Ba chiến hạm Trung Quốc nối đuôi nhau cập cảng Sài Gòn. (Hình: Facebook Anton Lê) |
“Trưa qua chúng tôi đã đưa tin, hình ảnh liên quan việc 3 tàu TQ có số hiệu 548, 549 và 886 đã cập cảng Sài Gòn nhưng không báo “lề phải” nào dám đưa tin. Mời bà con xem thêm ảnh: Tàu chiến Trung Quốc thăm cảng Sài Gòn ngày 07/01/2013 (FB Anton Le/ Dân Luận). Một độc giả đã ra ngoài cảng SG nhắn tin: “An ninh bao vây cảng SG dữ quá, tôi mới lú cái máy ảnh ra là bị dẹp rồi. Phải có máy lớn mới chụp rõ được”…”
Đặc biệt bản tin nói báo Trung Quốc có loan tin, nhưng chỉ thị phía VN là cấm loan tin.
Bản tin ghi theo Blogger J.B. Nguyễn Hữu Vinh gửi tin: “Ban TH TW có thông báo: Đến ngày 11/1/2013, sau khi 3 tàu chiến TQ đã rút khỏi cảng SG thì mới được đăng một mẩu tin ngắn về việc này, không đưa trước nhằm loại trừ trường hợp thế lực thù địch lợi dụng biểu tình những ngày tàu chiến TQ chưa về”.
Cận cảnh một chiến hạm Trung Quốc mang số hiệu 886. (Hình: Facebook Anton Lê)
Đặc biệt, báo Dân Việt hôm 7-1-2013 ghi nhận một thống kê từ Thừa Thiên – Huế: Xua đuổi 116 tàu Trung Quốc.
Bản tin báo này viết, theo tin từ Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên – Huế, trong năm 2012, lực lượng của đơn vị phát hiện 9 vụ tàu cá Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vùng biển của tỉnh.
Bản tin viết: “Có tổng cộng 116 tàu cá Trung Quốc tham gia những vụ xâm phạm chủ quyền này đã bị lực lượng Bộ đội Biên phòng của tỉnh xử lý, xua đuổi ra khỏi lãnh hải Việt Nam…”
Trong khi đó, VOA loan tin chính phủ Philippines cẩn trọng trước tuyên bố của đại sứ Trung Quốc Mã Khắc Thanh nói rằng Bắc Kinh sẵn sàng cùng hợp tác để thăm dò khai thác dầu khí ở Biển Đông.
Đề nghị này cũng mới được Bộ Ngoại giao Trung Quốc lặp lại khi khẳng định cam kết theo đuổi giải pháp hòa bình cho tranh chấp Biển Đông.
Một chiến hạm Trung Quốc ở cảng Sài Gòn. (Hình: Facebook Anton Lê)
Nhật báo Philippine Daily Inquirer trích phát biểu của Ngoại trưởng Albert del Rosario của Philippines ngày 7/1 nhấn mạnh Manila giữ quan điểm thận trọng trước tuyên bố về hợp tác chung của Trung Quốc.
Ông Rosario nói bất kỳ sự hợp tác phát triển nào trong khu vực có tranh chấp đều phải tuân theo luật của Philippines và các cuộc thương lượng thương mại về thăm dò dầu khí nên để cho khu vực tư nhân đảm trách.
Bản tin VOA viết: “Trong cuộc phỏng vấn với tờ Inquirer của Philippines hồi tháng trước, đại sứ Trung Quốc nói Bắc Kinh sẵn sàng bắt tay cùng khai thác khoáng sản ở Trường Sa trên Biển Đông giữa lúc tranh chấp chủ quyền trên vùng biển này chưa thể được giải quyết trong thời gian ngắn.”
Cũng tin VOA, Bắc Kinh lại hù dọa Manila: Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 7/1 thúc giục Philippines chớ làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông trước tin cho hay Manila có thể sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng trên quần đảo Trường Sa.
Báo chí Trung Quốc trích lời phát ngôn nhân Hồng Lỗi của Bộ Ngoại giao nước này nói Bắc Kinh đã được tin và sẽ theo dõi sát diễn tiến tình hình.
Bình luận về các bức hình này, một người sử dụng Facebook viết: “Xong hết rồi. Mai mốt phải xin visa của Tàu Cộng rồi. Hy vọng đây sẽ không phải là một khởi đầu của công cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam của Tập Cận Bình.” (T.N.)
Người Việt
No comments:
Post a Comment