Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang A cảnh báo, việc « hợp hiến hóa » quyền « thu hồi » đất đai của Nhà nước – một trong các tư liệu sản xuất quan trọng nhất thường được chính quyền «ưu tiên » cho các công ty Nhà nước – vốn không được công nhận trong chính bản Hiến pháp 1992 hiện hành, có thể làm « bùng phát những bất ổn xã hội liên quan đến đất đai. Đây là điều rất nguy hiểm nên tránh ».
Cách đây đúng hai năm, đại hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 11 đã chính thức từ bỏ nguyên tắc giáo điều về sở hữu công đối với « tư liệu sản xuất chủ yếu ». Việc đưa quy định Nhà nước có quyền thu hồi đất vào dự thảo Hiến pháp này phải chăng cho thấy ban lãnh đạo đương nhiệm có xu hướng trở nên bảo thủ hơn ?
Sau đây là phần phỏng vấn nhà nghiên cứu Nguyễn Quang A từ Hà Nội.
RFI : Thưa ông, liên quan đến dự thảo sửa đổi Hiến pháp Việt Nam, thì một trong những điều được nhiều nhà nghiên cứu ghi nhận, đó là việc từ bỏ nguyên tắc lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo. Trước hết, xin ông cho biết ý kiến của ông về sự thay đổi tương đối đặc biệt này, bởi vì cách đây khoảng 2 tháng, thì phiên bản dự thảo vẫn giữ nguyên tắc lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo.
Nguyễn Quang A : Đúng điều đó là một sự khác lạ so với bản thân cương lĩnh của đảng Cộng sản Việt Nam vừa mới đây thôi. Nó chứng tỏ hai điều. Điều thứ nhất là Ban soạn thảo đã có một nỗ lực rất tốt để bất chấp quy định trong cương lĩnh của đảng Cộng sản Việt Nam, bỏ cái vai trò lãnh đạo của khu vực kinh tế nhà nước.
Điểm thứ hai là, điều này chỉ là sự ghi nhận một thực tế, đã được tranh cãi, bàn lâu năm nay. Đó là khu vực nhà nước không giữ vai trò chủ đạo, tuy nó sử dụng những nguồn lực rất to lớn của xã hội và đất nước, nhưng thành tích do nó tạo ra không xứng đáng với những nguồn lực mà nó đã sử dụng. Và thậm chí chính nó lại là nguyên nhân gây ra những bất ổn kinh tế vĩ mô trong thời gian vừa qua, mà đỉnh điểm là vụ Vinashin, Vinalines.
Nhưng thực sự, nhìn lại vài chục năm trước đây, thì tình hình cũng vẫn như thế, và cuộc tranh luận, đầu tiên là « các doanh nghiệp quốc doanh » giữ vai trò chủ đạo, sau đó là «khu vực nhà nước », là một cuộc đấu tranh rất là cam go trong một thời gian rất dài. Và thực sự nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam cũng đã muốn bỏ chuyện này từ lâu rồi, nhưng không bỏ được, bởi vì cái thế lực bảo thủ nó vẫn còn quá mạnh. Thế thì trong dự thảo lần này mà bỏ được điều đấy, thì tôi cho là một sự tiến bộ đáng ghi nhận. Nhưng mà đây cũng mới là dự thảo, rồi cuối cùng nó là thế nào, thì còn phải đợi chờ và xem sau.
RFI : Thưa ông, trong trường hợp nội dung này trong dự thảo được thông qua, thì việc xóa bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước thì có thể có những ảnh hướng như thế nào ?
Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ rằng, chắc chắn nó sẽ có một sự cải thiện trên giấy ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, với dự thảo như hiện nay mà được thông qua, thì nhìn chung cái bức tranh chung của nền kinh tế Việt Nam cũng khó mà có nhiều thay đổi, bởi vì tất cả mọi thứ vẫn là do đảng Cộng sản Việt Nam chỉ đạo, và nhất là chuyện về đất đai.
Đất đai cũng là vấn đề được bàn cãi lâu nay, và rất đáng tiếc là dự thảo lần này là một bước tụt hậu xa, so với Hiến pháp hiện hành là Hiến pháp 1992.
RFI : Ông có thể cho biết cụ thể nó tụt hậu như thế nào ?
Nguyễn Quang A : Hiến pháp năm 1992, cũng như Hiến pháp 1980, vẫn quy định đất đai và nhiều thứ khác nữa là sở hữu toàn dân. Lần này vẫn giữ nguyên như thế, nhưng mà có thêm một điều là Nhà nước thu hồi đất cho mục đích quốc phòng, an ninh công cộng, và các dự án phát triển kinh tế xã hội. Hiến pháp năm 1992 không quy định chuyện Nhà nước có quyền thu hồi đất. Theo nghĩa đấy, Nhà nước chỉ có quyền trưng mua đất cho những mục đích an ninh, quốc phòng và vì lợi ích công cộng. Nếu hiểu như thế, thì luật đất đai 1993 và luật đất đai 2003 rất có thể đã là vi hiến. Vì hai luật này quy định Nhà nước có thể « thu hồi đất cho mục đích an ninh quốc phòng và lợi ích công cộng ». Đó là luật đất đai 1993. Luật 2003 lại thêm một câu nữa là « cho các dự án phát triển kinh tế xã hội ».
Dự thảo này đưa vào khái niệm, trao cho Nhà nước quyền thu hồi đất theo các mục đích như nói trên, như thế là « hợp hiến hóa » việc thu hồi đất. Tôi nghĩ đấy là một bước thụt lùi rất xa so với Hiến pháp hiện hành. Suốt những năm vừa qua, chỉ tính 10 năm trở lại đây, thì đã có trên 800.000 vụ khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai, mà chủ yếu liên quan đến việc thu hồi đất. Nếu bây giờ lại trao cho Nhà nước quyền như thế, hợp hiến hóa việc sai trái đã xảy ra trong thời gian vừa qua, thì tôi nghĩ rất có thể sẽ bùng phát những bất ổn xã hội liên quan đến đất đai. Đấy là một điều rất nguy hiểm nên tránh.
RFI : Thưa ông, cách đây 2 năm đã diễn ra đại hội 11 của đảng Cộng sản Việt Nam, lúc đó có tranh luận xung quanh khái niệm công hữu về tư liệu sản xuất, được coi là một « tín điều » căn bản của đảng Cộng sản. Quyết định cuối cùng là ban lãnh đạo mới đã từ bỏ nguyên tắc này. Nhiều người thì bình luận rằng đây là một bước tiến mới trong việc từ bỏ sự giáo điều của đảng Cộng sản. Dường như có mối liên hệ giữa vấn đề công hữu về tư liệu sản xuất và chế độ đất đai, có phải không ?
Nguyễn Quang A : Đấy là một sự mâu thuẫn hiển nhiên giữa cái cương lĩnh mà đảng Cộng sản Việt Nam thông qua trong đại hội vừa rồi 2011 và… Trong năm 2011, đúng là đã xảy ra một cuộc tranh cãi rất sôi nổi về chuyện đó. Và ông Tổng bí thư đương nhiệm của đảng Cộng sản Việt Nam là người thuộc về thiểu số. Theo tôi biết, thì ông ấy nói rằng : là thiểu số nên phải phục tùng đa số. Thế nhưng mà, sau khi ông ấy lên nắm quyền rồi, thì chính ông ấy lại là người nêu ra việc sửa đổi luật đất đai, và Hiến pháp lần này thì vẫn quy định đất đai là thuộc sở hữu toàn dân. Và như thế, tôi nghĩ rằng, đó là một sự mâu thuẫn hiển nhiên.
Và cái điều mà tôi e ngại là, kể cả sự tiến bộ như chúng ta nói ban đầu chỉ là ở trên dự thảo. Còn soi vào cương lĩnh của đảng Cộng sản Việt Nam, với vai trò của ông Tổng bí thư như bây giờ…, thì không biết rằng, cái Hiến pháp sẽ được Quốc hội thông qua nó có được như cái dự thảo hay không, hay nó lại còn tồi tệ hơn nữa ?
RFI : Để có thể giúp thính giả hiểu rõ hơn chủ đề chính trong cuộc phỏng vấn hôm nay, tức là việc dự thảo sửa đối Hiến pháp từ bỏ nguyên tắc kinh tế nhà nước làm chủ đạo, xin ông cho biết mối liên hệ giữa chế độ sở hữu đất và khu vực kinh tế nhà nước.
Nguyễn Quang A : Đất đai là một loại tư liệu sản xuất vào loại quan trọng nhất của nền kinh tế. Và tuy có vẻ là tiến bộ, là bỏ được chuyện vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước, nhưng mà liên quan đến một tư liệu sản xuất quan trọng bậc nhất, thì lại có bước thụt lùi.
Cho nên, cái bước thụt lùi có thể phá sản cái khả năng tiến bộ đó.
RFI : Thưa ông, dường như có thể nói, việc nắm những tư liệu chủ yếu, như đất đai mới có thể coi là những thực chất của nền kinh tế, còn việc nói rằng, khu vực kinh tế này có là chủ đạo hay không, thì về cơ bản vẫn là chỉ là ngôn từ, hơn là một câu chuyện cụ thể, có phải không ?
Nguyễn Quang A : Hoàn toàn đúng như vậy. Bởi vì từ trước đến nay, vẫn nói rằng khu vực nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Nó chưa thể và chưa bao giờ giữ vai trò chủ đạo, ít ra là trong 20 năm qua cả. Mà nó chỉ gây ra những vấn đề cho nền kinh tế này mà thôi. Nó mang tính chất khẩu hiệu, mong muốn, hơn là chuyện Nhà nước có quyền thu hồi đất cho các mục đích phát triển kinh tế – xã hội. Mà khi đã gọi là để phát triển kinh tế, mà Nhà nước thu hồi, thì thu hồi cho ai ? Chính lại có thể là cho các doanh nghiệp nhà nước là nhiều, hoặc là các doanh nghiệp tư nhân cánh hẩu với họ. Thì như thế sẽ làm cho nền kinh tế này ngày càng méo mó hơn lên.
RFI : Thưa ông, dường như có thể nói là, ban lãnh đạo đương quyền, với quy định về sở hữu đất đai như vậy, có xu hướng trở nên bảo thủ hơn trước ?
Nguyễn Quang A : Tôi không dám đánh giá là bảo thủ hơn trước, hay cấp tiến hơn trước. Nhưng những thực tế đấy, nhất là liên quan đến sở hữu đất đai, đến quyền thu hồi đất của Nhà nước, thì nó chỉ ra là như vậy.
Tóm tắt lại, liên quan đến câu hỏi của anh, về vấn đề vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước bị bỏ ra khỏi dự thảo Hiến pháp lần này, thì tôi nghĩ rằng, đó là một bước tiến bộ, nó chỉ là sự ghi nhận một thực tế mà thôi. Nhưng mà liên quan đến phát triển kinh tế, thì hợp hiến hóa quyền thu hồi đất của Nhà nước là một bước thụt lùi nghiêm trọng hơn, và có thể gây ra cho nền kinh tế này rất nhiều vấn đề.
RFI xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Nguyễn Quang A đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn hôm nay.
No comments:
Post a Comment