Wednesday, January 23, 2013

VIỆT NAM KHI MÔ ĐÂY?


Nguyễn Quang Lập (Blog Quê Choa) - Chủ tịch Trương Tấn Sang đã khẳng định: “Trước hết, với tư cách là người có trọng trách trong Đảng và là người đứng đầu Nhà nước CHXHCN Việt Nam, tôi xin khẳng định rằng: Đảng, Nhà nước ta không bao giờ bán nước cho các thế lực bên ngoài như những kẻ xấu vu cáo”. Ok. Vậy thì tại sao không đưa Hoàng Sa và Biển Đông TQ ra tòa án quốc tế, thưa Trương Chủ tịch?...

Rứa là Philippines đưa tranh chấp biển đảo với Trung Quốc ra tòa án LHQ ( tại đây): Ngoại trưởng Philippines hôm nay cho biết, nước ông đã đưa Trung Quốc lên tòa án Liên hợp quốc, nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền của nước này đối với gần như toàn bộ Biển Đông. “Philippines sẽ dùng gần như mọi cách thức chính trị và ngoại giao để giải quyết tranh chấp biển đảo với Trung Quốc theo phương thức đàm phán hòa bình… chúng tôi hi vọng rằng các tiến trình của tòa án sẽ đem vấn đề tranh chấp này tới một giải pháp lâu dài”, Ngoại trưởng Del Rosario cho biết trong cuộc họp báo. 

Philippines đã nói là làm. Khi mà không thể tranh cãi với nhau được thì cách tốt nhất nên đưa ra LHQ, nhờ LHQ làm trọng tài. Đó là một cách đắc lợi để chúng ta bảo vệ chủ quyền bằng phương pháp hòa bình. 

Câu hỏi đặt ra là khi mô Việt Nam mới đưa Hoàng Sa và Biển Đông ra tòa án quốc tế? 

Nhà nước cũng thừa biết đàm phán song phương chỉ là cách cho sói gửi chân, nó vừa đàm vừa nịnh, vừa đàm vừa dọa nạt, dọa nạt xong rồi cho kẹo, vừa đàm vừa bảo gác tranh chấp cùng khai thác, trước sau gì Trường Sa và Biển đông cũng mất trắng vào tay con sói hung dữ và thâm độc có tên là TQ. Mình tin Nhà nước ta không đến nỗi quá ngu để chấp nhận đàm phán song phương, nếu như thực sự muốn bảo vệ chủ quyền Đất nước. 

Đây là thời điểm thích hợp để VN hưởng ứng với Philippines, và vận động cả Brunei, Malaysia nữa, đưa "Cái lưỡi bò" TQ ra LHQ mới tạo được sức mạnh tổng hợp nhằm chống lại âm mưu bá quyền Biển Đông của TQ. Không làm lúc này thì khi mô làm? 

Nếu Nhà nước không làm phải giải thích rõ cho dân chúng biết lý do. Có phải vì bảo vệ chế độ mà chúng ta phải hy sinh Hoàng Sa và Biển Đông hay không, hay vì một lý do nào khác? Có người bảo ta bây giờ há miệng mắc quai, cái “quai” đó là gì vậy ta? Nếu cái quai đó là “16 chữ vàng”, “đồng chí 4 tốt” thì vứt lẹ đi, cái quai đó không bằng dân đâu. Có dân là có tất cả, chớ có lo. 

Chủ tịch Trương Tấn Sang đã khẳng định: “Trước hết, với tư cách là người có trọng trách trong Đảng và là người đứng đầu Nhà nước CHXHCN Việt Nam, tôi xin khẳng định rằng: Đảng, Nhà nước ta không bao giờ bán nước cho các thế lực bên ngoài như những kẻ xấu vu cáo”. Ok. Vậy thì tại sao không đưa Hoàng Sa và Biển Đông TQ ra tòa án quốc tế, thưa Trương Chủ tịch? 

Miệng thì nói phải bảo vệ chủ quyền bằng phương pháp hòa bình, khi có cách bảo vệ chủ quyền bằng phương pháp hòa bình hay rứa lại không làm. Thật lạ quá. 



*

Trương Tấn Sang: "Biển Đông là chủ đề Việt Nam luôn luôn quan tâm"


Khép lại năm 2012 với những vận hội và thách thức trên nhiều phương diện, nhân dịp năm mới 2013, trên cương vị người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. 

-Thưa Chủ tịch nước, năm 2012, ngoại giao Việt Nam có hàng loạt sự kiện hợp tác song phương và đa phương sôi nổi. Kết quả của những hoạt động đó như thế nào? 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Năm 2012, Việt Nam nhấn mạnh chủ trương mới và quan trọng trong đối ngoại : Việt Nam không chỉ hội nhập kinh tế, mà còn hội nhập quốc tế một cách sâu rộng và toàn diện, cả về chính trị. 

Mặc dù tình hình kinh tế đất nước trong năm qua còn nhiều khó khăn, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng do chính sách đối ngoại đúng đắn, bạn bè quốc tế tiếp tục tin tưởng, ủng hộ sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước của Việt Nam. Vốn ODA cơ bản không giảm so với những năm trước, vốn FDI đăng ký mới thấp hơn nhưng phần vốn thực hiện vẫn xấp xỉ năm trước, góp phần duy trì phát triển trong điều kiện hết sức khó khăn, tiếp tục củng cố vai trò và vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế.

Lập trường của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo được bạn bè quốc tế chia sẻ, ủng hộ. Năm qua, đã có hơn 30 đoàn khách gồm nguyên thủ, người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ, các cơ quan lập pháp của các quốc gia đã đến thăm, làm việc với Việt Nam và đều kỳ vọng về sự hợp tác trước mắt và lâu dài với nước ta. Đó là những quan hệ hợp tác có lợi cả trên bình diện song phương và đa phương... 

-Thưa Chủ tịch nước, các quốc gia Đông Nam Á giữ vị trí như thế nào trong chính sách đối ngoại của Việt Nam? 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Việt Nam luôn xác định là thành viên tích cực và có trách nhiệm của ASEAN. Đảm nhiệm Chủ tịch luân phiên ASEAN cũng như khi là thành viên bình thường, Việt Nam luôn có những việc làm, sáng kiến góp phần củng cố sự đoàn kết và thúc đẩy xây dựng cộng đồng ASEAN, được các thành viên ASEAN cùng các nước tán thành. 

Những nước lớn trong quan hệ đối tác với ASEAN, cũng rất coi trọng quan hệ với Việt Nam, quyết định nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, và qua Việt Nam để khẳng định quan hệ với khu vực Đông Nam Á. 

Chúng ta quan hệ đa phương, chú ý phát triển quan hệ với các nước lớn, nhưng luôn đặc biệt coi trọng quan hệ với ASEAN. Đây là chủ trương nhất quán trong quan hệ với các nước láng giềng. Tôi muốn hỏi lại, bạn có coi trọng quan hệ với hàng xóm của mình không ? 

- Hiện nay chủ đề Biển Đông đang được chú ý tại các diễn đàn trong nước và quốc tế. Quan điểm của Việt Nam về vấn đề này như thế nào, thưa Chủ tịch? 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Biển Đông là chủ đề Việt Nam luôn quan tâm, ASEAN và nhiều nước trên thế giới có quan hệ lợi ích gắn với Biển Đông cũng rất chú trọng. Việt Nam đã tuyên bố và khẳng định rất rõ ràng lập trường của mình: tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Luật Biển 1982.

Giữa Trung Quốc và ASEAN đã ký thỏa thuận về DOC. Hai bên cũng đã thỏa thuận việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC, nâng những nguyên tắc đó lên cao hơn, có tính pháp lý ràng buộc. Tuy nhiên, chúng ta chủ trương tất cả những vấn đề đó phải được giải quyết hòa bình, hữu nghị, không dùng vũ lực, để Biển Đông thực sự hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải. 

Trung Quốc cũng tuyên bố như vậy với ASEAN. Trên thực tế, các vấn đề diễn ra về cơ bản là cũng theo các nguyên tắc và phương châm như trên. Tuy nhiên, vẫn có những va chạm nhất định trên Biển Đông mà chúng ta đã chứng kiến trong năm qua.

Tôi một lần nữa nhấn mạnh, giải quyết tháo gỡ vấn đề này phải tuân thủ nguyên tắc luật pháp quốc tế và thực hiện theo phương châm hòa bình, hữu nghị giữa các bên liên quan. Những nguyên tắc này, không chỉ Trung Quốc và ASEAN công nhận, mà cộng đồng quốc tế, nhất là những nước quan tâm và có lợi ích ở Biển Đông, cũng thừa nhận và ủng hộ. Việt Nam luôn khẳng định nguyên tắc này trên các diễn đàn, hội thảo... 

- Thưa Chủ tịch nước, cũng tuyên bố chủ quyền với quần đảo Trường Sa, Philippines và Brunei có đồng tình với Việt Nam trong việc xử lý vấn đề Biển Đông? 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Không chỉ Philippines, Brunei mà cả Malaysia, Indonesia và nhiều nước khác trong ASEAN, tuy không có lợi ích trực tiếp ở Biển Đông, cũng ủng hộ những quan điểm đó. ASEAN lấy đồng thuận làm nguyên tắc hoạt động, nghĩa là tất cả các thành viên đều thống nhất trong vấn đề này. Đó là quan điểm, nguyên tắc chung của tất cả các thành viên ASEAN; là cơ sở quan trọng để Việt Nam cũng như cộng đồng ASEAN đi đến đàm phán với Trung Quốc hiện nay và tương lai. 

- Chúng ta chủ trương giữ vững chủ quyền biển đảo bằng con đường ngoại giao hòa bình, nhưng tình hình biển đảo ở Biển Đông thời gian qua khiến người dân chưa an tâm. Chủ tịch nước có thông điệp gì đối với người dân về vấn đề này? 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Người dân lo lắng, bức xúc về tình hình Biển Đông là đúng. Đó là lòng yêu nước và tinh thần độc lập đã được trao chuyền qua bao thế hệ. Đảng và Nhà nước ta chủ trương như thế nào cũng phải trên cơ sở lòng dân làm gốc. Lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông được luật pháp quốc tế thừa nhận và bảo vệ theo Công ước Luật Biển 1982. 

Chúng ta sẽ dựa vào luật pháp quốc tế, lấy đó làm cơ sở và sức mạnh để bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia của mình. Chúng ta đấu tranh mềm dẻo nhưng cũng đồng thời phải thường xuyên chủ động củng cố mặt trận quốc phòng an ninh, nâng cao cảnh giác trước mọi diễn biến ở khu vực, kiên quyết bảo vệ bằng được chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc mình. 

- Việt Nam là một quốc gia tham gia đàm phán tương đối sớm Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương - TPP. Việt Nam đã tính đến những lợi ích về kinh tế và chính trị trong tương lai với TPP như thế nào, thưa Chủ tịch? 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Trước khi chúng ta tham gia khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA), nhiều người lo sợ Việt Nam sẽ bị thua thiệt. Thực tế đã không hẳn diễn ra như thế. Quan trọng là vì chúng ta đã chuẩn bị thực lực để giành thắng lợi trong hội nhập. Vừa chuẩn bị thực lực vừa hội nhập. Do đó kinh tế của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, toàn diện trong một thời gian dài. Khi chúng ta tham gia WTO cũng vậy, ở quy mô toàn cầu, chúng ta lo ngại sức mạnh của những nền kinh tế lớn sẽ chèn ép kinh tế Việt Nam. Thế nhưng, sau khi vào WTO, kinh tế Việt Nam còn có điều kiện phát triển hơn... 

Những suy giảm kinh tế thời gian gần đây không phải do WTO mà do những nguyên nhân chủ quan và sự yếu kém của chính chúng ta, đòi hỏi chúng ta phải tái cơ cấu lại nền kinh tế và điều chỉnh chính sách để kinh tế vĩ mô ổn định. 

Muốn phát triển, chúng ta phải mở cửa với thế giới. Tham gia TTP là nằm trong chủ trương này. Điều quan trọng là chúng ta phải rút kinh nghiệm từ AFTA và WTO để làm tốt việc chuẩn bị. Nếu không, thắng lợi khó đạt được mà thất bại cũng khó tránh. Tôi cho rằng thắng lợi hay thất bại là do chính nội lực chủ quan của chúng ta. Mỗi doanh nghiệp, mỗi địa phương, mỗi bộ ngành và toàn quốc phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng trong quá trình hội nhập, tham gia TPP trong tương lai. 

- Thưa Chủ tịch nước, vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng tín nhiệm gần đây bị tụt xuống so với những năm trước. Phải chăng Việt Nam chưa tận dụng, khai thác hết những lợi thế của mình trong quá trình hội nhập quốc tế? 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Thông thường, để phát triển kinh tế, tăng trưởng GDP thì phải đầu tư vốn. Có một tương quan tỷ lệ giữa vốn đầu tư và tốc độ tăng trưởng. Tỷ lệ này càng cao thì đồng nghĩa với hiệu quả sử dụng vốn kém. Ở nước ta tỉ lệ đó có khi lên đến 5-6. Tức là chi phí của Việt Nam gấp rưỡi hoặc gấp đôi các nước có trình độ phát triển tương đương. Tình trạng đó tồn tại trong nhiều năm, dẫn đến một lượng vốn đưa vào đầu tư lớn nhưng hiệu quả thấp... 

Đại hội XI của Đảng chủ trương phải đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng... cùng một loạt công việc để giải quyết những hạn chế đó nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.

Chủ trương là như vậy, nhưng để thực hiện đạt kết quả đòi hỏi nỗ lực cao của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, từng doanh nghiệp. Tôi hy vọng và kêu gọi những nỗ lực như thế phải được thực hiện mạnh mẽ trong thời gian tới. 

- Thành công của các nước xung quanh Việt Nam dựa chủ yếu vào 3 lĩnh vực then chốt: cơ sở hạ tầng; tính cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp; và tính hiệu quả của bộ máy nhà nước. Việt Nam sẽ có sự lựa chọn nào vì mục tiêu phát triển, thưa Chủ tịch? 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Chúng ta đã xác định phải thực hiện tốt 3 yếu tố: phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế kinh tế. Vấn đề là phải tổ chức thực hiện sao cho tốt. 

Về hạ tầng, rõ là sau 25 năm đổi mới, chúng ta có nhiều thành tựu, nhưng muốn phát triển cao hơn trong giai đoạn tiếp theo, không thể chấp nhận hạ tầng như hiện nay. Đường bộ chẳng hạn. Nhất định phải có hệ thống xa lộ đúng nghĩa. Hệ thống cảng biển cũng vậy. Đặt cạnh những nước tiên tiến trong ASEAN, chi phí cho một đơn vị hàng hóa tại cảng của chúng ta trung bình cao gấp đôi họ. Như vậy thì làm sao cạnh tranh? Chính vì vậy, phải đẩy nhanh tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng. Chủ trương đã có và nói nhiều rồi. Bây giờ là phải triển khai việc này. 

Cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp phải được quan tâm hơn nữa. Không phải vì mở cửa làm một số doanh nghiệp chúng ta cạnh tranh kém, mà do chính những yếu kém của chúng ta. Tại sao người ta mở cửa cho anh bán hàng, anh không làm được cho tốt? Để khi người ta cũng bán hàng như mình, nhưng năng lực cạnh tranh tốt hơn, lại đổ cho sự "mở cửa" đó là không được. Yếu kém có phần quan trọng là do chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, điều này không chỉ là do các doanh nghiệp đâu, mà còn do chính chúng tôi, những người điều hành, lãnh đạo đất nước, khi chưa tạo ra được môi trường kinh doanh, chưa đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao thuận lợi cho doanh nghiệp. 

Về thể chế, chúng ta đang sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Sau khi được Quốc hội thông qua cuối năm 2013, thì một loạt các văn bản pháp luật sẽ được sửa đổi, bổ sung để cụ thể hoá và thực hiện theo bản Hiến pháp mới được ban hành. Trong đó, quan trọng là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Lượng công việc thực hiện rất lớn. 

Chúng ta đừng quên, đến năm 2015, tự do hóa thương mại không chỉ trong ASEAN mà còn là với cả Trung Quốc, một nền kinh tế khổng lồ, lớn thứ 2 thế giới hiện nay. Đến những năm 2017-2018 sẽ tự do thương mại hoàn toàn giữa Việt Nam và các thành viên của WTO. Lúc đó quan hệ doanh nghiệp các nước sẽ hoàn toàn sòng phẳng, theo những cam kết khi gia nhập WTO, chứ không thể "ngăn sông, cấm chợ" được nữa... 

Nhân tố chủ quan bên trong cần được rà soát và nâng cao năng lực cạnh tranh một cách khẩn trương ở từng doanh nghiệp, địa phương, ngành và toàn bộ nền kinh tế. Kể cả lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến địa phương cũng phải soát xét lại "hành trang" của mình, đảm bảo cho công cuộc hội nhập có được hiệu quả cụ thể, có thể nhìn và sờ thấy được. 

- Thưa Chủ tịch nước, những sản phẩm công nghiệp của chúng ta chưa đạt được tính cạnh tranh như mong muốn. Có phải chúng ta đang gặp vấn đề trong việc kiểm soát và phân phối nguồn lực không? 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Kiểm soát và phân phối nguồn lực thì không chỉ quan tâm tới lĩnh vực công nghiệp, mà kể cả nông nghiệp và dịch vụ. Làm sao để không bị thất thoát, lãng phí về vốn, về tài nguyên, về con người... Có những nơi, đáng ra nguồn lực được phân phối thì sẽ phát huy tác dụng tốt hơn, nhưng lại không có, và ngược lại. 

Chúng ta phải tính toán lại. Làm thế nào thực hiện đúng quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, để nguồn lực có thể chảy vào những nơi có hiệu quả cao nhất. Đó chính là trách nhiệm của Nhà nước trong việc quản lý, thực thi, xây dựng các cơ chế, chính sách, luật pháp để tạo ra môi trường kinh doanh, điều chỉnh các nguồn lực một cách hợp lý. Tôi đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề cải cách thủ tục hành chính và phòng chống tham nhũng, lãng phí phải thực sự có hiệu quả, tạo điều kiện đảm bảo việc phân phối các nguồn lực một cách chính xác. 

- Thời điểm hiện nay, GDP của Việt Nam không cao, nhưng dư luận quốc tế cho rằng Việt Nam đang đặt nền móng, chuẩn bị cho một giai đoạn, quá trình phát triển mới. Thưa Chủ tịch nước, nền kinh tế Việt Nam sẽ như thế nào trong vài năm tới, với những chính sách mà chúng ta đã và đang thực hiện? 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Hiện nay, yếu kém của kinh tế Việt Nam biểu hiện rõ nhất là lạm phát cao, nhập siêu lớn... Chất lượng tăng trưởng những năm qua là tăng trưởng chiều rộng; trông chờ vào vốn chứ không phải dựa vào năng suất lao động, hay công nghệ tiên tiến. Tình trạng này không thể để kéo dài, nên chúng ta phải điều chỉnh và cơ cấu lại, chuyển dần tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao chất lượng và năng suất lao động, sử dụng công nghệ tiên tiến... 

Khi tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế, phải chấp nhận là GDP thấp nhưng cũng phải giữ khoảng 5%/năm. Thấp hơn nữa thì nguy hiểm, thất nghiệp sẽ cao, phấn đấu dần đưa tốc độ tăng trưởng lên 7-8%/năm và ổn định kinh tế vĩ mô. Làm được điều đó không chỉ cải thiện đời sống, mà còn là ổn định chính trị, xã hội. 

- Đồng thời cũng là một đại biểu Quốc hội, Chủ tịch nước đánh giá như thế nào về sự tin tưởng của nhân dân đối với chế độ? 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Nhân dân Việt Nam đã tin tưởng, gắn bó với Đảng và chế độ hơn 80 năm qua, kể cả những lúc khó khăn nhất. Niềm tin đó đang bị thách thức và suy giảm do tệ tham nhũng, lãng phí, suy thoái đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. 

Nhưng tôi tin, nhân dân bao dung vẫn tin và kỳ vọng vào Đảng nếu Đảng kịp thời chỉnh đốn, sửa chữa những yếu kém, khuyết điểm trong bộ máy của mình. Tuy vậy, không được lạm dụng lòng tin của nhân dân. Mỗi một cán bộ, chức càng cao, quyền càng to thì trách nhiệm trước sự suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng càng lớn.

Khắc phục những khuyết điểm hiện nay còn là để khẳng định vai trò, trách nhiệm của Đảng với tương lai của đất nước và sự trường tồn của dân tộc như Đảng ta đã làm trong suốt gần một thế kỷ đã qua. 

- Thưa Chủ tịch, năm qua, tính cởi mở và dân chủ đã được thể hiện rất rõ trên các diễn đàn thảo luận về những vấn đề hệ trọng của đất nước. Chủ tịch nước đánh giá như thế nào về nhận định này? 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Tôi thấy rất rõ, hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước ngày càng được người dân quan tâm. Qua những cuộc tiếp xúc cử tri gần đây, tôi thấy người dân đánh giá cao hoạt động của Quốc hội. Với tư cách là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, Quốc hội đã ngày càng đáp ứng được nhiệm vụ và vai trò, nhất là việc thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân. 

- Thưa Chủ tịch, Nghị quyết Trung ương 4 đã được ban hành gần 1 năm. Trong đó, Nghị quyết đã khẳng định, có một bộ phận không nhỏ đảng viên suy thoái, nhưng kết quả thực hiện nghị quyết vừa qua chưa cao. Xin Chủ tịch nước đánh giá về vấn đề này? 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Chúng tôi được hỏi câu này nhiều lắm, có người khen, người chê. Vấn đề này, xin khẳng định là phải kiên trì tiến hành, không lùi bước, không thể không làm, nhưng không thể chỉ một lần, một sớm một chiều mà giải quyết ngay được. 

Thực tế là vậy, không nên chán nản. Chúng ta phải nhận thức cho đúng, phải hết sức kiên trì, liên tục tiến hành công cuộc xây dựng Đảng. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm. Đó chính là dân chủ hóa. Điều quan trọng là phải làm thực chất, phải có cơ chế kiểm tra chống lại hiện tượng “vận động,” “mua phiếu.” Trung ương Đảng cũng có chủ trương bỏ phiếu tín nhiệm tương tự và Mặt trận Tổ quốc cũng sẽ có cơ chế tham gia giám sát đội ngũ cán bộ. 

- Thưa, Chủ tịch nước có thường xuyên nhận được những thư từ của công dân? 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Thư thì hàng ngày tôi nhận được rất nhiều, trên tất cả các lĩnh vực, từ những chuyện rất cụ thể của cuộc sống hàng ngày đến những công việc lớn lao của đất nước, tôi chú ý đến những bức thư chân thực, tâm huyết, xây dựng. Nhiều bức thư rất cảm động, hữu ích, thậm chí có tác dụng trực tiếp đến chính sách của nhà nước, và tôi không thể nói điều gì khác ngoài lòng cảm ơn chân thành. 

- Sau hơn 1 năm ở cương vị là người đứng đầu Nhà nước, đã có những vụ việc nào về bức xúc của nhân dân để lại cho Chủ tịch băn khoăn, trăn trở nhiều nhất? 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Tôi nghĩ rằng, bức xúc thì nhiều, nhưng tựu trung lại mấy vấn đề lớn là làm thế nào trong năm mới, chúng ta tập trung giải quyết những vấn đề về dân sinh và kinh tế cho tốt hơn. 

Đến doanh nghiệp thì được nghe kiến nghị thiếu vốn, bất cập vướng mắc nhiều quá; gặp người lao động thì được phản ánh về thiếu việc làm, thu nhập thấp, tình trạng tiêu cực, tham nhũng... 

Sắp tới, phải làm sao vừa giải quyết tốt hơn vấn đề dân sinh kinh tế, vừa phải giải quyết tốt hơn vấn đề quốc phòng an ninh đất nước, giữ vững chủ quyền quốc gia và triển khai toàn diện công tác đối ngoại theo đường lối Đại hội XI của Đảng. 

Mình mong dân tin Đảng, nhưng vẫn còn nhiều người mất việc, không có việc làm, nghèo đói; tham nhũng, lãng phí không kiên quyết ngăn chặn có hiệu quả thì làm sao tin ? Băn khoăn, trăn trở nhiều lắm ! 

-Thưa Chủ tịch nước, bước sang năm mới, Chủ tịch có thông điệp gì gửi đến toàn thể nhân dân? 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Chúng ta đã bước sang năm thứ 3 thực hiện kế hoạch 5 năm của Đại hội Đảng XI. Chúng ta đang quyết tâm thay đổi, tái cấu trúc nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô để phát triển ngày càng bền vững hơn, chất lượng hơn, hiệu quả hơn. Từ đó đảm bảo mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. 

Trong 2 năm qua, kể cả năm 2013, chúng ta vẫn phải trải qua giai đoạn tái cơ cấu lại nền kinh tế, chấp nhận mức độ tăng trưởng thấp hơn giai đoạn trước; nhưng đồng thời phải thay đổi chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, chuẩn bị tiền đề cho những giai đoạn sau. 

Vì thế, tôi mong rằng đồng chí, đồng bào cả nước hết sức nỗ lực phấn đấu trên mỗi cương vị khác nhau của mình để thực hiện tốt, thành công những mục tiêu mà chúng ta đã đề ra. Tôi tha thiết mong nhân dân ta ấm no, hạnh phúc, đất nước ta hoà bình, thịnh vượng... 

Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước! 


Hoàng Giang (TTXVN)

No comments:

Post a Comment