dụng ở nhiều ngân hàng, đặc biệt là các tổ chức tín dụng cổ phần nhỏ thì chất lượng tín dụng "hết sức nguy hiểm". 

Tính đến 30/9, mức nợ xấu mà các ngân hàng báo cáo là 4,93%, trong đó "có tổ chức báo cáo nợ xấu chỉ 1-2%, rõ ràng hơn thì trên 3% nhưng thanh tra kiên quyết thì nợ xấu lại lên đến vài chục phần trăm," ông nói. 

Ông Bình cho rằng, nợ xấu tăng cao như hiện nay trước hết là trách nhiệm của các tổ chức tín dụng.

"Họ thậm chí phải dùng luôn vốn tự có, vốn điều lệ để đi xóa nợ. Lúc đó, các cổ đông phải chấp nhận bán tài sản để xử lý nợ xấu," Thống đốc bình luận. 

Cũng theo ông Bình, tỷ lệ huy động vốn huy động của nhiều ngân hàng tại Việt Nam hiện tại ở khoảng 93-96%, cao hơn so với mức 60-70% trên thế giới. Trước đây, tỷ lệ này thậm chí còn hơn 100%, điều này khiến các ngân hàng dễ thiếu thanh khoản. 

Ngoài ra, các ngân hàng quốc tế thường trích ít nhất 30% để đầu tư vào công cụ có thanh khoản cao, trong khi các ngân hàng Việt Nam hoàn toàn đầu tư vào tín dụng. 

Các nhóm nguyên nhân gây nợ xấu còn lại, theo ông, bao gồm các doanh nghiệp vay vốn, cơ chế chính sách vĩ mô và phát triển ngành, môi trường kinh doanh trong cũng như ngoài nước và quá trình thanh tra giám sát. 

‘Có thể giải quyết được’ 

"Nợ xấu có thể giải quyết được, mặc dù không dễ dàng,” ông Bình khẳng định. 

Tổng số nợ cơ cấu lại đã tăng từ 36 nghìn tỷ từ 30/6 đến 252 nghìn tỷ tính đến 30/9, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước. 

"Nếu không có giải pháp quyết liệt như này, nợ xấu của các tổ chức tín dụng không chỉ là 4,93%", ông nói. 

Các tổ chức tín dụng đang là nguyên nhân chính cho tình trạng nợ xấu, theo ý kiến của thống đốc Ngân hàng Nhà nước 

Ông Bình cho rằng với mức trích lập dự phòng rủi ro chiếm 2,5-3% nợ xấu, "nợ xấu có thể bị làm cho chững lại, không gia tăng". 

Thống đốc cũng cho biết thêm mức dự phòng rủi ro được trích lập hiện tại là 75 nghìn tỷ đồng, riêng trích lập dự phòng rủi ro mới đã tăng 14 nghìn tỷ, trong đó có 12 nghìn tỷ đồng được xử lý từ số dự phòng này. 

Cao nhất Đông Nam Á 

Việt Nam là nước có tỷ lệ nợ xấu cao nhất khu vực Đông Nam Á. 

Tỷ lệ nợ xấu những năm qua tăng cao trong bối cảnh tín dụng được bơm bừa bãi để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. 

Bối cảnh u ám của kinh tế toàn cầu cũng như trong nước trong năm nay đã hạn chế đáng kể khả năng giải quyết nợ xấu của nước này. 

Số liệu từ phía chính phủ Việt Nam cho thấy tỷ lệ hàng tồn động hiện tại là 20,3%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước. 

Ông Nguyễn Văn Bình là người chịu trách nhiệm tái cơ cấu ngân hàng và củng cố thể độc quyền của nhà nước về vàng, vốn đang gây nhiều tranh cãi. 

Ông đã hứa sẽ cải thiện vấn đề nợ xấu bằng cách giới thiệu những gói kích thích nhu cầu mua nhà, cũng như cộng tác với bộ tài chính, công nghiệp và kế hoạch để giải quyết các vấn đề liên quan. 

Vào tháng Chín, hãng xếp hạng tín dụng Moody's hạ bậc tín nhiệm đối với Việt Nam xuống mức thấp nhất từ trước đến giờ với lý do hệ thống ngân hàng cần "sự hỗ trợ đáng kể".


*

Thống đốc Bình xin nhận một nửa giải Nobel

Trương Duy Nhất - Hôm qua 13/11/2012, trả lời chất vấn của đại biểu Trần Du Lịch về sự điều hành kém cỏi của ngành ngân hàng trong mục tiêu kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng, ổn định tỷ giá và câu chuyện quản lý vàng, Thống đốc ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình đã dẫn lại lý thuyết “bộ ba bất khả thi” nổi tiếng trong kinh tế học (không thể đồng thời thực hiện chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng và ổn định tỷ giá cùng lúc), và cười đùa rằng ông xin nhận một nửa giải... Nobel! 

Ông nói: "Người ta tìm ra bộ 3 bất khả thi giữa tăng trưởng, lạm phát và tỷ giá, ông đó được quốc tế cho giải thưởng Nobel. Vậy mà hiện nay chúng ta phải vừa làm sao kiềm chế được lạm phát mà vẫn phải tăng trưởng. Tôi đã có lần nói đùa với Chủ tịch quốc hội là em chỉ cần nửa giải thưởng Nobel cũng được, nếu em làm được một trong hai" (Vnexpress

Trước đó không lâu, ông Bình bị tạp chí Global Finance xếp là 1 trong 10 Thống đốc ngân hàng quốc gia tồi tệ nhất thế giới trong năm 2012. 

Như vậy tính đến nay, Việt Nam đã có 3 “khát vọng Nobel”: Đinh La Thăng (xem bài Đinh La Thăng và khát vọng Nobel), nhà thơ “thiên giáng” Hoàng Quang Thuận (xem bài Hoàng Quang Thuận và dự án Nobel thơ) và đến nay là Thống đốc Nguyễn Văn Bình.



*

“Thống đốc quá lạc quan về nợ xấu!”

Thái Phương (NLĐO) – Chiều ngày 13-11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục chất vấn Thống đốc Nguyễn Văn Bình. Nội dung chất vấn tập trung nhiều vào vấn đề nợ xấu ngân hàng,quản lí thị trường vàng,lợi ích nhóm trong hoạt động ngân hàng, kinh doanh vàng... 

“Tôi ngồi nghe thống đốc trình bày về nợ xấu, quản lý vàng mà có cảm nhận, dường như thống đốc trình bày theo logic của mình chứ không phải theo logic cuộc sống. Đề nghị thống đốc làm rõ, vấn đề nợ xấu có nghiêm trọng không mà phải lập công ty mua bán nợ, phải cần cả hệ thống chính trị giải quyết” – Đại biểu Trần Du Lịch chất vấn. Ông Trần Du Lịch nói thêm: Vậy nợ xấu có nghiêm trọng đến mức cả nền kinh tế không hấp thụ được không? Các biện pháp siết tín dụng làm nền kinh tế điêu đứng, doanh nghiệp (DN) điêu đứng có đúng không? Huy động 400.000 tỉ đồng, riêng mua trái phiếu Chính phủ đã hết 183.000 tỉ đồng, phải chăng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) muốn giảm lãi suất nhưng thực tế điều hành lại không như vậy? Nghe Thống đốc trình bày, tôi mới hiểu tại sao DN điêu đứng. Nếu một cơ thể con người 1 ngày cần 1 lít nước, mà giờ chỉ còn 100cc, làm sao không co giật? Vấn đề nền kinh tế khó khăn có do chính sách điều hành tiền tệ? 

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Vấn đề nợ xấu có vẻ lạc quan qua trình bày của tôi, trong khi thực tế rất nghiêm trọng ảnh hưởng đến nền kinh tế. Nợ xấu sẽ tăng từng ngày từng giờ, nếu chúng ta không xử lý. Tốc độ tăng nợ xấu qua các năm rất nhanh và nếu không tái cơ cấu nợ xấu từ tháng 4 đến nay thì 252.000 tỉ đồng nợ xấu đã nghiêm trọng hơn. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cắt ngang: Câu chuyện nợ xấu nhận định không khác nhau nhưng Đại biểu Trần Du Lịch có vẻ không tin tưởng vào các giải pháp NHNN đưa ra, nên phải đưa giải pháp để đại biểu tin tưởng. 

Thống đốc: Có những giải pháp tự xử lý và giải pháp khác phải phối hợp. Việc tích cực cơ cấu lại nợ cho các DN, yêu cầu TCTD phải trích lập dự phòng rủi ro, không được chia lợi nhuận, thậm chí phải dùng vốn tự có để xử lý nợ xấu. Việc NHNN hút tiền về là do TCTD hiện nay dư tiền không đầu tư ra được mà vẫn trả lãi tiền gửi cho người dân. Nếu không có giải pháp xử lý khoản dư này, các TCTD sẽ quay sang kinh doanh ngoại tệ gây bất ổn thị trường. Vì vậy, chính sách của NHNN làm sao để tiền trên thị trường liên NH ổn định. Việc hút tiền về của NHNN là cực chẳng đã. 

Đại biểu Trần Du Lịch hỏi tiếp: Về vàng, tôi nghe trình bày giống như Thống đốc muốn tiêu diệt thị trường vàng chứ không phải bình ổn thị trường vàng. Bởi theo Nghị định 24, Thống đốc nói rằng không huy động vàng nữa, Thủ tướng có biết không? Bảo rằng trước đây không có quản lý vàng, chỉ đến khi Thống đốc lên mới quản lý thì bất công cho Chính phủ quá? 

Đáp lời, thống đốc cho rằng: Giá vàng thế giới hiện đang biến động mạnh nên việc huy động vàng thời điểm này chỉ làm tăng thêm vàng hóa cho nền kinh tế, nên áp dụng quan hệ mua bán. Nghị định 24 được thảo luận từ năm 2009 sau khi chúng ta đóng cửa sàn vàng, vì lúc đó các quy định pháp luật quá bất cập. Các thực trạng này được đánh giá từ Chính phủ, các bộ ngành chứ không phải đánh giá của tôi - Thống đốc. Tôi không gắn gì với thời gian của tôi mà gắn với thời gian ban hành văn bản. Khi áp dụng các biện pháp như Nghị quyết 11, DN sẽ khó khăn. Đây là cái giá chúng ta phải trả để ổn định vĩ mô. Từ tháng 9-2011 đến nay – từ khi tôi làm thống đốc, lãi suất chỉ giảm, các đối tượng ưu tiên đều được vay lãi suất thấp. 

Không bằng lòng với cách trả lời của thống đốc, đại biểu Trần Du Lịch nói rằng: Tốc độ tăng tín dụng năm ngoái hơn 10%, mỗi tháng bơm ra 50.000 tỉ đồng. Năm nay chỉ vài phần trăm vẫn hợp lý là vì sao? Mục tiêu thị trường vàng biến động chênh lệch dưới 400.000 đồng/lượng, giờ không làm được thì sao? 

Thống đốc: Năm ngoái, tăng trưởng tín dụng 14%, không mua được trái phiếu Chính phủ. Năm nay, tính cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp qua hệ thống NH khoảng 10%, đảm bảo với tốc độ tăng trưởng kinh tế 5-5,5%.

Việc chênh lệch giá 400.000 đồng/lượng với giá vàng thế giới tôi đã giải thích từ sáng giờ nhưng có lẽ... năng lực giải thích của tôi có hạn nên đại biểu chưa hiểu.

Nghị trường "nóng" hẳn lên khi các đại biểu chất vấn về quản lý vàng 

Không có độc quyền doanh nghiệp vàng!

Nhiều đại biểu hỏi: Tại sao bắt người dân chuyển đổi vàng phi SJC sang vàng SJC? 

Thống đốc trả lời: Theo nghị định 24, không có chuyện phải chuyển đổi sang vàng SJC, mà sau ngày 25-5 tất cả các loại vàng miếng khác vẫn lưu thông bình thường. Và người dân có quyền trong việc nắm giữ, tích trữ, mua bán vàng. 

Độc quyền vàng là độc quyền nhà nước chứ không có độc quyền DN. Sau ngày 25-5, tất cả DN được dập vàng trước đây đều ngưng nên không có chuyện độc quyền DN, chỉ được phép kinh doanh vàng miếng, tranh sức mỹ nghệ… 

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng: Có liên thông thị trường vàng trong nước và thế giới? 

Thống đốc: Đề án từng bước chống vàng hóa nền kinh tế đang được NHNN tiến hành. Nếu đặt vấn đề giá vàng trong nước phải liên thông với thế giới sẽ làm bất ổn kinh tế vĩ mô, vàng hóa tăng lên. Khi có nghị định 24, từng bước ngăn chặn điều này nên chúng ta không đặt vấn đề liên thông. 

Năm 2008, chúng ta từng đặt vấn đề này và cho phép nhiều TCTD, DN mở tài khoản vàng kinh doanh vàng với nước ngoài… gây ra sự đầu cơ, đánh bạc với vàng thu hút lượng tiền rất lớn và gây rủi ro. Khi đó, Chính phủ quyết định đóng cửa sàn vàng bất chấp phản ứng. Liên thông về giá vàng chúng ta không đặt ra, nhưng bình ổn giá vàng là trách nhiệm của NHNN. Đến khi thị trường vàng chuyển sang quan hệ mua bán, NHNN sẽ can thiệp vào thị trường vàng theo cách bán ra hay mua vào, đảm bảo mụa tiêu chính sách tiền tệ, tăng thêm dự trữ ngoại hối bằng vàng và bình ổn thị trường này. 

Còn thời gian qua, vì sao NHNN không can thiệp? Ta thấy rằng, giá vàng tăng cao nhưng không có hiện tượng sốt vàng, người dân không mua vàng tại sao giá vàng lại tăng cao thế? Thống đốc tự dẫn giải, đối tượng thiệt hại nhất trong cơn sốt giá vàng vừa qua là các TCTD, nhưng làm ăn lãi lỗ là bình thường. Bởi trước đây, TCTD đã bán vàng của dân lấy tiền đồng cho vay hưởng lãi suất rất cao, nay bị lỗ nên phải chấp nhận. Thậm chí, NHNN đã chịu rất nhiều “tai tiếng” liên quan đến vàng, một số TCTD gây áp lực buộc phải nhập khẩu vàng nhưng chúng tôi kiên quyết không nhập. 

Có lợi ích nhóm hay không trong xử lý nợ xấu?

Xung quanh vấn đề này, Thống đốc giải thích: Trong các đợt thanh tra NH yếu kém, chúng tôi đã thanh tra 27 TCTD toàn diện – lớn nhất từ trước đến nay. Trong đó, một số TCTD bị chi phối bởi một nhóm cổ đông nên tỉ lệ nợ xấu rất cao, thậm chí có nhóm cổ đông chiếm tỉ lệ dư nợ đến 90% tại một TCTD, phần lớn liên quan đến bất động sản. Vì vậy, tỉ lệ nợ xấu của nhóm khách hàng này tăng nhanh khiến TCTD bị thua lỗ thời gian qua… Trong quá trình phát triển quá nóng, công tác thanh tra giám sát của hệ thống NH, TCTD còn yếu kém, không phát huy hiệu quả. 

Về công ty mua bán nợ, Thống đốc cho rằng, đây không phải là mô hình của NHNN mà của Chính phủ nhằm góp phần xử lý nợ. Việc thành lập công ty mua bán nợ xấu cũng chỉ là 1 trong các giải pháp mà chúng ta đã bàn từ mấy hôm nay. Công ty này chưa thành lập và do Chính phủ thành lập nên không thể nói về lợi ích nhóm 

Trong những giai đoạn thị trường tài chính có nhiều bất ổn, NHNN được áp dụng nhiều biện pháp hành chính. Trong thị trường vàng hiện nay, nếu coi việc độc quyền dập vàng miếng là biện pháp hành chính cũng là đúng. Chẳng hạn, áp trần lãi suất dù còn nhiều ý kiến phản ánh nên dù có hành chính nhưng chúng ta có mặt bằng lãi suất cho vay để đáp ứng nhu cầu vốn kinh tế. NHNN đang áp dụng các biện pháp để kinh tế vĩ mô ổn định, bởi dù thanh khoản đã ổn định nhưng rất mong manh. 

Một số đại biểu tỏ ra chưa thỏa mãn với câu trả lời của thống đốc 

Đại biểu Vũ Hương Sen hỏi tiếp: Tài sản thế chấp có dễ bán không và nếu bán có đủ bù đắp cho khoản vay không? Nợ xấu cao có sự tiếp tay của NH, cán bộ NH không? 

Thống đốc nói: Việc trích lập dự phòng rủi ro không liên quan đến khoản vay có tài sản đảm bảo hay không, tài sản chỉ giúp TCTD lấy lại một phần tổn thất đã mất. Như tôi đã nói, một số TCTD bị chi phối bởi một nhóm cổ đông. Nên dù cán bộ cấp dưới biết nhưng không làm gì được và nợ xấu rơi vào một nhóm cổ đông chi phối. 

Về dư nợ bất động sản: Đúng là thời gian trước, một nguồn vốn rất lớn thông qua hệ thống tín dụng đổ vào bất động sản, là trách nhiệm của nhiều phía. Ngay việc để thị trường này thành "bong bóng" lớn cũng có phần trách nhiệm của TCTD. 

Về thị trường liên NH: Các NH cho vay mượn luôn đứng trên quan điểm không đổ vỡ. Nên dù NH A yếu kém nhưng vẫn vay được và dùng số lượng vốn trên liên NH để kinh doanh, đầu tư cho vay lại khách hàng. Đây là thực tế và là vấn đề nhức nhối mà NHNN đang xử lý. 

Có tiêu cực trong tái cơ cấu NH thương mại? 

Thống đốc cho rằng: Tái cơ cấu bám sát đề án 254 về tái cơ cấu các TCTD. Từ khi có đề án, NHNN mới triển khai bước 1 là vạch rõ yếu kém của từng NH và tự khắc phục. Nếu các NH tự xoay sở, bán tài sản của mình, tìm cổ đông mới… sẽ tự tái cấu trúc. NHNN chưa ép NH nào nên không thể nói có lợi ích nhóm hay không lợi ích nhóm ở đây. Riêng về lĩnh vực NH, các quy định về NH của nhà nước là rất chặt chẽ. Mỗi lần chúng tôi xuống thanh tra, kết luận thanh tra bao giờ cũng được thông qua HĐQT của TCTD và TCTD có thể khiếu nại trong vòng 90 ngày. 

Đại biểu Trần Ngọc Niễn: Dư luận đang đồn đoán rằng, trong NH có lợi ích nhóm, thống đốc cũng nói rằng có lợi ích nhóm trong lĩnh vực bất động sản. Vậy các lĩnh vực khác thì sao?

Thống đốc: Với trách nhiệm thống đốc, tôi chủ động trong lĩnh vực phụ trách, những biện pháp chung phải phối hợp còn do ý chí chung của các bộ ngành. Một mình NHNN không thể xử lý được nợ xấu mà phải cả hệ thống. 

Có tiêu cực hay không trong cán bộ NH?

Có, trong các đợt thanh tra, một số nhóm cổ đông tại một số TCTD có công ty sân sau nên đánh giá tài sản cao hơn giá trị thật. NHNN đã xác định rõ sai phạm và đề nghị khắc phục trước khi chuyển sang pháp luật nếu có thất thoát. 

Có lợi ích nhóm trong lĩnh vực NH hay không? 

Có lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực nhất định, cả một NH phụ thuộc vào một vài cổ đông, phục vụ cho mình và khách hàng của mình là lợi ích nhóm. Hiện các bên sai phạm phải tự khôi phục tài chính, đảm bảo tiền của người dân, nếu sai phạm nghiêm trọng sẽ chuyển sang hình sự. 

Đại biểu Lê Thị Nguyệt: Tín dụng đen tràn lan thị trường, thanh khoản dễ hơn NH, trách nhiệm của thống đốc về vấn đề này?

Thống đốc: Các TCTD hiện quan tâm đến chất lượng tín dụng, nhiều khách hàng có nhu cầu nhưng không đáp ứng được yêu cầu nên không vay được. Hiện NHNN đang phối hợp với quản lý thị trường, công an xử lý, phát hiện. 

Liên quan đến câu chuyện giãn, giảm nợ cho các DN nuôi trồng thủy sản? 

Theo Thống đốc, ngày 20-8, NHNN đã có văn bản hướng dẫn cho các NH thương mại nhà nước thực hiện chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ các DN. Đến 31-10, số nợ gia hạn (các khoản nợ đến hạn) trên 12 tháng là là 1.216 tỉ đồng, cho vay mới trong hơn 2 tháng là 21.111 tỉ đồng. Vừa qua, NHNN tiếp tục có văn bản yêu cầu 5 NH thương mại nhà nước triển khai quyết liệt hơn. Thời gian qua, giá cá tra, cá basa xuống thấp gây lỗ cho DN và người dân và tình trạng thua lỗ của các DN ảnh hưởng đến lòng tin của người dân. Một số DN có nhu cầu vay vốn nhưng thực trạng tài chính quá yếu kém và phương án vay vốn chưa tốt. Lãi suất cho vay từ 11%/năm trở xuống nhưng thực tế cơ cấu lãi suất cho vay này hiện không có nhiều. 

Đại biểu có hỏi lĩnh vực cho vay nông nghiệp nông thôn liệu có tiêu cực? 

Theo Thống đốc, đây là lĩnh vực cứu cánh của nền kinh tế thời gian qua. Chỉ tính riêng từ năm 2009 khi có chính sách ưu tiên cho vay lĩnh vực này, dư nợ tín dụng đã tăng gấp đôi. Năm nay, cả hệ thống tăng trưởng tín dụng chỉ 3,3% nhưng riêng lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng đến 5,3%, thủy sản, cà phê… dư nợ tín dụng tăng mạnh. Còn chuyện cho vay 10 triệu đồng, bắt giữ lại 1 triệu đồng? Đây là hành vi trái pháp luật và chúng tôi kiên quyết đấu tranh với hành vi này. Thống đốc nhấn mạnh, nếu khi thanh tra chưa phát hiện ra, các cử tri, đại biểu phát hiện được, NHNN sẽ chấn chỉnh, xử ngay theo quy định pháp luật. Hiện riêng với lĩnh vực nông thôn, NHNN đã gửi văn bản riêng cho các đại biểu, cho phép giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh, TP tham gia họp cử tri để nắm bắt. 


*

“Có lợi ích nhóm trong hệ thống ngân hàng”

VOV -Nhiều tổ chức tín dụng bị chi phối bởi 1 nhóm cổ đông, giữ chức danh lãnh đạo trong tổ chức

Ngay từ những câu hỏi đầu tiên của phiên làm việc chiều nay, đại biểu Quốc hội chất vấn Thống đốc: Có hay không lợi ích nhóm trong hoạt động các ngân hàng thương mại? 

Trả lời câu hỏi này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình thừa nhận: “Có lợi ích nhóm trong hệ thống các tổ chức tín dụng. Qua thanh tra 27 tổ chức tín dụng trên toàn quốc, thanh tra ngân hàng thấy nổi lên vấn đề có nhiều tổ chức tín dụng bị chi phối bởi 1 nhóm cổ đông, giữ chức danh lãnh đạo trong tổ chức tín dụng”. 

Thống đốc cho hay: “Dư nợ cho vay nhóm cổ đông này chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng dư nợ, có lúc lên tới 90%, vi phạm nghiêm trọng quy định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước”.

Chính dư nợ của tổ chức tín dụng (TCTD) nằm trong 1 nhóm khách hàng lại liên quan đến bất động sản còn đang đóng băng làm tỷ lệ nợ xấu tăng lên rất nhiều, làm nợ cấu tăng, thua lỗ thời gian qua. 

Nguyên nhân để xảy ra tình trạng này, theo Thống đốc Bình là do quá trình phát triển quá nóng vừa qua cộng với công tác thanh tra giám sát của các tổ chức tín dụng rất yếu kém. 

“NHNN sẽ tiến hành thanh tra triệt để để có biện pháp xử lý. Nếu chỉ vi phạm pháp luật về dân sự, kinh tế, NHNN thống nhất để các đối tượng có thể khắc phục những sai phạm của mình, làm sao để khôi phục lành mạnh tình trạng tài chính, để tiền của dân và Nhà nước được đảm bảo”, Thống đốc nói. 

Câu trả lời của Thống đốc chưa thỏa đáng nên đại biểu Quốc hội tiếp tục chất vấn: Thống đốc khẳng định có lợi ích nhóm trong hệ thống NH đối với bất động sản, còn các lĩnh vực khác thì sao? 

Thống đốc trả lời: “Có lợi ích nhóm trong hệ thống NH. Cả một NH phụ thuộc vào vài ông, quyết định hết tất cả các vấn đề để phục vụ cho lợi ích của mình”. 

Trước đó, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương - Ninh Thuận đặt câu hỏi: Có hay không yếu tố lợi ích nhóm trong các tổ chức tín dụng trong việc chọn các đối tượng nợ xấu để lấy nguồn dự phòng để xử lý nợ. Tuy nhiên, câu hỏi này của đại biểu lại chưa được Thống đốc trả lời./. 


No comments:

Post a Comment