Sunday, November 11, 2012

XE CHÍNH CHỦ, THÊM MỘT TRÒ MỚI CỦA ĐINH HÉT LÊN

Huỳnh Ngọc Chênh - Anh Đinh Hét Lên này từ ngày lên nhậm chức Giao bộ đã hét lên đủ thứ trò, toàn những trò móc túi dân. Trò thu lệ phí giao thông chưa đi tới đâu đang chọc giận dân chúng bây giờ lại giở ra trò thu phạt xe không chính chủ. Cứ ai ra đường mà đi xe không do mình đứng tên là bị phạt đến chục triệu đồng cho xe hơi và 1 triệu đồng cho xe gắn máy. Đi xe của người thân hay người quen phải có giấy chứng nhận, không biết ai chứng nhận giấy nầy đây? Trò nầy nghe bắt đầu thực thi từ ngày hôm nay.


Thiên hạ đang la ầm lên về chuyện nầy vì bao nhiêu hệ lụy phát sinh nếu trò nầy triển khai. Sau đây là một số hệ lụy ghi được từ dư luận:

- Vợ đi xe của chồng hoặc ngược lại phải mang theo hôn thú hoặc giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân.
- Con cái đi xe cha mẹ hoặc ngược lại phải mang theo hộ khẩu, khai sinh. Hai, ba đứa con đi hai, ba xe của bố mẹ đứng tên thì phải xé hộ khẩu ra làm hai, ba mảnh để mang theo. Nếu con cái và cha mẹ đã tách hộ và khai sinh không còn nữa thì phải đi thử ADN để xin lại giấy chứng nhận quan hệ gia đình
- Tài xế phải luôn luôn chở chính chủ trên xe, nếu chủ bận làm việc thì tài xế phải ngồi tại chỗ chờ, không được mang xe chạy rông một mình.
- Bạn bè mượn xe của nhau phải có giấy chứng nhận quan hệ bạn bè. Không biết cơ quan nào cấp giấy nầy?
Có lẽ vui mừng nhất cho cái trò xe chính chủ nầy là CSGT. Từ nay tha hồ các chú huýt nhé, bất kỳ xe nào đang chạy cũng huýt vào hỏi giấy tờ được và tha hồ các chú hoạnh họe cho phọt ra nhé.

Theo Huỳnh Ngọc Chênh




Xe không chính chủ bị phạt tới 10 triệu đồng

Từ hôm nay, cảnh sát giao thông sẽ áp dụng mức phạt 6-10 triệu đồng với ôtô và một triệu đồng với xe máy không sang tên đổi chủ theo Nghị định 71. Quy định này khiến không ít người băn khoăn về tính khả thi.

Lực lượng CSGT sẽ kiểm tra và phạt nặng đối với các phương tiện không làm thủ tục sang tên, đổi chủ. Ảnh minh họa: Bá Đô


Trao đổi với VnExpress.net, đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an Hà Nội) cho biết, ngay sau khi Nghị định 71 được ban hành, từ giữa tháng 10, Phòng CSGT đã tổ chức thông báo rộng rãi đến người dân, chủ phương tiện biết về sự thay đổi của các mức xử phạt đối với từng lỗi vi phạm. "Trong những ngày đầu cảnh sát sẽ nhắc nhở chủ phương tiện với các lỗi vi phạm mới được sửa đổi bổ sung, sau đó sẽ xử phạt theo đúng quy định", ông Thắng nói.

Theo đại tá Thắng, việc xử lý phương tiện không sang tên đổi chủ hiện nay là cần thiết nhằm quản lý phương tiện giao thông, tránh thất thu thuế cho nhà nước, góp phần giải quyết các vụ án hình sự, tai nạn giao thông nhanh chóng.

Theo quy định, người dân sau khi mua, bán phương tiện trong vòng 30 ngày phải đến cơ quan đăng ký, làm thủ tục sang tên, chuyển quyền sở hữu. Trường hợp phương tiện đã mua bán qua nhiều đời thì chủ phương tiện cuối cùng, đang sử dụng xe phải có trách nhiệm đến các cơ quan đăng ký làm thủ tục đăng ký lại, chuyển quyền sở hữu.

"Đối với xe lưu thông trên đường, nếu CSGT kiểm tra, phát hiện không làm thủ tục sang tên đổi chủ, sẽ ra quyết định xử phạt người điều khiển, nhưng không tạm giữ phương tiện. Còn với người đi xe của bạn bè, người thân đều phải chứng minh được chủ phương tiện là ai, như cần có sổ hộ khẩu, giấy chứng minh hoặc giấy khai sinh", đại tá Thắng nhấn mạnh.

Trước quyết định xử phạt nặng với những phương tiện không sang tên đổi chủ, trên diễn đàn mạng, nhiều ý kiến ủng hộ, tuy nhiên không ít lo ngại quy định khó có thể thực thi. Theo một số người dân, thủ tục sang tên đổi chủ xe hiện quá rườm rà, chi phí cao, mất nhiều thời gian đi lại. Nhiều khi mua xe cũ qua nhiều đời chủ, không biết chủ sở hữu trước đó để làm thủ tục.

Theo nghị định 71 được sửa đổi bổ sung, từ ngày 10/11, những người lái ôtô sẽ bị xử phạt 10-15 triệu đồng nếu hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50-80 mg/100 ml máu hoặc 0,25-0,4 mg/lít khí thở. Trước đó với lỗi này, nghị định 34 chỉ đưa ra mức phạt 2-6 triệu đồng.


Nghị định 71 sửa đổi bổ sung 19 điều của nghị định 34. Trong đó có 6 nhóm vi phạm được điều chỉnh mức phạt, trong đó có lỗi vi phạm theo nghị định 71 tăng gấp 6 lần so với nghị định 34. Cụ thể như người điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc mức phạt 8-10 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 30 ngày.

Phạt tiền từ 25 triệu đồng đối với các trường hợp vi phạm không dừng xe hoặc chống đối người thi hành công vụ khi có hiệu lệnh, tăng số tiền phạt từ 4 lên tới 6 triệu đồng đối với người cổ vũ, kích động, đua xe trái phép mà cản trở hoặc chống người thi hành công vụ...


Bá Đô

No comments:

Post a Comment