Wednesday, November 21, 2012

Vì đâu ra nông nỗi thế


Nguyễn Thông - Có thể xem như chuyện chưa từng xảy ra ở xứ ta. Nhưng nói thế vẫn sợ ai đó bắt bẻ, biết đâu thời Hùng Vương từng có thì sao, vậy thì tôi chỉ dám khẳng định rằng, từ hồi cha sinh mẹ đẻ đến giờ, mắt mở chứng kiến biết bao hỉ nộ ái ố trên đời, giờ mới nghe là một.Thì là chuyện chính quyền và nhân dân huyện Bắc Trà My nơi có nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 hôm qua cùng nhau hô to dứt khoát không tiếp thêm đoàn khách quý nào nữa, kể từ trung ương trở xuống, đến nghiên cứu động đất... giúp bà con. Quay lưng, xua tay từ chối "không, không, không..." mời các bác đi chỗ khác, chúng em đủ rồi, ngán đến cổ rồi. Chết cũng được, vỡ đập cũng được, bị cuốn ra biển Đông cũng được, miễn sao các bác đừng đến giúp chúng em nữa.

Mà không phải mấy anh dân đen phản ứng nhé. Dân còn mải vào rừng đào củ nâu củ mài cầm hơi, chả dư thì giờ tiếp cán bộ trung ương, bộ ngành. Đây là mấy bác cán bộ huyện Bắc Trà My hẳn hoi, tuyền những người chức việc quan trọng của huyện nghèo này. Ông Trần Anh Tuấn- Phó chủ tịch huyện thay mặt lãnh đạo địa phương tuyên bố dứt khoát kể từ nay nếu các đoàn của bộ ngành trung ương vào, huyện sẽ không tiếp nữa. Thẳng băng ra thì có nghĩa là chúng tôi sẽ không chào đón các ông nữa, đừng quấy rầy chúng tôi nữa, chán lắm rồi. Thiếu điều giương khẩu hiệu tiếng Anh bồi "We're busy, no welcome". Sao vậy nhỉ, trung ương đến giúp, chả mừng rỡ thì thôi, lại có kiểu lạnh nhạt, phũ phàng đến thế. Lòng hiếu khách để đâu? Nhưng nghe ông Tuấn và mấy vị cầm quyền ở Bắc Trà My than thở, thất vọng, hết lòng tin vào những đoàn đến đoàn đi ra vào nườm nượp thời gian qua thì mình hiểu. Sức chịu đựng của họ có hạn. Thà mất lòng cán bộ nhưng còn dành được chút thời gian lo cho dân.

Lâu nay, hễ được nghinh đón cán bộ trung ương, đón cấp trên về thăm là hãnh diện lắm. Chẳng trống rong cờ mở thì cũng tiếp đãi linh đình, tiệc nọ tiệc kia, cuộc vui đầy tháng trận cười thâu đêm. Cán bộ xong việc, nhà ta lại gói ghém quà cáp, đặc sản, cho em gửi chút quà quê biếu chị nhà và các cháu. Tốn kém tí nhưng nó oách, được để ý. Quê đang nắng hạn, quan đến khác nào cơn mưa rào. Cứ thế, vui cả đôi bên, thành lệ (không tin sắp đến tết, các vị cứ để ý xem, cán bộ to nhỏ tổ chức đoàn đi ào ào nhận quà xuân dưới dạng về thăm chúc tết). Vỏ ngoài là vậy, chứ thực chất địa phương nào, doanh nghiệp nào được cán bộ "quan tâm" là thôi rồi lượm ơi. Nhẹ thì tốn kém, khó chịu, mất ăn mất ngủ; nặng thì lụn bại, lên bờ xuống ruộng, tan nát cơ đồ. Tôi có mấy người quen là dân làm ăn chân chính, họ thổ lộ rằng nghe tin cán bộ về thăm như sét đánh ngang tai.

Chả biết "sự ngang bướng" của giới chức việc huyện Bắc Trà My có khiến những kẻ bề trên ngẫm nghĩ. Riêng tôi, tôi ủng hộ họ, bởi chả có gì quý hơn là dành hết thời gian lo cho dân.

21.11.2012


http://thongcao55.blogspot.com/2012/11/vi-au-ra-nong-noi-the.html


*

Huyện Bắc Trà My không tiếp đoàn kiểm tra động đất nữa 

SGTT.VN - Tại buổi họp nghe báo cáo các vấn đề liên quan đến tái định cư các dự án thủy điện trên địa bàn do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức ngày 20.11, lãnh đạo huyện Bắc Trà My tuyên bố:"Từ nay, Bắc Trà My sẽ không tiếp đón đoàn kiểm tra động đất nữa". 


Ông Trần Anh Tuấn - phó chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My 

"Thời gian qua, mỗi lần động đất mạnh thì các đoàn này, đoàn nọ vào nhưng chẳng giải quyết được vấn đề gì, động đất thì càng ngày càng mạnh. Từ nay, thời gian đó huyện sẽ dành giải quyết công việc của địa phương thay vì tiếp đón các đoàn", ông Trần Anh Tuấn - phó chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My phát biểu.

Ông Tuấn nói thêm: “Hôm nay, huyện nêu quan điểm khẳng định nếu các sở ban ngành của tỉnh lên khảo sát, kiểm tra tình hình của người dân thì huyện sẽ tiếp, còn các đoàn của bộ, ngành T.Ư vào huyện sẽ không tiếp nữa". 

Hiện nay hầu hết những hộ dân tái định cư (TĐC) thủy điện trên địa bàn Quảng Nam không có đất sản xuất, nhiều hộ dân ở các khu TĐC thủy điện ở các huyện Đông Giang, Bắc Trà My… bỏ đi ở nơi khác hoặc vào rừng đốt nương làm rẫy; cơ sở hạ tầng nhiều công trình xuống cấp nhanh chóng, nguy cơ sạt lở cao đã ảnh hưởng đến đời sống người dân. 

Tại thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà My), nhà cửa TĐC xuống cấp hư hỏng, công trình cấp nước khu TĐC không sử dụng được, người dân bỏ hoang nhà cửa hàng loạt. 

Còn các điểm TĐC của thủy điện A Vương có nguy cơ sạt lở đất cao. Đặc biệt các công trình nhà ở do chủ đầu tư xây dựng chưa phù hợp với tập quán của người dân bản địa, không tính đến mức chịu động đất. Tỉ lệ hộ nghèo hầu hết các khu TĐC đều còn rất cao. 

Các dự án thủy điện tại Quảng Nam đã lấy hết hơn 5.700 ha đất, trong đó đất nông nghiệp là 2.000 ha, ảnh hưởng đến 3.519 hộ dân. Thế nhưng hầu hết trong các phương án quy hoạch bố trí TĐC, giải pháp dự phòng đất thổ cư, đất sản xuất không được đề cập đến. Việc khai hoang ruộng lúa nước để cấp cho dân rất hạn chế. Đất sản xuất hiện nay chủ yếu là nương rẫy nhưng chỉ bằng khoảng 1/4 so với diện tích cũ.


Ngày 20.11, UBND tỉnh Quảng Nam có Công văn số 4435/UBND-KTN đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam bố trí nguồn kinh phí 2,532 tỉ đồng để cho huyện Bắc Trà My thực hiện hỗ trợ khắc phục nhà ở, công trình bị hư hỏng do động đất gây ra trong thời gian qua. Được biết, tính đến ngày 6.11, đã có 856 nhà ở của nhân dân và 8 công trình công cộng trên địa bàn huyện bị hư hỏng do ảnh hưởng của động đất.

Ông Đỗ Tài, chủ tịch UBND huyện Đông Giang, bức xúc: “Tái định cư nhưng không có đất sản xuất, 100% hộ các khu TĐC có nguy cơ trở thành hộ nghèo”. 

Đáng lo ngại tại huyện Bắc Trà My nơi có công trình thủy điện Sông Tranh 2 gây động đất, ông Trần Anh Tuấn - phó chủ tịch UBND huyện cho biết, tại các khu TĐC có 38 hộ bỏ đi nơi khác mà nguyên nhân chính là thiếu đất sản xuất và động đất. Đặc biệt động đất khiến người dân rất hoang mang. 

Động đất cùng với thiếu đất sản xuất dẫn đến nguy cơ thiếu ăn. Tại sao xây dựng thủy điện chỉ tính đến việc chịu đựng động đất của đập, còn các công trình của dân, địa phương lại không được tính toán, chết dân ai chịu trách nhiệm? Hiện tại công tác an dân đang là vấn đề vô cùng khó khăn cho địa phương này. 
Các địa phương cho rằng, cần phải có nhiều chính sách như hỗ trợ người dân khai hoang để có đất sản xuất, kiến nghị Chính phủ cần quy định cơ chế chia sẻ lợi ích trong lợi nhuận khi khai thác các công trình thủy điện cho địa phương, để có quỹ đầu tư cho các công trình xuống cấp, hư hỏng… 

Tại cuộc họp, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang cho biết, sẽ chỉ đạo sở NN&PTNT từ đây đến cuối năm phải có báo cáo phân loại các loại đất rừng để tính đến việc cấp đất, giao đất, giao rừng cho dân vùng TĐC; lập phương án về phát triển diện tích lúa nước gắn với công trình thủy lợi. Lâu dài, phải có cơ chế khuyến khích trồng cây cao su để bà con có thu nhập ổn định cuộc sống. Tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho người dân và nhanh chóng tập trung sửa chữa các công trình, nhà dân hư hỏng tại các khu TĐC. 

Theo TPO

No comments:

Post a Comment