Tuesday, November 13, 2012

Nga và Rosatom chơi trò “khuyến mãi áp lực” với dự án nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận


Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Hùng (Danlambao) - Nếu trong chúng ta đã từng hay đang sinh sống tại các nước tư bản kỳ cựu như Mỹ, Úc, Nhật, Đông Nam Á và các nước tại Âu Châu thì đều biết và cũng có thể đã “bị” kinh nghiệm xương máu với trò “bán hàng gõ cửa - khuyến mãi áp lực” - door to door sale. Những người bán hàng “gõ cửa” ăn nói ngọt ngào, khoe tốt đầy thuyết phục nhằm rao bán các món hàng của họ là tuyệt vời, hàng “độc”!

Họ “áp lực”, thúc bách người chủ nhà cần nên nhanh chóng ký giấy họp đồng mua các món hàng của họ ngay sau khi họ quảng cáo hay cho xài thử để được lợi như trả tiền dễ dãi với lãi suất ưu tiên… Nếu không nhanh chóng ký hợp đồng mua thì mất các ưu tiên trong thời gian hạ giá và không còn được biếu các món quà “lót đường”. Ngay tại các nước tư bản “đầu đầy sạn” này nhiều người từ đủ mọi lứa tuổi, người ít hiểu biết và không rành luật lệ mua bán đã từng là nạn nhân và mồi ngon cho bọn bán hàng “gõ cửa” lừa gạt kia. Việt Nam trong thời kỳ mở cửa tư bản không định hướng, vô pháp luật, cố nhiên là thị trường béo bở cho loại bán hàng “áp lực” (pressure sale). 

Tại các nước tư bản tự do dân chủ, hành động của những tên bán hàng “gõ cửa” này đã bị chính quyền kiểm soát gắt gao bằng các đạo luật bảo vệ người tiêu thụ, giới hạn sự lợi dụng của bọn bán hàng qua việc o bế áp lực khách hàng phải nhanh chóng ký các hợp đồng mua bán, và trừng phạt nặng những trường hợp sai phạm gây thiệt hại cho người mua. 

Trở về trường hợp trong những ngày qua lãnh đạo cao cấp Nga và Tổ hợp hạt nhân nhà nước Rosatom đang dốc toàn lực khuyến mãi nhà máy điện hạt nhân của họ với lãnh đạo Việt Nam, một thương vụ làm ăn trị giá vài chục tỷ USD có một không hai. 

Trong bài tường trình trên báo điện tử Sài Gòn Tiếp thị về cuộc đối thoại bàn tròn các doanh nghiệp Việt Nam - Nga chiều 07/11/2012 tại Hà Nội, cho thấy phương cách mà phía Nga, cả đại diện Chính phủ Nga và đại diện Tập đoàn hạt nhân Rosatom dùng cũng tương tự như những người bán hàng “gõ cửa” tại các nước tư bản phương Tây. Bài tường thuật viết: 

1- Phó Thủ Tướng Nga Arkady Dvorkovich đặt câu hỏi “Chúng tôi cần biết cụ thể thời hạn hoàn thành dự án (điện Ninh Thuận – pv) là bao giờ? Vì các DN của chúng ta phải giữ lại nguồn lực về con người, tài chính để có thể thực hiện dự án. Và nếu phải điều chỉnh thời hạn thì báo chúng tôi biết để có thể điều chỉnh nguồn lực”. 

Đây là đòn gây áp lực từ phía chính quyền Nga (apply sale pressure) 

2 - Với tư cách là nhà thầu, đại diện của Rosatom thông tin, trong quá trình đàm phán tất nhiên có một số khó khăn, liên quan chủ yếu đến việc đồng bộ hóa các quy định về luật của Việt Nam với các thời hạn mà hai bên đã đặt ra. "Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ tìm ra được giải pháp cho các vấn đề này vì cả hai bên đều hợp tác với nhau rất nhiệt tình và tìm cách thúc đẩy quá trình này nhanh hơn". 

Đây là giọng lưỡi của dân bán hàng “gõ cửa” thuyết phục và cố tình khuyến dụ và hối thúc phía người mua nhanh nhanh đi đến thỏa thuận thay vì cẩn thận hơn, nhất là sau thảm họa Nhà máy điện hạt nhân Fukushima, với một dự án nếu thực hiện sẽ tốn khoản tiền khổng lồ lên đến vài chục tỷ USD chưa kể những hậu quả phóng xạ hạt nhân rất nguy hiểm cho hàng triệu người dân Việt Nam. 

3 - Bên cạnh đó, Rosatom sẽ cho thêm thầu phụ của Việt Nam tham gia càng nhiều hơn việc xây dựng nhà máy này. Về sau Rosatom cũng muốn có sự tham gia của công nghiệp Việt Nam, để tham gia cung cấp một số thiết bị máy móc. “Nếu nói về tương lai rất xa chúng ta sẽ có triển vọng lớn để bước ra thị trường thứ 3, ví dụ như ra các nước ASEAN. Xa nhưng nền móng phải đặt từ bây giờ”. 

Đây là mánh khóe “quà thưởng, lại quả” nếu nhanh nhanh đồng ý ký giấy mua hàng mà dân bán hàng "gõ cửa” thường áp dụng để dụ những người chủ (đầu tư) chân chất nhẹ dạ nghe lời dụ đường mật của họ - Tập đoàn cáo già “mafia” Rosatom. Kỹ nghệ Việt Nam cho đến hôm nay không thể làm được những con bù loong đúng tiêu chuẩn cung cấp cho các nhà máy lấp ráp xe hơi tại trong nước thì việc Rosatom nêu lên rằng: “muốn có sự tham gia của công nghiệp Việt Nam để tham gia cung cấp một số thiết bị máy móc dùng trong nhà máy điện hạt nhân” chỉ là trò lừa cho kẹo cho em bé lên ba! 

Chính phủ Nga không thể vì lợi nhuận của Tập đoàn hạt nhân nhà nước Rosatom và tìm kiếm công ăn việc làm cho các cơ sở hạt nhân của họ mà táng tận lương tâm dùng ngón đòn hợp tác thương mãi và trợ giúp quân sự để làm áp lực buộc Việt Nam phải nhanh chóng chấp thuận thực hiện dự án nhà máy điện hạt nhân. Điều này đi ngược lại sự quan tâm sâu xa của thế giới đối với năng lượng hạt nhân sau thảm họa nổ lò phản ứng hạt nhân kinh hoàng tại Nhật Bàn cách đây chỉ hơn một năm, và mới đây, ngày 05/11/2012, hành động vi phạm pháp qui an toàn hạt nhân tại các nhà máy điện hạt nhân của Nam Hàn đưa đến lệnh ngưng hoạt động khẩn cấp hai nhà máy điện hạt nhân tại quốc gia này. Việc làm của chính quyền Nga và Tập đoàn Rosatom đã tỏ rõ thái độ khinh thường, xem thường vận mệnh tồn vong của dân tộc Việt Nam với hậu quả khủng khiếp của phóng xạ nguyên tử phát sinh từ các nhà mày điện hạt nhân, không nói đến món nợ khổng lồ có thể lên đến cả trăm tỷ USD mà toàn dân Việt Nam phải gánh chịu trong nhiều thế hệ. 

Vỉ hiểu rõ được mối nguy hiểm diệt chủng của chất thải phóng xạ hạt nhân từ nhà máy điện hạt nhân đối với dân chúng và đất nước Phi Luật Tân, ngay từ năm 1986 Chính phủ Phi Luật Tân đã anh dũng quyết định dứt khoát không vận hành Nhà máy điện hạt nhân Bataan, cách thủ đô Manila 100km, ngay sau khi nhà mày này được Tập đoàn hạt nhân Mỹ xây cất xong với chi phí tại thời điểm 1986 là khoảng 2 tỷ USD (khoảng 10 tỷ USD theo thời giá năm 2012, tương đương với dự án nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận). Hiện nay nhà máy ĐHN Bataan được biến thành khu tham quan du lịch. 

Đảng Cộng sản, Quốc hội và Nhà nước Việt Nam cần phải học tập kinh nghiệm từ tấm lòng thương dân, quan tâm đến sự an nguy của dân chúng và đất nước của lãnh đạo Phi Luật Tân. 

HÃY CHỐNG LẠI MỌI HÌNH THỨC “ÁP LỰC” KHUYẾN MÃI TỪ CÁC TẬP ĐOÀN XÂY NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN. 

HÃY NÓI KHÔNG VỚI ĐIỆN HẠT NHÂN NGAY TỪ BÂY GIỜ. 

Ngày 13 tháng 11 năm 2012 



No comments:

Post a Comment