Tuesday, November 13, 2012

Thống đốc Nguyễn Văn Bình đòi nhận 'nửa giải Nobel'


Clip: Đại biểu Trần Du Lịch chất vấn gay gắt Thống đốc Nguyễn Văn Bình
Thống đốc: Chỉ cần nửa giải Nobel 
Chung Hoàng- "Dường như Thống đốc trình bày theo logic của Thống đốc, chứ không theo logic cuộc sống", ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) chia sẻ chiều nay sau khi nghe Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trả lời từ sáng.

Được ưu tiên đẩy lên đặt câu hỏi vì là một chuyên gia kinh tế, ông Trần Du Lịch không ngần ngại nói thẳng: "Sự lạc quan của tôi về việc nước ta sẽ đẩy mạnh được kinh tế thị trường, sau trình bày của Thống đốc đã giảm đi". 

Vẫn là nợ xấu, vàng, doanh nghiệp khó vay vốn, ĐB TP.HCM đưa ra một loạt câu hỏi phản biện những nhận định của Thống đốc với các ĐB trước. 

"Vấn đề nợ xấu qua cách nói của Thống đốc dường như không nghiêm trọng, vậy tại sao ta đặt vấn đề nghiêm trọng đến nỗi phải lập công ty mua bán nợ, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị? Đề nghị Thống đốc nói rõ vấn đề nợ xấu có nghiêm trọng không, có ảnh hưởng đến hệ thống và nền kinh tế không?", ông Lịch hỏi. 


ĐB Trần Du Lịch: Sự lạc quan giảm đi sau khi nghe Thống đốc trình bày. Ảnh: Minh Thăng 

Chuyên gia kinh tế này nhận thấy trong khi các biện pháp siết tín dụng làm doanh nghiệp điêu đứng, nền kinh tế thiếu vốn, thì như Thống đốc nói, huy động được 400 ngàn tỷ đồng đã mua trái phiếu Chính phủ hết 180 ngàn tỷ đồng, còn lại NHNN điều tiết về để giảm lạm phát. 

"Vậy là giảm cầu, thì làm sao giảm lãi suất được? Phải chăng NHNN nói muốn giảm lãi suất, nhưng thực tế điều hành là không muốn?", ông Lịch thẳng thắn. "Biện pháp của Chính phủ là đúng, nhưng thử hình dung cơ thể con người một ngày cần một lít nước, nhưng ta nói đang thừa, rút chỉ còn 100cc thì nó không co giật sao được?" 

ĐB TP.HCM đồng tình cần chống lạm phát, nhưng "như Thống đốc trình bày thì dường như ta đang tiêu diệt chứ không phải bình ổn thị trường vàng". Ông Lịch cũng thấy "bất công cho Chính phủ khi nói thị trường vàng không hề được quản lý cho đến khi Thống đốc lên". 

Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhắc lại với ông Trần Du Lịch, người cùng sinh hoạt trong Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, rằng ông chính là người đầu tiên đặt vấn đề nợ xấu và những hệ lụy của nó đối với nền kinh tế trong ngắn hạn và lâu dài. 

"Tình hình nợ xấu hiện tại có thể chưa ghê gớm nhưng diễn biến sắp tới mới là nguy hiểm, vì nó đang tiếp tục tăng nhanh nếu không kịp dừng nó lại", Thống đốc nói. 

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lưu ý "Thống đốc và ĐB không khác gì nhau, đều nhận định tình hình nợ xấu là nghiêm trọng", vấn đề nằm ở việc các giải pháp Thống đốc đưa ra chưa khiến ĐB yên tâm. Ông Bình nhắc lại những giải pháp mà NHNN đang triển khai như cơ cấu lại nợ, trích lập dự phòng... cùng các giải pháp mà các bộ, ngành khác phải phối hợp.

Việc NHNN hút tiền về, Thống đốc lý giải: Các tổ chức tín dụng hiện nay đang dư tiền, dù không nhiều, nhưng không đầu tư ra được [do siết lại các điều kiện cho vay] trong khi vẫn phải trả lãi tiền gửi cho dân. "Nếu không xử lý thì chỗ dư này sẽ trở thành áp lực đối với các tổ chức tín dụng phải sử dụng tiền, phải đầu tư ra ngoài, thông thường là kinh doanh ngoại tệ", ông Bình cho rằng việc hút tiền là đúng đắn để giữ mức dư thừa trong thị trường liên ngân hàng ở mức hợp lý. 

Đối với thị trường vàng, Thống đốc cho biết Nghị định 24 để ngỏ nhiều khả năng NHNN mua bán, huy động vàng... nhưng trong tình hình trong nước và thế giới hiện nay, giải pháp huy động vàng không phát huy hiệu quả, do vậy NHNN vẫn phải là người vừa kiến tạo, vừa cầm nhịp để ổn định thị trường vàng. 

Thống đốc cũng làm rõ: Việc quản lý thị trường vàng trước đây bất cập là đánh giá của cả tập thể Chính phủ chứ không phải của riêng ông. "Tôi không gắn sự chuyển biến của việc quản lý thị trường vàng với thời gian của tôi mà gắn với thời gian ban hành Nghị định 24", ông Bình nói. 

Với tình hình khó khăn của doanh nghiệp do siết tín dụng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói: Các chính sách vĩ mô không thể đáp ứng được mọi nhu cầu. "Người tìm ra lý thuyết 'bộ ba bất khả thi tăng trưởng - lạm phát - tỉ giá' được trao giải Nobel, trong khi ta vừa muốn kiềm chế lạm phát vừa muốn tăng trưởng", Thống đốc nói, "Tôi đã từng nói đùa với Chủ tịch QH 'thôi thì em chỉ cần nửa giải Nobel nếu được làm được một trong hai'". 

Theo Thống đốc, việc doanh nghiệp khó khăn là cái giá phải trả để kiềm chề lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. 

Với câu hỏi có hay không tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng, trong việc để nợ xấu gia tăng, mà các ĐB liên tục đặt ra, Thống đốc Ngân hàng khẳng định "có". 

"Một ngân hàng mà chỉ do một nhóm nhỏ cổ đông quyết định tất cả thì khó tránh", Thống đốc nói. 

Giải pháp theo ông trước hết là rà soát, yêu cầu các ngân hàng tự khắc phục, nếu để thất thoát thì chuyển hình sự xử lý, nếu nghiêm trọng thì tái cơ cấu ngân hàng. 

No comments:

Post a Comment