"...hãy nhìn bước chân của người đàn ông quần âu đen này, chúng ta hình dung ai có thể bước qua một người già đang nằm như vậy?..."
Người Buôn Gió - Chiều nay nghe điện thoại tiếng ai gấp gáp báo:
- Anh là cháu cụ Đức phải không.? Cụ bị đánh ở vườn hoa Lý Tự Trọng ngã lăn quay đang nằm, anh ra đi.
Vội mặc quần áo lấy xe, ra đến nơi thấy cụ Đức đang nằm trên ghế, gối đầu vào lòng một người phụ nữ dân oan khiếu kiện.
Nhìn xung quanh, thấy một tốp thanh niên đứng gườm gườm nhìn mình, sau đó hai người lấy máy quay phim ra ghi hình. Một người mặc áo kẻ áp sát xem mình (mình đội mũ trắng) nói gì với cụ Đức.
Hỏi chuyện mới nghe người dân kể, có một ông cụ bị đánh đi viện, cụ Đức nghe tin đến rồi bị xô đẩy ngã đập đầu xuống hè đường. Giờ cụ nằm đây, bảo công an đưa đi viện thì chả ai đến, đến cụ chúng nó còn làm thế huống chi là chúng tôi.
Thỉnh thoảng có người xưng an ninh, đến bảo cụ về đi, đôi co rồi họ lại đi mất. Cách một quãng thì một đống thanh niên tụ tập gườm gườm nhìn những người dân.
Cảnh sát áo xanh thì đứng cách vào chục mét cạnh cái ô tô nói cười như không có chuyện gì, gần đó là xe cảnh sát nhỏ như xe dip có một cảnh sát ngồi trong. Dường như họ không cần biết bà cụ già đang nằm đó với bao người đang vây quanh. Cụ Đức bảo gọi điện cho ông này, bà nọ. Mình can là gọi chả đứa nào nó đến đâu, thôi cụ để con gọi xe đưa cụ đi viện. Nói mãi đến khi Lê Dũng đưa xe đến cụ mới cho bế cụ lên xe.
Đây những chàng trai trẻ của nước CHXHVN, họ chứng kiến một cụ già đang nằm ở vườn hoa kêu đau. Việc của họ như những người thợ săn, họ đứng nhìn con mồi kêu la, để xem đồng loại của con mồi đến giúp. Họ sẽ quay phim, ghi hình báo cáo lập hồ sơ, có thành tích.
Quay lại chuyện vì sao cụ Lê Hiền Đức ra đây, bởi cụ thấy người dân đưa lên mạng tấm hình một người đàn ông đang nằm ở vườn hoa, theo như họ kể là bị một số người thanh niên mặc thường phục tấn công.
hãy nhìn bước chân của người đàn ông quần âu đen này, chúng ta hình dung ai có thể bước qua một người già đang nằm như vậy.?
Nhưng tất cả điều trên xảy ra ngày hôm nay chưa bằng đôi mắt của người đàn ông đang nằm kia. Đôi mắt không mang vẻ đau đớn về thể xác nữa, đôi mắt chứa đựng một sự ai oán với cõi đời này. Đôi mắt của người mang nhiều cay đắng, chua chát trong cõi đời và vác chúng đi hôm nay đã đi tận cùng của hy vọng, để lại nỗi tuyệt vọng chứa chan trong đong đầy trong đó. Đôi mắt của người không còn nơi hy vọng, cậy trông, đôi mắt của một người cao tuổi đi gần hết cuộc đời, lúc nằm trên nền gạch giữa đường, dường như mới ngộ ra cuộc đời này không có công bằng. Mọi sự đấu tranh để đòi điều ấy đều là vô nghĩa.
Cái dáng nằm và đôi mắt của ông không còn sự tha thiết với cuộc đời này nữa, giá như người ta có dẫm chết, đánh chết ông lúc này cũng không làm ông bận tâm. Sự uất hận, buồn đau đã đi đến tận cùng để ánh lên trong đôi mắt người đàn ông gầy gò, mái tóc bạc ấy một cái nhìn trống rỗng với thế nhân trong một chiều cuối thu giữa lòng thủ đô Hà Nội. Nơi ngàn năm văn hiến, công bằng, dân chủ, văn minh.
Người ta có thể dựng vở kịch nào đó để vu cho ông. Nhưng nếu bạn là con người, chỉ cần bạn nhìn vào đôi mắt ấy bạn sẽ hiểu được sự thật, không cần phải nghe hay xem, đọc ở đâu.
Đôi mắt dường như muốn nói rằng :
- Không có công bằng cho người oan khuất, không cả thần linh cho người cô thế....
No comments:
Post a Comment