Wednesday, January 23, 2013

BIỂN ĐÔNG VÀ TÒA ÁN QUỐC TẾ


Từ xưa đến nay, nhìn chung các vụ việc tranh chấp, nhất là tranh chấp, tranh chiếm đất đai đều mang tính chất phức tạp. Tuy nhiên, dù cho phức tạp đến đâu, dù kẻ mạnh có cố tình chèn ép, lấn át kẻ yếu, hay dù kẻ lắm mồm cố tình đánh lận con đen, nhưng khi công lý thực sự ra tay thì mọi sự đều sáng tỏ, công bằng và trật tự sẽ được lập lại. Các vụ tranh chiếm đất, tranh chấp các đảo, vùng đảo, quần đảo trên Biển Đông cũng đã đến lúc cần có sự vào cuộc phân định của Toà án quốc tế. Philippines là nước đã chính thức đệ đơn kiện Trung Quốc ra Toà. 
Kiên Long (DDK) Việc tranh chấp, tranh chiếm đất đai, dù giữa cá nhân với cá nhân hay giữa quốc gia này với quốc gia kia nói chung đều có những điểm chung. Có nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng đều bắt nguồn từ lòng tham, coi thường đạo lý, coi thường pháp luật. Kẻ mạnh luôn tìm mọi cách, mọi thủ đoạn để chứng minh, khẳng định chứng lý thuộc về mình. Người yếu bao giờ ban đầu cũng phải chịu thiệt thòi. Có trường hợp, nhân lúc hàng xóm đi vắng hay đang bận lo việc nhà mà nhảy ra chiếm đất. Có trường hợp được nhờ trông giữ hộ, thậm chí "cho ở nhờ" nhưng rồi cố tình ở lỳ và tranh chiếm... Với nhiều quốc gia, tiến trình giải quyết bao giờ ban đầu cũng được thực hiện bằng hoà giải, nhưng đa số cuối cùng cũng đều phải ra Toà. Toà án công minh cùng sự thật sẽ được phanh phui. Dù cho kẻ cậy thế làm càn xây nhà, xây tường ngăn, thì rồi cũng phải phá nhà, đập tường trả đất, phải bồi thường cho người bị hại. 

Xung quanh vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Philippines và Trung Quốc, đại diện Bộ Ngoại giao Philippines đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại nước này tới để thông báo về quyết định đưa vụ tranh chấp nêu trên ra Tòa án quốc tế theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Công ước có chữ ký của nhiều nước trong đó có hai nước Trung Quốc và Philippines. Như Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, ông Albert del Rosario đã nhấn mạnh: "Philippines đã nỗ lực hết sức bằng mọi biện pháp ngoại giao và chính trị để giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc thông qua đàm phán và hòa bình... Chúng tôi hy vọng rằng việc xét xử khiếu kiện tại Tòa án quốc tế sẽ mang lại kết quả và một giải pháp lâu dài để giải quyết tranh chấp hiện nay”. Ông Rosario cũng khẳng định và tin rằng, luật pháp quốc tế sẽ yêu cầu Trung Quốc "chấm dứt các hoạt động trái pháp luật, vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Philippines theo UNCLOS 1982”. 

Nhiều năm qua, bất chấp lịch sử và quy định của luật pháp quốc tế, Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố chủ quyền lãnh thổ bằng một bản đồ đường lưỡi bò 9 đoạn phi lí, xâm phạm lãnh thổ của Philippines, Brunei, Malaysia, và Việt Nam. Với Philippinnes, tranh chấp đỉnh điểm bùng lên vào tháng 4-2012, khi tàu hai bên đã đụng độ tại khu vực tranh chấp Bãi cạn Scarbrough. Mặc dù hai bên đã thoả thuận cùng rút lực lượng ra khỏi khu vực, nhưng phía Trung Quốc vẫn lưu lại một số con tàu. Theo đại diện Philippinnes, từ năm 1995 đến nay, nước này đã nhiều lần trao đổi quan điểm với Trung Quốc, để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, nhưng đến nay, một giải pháp hiệu quả vẫn là điều khó nắm bắt. Và điều này đã buộc Philippines phải kiện Trung Quốc ra Toà án quốc tế. 

Nếu so với người hàng xóm bên kia biển - là Philippines, thì Việt Nam có lẽ đã rất tôn trọng đến nhu nhược với người hàng xóm, láng giềng Trung Quốc. Sự tôn trọng thái quá cũng vì đôi bên có một thời sát cánh trong cuộc đấu tranh giành "độc lập", đấu tranh chống "thực dân", "đế quốc". Vậy nhưng, tiếc thay, khi nhà láng giềng có chuyện, thì ông hàng xóm cũng mượn cớ thả câu, tranh chiếm ngay quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa. Và rồi, Trung Quốc đã quyết tâm giữ bằng được phần đất chiếm. Từ việc thực hiện nhiều thủ đoạn như tung hoả mù trên truyền thông, in hình bản đồ trên hộ chiếu, in hình bản đồ có hình lưỡi bò...cho đến ngang nhiên cắt cáp tàu thăm dò dầu khí, bắt bớ bắn giết tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam. Đặc biệt, với vùng đất chiếm được ở Hoàng Sa, họ đã cho xây dựng hạ tầng kiên cố, thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa, với những hoạt động rùm beng bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam và dư luận cộng đồng quốc tế.

Dù sao thì sự thật chỉ có một. Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu đời đã là của Việt Nam. Đã bao đời người Việt Nam gìn giữ, khai thác. Luật pháp quốc tế với Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 đã quy định rõ ràng. Luật Biển Việt Nam ra đời năm 2012 đã tiếp tục khẳng định quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam. Nhiều công dân Việt Nam khi góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tới đây còn yêu cầu khẳng định thêm, đưa vào trong Hiến pháp về vấn đề này. 

Việt Nam là dân tộc yêu chuộng hoà bình, đạo lý và tôn trọng luật pháp. Xung quanh vấn đề này, nhiều học giả cũng đã cùng đồng tình quan điểm, vụ việc tranh chấp cần được giải quyết bằng Toà án quốc tế. Báo Đại Đoàn Kết từng có loạt bài "Những chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa”. Nhiều chứng lý khoa học khác từ xưa đến nay tiếp tục khẳng định, minh chứng rõ Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam. Việt Nam cần chuẩn bị một lực lượng luật sư, luật gia giỏi về ngoại ngữ, thông thạo luật pháp quốc tế, sớm đưa vụ việc ra Toà quốc tế, với những minh chứng cụ thể, rõ ràng, để vấn đề được giải quyết, xử lý rõ ràng, khách quan.

Với sự vào cuộc công minh của các Toà án nói chung, Toà án quốc tế trong vụ việc nói trên nói riêng, chân lý, công lý sẽ phải được thiết lập. Cũng như mọi vụ tranh chấp, người chiếm đất, tranh đất rồi sẽ phải hoàn, trả lại những gì không thuộc về mình, phải từ bỏ mọi lòng tham vì rào cản của luật pháp. Đây cũng vừa là cách giải quyết tranh chấp vừa để duy trì, củng cố mối quan hệ tốt đẹp giữa các bên.


Kiên Long

No comments:

Post a Comment