(VTC News) – Các chủ phương tiện đi nộp phí đường bộ phàn nàn về quy trình thu phí cồng kềnh và ì ạch.
36 triệu ô tô, xe máy đã bắt đầu phải nộp phí sử dụng đường bộ từ ngày 1/1/2013 và ngay trong ngày đầu tiên, số tiền thu được đã lên tới hàng chục tỷ đồng.
Trong 3 ngày chính thức triển khai thu phí đường bộ, nhiều trạm đăng kiểm tại Hà Nội luôn trong tình trạng chật kín chủ xe tới đăng kiểm, đóng phí. Trong khi đó, tại nhiều địa phương, việc thu "thuế" đường với xe máy vẫn "án binh bất động".
Tuy nhiên, có một thực trạng là nhiều chủ phương tiện vẫn tỏ ra bỡ ngỡ về quy trình đóng phí trong khi số khác râm ran bàn tán về mức phí bảo trì đường bộ phải nộp.
Tại một số trạm đăng kiểm trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhiều chủ phương tiện chỉ đến để hỏi về quy trình nộp phí bảo trì đường bộ.
35 triệu xe máy và 1,5 triệu ô tô phải nộp phí từ đầu năm 2013 (Ảnh: Internet)
Bức xúc với thủ tục, quy trình hành chính bị đánh giá là cồng kềnh, ì ạch, anh Bùi Minh Trí (Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội) nói: "Đúng là năm 2013 rồi mà không ai tin được đến cả việc nộp tiền vẫn còn ì ạch như vậy.
Sao không lập ra tài khoản ở Kho bạc cho người dân nộp bằng các địa chỉ giao dịch của Ngân hàng hoặc nộp trực tuyến, muốn xác nhận in ra là xong (truy cập mạng của Ngành với mã số được cấp khi nộp tiền). In ra, mang đi chạy khắp nơi là xong".
Sau khi đóng phí sử dụng đường bộ không thể ngay lập tức đường sá sẽ tốt lên được, nhưng chắc chắn 1-2 năm tới, đường sá sẽ tốt hơn trước vì có kinh phí để duy tu, bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên hơn.
Ông Trịnh Ngọc Giao
Trong khi đó, anh Hoàng Xuân Nghĩa (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) nói: "Nếu có thể chúng ta nên làm phần mềm mã vạch như thuế ấy, có ai làm gian được đâu. Muốn kiểm tra chủ xe đã nộp phí đường hay chưa chỉ cần ấn mã vạch là biết liền.
Theo tôi, việc không áp dụng công nghệ thông tin cũng là cái "tội" của các nhà làmchính sách".
Ông Nguyễn Văn Quốc (thành phố Vũng Tàu) phản ánh: "Tại thành phố Vũng Tàu, khi vừa ra tới ngoại ô bằng con đường độc đạo duy nhất là đã gặp ngay trạm thu phí QL 51 rồi. Người dân sống ở đây vừa đóng thuế đường (bảo trì đường bộ) lại phải trả thêm mấy lần phí trên quốc lộ nữa. Nhiều người kêu trời".
Đồng cảnh ngộ với ông Quốc, anh Nguyễn Quán Tuấn, trú tại Láng Thượng - Đống Đa khá bức xúc: "Chiếc xe của tôi là xe chở khách Ford Transit dưới 25 chỗ phải đóng "thuế đường" 3.240.000/năm. Tôi không phản đối việc đóng phí bảo trì đường bộ.
Nhưng nếu tôi chở khách tuyến Hà Nội - Nam Định, ngày nào qua trạm thu phí trên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tôi lại phải nộp phí tại trạm thu phí này mấy chục nghìn/lần thì hóa ra tôi phải đóng phí 2 lần hay sao?".
Rơi vào cảnh ngộ éo le hơn, anh Nguyễn Văn Chinh (Đống Đa, Hà Nội) than thở: "Tôi mua xe ô tô, nhưng ít sử dụng. Vậy thu phí xe của tôi giống như các xe vận hành thường xuyên khác là không công bằng".
Trong khi đó, anh Tân Lê (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Theo luật, phí đường bộ được nộp 6 tháng, nhưng trạm đăng kiểm lại bắt nộp tối thiểu 1 năm. Tờ khai cho nộp bằng thẻ, nhưng trên thực tế, đăng kiểm bắt nộp tiền mặt".
Xế hộp và chủ phương tiện xếp hàng đăng kiểm và đóng phí bảo trì đường bộ (Ảnh: Internet)
Giải đáp những băn khoăn của các chủ phương tiện, ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, sau ngày 30/6, lực lượng chức năng mới xử phạt hành chính những chủ xe không nộp Quỹ Bảo trì đường bộ.
Như vậy, chủ phương tiện sẽ có một khoảng thời gian đủ dài để tìm hiểu và hoàn tất quy trình nộp "thuế đường".
Liên quan tới thắc mắc của chủ phương tiện, ông Giao nói: "Việc thu phí sử dụng đường bộ có thể sẽ được chi trả qua tài khoản hoặc thẻ để tiện lợi hơn cho các doanh nghiệp cũng như các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới.
Các mức phí phải đóng đã có số liệu cụ thể, doanh nghiệp vận tải căn cứ vào số lượng xe phải đóng phí rồi chuyển khoản, hoặc, trong tháng tới, các trung tâm đăng kiểm sẽ lắp ráp xong các trạm quẹt thẻ, lái xe hoặc chủ sở hữu phương tiện nộp phí sử dụng đường bộ chỉ qua một động tác quẹt thẻ là hoàn tất".
Tuy nhiên, ông Giao thừa nhận, sau khi đóng phí sử dụng đường bộ không thể ngay lập tức đường sá sẽ tốt lên được, nhưng chắc chắn 1-2 năm tới, đường sá sẽ tốt hơn trước vì có kinh phí để duy tu, bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên hơn.
Về việc "trả thêm mấy lần phí trên quốc lộ nữa", ông Nguyễn Xuân Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, theo chủ trương của Chính phủ, trạm thu phí là hợp đồng BOT với các nhà đầu tư. Các trạm thu phí trên Quốc lộ 51 là trạm thu phí để hoàn vốn cho nhà đầu tư theo hợp đồng đó.
"Vì vậy, các trạm thu phí thuộc diện này vẫn tiếp tục hoạt động", ông Cường nhấn mạnh.
Minh Quân
No comments:
Post a Comment