Monday, November 12, 2012

Người Việt Khó Xóa Đi Hận Thù?







“Sau cuộc chiến, người ta biết xóa bỏ hận thù còn người Việt mình thì không”.

Chiến tranh đã ở lại sau chúng ta gần 40 năm rồi nhưng tại sao những hận thù đó vẫn chưa thể xóa bỏ và những người gánh chịu hậu quả của nó lại chính là những nạn nhân chứ không phải là kẻ chủ mưu của cuộc chiến này. Sau này lịch sử sẽ phán xét ai là người phát động cuộc chiến này. Trong bài viết ngắn này, tôi chỉ muốn đề cập đến hậu quả của nó mà cho tới giờ, hàng triệu người Việt Nam vẫn đang phải gánh chịu.Sau các cuộc chiến tranh, khi đã nắm được chính quyền thì những người lãnh đạo Việt Nam ở tất cả mọi thời kỳ đều dễ dàng dung tha cho kẻ thù ngoại xâm để giữ hòa hiếu nhưng để bù lại thì cực kỳ tàn bạo, dã man với những người trong nước đã đứng ở chiến tuyến bên kia, dù họ là đồng bào của mình. Câu truyện “Tấm Cám”, tuy chỉ là chuyện cổ tích nhưng đã phản án đúng thực chất đặc tính của người Việt. Cô Tấm đã có hạnh phúc nhưng không quên mối thù xưa và Cám phải bị trừng phạt với hình thức dã man nhất mà gần như không có truyện cổ tích nào trên thế giới có kết cục như vậy.

Sau năm 1975, có lẽ cũng vì đặc tính đó nên hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn những người đã làm việc cho chính quyền Sài Gòn phải đi cải tạo, mà thực chất là đi tù cho dù họ là nhân viên trong chính quyền hay là những người lính trực tiếp cầm súng. Chiến tranh đã hủy hoại hạnh phúc của gia đình họ để rồi khi đất nước thanh bình, những tưởng họ sẽ được đoàn tụ gia đình thì mong ước nhỏ nhoi này lại bị những người thắng trận hủy hoại một lần nữa, một sự hủy diệt triệt để về thể xác lẫn tinh thần, hủy diệt tương lai của bản thân và gia đình họ.

Ở đây tôi không có ý định phê phán một chiều vì tôi tin rằng nếu kết cục của cuộc chiến ngược lại, chính quyền Sài Gòn là người thắng cuộc thì những gì sẽ xẩy ra sau chiến tranh cũng sẽ hoàn toàn như vậy. Nó cũng sẽ dã man, cũng tàn ác như thế. Đó chính là tính cách Việt Nam(???). Những ai làm cho chính quyền Sài Gòn trước đây đã bị tước bỏ mọi quyền lợi của mình, kể cả những quyền lợi cơ bản nhất. Những người ở tuổi về hưu không có lương hưu và hoàn toàn không được hưởng những quyền lợi xã hội.

Hai người lính ở hai bên chiến tuyến bắt buộc phải nổ súng vào nhau trên chiến trường bởi một lẽ đơn giản vì cuộc sống của mình và vì cuộc sống của chế độ mà mình bảo vệ. Tôi không giết anh thì chắc chắn anh sẽ giết tôi. Chính vậy nên thời đó những người lính phía Bắc mới có câu khẩu hiệu “xanh cỏ, đỏ ngực” là vì lẽ đó. Sau này, khi đất nước thanh bình thì tại sao hai người không thể có mối quan hệ bình thường được mà cứ phải hận thù nhau? Những ai đã bước vào tuổi 60 và đã sống ở Miền Bắc trong thập kỷ 50 của thế kỷ trước chắn chắc vẫn còn nhớ bộ phim “Người thứ 41” của Nga được chiếu hồi đó và ngay sau đó đã bị phê phán là mang tư tưởng xét lại chỉ vì tình yêu của một nữ chiến sĩ hồng quân dành cho tù binh của mình khi hai người bị trôi dạt lên đảo vắng, mặc dù đạo diễn cũng phải để cô ta bắn chết người tù binh – người yêu của mình khi anh này muốn cả hai trở về đất liền bằng con tầu của chính quyền đương thời.

Hòa hợp dân tộc, xóa bỏ hận thù nhưng những khu nghĩa trang của người lính Cộng Hòa không hề được phép chăm sóc. Việc tìm kiếm di hài của những người lính Miền Bắc được phát triển rầm rộ thành phong trào, đó là việc làm cần thiết, có tình, có nghĩa với đồng đội cũ của mình và với gia đình họ. Đây là việc làm hoàn toàn đúng đắn nhưng chỉ được một vế vì cũng là những người lính nhưng do hoàn cảnh mà họ đã đứng ở bên kia chiến tuyến thì không được ai đoái hoài và chắc chắn rằng nếu những người lính còn sống ở chiến tuyến bên kia muốn đề xuất vấn đề này thì sẽ bị dẹp bỏ ngay lập tức. Tại sao vậy??? Người mẹ, người cha Việt Nam nào chẳng là người MẸ, người CHA và chẳng thương xót con mình và chẳng mong muốn tìm được di hài của đứa con để đưa về quê cha, đất tổ.

Khu tập thể Nguyễn Công Trứ ở Hà Nội thực chất được xây dựng trên nền nghĩa trang của lính Pháp đã chết trận tại Việt Nam. Khi nghĩa trang còn tồn tại vẫn có lao công của thành phố được cử đến quét dọn, làm cỏ cho đến những năm cuối của thập kỷ 50, lúc được bốc toàn bộ để chuyển về Pháp.

Hồi còn nhỏ, các buổi chiều sau giờ học chúng tôi, những thằng học sinh lớp 1, lớp 2 vẫn đến đến chơi và thường được các cô lao công dặn dò là không được đẫm lên mộ, không được la hét để không phá rối sự yên tĩnh của những người đã ở thế giới bên kia. Gần 60 năm rồi mà tôi vẫn còn nhớ câu dặn dò của những cô lao công đó.

Ngày bàn giao di hài những người lính Pháp đã được tổ chức theo đúng nghi lễ ngoại giao trang trọng giữa hai nước. Những cuộc bàn giao di hài của lính Mỹ cũng đã được tổ chức trong không khí tương tự nhưng linh hồn của những người lính Cộng Hòa, những người cùng da vàng, mũi tẹt, tóc đen không có mộ chí mãi mãi tha hương và Cha Mẹ của họ suốt đời phải khóc thầm trong bóng tối cô đơn.

Ngụy Văn Thà cùng đồng đội của mình, tuy là những người lính ở bên kia chiến tuyến nhưng đã dũng cảm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ Hoàng Sa, mảnh đất thiêng liêng của Tổ Quốc Việt Nam trước sự xâm lược của chính quyền Bắc Kinh không bao giờ được các cơ quan truyền thông nhắc tới. Tôi tôn trọng họ và với tôi, HỌ là những người con anh hùng của dân tộc. Tôi mong rằng một ngày nào đó, tên tuổi của anh cùng các đồng đội của mình sẽ được ghi vào sử sách của dân tộc và các cháu học sinh sẽ được biết đến các anh, những người lính đã dũng cảm hy sinh thân mình để bảo vệ đất nước.

Thay đổi chế độ, thay đổi chính quyền không có nghĩa là phải “đào tận gốc, trốc tận rễ” như quan niệm của người Việt Nam chúng ta qua bao thời đại. Một loại nước trong phe XHCN ở Đông Âu bị sụp đổ vào năm 1989 – 1990 để nhường quyền cho chính phủ mới, cho chế độ mới nhưng hoàn toàn không có bất kỳ cuộc khủng bố nào, tàn sát nào xẩy ra. Những đảng viên cộng sản làm việc trong chính quyền cũ, những người lính, những cảnh sát của chế độ cộng sản không hề bị bắt đi cải tạo, tù đầy. Tất cả đều được hưởng một cuộc sống như tất cả những người bình thường khác, thậm chí vẫn ngồi nguyên ở vị trí làm việc của mình và hưởng tất cả các quyền lợi xã hội. Không một ai bị giảm hay cắt lương hưu và hàng năm mức lương hưu của họ vẫn được tăng theo đúng chính sách. Ông thiếu tướng giáo sư ngành kỹ thuật hàng không quân sự, người quen của tôi vẫn được hưởng mức lương hưu trí theo đúng qui định của Bộ Xã Hội và vẫn được mời làm cố vấn cho nhiều dự án. Mấy ông bộ trưởng của chế độ cộng sản, bạn của ông già vợ tôi vẫn tự do hưởng thụ tuổi hưu của mình với lương hưu cao ngất ngưởng mà không phải đi cải tạo.

Ở Czech, người duy nhất của chế độ cộng sản phải chịu án tù là bà JUDr. Ludmila Brožová – Polednová, là ủy viên công tố trong vụ án xử bà JUDr. Milada Horáková hồi năm 1950, là người đề nghị án tử hình chỉ vì bà Horáková, một trong những người thành lập đảng dân chủ đã không muốn Tiệp Khắc chịu sự phụ thuộc của Liên Xô và muốn Tiệp Khắc đi theo con đường độc lập, tự chủ. Nhận án tù 6 năm nhưng thực tế thì bà Polednová chỉ phải ngồi tù 2 năm vì nhân được ân xá của tổng thống Czech do tình trạng sức khỏe. Do công việc của mình nên tôi đã có dịp đến trai giam nữ đó và được tận mắt nhìn thấy phòng giam bà này. Gọi là phòng giam có lẽ hơi quá vì bà ta ở một mình, có đủ tiện nghi sinh hoạt và hàng tuần có bác sĩ đến khám sức khỏe cho mình.

Ở Czech nói riêng và ở các nước Châu Âu nói chung, trừ trường hợp tù nhân nguy hiểm, không được phép giảm án tù thì số còn lại thường chỉ chịu 1/2 thời gian chịu án là được trả tự do nếu không vi phạm điều gì. Những ai có bệnh nặng, có khả năng không qua khỏi thường được trả về nhà để thanh thản ra đi trong vòng tay những người thân, bạn bè mình. Trước đây, khi Czech vẫn còn là nước theo CNXH, án tử hình vẫn còn thì thân nhân của tử tù được phép mang thi hài của người đó sau khi bị xử bắn về để lo liệu chôn cất trong phần mộ của gia đình. Hoàn toàn không có nghĩa trang tử tù như ở Việt Nam để rồi xẩy ra chuyện đào trộm tử thi mang về hoặc cỏ mọc um tùm vì không ai chăm sóc.

Dù sao tôi vẫn hy vọng rằng một ngày nào đó việc xóa bỏ hận thù ở Việt Nam sẽ được thực hiện. Một việc xóa bỏ thật sự, rất tình người chứ không chỉ trên giấy. Hay để tất cả người người Mẹ, người Cha Việt Nam được khóc công khai trên ngôi mộ của con mình. Hay để những người lính ở cả hai chiến tuyến được hòa hợp và linh hồn của họ ở thế giới bên kia không còn phải tha phương. Tôi cầu mong như vậy.

Theo Huỳnh Ngọc Chênh blog

No comments:

Post a Comment