Nguyễn Nghĩa650 - Sửa đổi Hiến pháp, khung luật tối cao của một quốc gia, là việc đại sự. Hiến pháp lại là bản khế ước cam tâm tình nguyện thực hiện của nhân dân Việt Nam. Sự việc chỉ cho phép nhân dân Việt Nam góp ý cho Bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong thời hạn quá ngắn ngủi 69 ngày là một điều nghi vấn lớn, đáng để cho chúng ta phân tích những mưu toan chiến lược của ĐCSVN trong nội dung Hiến pháp mới...Việc qui định "Các lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với ĐCSVN" mới là cốt lõi, mới là mục tiêu chính của lần sửa đổi HP này.
Sau 2 năm tuyên bố ý định sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, ngày 2/01/2013 Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Quốc hội chính thức công bố toàn văn Bản dự thảo trên các phương tiện truyền thông đại chúng (1).
Mục đích được nêu là để lấy ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân cho nội dung bản Dự thảo này. Thời hạn được phép góp ý là từ 21/01 đến hết ngày 31/03/2013.
Lý do ĐCSVN tiến hành sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được Quốc hội VN nêu trong Tờ trình số 11/TTr-UBTVQH13 ngày 2/8/2011 của Ủy ban thường vụ Quốc hội:
"Hiến pháp năm 1992 là Hiến pháp của thời kỳ đầu đổi mới đất nước. Đến nay, đất nước ta đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh quốc tế đang có những diễn biến to lớn, phức tạp và sâu sắc. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần XI của đảng, trên cơ sở tổng kết sâu sắc thực tiễn và lý luận 25 năm đổi mới, đã xác định rõ mục tiêu, định hướng phát triển toàn diện, bền vững đất nước trong giai đoạn cách mạng mới nhằm xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vì vậy, việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 cho phù hợp với tình hình mới là rất cần thiết."
Những lý do mà ĐCS VN nêu để tiến hành sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho ta thấy có sự mập mờ dụng ý.
Họ chỉ nêu một cách chung chung "bối cảnh quốc tế đang có những diễn biến to lớn, phức tạp và sâu sắc" và "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần XI của đảng".
Sửa đổi Hiến pháp, khung luật tối cao của một quốc gia, là việc đại sự. Hiến pháp lại là bản khế ước cam tâm tình nguyện thực hiện của nhân dân Việt Nam. Sự việc chỉ cho phép nhân dân Việt Nam góp ý cho Bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong thời hạn quá ngắn ngủi 69 ngày là một điều nghi vấn lớn, đáng để cho chúng ta phân tích những mưu toan chiến lược của ĐCSVN trong nội dung Hiến pháp mới.
Bài viết này sẽ căn cứ vào nhận định tổng quát về CNCS: "Đừng nghe Cộng sản nói, hãy xem Cộng sản làm" mà giải mã ý đồ thâm hiểm của ĐCSVN trong sự kiện sửa đổi HP.
1. Mục đích đầu tiên của Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là ĐCS VN tiếm đoạt hoàn toàn Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ta hãy xem những qui định về Lực lượng vũ trang của các bản HP các năm 1946, 1959, 1980, 1992 như thế nào.
- Hiến pháp 1946 không có điều khoản riêng về Lực lượng vũ trang của Nhà nước VN.
- HP VN 1959, Điều 8: "Lực lượng vũ trang của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là của nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ thành quả của cách mạng, bảo vệ độc lập, chủ quyền, lãnh thổ toàn vẹn và an ninh của Tổ quốc, bảo vệ tự do, hạnh phúc và sự nghiệp lao động hòa bình của nhân dân."
- HP 1980, Điều 51: "Các lực lượng vũ trang nhân dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ những thành quả của cách mạng, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, tự do, hạnh phúc và lao động hòa bình của nhân dân, cùng toàn dân xây dựng nước nhà."
- HP 1992, Điều 45: "Các lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và những thành quả của cách mạng, cùng toàn dân xây dựng đất nước."
Trong tất cả các văn bản HP trình bày ở trên, các "Lực lượng vũ trang là của nhân dân", "tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân". Ngay cả trong các bản HP 1980 và 1992, khi ĐCS VN đang ở tại đỉnh cao của quyền lực và uy tín, họ cũng chưa dám khẳng định trong văn bản HP là "Lực lượng vũ trang phải trung thành với ĐCSVN".
Hôm nay, khi CNCS quốc tế hoàn toàn tan rã hơn 20 năm, khi ĐCSVN không hoàn thành nhiệm vụ gìn giữ biên cương hải đảo Việt Nam, khi bộ mặt đặt ý thức hệ cộng sản lên trên quyền lợi quốc gia dân tộc của ĐCSVN bị bóc trần, ĐCS VN lại mánh lới đưa ra:
Điều 70 (sửa đổi, bổ sung Điều 45) (Bản dự thảo sửa đổi HP năm 1992, xem (2):
“Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với đảng cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.”
Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, bổ sung có 11 chương, 126 điều, so với Hiến pháp năm 1992, giảm một chương, 21 điều. Trong đó 18 điều giữ nguyên, 95 điều sửa đổi và bổ sung 13 điều mới. Theo đó, Chủ tịch nước là thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân và giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp tướng, đô đốc, phó đô đốc, chuẩn đô đốc hải quân; bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Chủ tịch nước có quyền tham dự các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ. Khi cần thiết, Chủ tịch nước yêu cầu Chính phủ họp bàn về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước.
Tất cả các thay đổi trên chỉ dùng làm hỏa mù đánh lạc hướng dư luận nhân dân Việt Nam. Vì thực tế, Bộ chính trị ĐCSVN vẫn là quyết định tối cao, thêm một chút quyền lực cho CT nước không làm giảm vai trò của BCT ĐCSVN.
Việc qui định "Các lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với ĐCSVN" mới là cốt lõi, mới là mục tiêu chính của lần sửa đổi HP này.
Tại sao tôi khẳng định điều này, có 2 lý do chính:
1. Lý thuyết cộng sản rất coi trọng bạo lực. Trong khi uy tín của ĐCS VN đang tan rữa, việc họ níu vào chiếc phao bạo lực: Các Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với đảng cộng sản Việt Nam, là tiên đoán được. Lý do này cần một chút phân tích dài dòng, tôi dành riêng 1 mục dưới đây.
2. ĐSCVN đang chuẩn bị cho tàn sát những người Việt Nam yêu nước chống TQ bằng Quân đội và Công an một cách hợp hiến.
Để khẳng định kết luận trên, ta phải xét vào bối cảnh xuất hiện Luận biển VN và Bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Cả 2 văn kiện trên cùng được tiến hành đồng thời trong thời gian 2011, 2012. Việc thông qua Luật biển VN, do can thiệp của TQ, kế hoạch thông qua Quốc hội cuối 2011 thì chuyển vào giữa năm 2012.
Luật biển VN khẳng định 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc vào lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc VN.
Ở đây, cần phải sử dụng trí thông minh chính trị để lý giải hiện tượng này.
ĐCSVN ra đời do một nhóm các thanh niên VN yêu nước khởi xướng. Những người thanh niên này hi vọng đây là con đường cứu nước và xây dựng một xã hội công bằng, tiên tiến cho dân tộc VN. ĐCSVN lớn mạnh cũng nhờ phải dựa trên lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam. Như vậy cội nguồn sức mạnh của ĐCSVN là luôn giả dối, che đậy những âm mưu thâm độc của cương lĩnh cộng sản đối với dân tộc Việt Nam, để có thể dựa vào lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam.
Sự kiện Hồ Chí Minh khóc sau Cải cách ruộng đất chứng minh cho nhận định này.
Khóc mà nhận ra khuyết điểm và muốn sửa chữa khuyết điểm là khóc thật. Khóc mà sau đó lại tiếp tục giết người, cướp của là khóc giả dối, là mị dân, là mua chuộc lòng người.
Tách rời cội nguồn yêu nước của dân tộc Việt Nam, sức mạnh của hơn 3 triệu những kẻ chỉ lao tâm, khổ trí cho tham nhũng hôm nay là zero.
BCT ĐCS VN hiểu rất rõ điều này.
Đây là lý do chính của sự ra đời của Luật biển VN.
Cũng như Quyền biểu tình cho công dân Việt Nam đã được ghi nhận từ 1946.
Đến nay, sau gần 67 năm, các Quốc hội cộng sản VN không ra nổi Luật biểu tình là một mẹo chính trị của ĐCS VN, cố tình không thông qua Luật biểu tình. Trường hợp này, CT Nguyễn Thế Thảo đã vi hiến khi ngăn cấm nhân dân Hà Nội biểu tình chống TQ. Không có Luật biểu tình là lỗi của các QH VN. Quyền biểu tình là quyền Hiến pháp qui định. Hiến pháp là luật cao nhất.
ĐCSVN cũng hi vọng mị dân Việt Nam bằng Luật biển VN vì hiểu được tình cảm của nhân dân Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa.
Khốn nỗi, bành trướng Biển Đông, chiếm trọn Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam là mục tiêu chiến lược của ĐCSTQ.
Sự kiện tầu TQ cắt cáp tầu Bình Minh 2 đã dấy nên sự thức tỉnh của người dân Việt Nam trước âm mưu cướp lãnh thổ, đoạt lãnh hải VN của TQ.
ĐCSVN biết rằng sự tồn tại hay không tồn tại của ĐCS VN sẽ được quyết định bởi thái độ của họ trước các vấn đề lãnh hải tại Biển Đông. Mà mục tiêu dâng Hoàng Sa, Trường Sa, dâng Biển Đông cho TQ đã được ĐCSVN quyết định để bảo vệ quyền tham nhũng của tầng lớp quí tộc cộng sản phong kiến thuộc ĐCSVN.
Chứng cớ cho nhận định này là việc khăng khăng làm đàn em cho TQ bất chấp âm mưu cướp đất đai biển đảo VN của TQ. Họ vẫn nhận là theo CN Mác-Lênin, theo CNCS như TQ. Họ khẳng định rằng VN và TQ đồng thuận trên tất cả mọi bình diện, chỉ có một bất đồng nhỏ tại Hoàng Sa, Trường Sa.
Họ tước đoạt quyền tự vệ của dân tộc Việt Nam trước xâm lăng bằng chính sách không liên minh quân sự.
Họ cho phép TQ vào các bí mật có tính quốc phòng của Việt Nam như các cánh rừng biên giới, Tây Nguyên... Họ đồng ý cho TQ xây đường sắt cao tốc xuyên Hoàng Liên Sơn, phá bỏ bức thành đá tự nhiên giúp Việt Nam đánh thắng 9 lần xâm lược của TQ. Họ cho phép gián điệp TQ hoạt động quanh Cam Ranh.
Họ bắt giam những người yêu nước dám khẳng định HS-TS-VN. Họ đàn áp các cuộc biểu tình chống TQ tại Hà Nội, Sài Gòn một cách vi hiến...
Làm sao để hòa hoãn được giữa ý đồ chiến lược của ĐCS VN dựa hẳn vào TQ để tồn tại và ý đồ xâm lược, chiếm trọn Biển Đông của TQ, mà không bị nhân dân Việt Nam lên án?.
ĐCS VN đã dùng Luật biển VN để thực hiện mưu mẹo lừa gạt này.
Đưa ra Luật biển, nhưng đấu tranh thu hồi Hoàng Sa, Trường Sa là đấu tranh " Hòa bình". Nghĩa là chỉ bằng nước bọt và không làm thêm, hơn một điều gì cả.
Tuy vậy, ĐCS VN vẫn còn một câu hỏi hóc búa phải trả lời: Sự lừa đảo sớm muộn sẽ bị phát giác, vạch trần. Vụ cát cáp tầu Bình Minh, mặc dù có đe dọa từ phía chính quyền, đã có hàng ngàn người Việt Nam xuống đường phản đối.
Trong tương lai, một ngày không xa, TQ sẽ chiếm trọn Trường Sa bằng vũ lực, băng sức mạnh của Hải quân TQ. Lúc đó, chắc chắn sự bùng nổ yêu nước của nhân dân Việt Nam sẽ là mạnh mẽ vô cùng và không tiên đoán được. Sẽ có hàng trăm ngàn người xuống đường, sẽ có hàng triệu người xuống đường...? Sẽ có "Mùa xuân Ả Rập" trên đất Việt Nam?
Để chuẩn bị cho tình huống này, để đối phó với cả dân tộc Việt Nam, ĐCS VN chọn con đường bạo lực.
Khi đó họ sẽ huy động quân đội và công an thảm sát nhân dân Việt Nam yêu nước. Thảm sát dân thường như TQ trong vụ Thiên an môn, thảm sát một cách hợp hiến.
Đây chính là lý do chính để ĐCS VN tiến hành sửa đổi HP 1992. Nội dung sửa đổi đã phản ánh tính phe phái trong ĐCSVN, nhưng các phe phái trong đảng đều nhất trí với nhau: Bằng mọi cách, dù phải làm đổ máu người dân Việt Nam yêu nước, cũng phải bảo vệ bằng được quyền lãnh đạo của ĐCSVN.
Đây chính là nội dung chính của lần sửa đổi HP lần này.
Các trí thức Việt Nam thông qua BVN đã trình bày một HP có nội dung tiến bộ.
Sự nhiệt tình của họ sẽ có thể là công cốc bởi vì những đặc quyền, đặc lợi của các ủy viên TW chính thức và và dự khuyết... của tầng lớp quí tộc cộng sản VN đã quá lớn do độc quyền lãnh đạo đen lại.
Họ đã đứng về phía tham nhũng, đã đứng về phía làm nô lệ cho TQ.
Nếu Dự thảo HP với Điều 70 (sửa đổi, bổ sung Điều 45 HP 1992) được thông qua, dân tộc Việt Nam sẽ có một kiếp nạm đẫm máu vì không thể không yêu nước, không thể không bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa.
Nếu Dự thảo HP với Điều 70 (sửa đổi, bổ sung Điều 45 HP 1992) được thông qua, Quân đội VN sẽ là đội quân thảm bại nhất lịch sử VN do các tướng lĩnh như Phùng Quang Thanh, Nguyễn Xuân Lịch... lãnh đạo. Các binh lính Quân đội nhân dân VN sẽ chết thảm như trong trận chiến trên cao điểm 1509 Hà Giang do Văn Tiến Dũng lãnh đạo 1984 hay trên đảo Gạc Ma do BBCT ĐCSVN trực tiếp chỉ đạo 1992.
Nỗi nhục lớn nhất mà các lực lượng vũ trang VN sẽ phải đối mặt là lệnh đàn áp nhân dân Việt Nam, người đã sinh ra và nuôi dương họ lớn mạnh, một cách hợp hiến.
Nguyễn Nghĩa650
_______________________
No comments:
Post a Comment