Wednesday, January 23, 2013

Điểm báo: Barack Obama : Nước Mỹ “đoàn kết và công bằng”


Minh Anh - “Nước Mỹ đoàn kết và công bằng của ông Obama” là nhận định của thông tín viên báo Le Monde về nội dung bài diễn văn buổi tuyên thệ nhậm chức của tổng thống tái đắc cử Hoa Kỳ, Barack Obama hôm thứ hai 21/01/2013 vừa qua. Theo bài viết, “chống biến đổi khí hậu” và thực hiện chính sách “công bằng” cho giới đồng tính và phụ nữ là những điểm ưu tiên mới được nêu lên trong bài diễn văn lần này.

Le Monde nhận xét, chỉ cần có 15 phút (và 2108 từ), bài diễn văn trong buổi tuyên thệ nhậm chức của tổng thống tái đắc cử Barack Obama đã tóm gọn rõ ràng và cụ thể những ý định của ông trong nhiệm kỳ hai.
Nếu như, ông Obama chỉ nói bóng nói gió về việc giảm thâm thủng ngân sách, thì ngược lại, tổng thống tỏ ra kiên quyết bảo vệ các chương trình xã hội.

Điều đáng lưu ý là trong bài diễn văn, tổng thống Mỹ còn đề cập đến công bằng cho giới đồng tính cũng như là chống biến đổi khí hậu. Ông nói : « Chúng ta sẽ phải hành động trước mối đe dọa biến đổi khí hậu. Nên biết rằng, việc không hành động cũng có nghĩa là phản bội lại con cháu chúng ta và các thế hệ tương lai ».

Bên cạnh đó, tổng thống tái đắc cử còn cho rằng « hành trình » của quốc gia sẽ không bao giờ « kết thúc » khi mà phụ nữ vẫn chưa được sánh ngang bằng với giới mày râu trong đời sống chuyên nghiệp, khi mà người nhập cư vẫn chưa được đối xử tử tế và khi mà mọi đứa trẻ vẫn chưa được đảm bảo về mặt an ninh.

Bài báo nhận thấy rằng liên quan đến thế giới chỉ được gói ghém trong ba đoạn văn, đại khái nhắc lại rằng đảm bảo an ninh quốc gia không nhất thiết phải tiến hành các cuộc « chiến tranh triền miên ». Trước mắt, kẻ thù của nước Mỹ vẫn chưa đưa ra một mối đe dọa nào. Theo quan điểm của ông, nên dũng cảm giải quyết các xung đột với các quốc gia một cách ôn hòa. « Không phải vì chúng ta ngu ngơ không nhận thấy các mối nguy hiểm mà chúng ta đang phải đối mặt, nhưng bởi đối thoại mới có thể giúp dỡ bỏ hoàn toàn các mối nghi ngờ và nỗi sợ hãi ».

Theo đánh giá của bài viết, phe dân chủ tỏ ra rất hài lòng về giọng văn kiên quyết của tổng thống và về chương trình hành động, bắt đầu từ cải cách chính sách nhập cư cho đến cải cách tiến trình bầu cử và thúc đẩy đầu tư trong năng lượng tái tạo.
Ngược lại, phe Cộng hòa thì lấy làm tiếc cho rằng vắng lời kêu gọi đoàn kết. Cứ như là tổng thống đã quyết định điều hành đất nước bằng cách chủ yếu dựa vào những cộng đồng đã bỏ phiếu cho ông.

Một tổ chức Hồi giáo Djihad « đa quốc gia » đã tổ chức vụ tấn công In Amenas

Trở lại vụ bắt giữ con tin tại cơ sở khai thác khí ga In Amenas, trong bài viết đề tựa «Một tổ chức Djihad ‘đa quốc gia’ đã tấn công In Amenas », Le Monde cho biết ngoài con số thống kê nạn nhân thiệt mạng, vụ tấn công đó còn cho thấy mức độ nguy hiểm đáng sợ của mạng lưới Hồi giáo Cực đoan tại Mali.

Theo con số chính thức do Thủ tướng Algeri, ông Abdelamalek Sellah, công bố trước báo chí thì tổng cộng có đến 37 người nước ngoài thiệt mạng trong vụ giải cứu con tin tại khu khai thác khí ga In Amenas. Trong đó, có 7 tử thi chưa xác định được danh tính. Và còn 5 người bị mất tích.

Tuy nhiên, ngoài yếu tố « vụ tấn công được chuẩn bị kỹ », điều gây bất ngờ cho chính quyền Algeri là nhóm khủng bố này còn mang tính chất « đa quốc gia », bao gồm các quốc tịch Tunisia (chiếm đến 1/3), Nigeria, Algeri, Ai Cập, Mali và Canada.

Le Monde cho biết các cơ quan an ninh hầu như nhận dạng được rất nhiều thành viên trong nhóm Hồi giáo cực đoan này, những kẻ từng thực hiện các vụ tấn công khủng bố sân bay năm 2009, hay như gần đây vụ bắt cóc 7 nhà ngoại giao Algéri tại Gao. Theo nhận định tờ báo, các vụ việc trên chứng tỏ cho thấy có sự kết hợp uyển chuyển giữa các nhóm Hồi giáo cực đoan khác nhau, lúc hợp lúc tan tùy theo từng tình huống nhằm tung hỏa mù các lực lượng an ninh.

Cuối cùng, bài viết cho rằng, đối với đất nước Algeri, sau nhiều năm nội chiến (1990-1999), việc bất ngờ phát hiện ra một mạng lưới Hồi giáo cực đoan phái Djihad « đa quốc gia » rõ ràng đang gây kinh hoàng cho chế độ và người dân.

Nên dạy trẻ có trách nhiệm trước màn hình hơn là cấm đoán

Trẻ con thời nay dễ bị thu hút bởi những cám dỗ ngày càng nhiều từ những trò chơi điện tử, máy vi tính, truyền hình, máy tính bảng kỹ thuật số. Theo ước tính của cơ quan Mediametrie, thời gian trung bình trẻ em từ 4 đến 14 tuổi ngồi trước màn hình là khoảng 2g15 mỗi ngày. Trước tình trạng đó, Viện hàn lâm khoa học Pháp gióng lên hồi chuông báo động cảnh báo các bậc phụ huynh nên có những biện pháp kiểm soát thích hợp nhằm giúp trẻ phát triển trí thông minh. Đề tài này được báo Le Monde đề cập đến qua bài viết đề tựa « Nên dạy trẻ có trách nhiệm trước màn hình hơn là cấm đoán ».

Tờ báo tóm lược lại những lời khuyên của hai nhà khoa học, ông Serge Tisseron – nhà phân tâm học và ông Olivier Houdé – giáo sư ngành tâm lý học, cùng đăng trong tác phẩm « L’Enfant et les Ecrans » (tạm dịch là Trẻ em và các loại màn ảnh), do nhà xuất bản Le Pommier phát hành. Le Monde lưu ý là độc giả có thể tham khảo các lời khuyên trên trang web Academie-sciences.fr.

Nhìn chung, theo hai tác giả, tùy theo độ tuổi mà các bậc phụ huynh có các biện pháp thích hợp với trẻ trong việc giáo dục. Theo nghiên cứu của hai ông, trước hai tuổi, các loại màn hình không cảm ứng không những không mang lại lợi ích tích cực nào, mà còn để lại nhiều hậu quả xấu như béo phì, chậm nói, thiếu tập trung và sự chú ý… Ngược lại, các loại máy tính bảng có thể giúp trẻ có cảm thụ sớm trước thế giới màn ảnh dưới sự dìu dắt của cha mẹ. Tuy nhiên, hai tác giả lưu ý là phải lựa chọn kích cỡ màn ảnh phù hợp với sự phát triển trí thông minh của trẻ.

Từ 2 cho đến 6 tuổi, không nên cho trẻ các trò chơi điện tử cá nhân. Trong độ tuổi 2-3, việc để trẻ ngồi lâu và thụ động trước màn ảnh tivi mà không có các hoạt động tương tác giữa trẻ với nhau hay với người lớn là điều tối kỵ. Từ 3 tuổi trở đi, là độ tuổi mà trí thông minh mang tính biểu trưng và biểu tượng : trẻ con có thể có các hành vi « bắt chước khác nhau » – nghĩa là tái hiện lại các cảnh đã được xem qua và có khả năng đóng giả như thế.

Về phần trò chơi điện tử hay máy vi tính, từ 4 tuổi trở đi, các bậc cha mẹ có thể thỉnh thoảng cho trẻ chơi khi có dịp, nhưng dưới hình thức trò chơi tập thể trong gia đình. Hai ông cho rằng việc trẻ sở hữu một trò chơi điện tử cá nhân hại nhiều hơn là lợi.

Nhưng đến độ tuổi khoảng từ 6 đến 10 tuổi, hai tác giả cùng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hành vi tự điều chỉnh. Đây là độ tuổi trẻ bắt đầu đến trường. Và đó cũng là môi trường lý tưởng nhất cho việc giáo dục có hệ thống về thế giới màn hình. Theo hai ông, việc giáo dục sớm cho trẻ biết « tự điều chỉnh » là rất cần thiết. Cha mẹ nhất thiết phải ấn định số giờ ngồi trước màn hình hàng ngày cho trẻ, giao cho trẻ tự chịu lấy trách nhiệm thực hiện quy định. Bởi vì, sự tin tưởng lẫn nhau giữa cha mẹ và con cái là điều cốt lõi.

Cả hai tác giả nhắc nhở rằng sau 12 tuổi, các bậc cha mẹ nên cẩn trọng trước việc trẻ ngồi lâu trước màn hình ban đêm, nhất là khi trẻ sử dụng Internet. Theo hai ông, nếu biết cách sử dụng có hiệu quả các công cụ kỹ thuật số cũng như Internet có thể giúp cải thiện việc kiểm soát các cảm xúc và khả năng kiểm soát suy nghĩ, hành động, hay ra quyết định của trẻ.
Mặt khác, việc chỉ truy cập duy nhất Internet có thể tạo ra một lối suy nghĩ « zapping », nghĩa là quá nhanh, giả tạo và không có cơ sở. Như vậy, sẽ làm nghèo trí nhớ và khả năng tổng hợp cá nhân và nội tâm. Đó là chưa kể đến chứng mất ngủ, thiếu tập trung cũng như kết quả học tập sa sút ở trường.

Cuối cùng, theo hai tác giả, các bậc cha mẹ nên thay đổi luân phiên các nguồn giải trí giữa kỹ thuật số và không kỹ thuật số, nhất là ở trẻ nhỏ. Trong chính quá trình đó mà trẻ nhỏ sẽ phát huy trí thông minh của mình : định vị mốc thời gian, nhờ vào những lời bình phẩm của người lớn về diễn biến trong ngày, định vị không gian, thông qua cách trẻ kể lại những gì đã làm.

Minh Anh RFI

No comments:

Post a Comment