Friday, January 18, 2013

QUYẾT LIỆT VÌ HOÀNG SA


Đỗ Hùng (Thanh Niên) - Ngày này cách đây đúng 39 năm, Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Hành động phi pháp ấy đã vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của người Việt Nam và sự lên án mạnh mẽ của thế giới.

Ngày 25.11.2011, trong phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập tới hai thời điểm Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam: “Năm 1956, Trung Quốc đã đưa quân chiếm đóng các đảo phía đông của quần đảo Hoàng Sa. Đến năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý của chính quyền Sài Gòn, tức chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Chính quyền VNCH lúc đó đã phản đối, lên án việc làm này và đề nghị Liên Hiệp Quốc can thiệp. Chính phủ lâm thời cách mạng miền Nam Việt Nam lúc đó cũng ra tuyên bố phản đối hành vi chiếm đóng này”. Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ Việt Nam sẽ kiên trì đòi lại Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình.

Phát biểu của người đứng đầu Chính phủ của một đất nước Việt Nam thống nhất đã nhắc chúng ta nhớ tới một ngày bi tráng của 39 năm về trước, khi đất nước còn chia đôi. Đó là ngày 19.1.1974, Trung Quốc nổ súng cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa. Các chiến hạm cùng quân nhân VNCH đã chiến đấu quyết liệt, nhưng cuối cùng với một lực lượng mạnh hơn, Trung Quốc đã chiếm được cụm phía tây của quần đảo Hoàng Sa, sau khi đã chiếm cụm phía đông hồi thập niên 1950, qua đó chiếm đóng phi pháp toàn bộ quần đảo này từ đó đến nay.

Xâm lăng

Trận hải chiến Hoàng Sa diễn ra trong khoảng 30 phút vào ngày 19.1.1974, nhưng trước đó nhiều ngày, Trung Quốc đã bắt đầu những chuyển động cho hành trình xâm lược của mình. Ngày 10.1, tàu Trung Quốc bắt đầu xuất hiện trong khu vực cụm tây quần đảo Hoàng Sa. Sau đó một ngày, Bộ Ngoại giao nước này phát đi từ Bắc Kinh tuyên bố rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc và VNCH đang chiếm đóng phi pháp. Ngay lập tức, Tổng trưởng Ngoại giao Vương Văn Bắc của chính quyền Sài Gòn đã bác bỏ luận điệu ngang ngược này và lên án hành động xâm lăng gây hấn của Trung Quốc.

Lúc bấy giờ, về mặt quân sự, phía Việt Nam chỉ có một trung đội địa phương quân thuộc Chi khu Hòa Vang trú đóng trên đảo Hoàng Sa. Để tăng cường sức mạnh bảo vệ biển đảo, Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải vào ngày 15.1 đã ra lệnh cho tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16), do trung tá Lê Văn Thự làm hạm trưởng, trực chỉ Hoàng Sa. Tiếp theo, khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) do trung tá Vũ Hữu San chỉ huy đang tuần tra vùng biển ngoài khơi Quảng Ngãi cũng được lệnh tức tốc tới bảo vệ Hoàng Sa. Sau đó, do diễn biến phức tạp, tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ-5) và hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10) cũng đã được điều động. HQ-5 là soái hạm, với hạm trưởng là trung tá Phạm Trọng Quỳnh; còn HQ-10 do thiếu tá - Hạm trưởng Ngụy Văn Thà chỉ huy. Ban Chỉ huy công tác trên biển của chiến dịch bảo vệ Hoàng Sa được đặt trên tàu HQ-5, với đại tá Hà Văn Ngạc thừa lệnh Tư lệnh HQ Vùng 1 Duyên hải làm chỉ huy trưởng.

Trong thời gian này, phía Trung Quốc đã cho tàu cá chở quân lính giả dạng ngư dân tiến chiếm một số đảo. Công điện 50.356 của Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải gửi HQ-4, HQ-5 và HQ-16 cho biết: “Trung Cộng đã bất thần tiến chiếm các đảo Robert (Cam Tuyền - NV), Duncan (Quang Hòa), Drummond (Duy Mộng) và Money (Vĩnh Lạc) thuộc quần đảo Hoàng Sa kể từ ngày 10.1.1974. Hiện có 2 tàu loại 100 tấn neo đậu tại đảo Robert... Trên đảo Duncan có 1 chòi quan sát... Tại đảo Money có 1 hầm còn mới...”. Công điện còn cho biết phi cơ của Sư đoàn 1 Không quân đang trực ở sân bay Đà Nẵng. Nhiệm vụ được giao cho lực lượng bảo vệ Hoàng Sa là trước hết sử dụng đường lối ôn hòa, yêu cầu kẻ địch rút khỏi lãnh thổ Việt Nam, trong trường hợp địch khai hỏa thì “tập trung khả năng để tiêu diệt địch”, lệnh từ văn phòng chỉ huy ở Đà Nẵng truyền ra cho HQ-5 nêu rõ.

Lúc bấy giờ, lực lượng chiến đấu của phía Trung Quốc có 11 tàu, trong đó có 2 tàu chống ngầm Krondstadt, 2 tàu quét lôi, vài tiểu đoàn thủy quân lục chiến và một số tàu chở quân. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn có một đội quân dự phòng ở Hải Nam, trong đó có nhiều tàu tên lửa Komar và Osa.

Bản đồ Hải chiến Hoàng Sa 1974. Các chiến hạm VNCH (ảnh nhỏ) - Đồ họa: Hồng Sơn 

Nổ súng

Sáng sớm 19.1, một toán Biệt hải từ HQ-4 và một đội Hải kích từ HQ-5 chia làm hai mũi dùng bè cao su đổ bộ lên tái chiếm đảo Quang Hòa. Một cuộc đọ súng xảy ra giữa quân VNCH và quân Trung Quốc đã chiếm đảo này từ trước cùng với số mới đổ bộ từ các chiến hạm gần đấy. Cuộc giao tranh này khiến 2 quân nhân VNCH tử thương và sau đó, do quân số ít hơn rất nhiều, hai toán đổ bộ của VNCH đã phải rời đảo, trở lại tàu.

Lúc này, các tàu chiến trên biển đã di chuyển theo đội hình chiến thuật, bộ chỉ huy trên soái hạm HQ-5 chỉ định mục tiêu cho từng chiến hạm thành viên để tiêu diệt. Theo đó, HQ-5 đối đầu tàu Krondstadt 274; HQ-4 đối đầu Krondstadt 271; HQ-10 đối đầu trục lôi hạm 396; HQ-16 đối đầu trục lôi hạm 389. Lúc 10 giờ 22 sáng 19.1.1974, lệnh tác xạ đồng loạt vào các chiến hạm Trung Quốc được ban hành từ HQ-5. Thông tin công khai trước đây cho rằng tàu Trung Quốc đã nổ súng trước. Tuy nhiên, mới đây, nguyên Hạm trưởng HQ-4 Vũ Hữu San xác nhận rằng, lúc bấy giờ, tàu chiến của VNCH đã “chủ động khai hỏa”. Ngay trong những phút đầu, một chiếc Krondstadt đã bị trúng đạn bốc cháy. Sau đó, chiếc Krondstadt thứ hai cũng hư hại và phải ủi vào rạn san hô gần đó để khỏi chìm. Phía VNCH cũng chịu tổn thất khi HQ-4 và HQ-5 đều trúng đạn nhưng vẫn còn chiến đấu được; HQ-16 bị hư hại nặng hơn và phải dần rút khỏi vòng chiến. Riêng HQ-10, là tàu nhỏ nhất, bị bắn chìm và Hạm trưởng Ngụy Văn Thà tử trận.

Đến gần 11 giờ, có tín hiệu cho thấy Trung Quốc đang tăng viện với các tàu tên lửa Komar xuất hiện từ phía xa. Nhận thấy tình thế bất lợi, chỉ huy trưởng Hà Văn Ngạc đã ra lệnh cho toàn bộ lực lượng rời vùng giao tranh. Trong cuộc chiến này, theo con số thống kê chưa đầy đủ, 53 quân nhân VNCH đã bỏ mình vì nước; một số quân nhân và nhân viên khí tượng bị bắt làm tù binh và đã được trao trả sau đó. Phía Trung Quốc có 4 tàu bị bắn hỏng và 18 binh sĩ chết.

Sau trận chiến ngắn ngủi nhưng ác liệt, Trung Quốc đã chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Dù thế, trận hải chiến 1974 một lần nữa khẳng định ý chí bất khuất của người Việt Nam trong sứ mệnh bảo vệ chủ quyền. Trước một kẻ thù mạnh hơn và trong một tình hình chính trị chung có nhiều diễn biến bất lợi, các quân nhân đã kiên cường nổ súng vào kẻ xâm lăng. Cuộc chiến đó cũng một lần nữa làm nổi rõ tính phi nghĩa của Trung Quốc tại Hoàng Sa và trên toàn biển Đông về sau, như tuyên cáo của Bộ Ngoại giao VNCH số 015/BNG sau trận hải chiến 1974 đã vạch rõ: “Các hành động quân sự của Trung Cộng là hành vi xâm phạm trắng trợn vào lãnh thổ VNCH”. Hành động dùng vũ lực để chiếm lãnh thổ của nước khác đi ngược lại với Hiến chương LHQ, và vì thế, dù cho đã chiếm đóng toàn bộ Hoàng Sa gần 40 năm qua, Trung Quốc mãi mãi vẫn không có được một tư cách hợp pháp đối với vùng lãnh thổ này. 

Tư liệu cho bài viết này được lấy từ Tài liệu Hải chiến Hoàng Sa (Vũ Hữu San, Trần Đỗ Cẩm), qua trao đổi với ông Vũ Hữu San và một số cựu quân nhân tham gia trận hải chiến cũng như tham khảo nhiều tài liệu khác.

Đỗ Hùng

No comments:

Post a Comment