Hồ Đinh - Triết Gia Đức M. Heidegger từng ví con người như một Être Pour La Mort, coi đó như một sinh thể cho tử vong tử diệt, giống như quan niệm trong triết học Phật Giáo, cho rằng đời là bể khổ trong cõi thế vốn vô thường, để rồi rốt cục ai cũng phải chết. Tóm lại sinh tử là lẽ tất yếu của con người không ai tránh khỏi, nhưng để yên tâm bước vào cõi vĩnh hằng, hầu như ai cũng cố gắng giữ trọn đạo làm người, tốt cho mình, ích cho đời và lưu danh cùng sông núi.
Trong khi đó, ngàn thảm kịch vĩ đại, vạn oan khiên tột cùng, núi xương, sông máu và những cơn giông bão nước mắt của triệu triệu nạn nhân cộng sản trong bao năm qua, bị chế độ độc tài đảng trị cùng những trí thức không tim óc tiếp tay, chôn giấu vùi dập một cách tận tuyệt trong đáy mộ thời gian. Nhưng lịch sử vốn vô tình và rất công bằng, nên nhiều trí thức buổi trước đã ồn ào ca tung VC, nay vì lương tâm và trên hết là sự thật, phải thay ngòi bút để viết lại lịch sử, lôi ra ánh sáng những uẩn khúc bi kịch, lột trần những huyền thoại của đảng cộng sản VN.
1968-2002, bao chục năm qua nay cũng đã đủ để khai quật nấm mồ lịch sử về cuộc thảm sát của VC, mà nạn nhân đa số là dân chúng vô tội, trong trận chiến Tết Mậu Thân 1968 tại Huế.
Theo nhận xét của học giả Nguyễn Hiến Lê thì muốn viết lịch sử, phải sống cùng lịch sử ít nhất một thời gian. Do trên hiện có một số lớn nạn nhân sống sót sau thảm kịch Mậu Thân Huế 1968, đã quả quyết thủ phạm chính cuộc tàn sát dã man lúc đó là những thành phần trong cái mặt trận Liên Minh Dân Tộc Hòa Giải do Hà Nội dựng lên tại Huế vào ngày mồng ba tết Mậu Thân (1-2-1968) gồm Lê Văn Hảo, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Đóa, Đào Thị Xuân Yến, Hoàng Phương Thảo..Bia đá trăm năm có thể bị hủy diệt bởi con người và thời gian, lịch sử cũng vậy có thể cũng bị thay đen đổi trắng bởi bọn cầm quyền và đám bồi bút vô loại nhưng bia miệng thì không bao giờ bất biến bởi chúng là những tác phẩm vô hình không chữ nghĩa.
Sau năm 1975, hầu như bọn "phản tặc" VNCH đều bị Hà Nội cho ra rìa, trong số này có anh em nhà Hoàng Phủ. Con người dù có trái tim cao su hay nhân tạo, đôi lúc trong một thoáng bâng quơ nào đó, cũng tịnh tâm xúc động về tội ác của mình, phương chi Hoàng Phủ Ngọc Tường lại là một trí thức, giáo sư, vương tôn công tư, được sinh ra và sống trên đầu hàng triệu triệu người lầm than đen đói VN, nên ông chắc cũng hàng đêm sám hối về tội phản quốc và sát nhân của mình đối với đồng bào vô tội, rồi tủi phận, rồi bứt rứt, cuối cùng tâm tư đã tuôn hết trong thi phẩm "Người Hái Phù Dung", ăn năn thương tiếc tuổi hoa niên thơ mộng khi chưa lầm đường theo giặc giết hại dân tộc mình:
"Ta tìm lại trong hình hài hóa bướm
Chút tự do quả thực trên đời.
Rũ sạch hết đam mê hoang tưởng
Núi thông nhiều ta hãy rong chơi.
1. Huế, cố đô trong dòng lịch sử:
Tỉnh Thừa Thiên nằm giữa miền Trung VN, có diện tích 5054km2 và dân số tính đến năm 2000 là 1.045.134 người với các quận Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy, Phú Lộc, A Lưới và Nam Đồng. Tỉnh lỵ là thành phố Huế hiện nay có diện tích 380km2 với 209.043 người.
Theo từ nguyên, Huế là do Hóa tên nôm của Thuận Hóa đọc trại ra nhưng đến nay vẫn chưa tìm được xuất xứ, ngoài tên Huế được đề cập lần đầu, trong bài văn viết bằng chữ nôm "Thập Giới Cô Hồn Quốc Ngữ Văn" của đại đế Lê Thánh Tôn (1460-1497). Là cố đô của nhà Nguyễn (1802-1945), Huế muôn đời vẫn đẹp và thơ mộng, mang nhiều sắc thái tiêu biểu cho dân tộc, nhân chứng của một chặng đường lịch sử, văn hóa, kiến trúc VN, nên trong hội nghị lần thứ 17 tại Catagenna nước Columbia, vào tháng 12-1993, tổ chức UNESCO của LHQ, đã công nhận Huế là di sản văn hóa của nhân loại cần bảo tồn.
Nghĩ về Huế, dù là địa phương hay kẻ viễn khách, ai cũng đều ưa thích những công trình kiến trúc lịch sử cung điện và lăng tẩm của các tiên vương nhà Nguyễn. Kinh thành Huế do vua Gia Long cho khởi công xây cất từ năm 1805 mãi tới năm 1838 đời vua Minh Mạng mới xong. Đây là một tòa thành hình vuông, mỗi cạnh 2.223m, bề cao 6,60m, chân thành có hào sâu 4m, phía đông nam sát bờ sông Hương nhìn về phía trước là núi Ngự Bình. Ngoại thành hướng bắc có pháo đài Mang Cá, ngoài ra còn có 10 cửa chính với những vọng lầu cao ngất, dùng để ra vàọ Tòa thành được kiến trúc độc đáo, từ kiểu Vauban của Pháp cho tới nghệ thuật xây cất Á Đông, biểu hiện nét hoành tráng, lộng lẫy nhưng không kém phần thơ mộng trang đài từ vách thành, vọng lầu, cửa ngọ môn.. cho tới đền đài cung các được chạm trổ, điêu khắc hài hòa trong cảnh trí thiên nhiên tuyệt diệu.
Ngược dòng lịch sử, từ năm 1366 Huế đã là thủ phủ của Đàng Trong, tức là hai Châu Ô, Rí do vua Chế Mân của Chiêm Thành, dâng cho nhà Trần làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân của Đại Việt, từ đó trở thành đất Thuận Hóa. Những gì còn lại của Huế hôm nay chỉ là một phần công trình của cố đô trong đống gạch vụn do VC và bọn Việt Gian VNCH tàn phá vào Tết Mậu Thân 1968.
Ngoài ra Huế còn nhiều nét tiêu biểu khác như Chùa Thiên Mụ, cầu Trường Tiền, chợ Đông Ba, với trường Quốc Học cổ kính nằm cạnh bờ sông với hàng phượng vỹ nở rộ mỗi độ hè về, núi Ngự Bình trước tròn sau méo, sông An Cựu nắng đục mưa trong, hồ Tĩnh Tâm sen nở ngút ngàn và Phú Văn Lâu trơ gan cùng tuế nguyệt. Nói tới Huế để nhớ về những hình ảnh nổi bật dịu dàng của người dân đất thần kinh như mái tóc thề, tà áo dài trắng, chiếc nón bài thơ, những giọng hò, câu hát..tất cả là những nét đẹp làm Huế miên viễn sống với sông núi thời gian.
Đến Huế để ăn những món vương giả cũng như bình dân tính hơn 600 món vừa chay, vừa mặn, vừa cháo, vừa chè kể cả bánh, mứt và đủ thứ dưa. Đến Huế đâu quên món bún bò giò heo cọng to rất cay, rồi thì bánh khoái nơi cửa Thượng Tứ, chiều tối đi ăn cơm Âm Phủ, là thứ cơm thập cẩm đặc biệt với món dưa gan làm món chua rất ngon. Cũng đâu quên được cơm hến bến Cồn, một hương vị đặc thù của Huế, giống như nem chua An Cựu, mè xửng và ốc gạo bến Cồn, mực Thuận An và sò huyết Lăng Cô. Cuối cùng nhớ Huế là nhớ đến công trình mở nước vĩ đại của các Chúa Nguyễn Hoàng, Sải Vương, Hiền Vương, Phúc Chu, Phúc Trú..cho ta một giải giang sơn gấm vốc tới tận mũi Cà Mau no giàu để con cháu về sau một đời sung mãn.
Những đấng tiên vương công đức và sự nghiệp ngất cao như núi trên, từ khi VC lên nắm quyền, đã bị chúng hủy diệt, để dành công, dành tiếng và dành địa vị độc tôn yêu nước trong dòng sử Việt. Từ năm 1967, Hà Nội đã quyết định tổng tấn công VNCH vào những ngày hưu chiến Tết Mậu Thân 1968.
Trong số 44 tỉnh, thị tại miền nam bị đột kích, thì Sài Gòn và Huế là quan trọng hơn cả. Vì trại Lực Lượng Đặc Biệt A-Shau rút đi, nên thung lũng A Shau bị bỏ ngõ và VC đã lợi dụng dịp này để chuyển một số lớn bộ đội vào tấn công cố đô với sự dẫn đường chỉ lối của đám Việt gian VNCH tại Huế. Trận chiến mở màn vào sáng mồng hai Tết, nhằm ngày 31-1-1968, bằng hai cánh quân: Đoàn 6 gồm các tiểu đoàn đặc công K1, K2, K6 và K12 từ phía bắc bên tả ngạn sông Hương, tấn công BTL.SD1BB tại đồn Mang Cá, phi trường Tây Lộc, Đại Nội. Đoàn 5 gồm các tiểu đoàn K4A, K4B, K10 và K21 từ phía nam, hữu ngạn sông Hương, hợp với Thành đội tấn công các cơ sở hành chánh phía nam. Ngoài ra còn có Đoàn 9 gồm hai tiểu đoàn 416, 418 hợp với một đơn vị mang tên Đường 12, tấn công mặt tây. Cũng nói thêm là VC đã lợi dụng những xáo trộn tại Huế trong các năm 1965, 1966, xâm nhập hoạt động cũng như móc nối dụ dỗ một số học sinh, sinh viên, quá mê thầy mà phản bội lại VNCH. Thật ra mặt trận quan trọng nhất của VC ở Huế là mặt trận chính trị, vì vậy Hà Nội bất chấp máu xương của cán binh và thường dân vô tội, ra lịnh cho đám tàn binh phải cố thủ trong Đại Nội trong thực trạng bi thảm tuyệt vọng bởi các vòng vây của quân lực Hoa Kỳ và VNCH.
Phụ trách công tác tổng khởi nghĩa, để lập chính quyền cách mạng ở Huế là Hoàng Kim Loan và Hoàng Lanh, đã vào nằm vùng từ lâu trong nhà một giám thị trường Quốc Học là Nguyễn Đóạ Ngoài ra còn có Nguyễn Trung Chính, Nguyễn Hữu Vân (giáo sư trường Âm Nhạc Kịch Nghệ), Phan Nam, Nguyễn Thiết. Ngày 14-2-1968 đài VC phát thanh tại Hà Nội cho biết đã lập xong chính quyền cách mạng tại Huế do Lê Văn Hảo làm chủ tịch, còn Đào Thị Xuân Yến và Hoàng Phương Thảo làm phó. Ngoài ra còn có cái Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc, Dân Chủ và Hòa Bình được Hà Nội nặn ra ngày mồng ba Tết (1-2-1968) cũng do Lê Văn Hảo, tiến sĩ giảng sư về nhân chủng học tại Đại Học Huế và Sài Gòn làm chủ tịch liên minh. Theo Hảo vì trốn lính, nên 1953 qua Pháp du học và tiêm nhiễm chủ nghĩa cộng sản của Trần Văn Khê, Nguyễn Khắc Viện, nên vào các năm 1965, 1966 dù đang sống trong cảnh giàu sang, chức trọng lại được trốn lính nhưng vẫn táng tận lương tâm, theo VC nằm vùng là Hoàng Phủ Ngọc Tường và Tôn Thất Dương Tiềm vào MTGPMN và ra bưng cuối tháng 12/1967.
Trong Liên Minh Ma này còn có Hoàng Phủ Ngọc Tường, Thích Đôn Hậu, Nguyễn Đóa, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn đắc Xuân..Tóm lại, mặt trận được chỉ huy tổng quát bởi Lê Minh, Trưởng ban an ninh khu ủy Trị Thiên, còn Tống Hoàng Nguyên và Nguyễn Đình Bảy Khiêm thì lo về phần thủ tiêu, giết người vô tội tại Huế.
Theo Bảy Khiêm, chính y đã giết rất nhiều sĩ quan và cán bộ, công chức VNCH bị kẹt tại Huế, cùng các giáo sư người Đức dạy tại đại học Y Khoa, qua chỉ điểm của VC nằm vùng và sau này Lê Minh lẫn Bùi Tín đều xác nhận VC đã tận tuyệt tàn sát vô nhân đạo đồng bào vô tội tại Huế vào Tết Mậu Thân 1968.
Ngay từ đầu, nhờ lợi dụng dịp hưu chiến, nhiều đơn vị cho các quân nhân về nhà ăn Tết, nên VC đã chiếm được hầu hết các cơ sở hành chính, khu Đại Nội, chợ Đông Ba, cửa Thượng Tứ, An Hòa, Chánh Tây..ngoa.i trừ BTL SD1BB tại đồn Mang Cá, cơ sở MACV, Tiểu khu Thừa Thiên, đài phát thanh, Trường Kiểu Mẫu và cầu tàu Hải Quân vẫn do QLVNCH kiểm soát.
Ngày mồng ba Tết 1-2-1968, một ngày sau đó, Chiến đoàn Dù với 2 tiểu đoàn 2, 7 và chi đoàn 2/7 từ phía bắc vào giải vây Huế. Hai đại đội TQLC cùng 4 chiến xa M48 trong Chiến đoàn X-Ray đóng tại Phú Bài cũng về Huế tăng cường phòng thủ MACV. Chiều ngày mồng 4 Tết, TĐ 9 Dù được trực thăng vận vào chiến trường, từ đây cho tới ngày 12-2-1968, cuộc chiến trở nên khốc liệt bạo tàn với sự tổn thất nhân mạng rất cao của cả hai phía. Cùng ngày đó, Chiến đoàn A Thủy Quân Lục Chiến VN gồm các tiểu đoàn 3, 4, 5 thay thế Chiến đoàn Dù, tiếp tục giải tỏa áp lực VC tại sân bay Tây Lộc và Đại Nội.
Ngày 19/2 TQLC mở chiến dịch Sóng Thần 739/68. Ngày 22/2 hai tiểu đoàn 21 và 39 BĐQ được tăng cường tại Huế và VC cũng bắt đầu tháo chạy.
Ngày 25/2/1968 Biệt Động Quân chiếm lại Khu Gia Hội, chấm dứt chiến cuộc tại Huế với đổ nát, điêu tàn, nhà cửa, cầu cống, cây cối, đường sá gần như tử địa với xác người nằm la liệt đã sình thối. Tất cả chỉ còn là sự tàn nhẫn, thê lương, từ bàn tay đẫm máu của VC và bọn Việt gian mang đủ loại mặt nạ gây nên. Tóm lại không còn lời nào để đủ viết về Huế đang quằn quại trong lửa máu, giống như những nhịp cầu Tràng Tiền trên Hương Giang đớn đau gãy sập.
Hỡi ôi sắt thép, gỗ đá còn biết rơi nước mắt với Huế thê lương, trong khi đó lại có không ít người thản nhiên đứng vỗ tay cười.
2. Thảm sát Mậu Thân tại Huế:
Những hành động dã man nhắm vào dân lành tại Huế, làm nhớ tới Nga Sô tàn sát hơn 5000 hàng binh Ba Lan phần lớn là sĩ quan vào tháng 9-1939 tại rừng Katyn ở phía tây thành phố Smolensk, chứng tỏ bản chất hiếu sát vốn tiềm tàng trong máu óc của cộng sản, dù chúng là ai chăng nữa, tất cả đều giống nhau vì cùng chung một tổ, một lò.
Trong trận chiến Tết Mậu Thân 1968, Huế là thành phố bị thiệt hại nặng nhất về nhân mạng cũng như vật chất vì bị VC chiếm đóng lâu dài nhất. Riêng người Huế sở dĩ bị tàn sát dã man, theo một số nhân chứng, do VC được chỉ điểm bởi một số nằm vùng địa phương vì thù oán nhau mà trả thù, rồi lại được tự do đi lại trong thành phố nên tự do hành động, nhất là trong khoảng từ mồng hai tới mồng bốn, tha hồ đi từng nhà, lôi từng người ra bắn giết theo ý muốn, đúng với kỹ thuật bắt và thủ tiêu theo KGB và Maoist.
Đọc lại những trang sử của VNCH từ 1963 tới tháng 4-1975, ngày nay cả thế giới đều công nhận là VC thua VNCH trên mặt trận quân sự nhưng ngược lại chiếm được miền nam bằng thủ đoạn chính trị, qua phương cách sách động quần chúng, đồng thời vịn vào đó mà nặn ra những mặt trận ma như Giải Phóng Miền Nam năm 1960, rồi sau đó là Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc do phần lớn cộng sản nằm vùng lãnh đạo như Lê Khắc Quyến, Lê Tuyên, Tôn Thất Hanh, Lê Văn Hảo, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân, Tôn Thất Dương Tiềm.
Trong số các hung thần can dự tới bữa tiệc máu tại Huế, dư luận trước sau vẫn nhắm vào Lê Văn Hảo, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngọc Phan và Nguyễn Đắc Xuân.
Năm 1966 khi còn là một sinh viên, Nguyễn Đắc Xuân từng tổ chức đoàn "Phật Tử Quyết Tử" quậy nát Huế, sau đó trốn theo VC và trở lại cố đô vào Tết Mậu Thân, phụ trách đội "Công tác thanh niên" và khuyến dụ các quân nhân VNCH bị kẹt, để lập cái gọi là đoàn nghĩa binh.. Trái với dự đoán của cộng sản, dân chúng Huế không hưởng ứng tổng khởi nghĩa, trái lại bỏ trốn sang các khu vực có QLVNCH như Mang Cá, Trường Kiểu Mẫu, Tiểu Khu Thừa Thiên, Bến Tàu, Phú Bài..
Bắt đầu ngày mồng ba Tết, QLVNCH và Hoa Kỳ phản công, ngày 7-2-1968 VC giựt sập cầu Trường Tiền. Ngày 15-2 Quân Ủy cộng sản tại Hà Nội ban lệnh cho VC tử thủ tại Huế, nhưng tình hình càng lúc càng bi đát cho VC nên Lê Minh muốn rút quân.
Ngày 23-2 VC bị đẩy ra khỏi Huế, lá cờ VNCH lại tung bay trên kỳ đài ở Phú Văn Lâu. Nói chung cộng sản tàn sát đồng bào Huế nhiều nhất là tại khu dân cư Gia Hội vì vùng này bị VC chiếm lâu nhất từ ngày mùng 2 Tết đến 22-2-1968 mới được Biệt Động Quân giải tỏa, bởi vậy giặc và Việt gian mới có cơ hội giết nhiều đồng bào vô tội.
Cho đến nay không ai biết chính xác số người bị VC tàn sát tại Huế là bao nhiêu nhưng căn cứ vào thống kê số hài cốt tìm được trong một số hầm chôn tập thể sau khi giặc bị đánh đuổi khỏi thành phố, tại các địa điểm Trường Gia Hội, Chùa Theravada, Bãi Dâu, Cồn Hến, Tiểu Chủng viện, Quận tả ngạn, phía đông Huế, Lăng Tự Đức, Đồng Khánh, Cầu An Ninh, Cửa Đông Ba, Trường An Ninh Hạ, Trường Vân Chí, Chợ Thông, Chùa Từ Quang, Lăng Gia Long, Đồng Di, Vịnh Thái, Phù Lương, Phú Xuân, Thượng Hòa, Thủy Thanh, Vĩnh Hưng và Khe Đá Mài.. tổng cộng đếm được 2326 xác.
Về câu hỏi tại sao VC tàn sát thường dân vô tội, đến nay Hà Nội vẫn tránh né, còn Võ Nguyên Giáp thì đểu giả hơn khi bị các ký giả ngoại quốc phỏng vấn sau Tết Mậu Thân, đã trả lời là Bắc Việt không hề biết vì đó chuyện của MTGPMN và VNCH. Theo các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, thì động cơ cộng sản tàn sát dân chúng tại Huế, ngoài một lý do nhỏ là sự trả thù do hờn oán trước đây giữa cá nhân và cá nhân, thì tàn sát theo kế hoạch phá hủy và làm rối loạn bộ máy cầm quyền của VNCH, điều này đã được ghi lại trong một tài liệu của cán bộ VC, bị SĐ1 Không Kỵ Hoa Kỳ bắt được tại tỉnh Thừa Thiên ngày 12-6-1968.
Tàn sát để khủng bố và cảnh cáo đe dọa dân chúng đừng tòng quân chống cộng. Tàn sát tín đồ Thiên Chúa Giáo để chia rẽ sự đoàn kết tại miền nam, tạo sự nghi kỵ giữa các tôn giáo cho tới ngày VC cưỡng chiếm được miền Nam mới chấm dứt vì VC độc tài đảng trị, cấm biểu tình xuống đường, nên bốn bên bốn phía bình đẳng chịu sống chung hòa bình, nên gần như không thấy tự thiêu, tuyệt thức và ra báo chống đối, bêu xấu, hạ nhục chính quyền như cơm bữa thời VNCH. Tàn sát dân chúng để gây tiếng vang với thế giới.
Trong dòng Việt Sử, từ thời Vua Hùng dựng nước cho tới ngày nay, chỉ thấy có ghi lại một cuộc tàn sát tập thể tôn thất nhà Hậu Lý do Trần Thủ Độ gây ra vào năm 1232 bằng thủ đoạn cho giựt sập nhà trai đàn, giết chết chừng vài chục người trong tôn thất nhà Lý nhưng hành vi trên dù đã thuộc vào quá khứ, đến nay vẫn bị đời nguyền rủa, dù mặt thật của lịch sử, nếu không có Trần Thủ Độ sẽ không có Trần Thái Tông quyết chiến chống quân Mông Cổ xâm lăng Đại Việt lần thứ 1 với câu nói vang danh thiên cổ: "đầu Độ chưa rơi, không thể đầu hàng giặc Mông".
Cũng qua dòng Việt sử, ta thấy kinh thành Thăng Long từ lúc được vua Lý Thái Tổ chọn làm kinh đô vào năm 1010 cho tới thời Pháp thuộc vào năm 1884 đã 10 lần bị giặc Tàu, giặc Chiêm cả Pháp tàn phá chiếm đóng và kinh thành Huế thất thủ năm Ất Dậu 1885 nhưng tuyệt nhiên không thấy nói tới quân ngoại quốc tàn sát người Đại Việt khi làm chủ thành.
Tóm lại dù bị kết tội như thế nào chăng nữa, người Tàu, Chiêm, Pháp cũng còn nhân đạo hơn VC trăm ngàn lần, về cung cách đối xử với thường dân trong chiến tranh. Đem các biến cố năm 1885 tại Huế và 1946 ở Hà Nội để so sánh với Mậu Thân 1968 tại Huế, bỗng thấy lạnh mình về những lời chạy tội của tên Đại Tá VC Bùi Tín, khi trả lời về cuộc tàn sát của VC đối với thường dân tại Huế năm 1968, theo nhận xét của Nguyễn Đức Phương trong Chiến Tranh Toàn Tập, thì Bùi Tín không biết gì về qui ước Geneve dành cho tù binh chiến tranh, hoặc biết nhưng giả bộ ngây thơ không biết để có lý do bào chữa sự tàn ác dã man của cán binh VC và biết thêm về quan niệm của Hà Nội, luôn qui chụp tất cả những ai chống đối họ, đều bị gán là tù binh với kết quả như Bùi Tín nói là phải được chết để giữ gìn bí mật quốc phòng.
Theo Chính Đạo trong "Mậu Thân 1968 Thắng Hay Bại" thì sau khi các mật khu bất khả xâm phạm của VC tại Tam Giác Sắt, các chiến khu CĐ bị quân đội Đồng Minh và QLVNCH phá tan nát, khiến Nguyễn Chí Thanh trùm cộng sản Hà Nội, chỉ huy Cục R đã phải thay đổi chiến lược tại Miền Nam vào tháng 5/1967, là đưa chiến tranh vào thành phố để cứu nguy cho cán binh và cơ sở VC tại nông thôn đang sắp bị tiêu diệt.
Nhưng rồi Nguyễn Chí Thanh đột ngột chết vào mùa thu năm đó và cái chết của y tới nay vẫn chưa được đưa ra ánh sáng vì có quá nhiều nguồn tin và các cách chết khác nhau từ VNCH, Bùi Tín, Hoa Kỳ và Xuân Vũ, một cán binh VC hồi chánh từng sống hơn 2000 ngày tại Củ Chi và rất thân cận cũng như am tường chuyện thâm cung bí sử của vua chúa VC tại Cục R. Do trên Lê Duẩn ra lệnh cho Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng..cải tiến kế hoạch đột kích của Nguyễn Chí Thanh, thành tổng công kích và thêm vào đó là lập một mặt trận ngoại giao chính trị.
Cũng theo Chánh Đạo, thì việc Trần Độ năm 1968 là Phó chính ủy B2, phụ trách tình báo, có địa vị tại cục R rất khiêm tốn so với Phạm Hùng, Trần Nam Trung, Trần Văn Trà, Lê Trọng Tấn.. nên dù là một trong những cấp chỉ huy trong mặt trận tại Sài Gòn vào Tết Mậu Thân 1968, cũng chưa chắc được Quân Ủy Hà Nội thông báo các kế hoạch bí mật trong Đảng và lời tuyên bố không có cơ sở, với ký giả Stanley Karnov năm 1981 rằng phản ứng của Mỹ trong cuộc chiến này, chỉ là sự may mắn không có dự liệu trước. Chỉ vì dã tâm xâm lăng cho được VNCH, mà Hà Nội trong cuộc chiến Mậu Thân đã giết hại hàng chục ngàn người trên toàn quốc và chỉ riêng tại Huế lại chôn sống đồng bào, vậy mà tới nay từ Hà Nội cho tới bọn cộng sản tại Huế vẫn coi như không hề xảy ra một chuyện gì và cũng chẳng có ai nhận trách nhiệm, ngoài việc công khai đổ hết nợ máu cho Lê Văn Hảo, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đóa, Nguyễn Đắc Xuân.
Năm 1998, ngày giỗ chung của gần 100.000 người VN chết trong cuộc chiến cũng là ngày VC ăn mừng chiến thắng Mậu Thân, ca tụng bài thơ của Hồ viết chúc Tết đồng thời cũng là mật hiệu cho cán binh tại miền nam mở cuộc tiệc máu. Chính Bộ Trưởng quốc phòng Bắc Việt lúc đó là Võ Nguyên Giáp soạn thảo kế hoạch, Phạm Hùng Ủy viên Bộ Chính trị, chỉ đạo Trung Ương Cục Miền Nam chỉ huy trận tổng tấn công, vậy mà cũng chính Võ Nguyên Giáp đã trâng tráo dám nói láo với nhà báo Tây Phương vào năm 1969 là hoàn toàn vô can, vô trách nhiệm. Đây là một tội danh thiên cổ của VC đã gây ra trong dòng sử Việt, được các sử gia xếp chung với bốn cuộc tàn sát lớn trên thế giới cận đại như vụ quân Nhật tàn sát 300.000 người Hoa tại thành Nam Kinh ngày 13-12-1937, việc Đức quốc xã giết hàng triệu dân Do Thái trong đệ nhị thế chiến 1939-1945, kế đến là cộng sản Liên Xô tàn sát 15.000 tù binh Ba Lan năm 1940 và Khmer đỏ tàn sát hơn 2 triệu dân lành sau năm 1975 khi chiếm được Cao Mên.
Theo Nguyễn Lý Tưởng, thì những hành động dã man của VC, tại Thành Nội và Gia Hội, do cái gọi là Tòa Án Nhân Dân được quyết định bởi các chóp bu trong Liên Minh Dân Chủ Hòa Bình, là Lê Văn Hảo, Thích Đôn Hậu, bà Nguyễn Đình Chi..nhưng chủ chốt và dã man tàn bạo vẫn là bọn theo phong trào tranh đấu chống VNCH năm 1966, sau đó theo VC và quay về Huế như Hoàng Phủ Ngọc Tường (giáo sư), Hoàng Phủ Ngọc Phan (sinh viên y khoa), Nguyễn Đắc Xuân (sinh viên sư phạm), Trần Quan Long (sinh viên sư phạm), Phan Chính Dinh hay Phan Duy Nhân (sinh viên).. dẫn an ninh VC như Tống Hoàng Nhân, Bảy Khiêm..đi lùng bắt bạn bè, thân nhân, các thành phần quân, công, cán, chính VNCH cũng như các đảng phái bị kẹt lại tại Huế.
Hiện nay tất cả những bí mật của lịch sử gần như được khai quật trong đó có cuộc thảm sát thường dân tại Huế năm Mậu Thân. Những tội nhân thiên cổ ngoài bản án của lương tâm, đạo đức và sự nguyền rủa của đời, nên không ngớt tìm đủ mọi cách để biện minh về tội lỗi của mình.
Năm 1988, trên báo Sông Hương và được dịch đăng lại trên tờ Newsweek ở Hoa Kỳ, Đại Tá Bắc Việt Lê Minh, nguyên chỉ huy mặt trận Thừa Thiên-Huế, xác nhận và chịu trách nhiệm về việc tàn sát dân chúng Huế nhưng vẫn đưa ra lý do là lúc đó VC đang ở vào giờ thứ 25, nên không kiểm soát được.
Còn thủ phạm chính Hoàng Phủ Ngọc Tường thì đổ thừa cho cục bộ, địa phương chứ không phải tại đảng, vẫn giữ nguyên ý là miền nam mất vì cách mạng chứ không bị cộng sản quốc tế xâm lăng, và trên hết vào ngày 12-7-1997, Tường công khai chối tội là không tham dự mặt trận Huế, vì lúc đó y đang trốn tại địa đạo trong quận Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Còn nhân vật bị bia miệng nhắc tới là Hoàng Phủ Ngọc Phan..mà người Huế tưởng lầm Lê Văn Hảo hiện đang sống tại Pháp cũng chối tội. Sau rốt chỉ có Hoàng Phủ Ngọc Phan và Nguyễn Đắc Xuân vì lúc đó gần như là công an, cai tù, chánh án và đao phủ thủ..nên người Huế ai cũng nhận được, vì vậy phải chịu tai tiếng nhơ nhớp muôn đời.
Ngày nay ai cũng biết Tết Mậu Thân, VC thua lớn và Tổng thống Hoa Kỳ là Johnson phải trực tiếp chịu trách nhiệm trước lịch sử vì đã cố tình tạo nên một lỗi lầm nghiêm trọng về đạo đức, gây tử vong cho nhiều người có thể tránh khỏi nếu được báo trước sự thật.
3. Hoàng Phủ Ngọc Tường, kẻ hái phù du:
Phù Dung là một thứ hoa chỉ sống được có một ngày, nở vào buổi sáng và tàn lụn theo bóng đêm tàn, thứ hoa phù du mây nổi mà thi nhân thường mượn để ví những đệ tử của nàng tiên nâu. Hoa phù dung rất đẹp, cây cao chừng hai thước, lá to, hoa phù dung thường có ba màu đỏ, trắng và vàng. Hoa phù dung còn được ví với sắc đẹp của người đàn bà, như trong thơ của Bạch Cư Dị: "Phù dung như diện, liễu như mi", nghĩa là mặt tươi như hoa phù dung, mày lá liễu. Trong Kiều có câu "Bạc tình nổi tiếng lầu xanh, một tay chôn biết mấy cành phù dung.." nhưng thắm thía nhất vẫn là hai câu thơ trong Quan Âm Thị Kính: "Phù Dung nỡ để lìa cành, giếng sâu nỡ để rơi bình từ đây". Theo triết học, thì kiếp phù du chỉ là một cuộc phong trần không không có có, không nở không tàn, lúc có lúc không, tất cả chỉ là phù du trong cõi vô thường.
Thơ văn là biểu tượng của con người, Tố Hữu bản chất chạy theo thời để mưu cầu quan chức, địa vị nên thơ Tố Hữu luôn mang bản chất của một con người đội trên đạp dưới. Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Văn Thiên Tường, Nguyễn Bá Trác kẻ sĩ gươm đàn nửa gánh giang sơn một bầu..cho nên thơ văn luôn thoát tục, ẩn hiện cái hào khí cao ngất của đấng trượng phu. Với Hoàng Phủ Ngọc Tường, chỉ riêng cái tựa của thi tập và ý thơ trong bài "Đùa chơi" nhiều lúc người đọc, nếu không biết trước y là tên phản tặc, gian ác, đem một phần đời và cả danh giá của dòng họ tôn quý vùi dưới bùn nhơ, khi nhẫn tâm theo lệnh VC tàn sát dân chúng vô tội, rất dễ bị lầm lạc, vì qua ý thơ, cứ ngỡ đây là một cao tăng, một thánh nhân hay ít ra cũng thuộc kẻ sĩ ngẩn mặt nhìn trời:
"Ta tìm lại trong hình hài hóa bướm,
Chút tự do quả thực trên đời
Rũ sạch hết đam mê hoang tưởng
Núi thông nhiều, ta hãy rong chơi"
Đọc đoạn thơ ngắn trên mới thấy lạ, và càng ngớ ngẩn với câu "chút tự do quả thực trên đời" như vậy cả một quãng đời từ năm 1963 cho tới 1975, vì ai mà phải bỏ đời, dấn thân vào con đường man rợ, nón tai bèo, đôi dép râu, AK, mã tấu và cái lưỡi không xương lắt léo làm chuyện đổi trắng thay đen? Đã làm thì phải nhận, phương chi hành động của mình nay đã thành một tội danh thiên cổ, ngàn đời muôn kiếp, bia miệng bia đời không tha, thì không thể "Rũ sạch hết đam mê hoang tưởng" để thành tiên rong chơi trên núi thông. Hỡi ơi chỉ vì chút phù du cuộc đời, mà phải mang mặt nạ phá đời, chẳng riêng đã hại đời mình, mà còn làm cho thế tộc ô danh, nước non tan tác, dân chúng cả nước lầm than khổ lụy "đừng hỏi nữa em ơi, thầy lên đường đánh Mỹ" trong lúc đó bên cạnh thầy thì đầy rẫy Nga, Tàu, Bắc Hàn, Cu Ba, Đông Đức.
Có cái ngang trái vô thường, là nếu như Lê Khắc Quyến, Lê Văn Hảo, Lê Tuyên, Nguyễn Đắc Xuân và anh em nhà Hoàng Phủ..vì thuộc loại dân chúng bị chế độ VNCH đè ép phải sống cùng khổ mất tự do, nên mới theo VC để may ra xoay bạch ốc thành lâu đài, ném thanh y tìm gấm vóc, đàng này thì ai nấy đều ở trên mức thượng thừa, vậy thì làm giặc để làm gì đến giờ này một chút tự do cho mình, cho đời vẫn chưa có. Năm 1971, khi mà chiến trường miền nam bước vào giai đoạn tàn khốc, Hà Nội cần máu xương thanh niên nam nữ để đốt rụi Trường Sơn, mở lối vào Nam, nên cũng cần tung hê một số phản tặc của VNCH đã chạy theo, vì vậy mới phong cho Hoàng Phủ Ngọc Tường lên chức nhà thơ VC và cho đài phát thanh phổ biến bài thơ "Tôi đi trên những con đường rừng cũ" cũng nhờ vậy mà Tường đã lọt vào mắt xanh của Lâm Thị Mỹ Dạ, cùng khóa với Dương Thu Hương tại trường viết văn Nguyễn Du ở Hà Nội năm 1972:
"Hai mươi năm dài trên trán mẹ
Những con đường rừng vẽ nét ưu tư"
Thơ hay, đáng tiêu biểu cho một con người, đúng ra là một cái xác biết đi, sống như đã chết vì:
"hai mươi năm biết ai còn nhớ?
nhưng từ đó cây hoang rừng già "
Đó mới là nỗi khổ của một đời người, người ta quên thì mình tiếc, người ta nhớ mình sợ, đăm chiêu, nghèn nghẹn sống làm sao nổi đây hỡi trời?
Quả thật suốt phần đời còn lại, Hoàng Phủ Ngọc Tường, không bao giờ thoát nỗi ám ảnh của tội lỗi một thời gây ra, đâu đâu cũng là một địa chỉ buồn, nơi nào cũng gặp cố nhân, những người mà Hoàng Phủ Ngọc Tường trong một phút phù du, đưa họ về bên kia thế giới:
"Những chiều bến Ngự dâng mưa
Chừng như ai đó mơ hồ gọi tôi
Tôi ra mở cửa đón người
Chỉ nghe tiếng gió thổi ngoài hành lang."
Tất cả giờ chỉ còn lại bóng tối, thời gian để hoa phù dung tàn lụn, tất cả cũng đã cạn tàu khi cái sân si biến vụt vào cõi không không. Hoàng Phủ Ngọc Tường luôn nuôi ảo tưởng hão huyền là lưu lại với đời tuổi tên, nhưng tiếc thay lầm đường lạc nẻo, theo kẻ ác làm ác, rốt cục một mình thui thủi đi về trong cõi phu du, sám hối cho tới chết vẫn chưa yên hồn ./-
Hồ Đinh
No comments:
Post a Comment