Thursday, January 3, 2013

Hiến pháp càng sửa càng nát - Càng độc tài


Vai "chủ đạo" kinh tế của Nhà nước bị loại khỏi hiến pháp

Phạm Trần - Nhà nước Cộng sản Việt Nam đã công khai Bản Dự thảo sửa Hiến pháp 1992 để lấy ý kiến tòan dân kể từ ngày 02/01 đến ngày 31/03/2013 nhưng Bộ Chính trị lại vội ra lệnh phải"kịp thời đấu tranh, ngăn chặn những hành vi lợi dụng dân chủ việc lấy ý kiến nhân dân để tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta."

Tại sao một việc làm "danh chính ngôn thuận" như chỉ muốn dân cho biết ý kiến xem họ nghĩ sao về những điều của bản Hiến pháp mới mà Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng phải thay mặt Bộ Chính trị công bố Chỉ thị 6 điểm có vẻ như khẩn trương lắm?

Trước tiên ông bảo: "Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiếp pháp năm 1992 là một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, của các cấp, các ngành, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến Pháp, thi hành Hiến pháp, pháp luật và góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân."

Không quan trọng sao được vì Hiến pháp là bộ luật cao nhất và quan trọng nhất của một quốc gia nhất là khi ông Trọng đề cao sự đóng góp ý kiến của dân là để xây dựng nhà nước cho mình chứ không phải cho đảng hay ai khác !

Vì vậy phải cẩn trọng là điếu chí phải, nhưng ông Trọng cũng đã gây thắc mắc cho dân khi Bộ Chính trị ra lệnh cho các đơn vị phải làm cả công tác gọi là "uốn nắn" cả những "biểu hiện lệch lạc" trong dân.

Chỉ thị ra lệnh cho các cấp lãnh đạo, tổ chức đơn vị phải: "Đôn đốc, kiểm tra và tạo điều kiện cần thiết cho cơ quan, tổ chức, đơn vị ở bộ, ngành, địa phương mình phụ trách tổ chức tốt việc lấy ý kiến nhân dân; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc trong quá trình tổ chức lấy ý kiến."

Có gì khác thường chăng? Hay là đó đây trong nhân dân và trong hàng ngủ cán bộ, đảng viên đã có những biểu hiện không đồng tình với bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp?

Hay trong dự thảo có những điều sẽ làm cho dân nổi giận, hoặc đảng sợ sẽ có số đông người bác bỏ hay sao mà ông Nguyễn Phú Trọng còn ra lệnh: "Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương lãnh đạo, kiểm tra việc lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp trong lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; chỉ đạo chặt chẽ công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan kịp thời đấu tranh, ngăn chặn những hành vi lợi dụng dân chủ việc lấy ý kiến nhân dân để tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta."

Nhưng ở Việt Nam làm gì có dân chủ mà đảng sợ dân sẽ "lợi dụng" để chống văn kiện quan trọng này?

Như vậy, nếu có những ý kiến trái chiều, không hợp vớ ý muốn của đảng thì bị ghép ngay vào tội "chống phá đảng và nhà nước" hay sao?

Nếu làm như vậy thì còn ai muốn hy sinh thời giờ và tâm trí để đóng góp vào việc "xây dựng nhà nước pháp quyền" nữa? Bởi vì nếu đã có pháp quyền thì đảng và nhà nước phải biết tôn trọng ý kiến khác với đảng chứ. Nếu triệu người như một chỉ biết "gật đầu theo đảng" thì làm sao mà đảng tìm ra được khuyết tật của mình?

Ngay cả Quốc hội cũng đã run lên khi cảnh giác các cơ quan báo chí nhà nước phải đề phòng khi tiếp nhận ý kiến của người dân.

Nghị quyết của Quốc hội về việc Tổ chức lấy ý kiến nhân dân ngày 23/11/2012 yêu cầu các nhà báo cần: "Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp ý kiến và phản ánh trung thực, kịp thời ý kiến của nhân dân; không để các đối tượng xấu, thế lực thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước."

Hiến pháp có mới không?

Nhưng nếu "không có tật" thì làm sao mà cả Đảng và Quốc hội phải rào trước đón sau qúa mức như thế?

Vậy ta thử mò mẫm xem dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 có gì "hấp dẫn" không nhé?

Trước hết Văn kiện mới chỉ có XI Chương và 124 Điều, thay vì XII Chương và 147 Điều như Hiến pháp 1992, ngắn được 23 Điều.

Cơ bản nội dung ngắn gọn và trong sáng hơn, nhưng "cái sườn" thì vẫn trơ xương sống ra nguyên hình "bộ cũ" trông không mát mắt chút nào.

Điều quan trọng nhất mang số 4 vẫn bảo vệ tuyệt đối chỗ ngồi của đảng trên đầu người dân, mặc dù chưa bao giờ nhân dân bằng lòng cho đảng "đè đầu đè cổ" mình nhưng cứ phải cắn răng mà chịu từ bao nhiêu năm rồi !

Điều này viết: 

"1. Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. 

2. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình . 

3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật."

Thứ nhất, đảng tiếp tục "tự nhận" có quyền cai trị dân và "tự ý" đem Chủ nghĩa Cộng sản Mác-Lênin từ bên ngoài vào áp đặt bắt dân phải đi theo rồi cũng "tự khoe" gắn bó với dân, phục vụ dân theo nhu cầu của đảng.

Như vậy thì làm gì có "dân chủ" như Nhà nước đã tự khoe ngay trong Điều 1 khi viết: " Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời." 

Các nhá sọan thảo phô trương rằng: "Dự thảo giữ các nội dung của Điều 1 Hiến pháp năm 1992, đồng thời bổ sung "dân chủ" để làm rõ hơn bản chất của Nhà nước ta, chế độ ta." (Bản so sánh của Quốc hội)

Có điều gì khôi hài hơn không? Đâu phải cứ "phang" cụm từ "dân chủ" vào là chế độ có dân chủ ngay? Phép lạ hay sao?

Ai cũng biết Việt Nam cai trị bởi đảng Cộng sản là một nhà nước độc tài, đảng trị và độc tôn nên việc "dựng đứng" lên "bộ vó" dân chủ chỉ làm cho cái mặt nạ méo mó thêm mà thôi.

Chưa hết, Ban sọan thảo còn viết trong Điều 2 rằng: "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức."

Khổ qúa, biết rồi nói mãi. Cả 3 giai cấp "công nhân, nông dân và trí thức" là những thành phần chịu nhiều thiệt thòi nhất trong xã hội Việt Nam ngày nay, dù đất nước đả trải qua gần 30 năm Đổi mới !

Và khi nói đến phân quyền thì nhà nước giáng thêm một câu: "Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp."

Đã "thống nhất" thì dù có "phân công" đến đâu cũng châu về một mối cho đảng kiểm soát, nắm tất vì cả 3 ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp đều do đảng kiểm soát hết trọi. 

Vì vậy, Bản dự thào sửa đổi Hiến pháp 1992 chẳng nói lên được một ước vọng nào của dân.

Người dân muốn có tự do, dân chủ và đầy đủ quyền làm người như các dân tộc trong các nước tự do khác thì nhà nước lại khép họ vào rọ lôi đi như đàn cừu.

Chẳng thế mà ngay trong Lời mở đầu của dự thảo, những nhà sọan thảo đã lạc hậu viết rằng: " Dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Hiến pháp này tiếp tục khẳng định mạnh mẽ ý chí của nhân dân Việt Nam; chủ quyền nhân dân và chủ quyền quốc gia; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện công bằng xã hội; gìn giữ và phát huy văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; phát triển giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường; tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới."

Không biết khi viết ra những lời lẽ lỗi thời như thế thì Quốc hội và Ban sọan thảo do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đứng đầu có nhìn sang Nga sô và các nước cựu Cộng sản Đông Âu xem nhân dân người ta đã làm gì đồi với Chủ nghĩa Mác-Lênin từ năm 1989 ?

Nhưng nếu đảng và nhà nước CSVN cứ "chũi đầu xuống cát" để tin rằng "ánh sáng "tù mù" của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng "lạc hậu" Hồ Chí Minh" sẽ dẫn họ đến "thiên đàng" của xã hội chủ nghĩa thì có ngày họ sẽ rơi cả đám xuống tận "đáy tầng địa ngục" tụt hậu.

Quân đội và cái đuôi của hiến pháp

Bản dự thảo cũng lập lại tất cả những điều đã viết nhưng chưa bao giờ thực hiện của Hiến pháp 1992 như quyền bầu cử và ứng cự tự do, quyền bất khả xâm phạm, an tòan cá nhân, bảo đảm thư tín không bị tự động bóc ra xem trước hay nghe lóm điện thọai, len lỏi vào máy vi tính của công dân, ngăn cấm bắt người vô cớ, xâm nhập gia cư bất hợp pháp của lực lượng công an v.v...

Riêng quyền "biểu tình" thì cứ tự do lập đi lập lại trong Điều 26 khi viết rằng: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật."

Nhưng cái đuôi "theo quy định của pháp luật" của nhà nước CSVN lại triệt tiêu quyền của công dân ghi trong Hiến pháp cho nên người dân không được có báo tư nhân, chẳng bao giờ được lập đảng, hội họp phải có phép và biểu tình chống bất công xã hội, đòi công bằng không theo ý đảng là tức thời bị cấm.

Thậm chí chính quyền cứ tự do áp dụng các biện pháp hành chính tùy tiện để đàn áp cả dân biểu tình chống âm mưu chiếm đóng biển đảo Việt Nam của Trung Cộng thì hành động này có vi hiến không hay đã công khai "phản quốc" như viết trong Điều 47: 

"Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc. Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất?"

Nhưng khi người dân muốn hành động yêu nước thì bị cấm còn Quân đội của cái nhà nước này làm gì?

Ngạc nhiên thay, trên 5 triệu tay súng chính quy và trừ bị đã được "cột chặt" vào nhiệm vụ ưu tiên phải "bảo vệ đảng" trên cả Tổ quốc và nhân dân thì có "ngửi" được không?

Điều 70 (sửa đổi, bổ sung Điều 45) viết rằng: "Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế. "

Như thế là đảng đã "ăn trùm" cả thiên hạ phải không?

Nhưng Quốc hội lại không có quyền hiến định cho phép "chất vấn đảng và Lãnh đạo đảng" thì có "trớ trêu" không?

Bằng chứng này được nêu trong Điều 85 (sửa đổi, bổ sung Điều 98), theo đó Đại biểu Quốc hội chỉ được "sờ đến chân lông" các cấp theo thứ tự:

1. Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Tại sao đảng có quyền lãnh đạo mà không bị ràng buộc bởi bất cứ luật lệ nào của quốc gia thì đây là chuyện cực kỳ phản dân chủ.

Khi bàn đến quyền phúc quyết của dân về Dự thảo Hiến pháp sau khi đã được hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội thông qua thì Hiến pháp sửa đổi 1992 lại dành độc quyền cho Quốc hội quyết định, như Khỏan 4 của Điều 124 viết: "Dự thảo Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định."

Nếu Quốc hội không muốn "trưng cầu ý dân" thì dân có làm gì được không? Nhưng người dân cũng cần được biết "ai cho phép Quốc hội" không hỏi ý dân việc hệ trọng này?

Trong trường hợp Việt Nam, hầu hết đại biểu Quốc hội là đảng viên của đảng cầm quyền thì việc "thả lỏng" cho Quốc hội muốn làm gì thì làm chỉ có lợi cho đảng mà thôi.

Quyền chủ quản ra khỏi hiến pháp

Trái với những điểm xấu của Dự thảo, Quốc hội và ủy ban sọan thảo đã đồng ý loại vai trò "chủ qủan nền kinh tế quốc gia của nhà nước" ra khỏi Hiến pháp. Đây là điểm son duy nhất, sau khi Quốc hội nhìn nhận doanh nghiệp nhà nước đã làm suy thoái nền kinh tế quốc gia trong nhiều năm, trong khi kinh tế tư nhân phát triển mạnh.

Vì vậy Điều 54 (sửa đổi, bổ sung các điều 15, 16, 19, 20, 21 và 25) đã viết:

1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. 

2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. 

Điều 55 (sửa đổi, bổ sung Điều 24, Điều 26) 

1. Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, bảo đảm cho nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường; thực hiện sự phân công, phân cấp quản lý nhà nước giữa các ngành, các cấp, thúc đẩy liên kết kinh tế vùng, bảo đảm phát triển hợp lý, hài hòa giữa các vùng, địa phương và tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân. 

2. Nhà nước thống nhất quản lý hoạt động kinh tế đối ngoại, phát triển các hình thức hợp tác kinh tế với các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và cùng có lợi, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế. 

Điều 56 (sửa đổi, bổ sung các điều 22, 23 và 25) 

1. Tổ chức, cá nhân được tự do kinh doanh, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật. 

2. Nhà nước thực hiện chính sách chống độc quyền và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh. 

3. Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân được Nhà nước thừa nhận, bảo hộ và không bị quốc hữu hóa. 
Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân, tổ chức theo giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định."

Trong Hiến pháp 1992, chủ trương kinh tế thu gọn trong 2 Điều sau:

Điều 16:

Mục đích chính sách kinh tế của Nhà nước là làm cho dân giàu nước mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân trên cơ sở phát huy mọi năng lực sản xuất, mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế gồm kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài dưới nhiều hình thức, thúc đẩy xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, mở rộng hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật và giao lưu với thị trường thế giới.

Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế được sản xuất, kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm; cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật.

Nhà nước thúc đẩy sự hình thành, phát triển và từng bước hoàn thiện các loại thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Điều 19:

Kinh tế nhà nước được củng cố và phát triển, nhất là trong các ngành và lĩnh vực then chốt, giữ vai trò chủ đạo, cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

Tuy nhiên cái gai trước mắt của chủ trương "Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" vẫn là chuyện nửa giăng, nửa đèn nhằm đánh lừa dư luận để che dấu việc Việt Nam đã bỏ kinh tế Cộng sản chạy theo Tư bản mà vẫn còn ỡm ờ không dám nói ra.

Như vậy có phải Việt Nam càng sửa Hiến pháp thì càng làm cho đất nước nát thêm không, hay là đảng muốn như thế để có thể kéo dài độc tài lâu hơn?

(01/2013)

Phạm Trần

No comments:

Post a Comment