Sunday, November 4, 2012

Vụ Nguyễn Phương Uyên: Tôi vẫn tin ở cô bé


J.B Nguyễn Hữu Vinh - Giả sử cô bé có mệnh hệ nào như “tự tử” chẳng hạn, thì gia đình, bạn bè cũng đành chấp nhận chứ biết kêu ai giữa trời? Bao nhiêu tấm gương những người đang yêu đời khỏe mạnh bỗng dưng đến đồn công an rồi thích tự tử vẫn còn đó, chắc tuổi sinh viên ngày nay cô không thể không cập nhật. Và cô cũng thừa hiểu rằng nếu cô “chán sống”, nếu cô thích “tự tử” ở đồn công an, thì chắc chắn chẳng ai biết cô đang ở đâu mà tìm. Ngay cả đồn công an nơi bắt cô ban đầu cũng đã chối phăng là không có vụ việc bắt giữ nào cơ mà. Do vậy, việc cô nhận tội là điều hoàn toàn không có gì khó hiểu...
*

Ngày 14/10/2012 Nguyễn Phương Uyên, cô sinh viên 20 tuổi, cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ở một trường Đại học bị bí mật bắt đi. Gia đình đến tận nơi công an hỏi thì không được trả lời, thậm chí câu trả lời là không biết. Sau một quá trình gia đình, bạn bè tìm kiếm và thông tin loạn lên trên mạng, thì cuối cùng cơ quan Công an cũng phải thừa nhận là đã bắt cô chuyển về Long An. Giới trí thức đã phản ứng dữ dội với việc làm khuất tất này và hết sức lưu ý tới số phận của một sinh viên trẻ tuổi. Một số lá thư, kiến nghị đã được gửi đến các cơ quan chức năng. Đỉnh cao là lá thư của 144 nhân sĩ, trí thức gửi đến đích danh Chủ tịch nước về trường hợp này. 

Bắt người theo luật pháp quy định và quyền con người? 

Thế rồi, ngày 3/11/2012, nghĩa là 3 tuần sau khi cô gái bị bắt cóc khuấy động dư luận xã hội, báo chí nhà nước loan tin có cuộc họp báo của Công an Sài Gòn và Long An về vụ bắt giữ này. Buổi họp báo cũng cho biết: “Ngày 19-10, cơ quan ANĐT Công an tỉnh Long An ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng” cô sinh viên và anh bạn của cô. Như vậy, việc bắt cóc và giam giữ đã được tiến hành trước khi khởi tố vụ án là 5 ngày. 

Cảnh một lần bắt giữ Paulus Lê Sơn, một Thanh niên Công giáo đang ở trong tù.

Khỏi phải bàn đến việc cơ quan công an là cơ quan thi hành pháp luật đã tiến hành bắt người, (dù là tội phạm đi nữa) nhưng không theo trình tự pháp luật mà theo hình thức bắt cóc. Điều này đã gây nên sự phản ứng dữ dội trong dư luận xã hội. Việc bắt cóc theo hình thức này, không chỉ đã nói lên sự tùy tiện bất chấp luật pháp trong cách làm việc của nhiều cơ quan công an, không chỉ ở Sài Gòn mà đã xảy ra nhiều nơi. Các thanh niên Công giáo hiện đang bị giam cầm hơn một năm chưa đưa ra xét xử đã bị bắt như thế. Mà việc bắt cóc người dân, cũng đã thể hiện sự bất lực của lực lượng công an đã không thể hành xử được đàng hoàng, đúng pháp luật ngay chính với công dân của mình. Đó là sự chà đạp lên cái gọi là “Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa” đang luôn được rêu rao. 

Tờ Người Lao động đưa tin: “Theo bản tự khai của đối tượng Uyên, mục đích của việc dán cờ 3 sọc, truyền đơn với nội dung chống phá và tranh biếm họa rồi chụp đưa lên mạng Internet là nhằm làm cho công an từ “cấp lớn đên cấp bé hoảng loạn đi điều tra”. Nếu căn cứ vào đó kết tội thì có lẽ đây là tội đùa giỡn với cơ quan công an, làm họ mất thời gian và mất việc vì mấy trò này. Kết quả của việc đó là công an không chỉ hoảng loạn đi điều tra mà còn hoảng loạn khi bắt người trái với các quy định của luật pháp. Bởi đơn giản rằng việc bắt cô không xảy ra khi đang quả tang phạm tội, dẫn chứng là đây“7 giờ 15 phút ngày 10-10, những người đi đường phát hiện tại khu vực cầu vượt An Sương (giáp quận 12 và huyện Hóc Môn – TPHCM) có nhiều truyền đơn mang tên tổ chức phản động ‘Tuổi trẻ yêu nước’ (TTYN) với nội dung chống phá Đảng và Nhà nước CHXHCN Việt Nam nên báo cho Công an quận 12. Nhận tin báo, các lực lượng chức năng đến hiện trường, thu gom được 723 tờ truyền đơn”. Nhưng, 4 ngày sau cô bé mới bị bắt đưa đi bí mật. 

Khi không bắt được quả tang phạm tội, mà phải dùng hình thức bắt cóc, thì rõ ràng đây là sự hoảng loạn và đạp bừa vào pháp luật. “Việc bắt người không phải trong trường hợp khẩn cấp mà không có lệnh bắt, không có quyết định, không thông báo cho gia đình người bị bắt là trái với quy định của pháp luật”. Luật sư Trịnh Ngọc Ninh- Giám đốc Công ty Luật hợp danh Hoàng Gia đã nói như vậy trong một trường hợp bắt người không có lệnh. Còn trên tờ tạp chí KHPL số 3(34)/2006 có bài viết “Quyền con người trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam” có những nội dung như sau: “Cán bộ thực hiện bắt người không có lệnh bắt, khi bắt không tôn trọng trình tự thủ tục bắt, bắt người không có sự chứng kiến của chính quyền, không lập biên bản khi bắt. Những việc làm này làm ảnh hưởng nghiêm trọng quyền con người, quyền công dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội”. Và “Điều 85 Thông báo về việc bắt quy định: Người ra lệnh bắt, cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay cho gia đình người bị bắt, chính quyền phường, thị trấn, hoặc cơ quan tổ chức nơi người đó cư trú hoặc làm việc biết.” 

Như vậy, việc cơ quan Công an đã bắt em Nguyễn Phương Uyên tạo nên những bức xúc xã hội là điều không khó hiểu. Tất nhiên, đây không phải là điều mới mẻ, không phải là lạ lùng gì trong đất nước này. Nhưng sự phản ứng của xã hội với vấn đề bất chấp luật pháp này đã nâng cao lên một bước lớn vừa qua. 

Nhận tội? 

Cù Huy Hà Vũ đã bị bắt khi công an cho rằng đã phát hiện ra hai bao cao su đã qua sử dụng. Kết tội là tuyên truyền chống lại nhà nước.

Cũng ngày 3/11, khi tổ chức họp báo, báo chí nhà nước còn được cơ quan công an xì ra cho những đoạn băng video cô bé và bạn cô nhận tội. Điều này cũng chẳng có gì khó hiểu. Với một cô bé mới 20 tuổi đầu, đang là sinh viên bỗng dưng bị bắt đi bí mật vào cơ quan công an với bao nhiêu “chiến sĩ, cán bộ tài giỏi với bao nhiêu kinh nghiệm đấu tranh”… thì điều gì cũng có thể. Giả sử cô bé có mệnh hệ nào như “tự tử” chẳng hạn, thì gia đình, bạn bè cũng đành chấp nhận chứ biết kêu ai giữa trời? Bao nhiêu tấm gương những người đang yêu đời khỏe mạnh bỗng dưng đến đồn công an rồi thích tự tử vẫn còn đó, chắc tuổi sinh viên ngày nay cô không thể không cập nhật. Và cô cũng thừa hiểu rằng nếu cô “chán sống”, nếu cô thích “tự tử” ở đồn công an, thì chắc chắn chẳng ai biết cô đang ở đâu mà tìm. Ngay cả đồn công an nơi bắt cô ban đầu cũng đã chối phăng là không có vụ việc bắt giữ nào cơ mà. Do vậy, việc cô nhận tội là điều hoàn toàn không có gì khó hiểu. 

Nhiều người, khi thấy báo chí đưa tin cô nhận tội, đã vội vàng có những thái độ không đúng mực với cô bé và những người tương tự. Xin thưa rằng, tất cả chúng ta, những người chưa phải trả giá bằng nhà tù, chúng ta đang nợ những người đã can đảm trả giá cho tấm lòng yêu nước, cho sự thật công lý bằng sự tù tội. Chúng ta không có quyền đòi hỏi họ phải chết để mình có quyền câm lặng. Tất cả mọi người đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Vì thế, đừng nhầm tưởng khi thấy hiện tượng nhận tội hay bị kết án. 

“Ngục sĩ” Thadeo Nguyễn Văn Lý, người đã từng trải qua nhiều nhà tù của chế độ cộng sản này, với bao kinh nghiệm tù đày đã phải tuyên bố rằng “Những lời nói và hành động của tôi sau khi bị bắt, đều không có giá trị” đó thôi. 

Tại sao? Cô bé Phương Uyên 

Ở đây, chúng ta không bàn về tội của cô ra sao, việc chống phá của cô bé 20 tuổi này ảnh hưởng an ninh chính trị thế nào với nhà nước. Bởi những điều đó, cơ quan công an và báo chí nhà nước thừa sức và đầy khả năng để làm “vượt yêu cầu”. 

Ở đây, chỉ bàn một vấn đề nhỏ: Phương Uyên là người như thế nào? 

Tờ báo Người Lao động đưa tin lời khai của cô như sau: “Do trong thời gian đó, tôi gặp khó khăn về mặt kinh tế, gia đình có nhiều chuyện xảy ra nên những việc làm này đều nhằm mục đích lấy lòng tên Nguyễn Thiện Thành để hắn cho máy laptop, điện thoại di động và hỗ trợ học (tiền, công việc)”. 

Từ trước đến nay, một cách dùng để tấn công những người không được nhà nước ưa thích là liên kết các việc họ làm với tiền, rằng những người có những hoạt động kiểu đó, chỉ là vì tiền mà thôi. Mà khi đã vì tiền, thì dễ nhận được những sự ganh ghét của những người không có cơ hội kiếm tiền trong xã hội. Bởi nhiều người, để kiếm được tiền, họ sẵn sàng làm những việc ghê tởm hơn cả việc rải vài tờ truyền đơn hoặc chụp mấy kiểu ảnh, nhưng khi không có khả năng, họ sẵn sàng chửi bới tất cả những ai có khả năng kiếm tiền dù bằng cách nào. Ở đây, tâm lý đó đã bị lợi dụng. 

Hoa khôi, người mẫu bán dâm 

Nhưng, nếu đây là sự thật (chỉ là “nếu”, bởi do báo nhà nước đưa ra, độ khả tín rất thấp) thì quả là đáng để nêu cao tinh thần hiếu học và vượt khó cũng như nhân cách của cô. Bởi đơn giản là với gương mặt thanh tú, xinh đẹp và tuổi trẻ chí khí, thông minh, nếu cô nhập vào đường dây bán trinh, bán dâm như thường thấy nhan nhản trong xã hội, thì chắc số tiền đi học và cái laptop chẳng mùi mẽ gì. Thậm chí biết đâu còn có cơ hội quen được những cán bộ cao cấp cỡ Nguyễn Trường Tô. Mà như vậy thì với chức danh cán bộ đoàn, cô sẽ có những bước nhảy vọt lên hàng quan chức lúc nào không hay. Khi đó, tiền nong lại là chuyện nhỏ. Thế là lại tha hồ đi văng miểng những lời hay ý đẹp, đạo đức cho thiên hạ. 

Còn nếu như chẳng may bị phát hiện thì cũng chỉ “được” đi giáo dục ở các Trại giáo dưỡng là cùng. Và với những cô gái ở đó, sắp tới họ sẽ ra trường hàng loạt một cách đầy tự tin, đúng pháp luật nhà nước. Cần gì cô phải gian truân mạo hiểm khẩu hiệu với cờ vàng cờ đỏ, với bom hoặc mìn? 

Vụ tấn công Nhà hàng Mỹ Cảnh ngày 28/6/1965 của biệt động thành Sài Gòn.

Bài báo còn thêm chi tiết anh bạn cô Phương Uyên còn “Chế tạo chất nổ để khủng bố!”. Chưa rõ với trình độ của anh bạn này siêu việt đến đâu mà từ mấy thứ hóa chất mua ở chợ lại có thể dễ dàng chế tạo được chất nổ? Đặc biệt là kíp nổ dùng điện thoại di động kích hoạt. Thậm chí, tờ báo còn nói rõ là đã thử nghiệm nổ thành công 3 lần tại Long An(?). Mức độ khả tín của thông tin này đến đâu? Nếu một người sửa chữa máy vi tính mà chế tạo được “kíp nổ kích hoạt bằng điện thoại di động”, thì Việt Nam cần gì hợp tác với nước nào chế tạo vũ khí, đạn dược? Nếu điều đó là sự thật thì hẳn các nhà chuyên môn vũ khí VN sẽ thừa sức chế tạo bom nguyên tử cũng nên. 

Đọc chi tiết này trên báo, một người có vẻ am hiểu giải thích: “Cũng có thể lắm, hai bao cao su đã qua sử dụng còn tham gia tội tuyên truyền chống nhà nước cơ mà. Ở đây, mọi điều đều có thể xảy ra”. 

Không rõ với những thứ đó, những vụ gọi là khủng bố sẽ lớn đến đâu? Hay đám này quá hăng hái mà học tập và làm theo gương của biệt động quân ta như đã từng đánh vào khách sạn Mỹ Cảnh ngày 28/6/1965 làm 40 người chết, hoặc trận tấn công vào ĐSQ Hoa Kỳ làm 22 người chết và 185 người bị thương vào ngày 30/3/1965… 

Báo viết rằng những tờ truyền đơn: “với nội dung xuyên tạc, bịa đặt chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng như quan điểm lệch lạc về Trường Sa – Hoàng Sa và biên giới trên đất liền giữa Việt Nam – Trung Quốc, đồng thời kích động người dân biểu tình chống lại nhà nước.” Vậy những tờ truyền đơn đó viết cụ thể là gì? Làm sao một cá nhân bịa đặt được chính sách tôn giáo? Họ đã xuyên tạc như thế nào? Họ có quan điểm như thế nào về Hoàng Sa – Trường Sa và biên giới mà được coi là lệch lạc? Họ cho rằng Hoàng Sa – Trường Sa là của Trung Quốc, Đài Loan hay của Mỹ? Tại sao các tờ báo này không hề nói đến? 

Tôi không tin một cô bé 20 tuổi, xinh xắn kia lại có thể “chống phá” được nhà nước “của dân, do dân, vì dân” với “Chánh nghĩa sáng ngời” – Nguyễn Minh Triết. 

Tôi không tin một chàng trai sửa chữa máy vi tính, lại có thể chế tạo thuốc nổ bằng vài thứ hóa chất, càng không thể tin được anh ta lại còn chế được cả kíp mìn kích nổ bằng điện thoại di động. 

Đọc những thông tin trên báo về nhân vật Nguyễn Phương Uyên, tôi càng tin ở cô bé, dù cô có nhận tội, dù báo chí có kết cho cô những tội thay tòa. 

Hà Nội, ngày 5/11/2012



No comments:

Post a Comment