Hồ Trung Tú - Nghe Thống đốc định nghĩa về lợi ích nhóm tôi ngứa ngáy cả người mất mấy ngày, chờ các chuyên gia cao thủ kinh tế ra tay vạch trần sự ngụy biện này, thế nhưng chờ mãi không thấy ai lên tiếng đành phải làm cái việc sở đoản này, như là chuyện nhà không có chó mà chỉ có mèo này vậy.
Xem phiên chất vấn của Quốc hội với Chính phủ thấy nhiều đại biểu đặt câu hỏi nhấn mạnh đến “lợi ích nhóm” với một thái độ khá quyết liệt, căng thẳng như buộc người trả lời phải đề cập đến một chuyện gì đó không minh bạch, khuất tất. Thế nhưng đến khi Thống đốc trả về thế nào là lợi ích nhóm thì tất cả chưng hửng, mọi căng thẳng như rơi tỏm xuống cái hố ngơ ngác, không một tiếng vọng nào: Trả lời câu hỏi của một số đại biểu có hay không lợi ích nhóm trong hoạt động các ngân hàng thương mại, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình thừa nhận: “Tôi khẳng định luôn có lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực nhất định. Cả một ngân hàng chỉ phụ thuộc vào quyết định của một vài ông, kiểm soát hết hoạt động thì các khách hàng thân quen được hưởng lợi ích. Lợi ích nhóm là đó chứ đâu ! Chúng tôi đã đề nghị các bên phải xử lý bằng tài chính, nếu nghiêm trọng thì tái cấu trúc, có dấu hiệu hình sự chuyển sang cơ quan điều tra”.
Trời đất ! Như vậy là lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân, là lợi dụng chức quyền chứ sao gọi đó là lợi ích nhóm được?
Cảm giác có điều gì đó không ổn, tôi tìm kiếm và ra hai hai bài khá quan trọng gần đây nhất, một của nhà báo Nguyễn Vạn Phú và một của TS Nguyễn Hữu Lam, giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Quản trị (CEMD), trường ĐH Kinh tế TP.HCM.
Nhà báo Nguyễn Vạn Phú thì nói rõ cái ví dụ một nhóm người thao túng hoạt động ngân hàng mà Thống đốc nói đến như một ví dụ điển hình “lợi ích nhóm là đó chứ đâu” thật ra là: “hành động vi phạm pháp luật, là phù phép của nạn thao túng, lũng đoạn thị trường. Cán bộ địa phương lợi dụng quy hoạch để cùng doanh nghiệp chiếm đất, hưởng lợi từ chênh lệch giá đất là một hình thức tham nhũng, lạm quyền chứ ở đây không có lợi ích nhóm nào cả.”
Với TS Nguyễn Hữu Lam thì đó là: “Trong môi trường luật pháp thiếu minh bạch, các quy trình ra quyết định chính sách không rõ ràng, … thì các nhóm lợi ích sẽ ảnh hưởng, cấu kết, mua chuộc những người ra quyết định để hưởng chính sách về phía có lợi cho lợi ích của nhóm mình, bất chấp lợi ích của các nhóm khác, của số đông và lợi ích quốc gia”.
*
Vậy là rõ, mặc dù nhà báo Nguyễn Vạn Phú đã cảnh báo trước gần một tháng nhưng Thống đốc Nguyễn Văn Bình vẫn đánh tráo khái niệm lợi ích nhóm để thoát một cuộc truy hỏi nhằm tìm ra thủ phạm đích thực khiến nền kinh tế suy thoái, cũng có nghĩa là đánh mất cơ hội giúp các đại biểu Quốc hội hiểu rõ hơn khái niệm lợi ích nhóm, thứ mà hơn ai hết, Quốc hội, tức các nhà làm luật, cần được hiểu rõ để không bị tác động bởi những nhóm lợi ích âm thầm hướng các điều luật mà Quốc hội thông qua về phía có lợi cho nhóm lợi ích của mình.
Nếu hiểu lợi ích nhóm chính là việc các cơ quan công quyền ra các quyết sách nhằm có lợi cho một nhóm nhỏ người nào đó bất kể đến lợi ích quốc gia, lợi ích số đông nhân dân là thứ tội đồ cần sớm được nhận diện để có những răn đe thích đáng.
Nhìn lại trước đây, vụ án Thứ trưởng Mai Văn Dâu là điển hình nhất của chuyện ra những chính sách về ngành xuất khẩu may mặc có lợi cho một nhóm người nào đó. Và chúng ta cũng nhớ như in những quyết định cho nhập xe máy nghĩa địa trong các năm 1990 đến 2000 rồi không cho, rồi lại cho đã giúp cho không ít doanh nghiệp phất lên hoặc lụn bại đi vì những quyết sách này.
Nếu quyết sách bảo hộ thị trường ô tô với những loại thuế cao ngất ngưỡng nhằm xây dựng nền công nghiệp ô tô non trẻ thoạt nghe là hợp lý, thế nhưng cuối cùng mục tiêu, như là lý tưởng này thất bại thì toàn bộ sự bảo hộ đó đã mang rất nhiều lợi ích cho các hãng ô tô đầu tư nước ngoài đã vào Việt Nam, tức VAMA. Với góc nhìn này thì những quyết sách đó đã đem lại rất nhiều lợi ích cho nhóm các nhà đầu tư nước ngoài này còn phần thiệt thì toàn bộ nhân dân Việt Nam đang gánh chịu và sẽ còn gánh chịu không biết đến bao giờ nếu lợi ích nhóm VAMA này chưa được gọi tên tính sổ thẳng ra. Các nhà ra chính sách bảo hộ này có bị tác động của nhóm lợi ích VAMA hay thực sự ngây thơ không biết là mình chặn lợi ích của dân để đem lợi cho một số nhóm người này?
Chủ trương nâng giá điện cho bằng với thế giới hoặc khu vực, việc tính giá điện dựa trên giá của than đá, khí đốt, xăng dầu thoạt nghe là có lý nhưng vô hình trung đã che dấu thứ vô cùng lãi do giá thành vô cùng thấp là thủy điện; trong khi đây là thứ chủ yếu là các công ty cổ phần, tức tư nhân. Nhóm lợi ích từ thủy điện này liệu có tác động để đòi tăng giá cho bằng được nhằm hoàn vốn nhanh có lãi sớm?
Thống đốc nói không có lợi ích nhóm trong việc chọn SJC làm thương hiệu độc quyền nhà nước nhưng thực tế thị trường cho thấy SJC đã được hưởng rất nhiều lợi ích trong quyết định này, trước khi quyết định có hiệu lực giá vàng SJC luôn cao ngất ngưỡng so với các thương hiệu vàng khác. Một nhà quản lý giỏi và công tâm chắc chắn sẽ nhận ra điều này và tính trước lợi ích của các bên. Không những vậy, không biết cố tình hay không các thông báo lại tỏ ra không rõ ràng để rồi cuối cùng Thống đốc đã nhận lỗi trước Quốc hội. Chỉ có vậy thôi nhưng ai lợi ai thiệt ở đây thiết nghĩ hoàn toàn có thể tính được bằng những con số cụ thể.
Cũng chuyện vàng, quyết định bình ổn giá vàng là chuyện ngay từ đầu người bình thường ai cũng hiểu là chuyện bắt có bỏ đĩa. Vàng Việt Nam liên thông với vàng thế giới, theo sát vàng thế giới, nó lên vì vàng thế giới lên , bỏ mớ tiền bình ổn chứ kịp thấy bình ổn thì vàng thế giới đã họa hơn cả mục tiêu bình ổn đặt ra.Tiền của dân thì mất nhưng vẫn đề là mất vào túi ai thì chắc chắn có thể tìm ra . Quyết định bình ổn này là do không biết con cóc sẽ nhảy hay bị nhóm lợi ích nào xúi dục ? Cũng là chuyện có thể lịch sử ghi nhớ và sẽ tìm ra tội phạm vào một ngày nào đó.
Chúng ta còn nhớ một chính sách ra, thoạt nghe như công tâm, cấm toàn bộ xe xích lô, ba gác và xe tự chế nhằm an toàn giao thông hoặc trong sạch môi trường và nhiều lý do có thể nghĩ ra khác nữa, thế nhưng thập thò ngay biên giới là những chiếc xe tải Trung Quốc loại nhỏ, xe mô tô kéo thùng chuẩn bị để nhảy vào thay thế. Không hiểu sao quyết định này sau đó không thực hiện và quên dần đi, xích lô ba gác vẫn chẳng gây nên tội đồ gì đến độ phải cấm nó, chỉ không hiểu ai đề xuất lệnh cấm này và liệu có bị nhóm lợi ích cộng cụ vận tải thay thế tác động để ra một quyết định như vậy ?
Còn có thể kể ra đây hàng trăm ví dụ khác nữa mà dấu ấn bàn tay nhóm lợi ích là có thể nhận thấy rõ đã tác động đến các nhà ra chính sách, nhất là ở các bộ liên quan đến nền kinh tế như Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngành Ngân hàng.
Đã đến lúc cần có bộ luật về lợi ích nhóm trong các quyết sách, cần có một bộ phận nhận chân ra các quyết định, điều luật, chính sách chủ trương nào đó sẽ đem lợi cho ai và thiệt thòi cho ai. Cần sớm nhận ra đàng sau những lời nói hoa mỹ, những mục tiêu, ý nghĩa mục đích đẹp đẽ trong các quyết sách là những mục đích lợi ích nhóm ẩn dấu đâu đó.
Hơn ai hết Thống đốc là người hiểu rõ về tác động và tác hại của lợi ích nhóm. Không giúp Quốc hội nhận chân ra loại tiêu cực thường là nghiêm trọng hơn tham nhũng này nhằm tìm cách khắc phục càng sớm càng tốt ông lại trình bày một định nghĩa lợi ích nhóm khá lệch lạc. Không hiêu ông không hiểu ý nghĩa thực của lợi ích nhóm hay ông giả lơ, nói lãng. Chuyện này mình ông biết cũng giống như các nhà ra các quyết sách bị chi phối bởi lợi ích nhóm, chỉ mình họ biết.
Nói vậy chứ lịch sử cũng sẽ biết, không gì dấu được lịch sử đâu!
No comments:
Post a Comment