Friday, November 16, 2012

Thêm nhiều người Tây Tạng tự thiêu trong ngày ra mắt ban lãnh đạo TQ


Anh Vũ (RFI) - AFP hôm nay 16/11/2012 dẫn nguồn tin của một tổ chức phi chính phủ cho biết, vào đúng ngày ra mắt ban lãnh đạo mới của đảng cộng sản Trung Quốc, hai người Tây Tạng, một nam, một nữ trong khu vực miền tây bắc nước này đã tự thiêu. Trong thời gian đại hội đảng 18 trong vòng một tuần đã xảy ra trên 10 vụ tự thiêu để phản đối chính sách trấn áp người Tây Tạng.

Theo tổ chức Tây Tạng Tự do (Free Tibet) trụ sở tại Luân Đôn thì sự việc diễn ra ở hai địa điểm trong huyện Đồng Nhân, thuộc tỉnh Thanh Hải, một địa điểm đang trong tình trạng cực kỳ căng thẳng bởi chính quyền gia tăng trấn áp mạnh tay phong trào phản kháng ở đây. 

Người phụ nữ tự thiêu, sau đó đã tử vong có tên là Tingzin Dolma, 23 tuổi. Người thứ hai có hành động tương tự là một nam thanh niên 18 tuổi. Hiện người ta không biết rõ về tình trạng của người này bởi chính quyền kiểm soát thông tin rất chặt.

Những người biểu tình mang những lá cờ Tây Tạng trước đại sứ quán Trung Quốc ở Mêhicô ngày 10/11/2012, phản đối chính sách đàn áp của Bắc Kinh. REUTERS / Edgard Garrido.

Cũng trong địa bàn huyện Đồng Nhân này, hôm qua Tân Hoa Xã đã đưa tin về một vụ tự thiêu khác của một thiếu niên người Tây Tạng mới 14 tuổi. 

Như vậy là chỉ trong một ngày tại địa phương này đã có 3 người tìm đến cái chết để bày tỏ sự phản kháng với chính quyền đúng vào lúc tại Bắc Kinh ban lãnh đạo mới của đảng Cộng sản tưng bừng ra mắt. 

Phản ứng trước làn sóng người Tây Tạng tự thiêu gia tăng mạnh trở lại, chính quyền Bắc Kinh càng siết chặt thêm kiểm soát đối với các vùng có người Tây Tạng. Riêng với khu tự trị Tây Tạng, trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng 18, chính quyền Trung Quốc đã thực hiện phong tỏa toàn bộ khu vực nhạy cảm này. Người nước ngoài, nhà báo cũng như du khách đều bị cấm đến. 

Từ tháng Ba năm 2011 đến nay, theo chính phủ Tây Tạng lưu vong tại Ấn Độ thì đã có khoảng 70 người tự thiêu hoặc toan tính có hành động tuyệt vọng này trong các vùng có người Tây Tạng sinh sống. Nguyên nhân vì người Tây Tạng cảm thấy không còn chịu được chính sách hà hiếp về văn hóa và tôn giáo đối với người Tây Tạng. 

Mặc dù đảng Cộng sản Trung Quốc đã chuyển quyền lãnh đạo sang tay một thế hệ mới, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền trung ương sẽ có thay đổi chính sách với người Tây Tạng.


No comments:

Post a Comment