Wednesday, January 2, 2013

Ðối Thoại Với Kẻ Thù




Giáo Già - Trong mấy tiếng đồng hồ nữa Giáo Già sẽ gỡ tờ lịch cuối cùng của năm 1012, để bước sang năm 2013, để dồn dập nghe những lời chúc lành cho năm mới. Ai cũng vui với những lời chúc lành đó, nhưng có mấy ai hưởng được cuộc sống bình an... Nhưng, cho dầu thế nào, Giáo Già cũng xin cám ơn những người thân quen đã cho những lời chúc lành đó. Viết đến đây Giáo Già chạnh nhớ tới hai câu lục bát:

Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho người thiện tâm

Trở lại tuần lễ trước, mỗi năm, cứ đến mùa Giáng Sinh, cuối tháng 12 dương lịch, Giáo Già thường đọc được 2 câu thơ lục bát nêu trên và cũng thường nghe nó vang vọng ở nhiều nơi trong cộng đồng lưu dân Việt tỵ nạn Cộng sản ở hải ngoại. Lúc nào Giáo Già cũng cầu mong cho những người thiện tâm được bình an. Nhưng, cuối năm nay, có quá nhiều biến chuyển, từ quốc nội đến hải ngoại, khiến Giáo Già nhận thấy có rất nhiều người không tìm được sự bình an dưới thế; mà họ thường gánh lấy những ưu tư phiền muộn, những khổ đau khốn đốn, không biết đến bao giờ mới hết, trong đó chuyện đối thoại với kẻ thù là chuyện hàng đầu rất đáng được quan tâm.

Ðúng vậy, mấy ngày qua, Giáo Già nhận được từ anh Trần Văn Minh bản tin số 28 của nhóm “Chống Tàu Diệt Việt Cộng” có lời mở đầu nói rằng:

“Chỉ còn vài ngày nữa là qua một năm, tiến bộ công cuộc đấu tranh trong nước và hải ngoại đã có bước tiến triển khá xa trong năm qua: Bà con trong nước đã quen với biểu tình, tinh thần chống Tàu gia tăng, bà con đã biết tham nhũng là đặc chất của đcsVN, dân oan biết cách đấu tranh khôn khéo hơn, Việt cộng bắt đầu thua trên mặt trận thông tin... Bà con hải ngoại thì cấm cửa Việt cộng ở khắp nơi, ngoại trừ Houston!!!??? Việt cộng hiện nay đang cơn bối rối về tiền, họ cần tiền, nhiều tiền hơn nữa nên có lẽ trong những ngày tháng sắp tới sẽ có những chiêu thức 'đối thoại' khác. Mong bà con luôn cảnh giác và kiên định về mục tiêu của mình. Nhận lời đối thoại với bất cứ điều kiện nào cũng không thể phá bỏ chế độ cs [tác giả Trần Văn Minh dứt khoát không chịu viết hoa 2 chữ cộng sản vì nó không xứng đáng để được như vậy]. Chỉ bằng sức mình đánh ngã nó thì tự do mới được bảo đảm. Không nên xin tự do bất cứ ai, tự do từ tay mình làm ra mới được bảo đảm. Nên để dành tâm sức đi tìm phương cách và hành động phá bỏ chế độ cs thay vì ngồi chờ cs chìa tay ra ban tự do cho dân Việt Nam”.

Trong nỗ lực đập tan đại họa mất nước hầu như đông đảo người quốc gia đấu tranh cho một nước Việt Nam tự do dân chủ Hiến định và Pháp trị không còn mấy ai bị ru ngủ bởi luận điệu hòa hợp hòa giải của Việt cộng nữa. Mọi người, bằng cách này hay cách khác, đã tự mình cảnh giác đòi hỏi sự vẹn toàn lãnh thổ quốc gia, đòi hỏi Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam, cho dầu có bị đám Thái thú lãnh đạo Ðảng và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thẳng tay trấn áp, khi họ tổ chức những cuộc biểu tình chống Tàu cộng, từ năm 2007 cho đến nay.

Những cuộc biểu tình, dầu lớn dầu nhỏ, đều có giá trị trắc nghiệm khả năng làm thành cuộc đối đầu với bạo lực bằng “bất bạo động”, từ bạo lực của kẻ đô hộ là Trung cộng và bạo lực từ Ðảng và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, mà tấm gương sáng từ cuôc cách mạng Hoa Lài và Mùa Xuân Ả Rập là nỗi ám ảnh không nguôi cho đám Thái thú lãnh đạo hàng đầu và bọn công an chỉ biết “còn đảng còn mình”.

Trước sự suy sụp càng lúc càng trầm trọng hơn; sau thời gian ru ngủ những thành phần chống cộng bằng giải pháp “hòa hợp hòa giải” không có hiệu quả, đặc biệt là người Quốc gia Việt Nam lưu cư hải ngoại, Cộng sản Việt Nam đang lần hồi chuyển thế sang giải pháp mang tên mới là “đối thoại”. Nhưng, chúng chỉ muốn đối thoại với người Việt lưu cư hải ngoại mà không đếm xỉa gì tới những nhà đấu tranh Dân chủ hóa Việt Nam ở quốc nội; trong khi họ và người dân đang bị chúng dìm trong đói nghèo cùng cực, bị bóc lột không nương tay, mới chính là thành phần cần được đối thoại để cùng tìm ra giải pháp đập tan đại họa mất nước và xây dựng một quốc gia Việt Nam phồn vinh đích thực.

Khoan đề cặp đến cuộc đối thoại với thành phần người quốc gia Việt Nam lưu cư hải ngoại; xin được đề cặp đến ở phần sau. Trước tiên, xin phân loại các đề nghị đối thoại của người dân ở quốc nội thành 3 thành phần cho dễ nhận định:

1. Những người tham dự các cuộc biểu tình chống Trung cộng xâm chiếm Việt Nam trên đất liền và đại dương.
2. Những người trực diện đòi hỏi Ðảng và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền, tôn trọng các quyền tự do căn bản của người dân như tự do ngôn luận, tự do tôn giáo...; đấu tranh Dân chủ hóa Việt Nam; đấu tranh cho một Quốc gia Việt Nam tự do dân chủ Hiến định và Pháp trị...
3. Thành phần trí thức vốn là những đảng viên, công nhân viên chức Nhà nước từng giữ những chức vụ quan trọng trong Ðảng và Nhà nước đã hồi hưu hoặc còn đang tại chức...

1. Trước tiên, không nói đâu xa, hãy nhìn về các cuộc biểu tình từ Hà Nội đến Sài Gòn từ 7 năm qua. Nhìn chung, nó chỉ mới là cuộc trắc nghiệm “đề nghị đối thoại” của người dân đối với Ðảng và Nhà nước về đại họa mất nước, với ý mong được Ðảng và Nhà nước lưu tâm về tham vọng xâm lăng của kẻ thù truyền kiếp ở phương Bắc đã và đang chiếm ngụ một phần lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam...

Cuộc trắc nghiệm cho thấy các cuộc biểu tình không cần có một tổ chức nào lãnh đạo. Họ có thể tiến hành cuộc biểu tình một cách dễ dàng và mau lẹ, qua việc thông báo cho nhau biết qua các thư ngỏ, các lời kêu gọi... đưa lên các hệ thống thông tin điện tử như Internet, facebook, twitter, email, cell phone... mà trên lãnh vực quốc tế sự thành công ngoạn mục trong các cuộc cách mạng Hoa Lài và Mùa Xuân Ả Rập là những điển hình ai cũng có thể thấy. 

Thực chất các cuộc biểu tình chỉ mới là nhận diện đại họa mất nước và “đề nghị đối thoại” để cùng tìm ra giải pháp hữu hiệu. Nhưng, Ðảng và Nhà nước chẳng những làm lơ lại còn xua công an thẳng tay đàn áp, một hành động lộ liễu binh vực kẻ thù phương Bắc, hành động của những thái thú tay sai của kẻ đang đô hộ Việt Nam. Mới đây, tin được phóng viên Thanh Quang đưa lên đài RFA, ngày 10-12-2012, cho biết: “Hôm Chủ nhật mùng 9 tháng 12 vừa rồi, người biểu tình tại Hà Nội và Saigon lại bị công an đủ loại nhanh chóng ngăn chận, đàn áp, bắt lên xe, sau khi họ ra sức tuần hành, hô vang những khẩu hiệu yêu nước, bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như cáo giác hành động bành trướng quân sự Trung quốc là đe dọa hòa bình, an ninh thế giới” [Xem hình Công an ra sức giải tán người biểu tình chống Trung quốc hôm 09/12/2012 tại Hà Nội. AFP photo]

Mặt khác, Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc, trong bài viết “Nghĩ về các cuộc biểu tình chống Trung quốc tại Việt Nam”, được đưa lên đài VOA, cũng nói rằng: “Cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Sài Gòn và Hà Nội vào Chủ nhật 9/12 vừa qua lại bị chính quyền ngăn chận và trấn áp. Nhiều người bị công an đến vây chặt đến độ không thể rời khỏi nhà được. Nhiều người khác bị bắt. Những người còn lại thì bị xua đuổi và cuối cùng, giải tán. Tuy vậy, dù chỉ tập hợp được vài ba trăm người và chỉ diễu hành được trong một khoảng thời gian ngắn, rất ngắn, chỉ vài tiếng đồng hồ, các cuộc biểu tình ấy, theo tôi, vẫn thành công; vì dân chúng Việt Nam, bất chấp những sự đe doạ của chính chính quyền nước họ, đã không chịu khuất phục trước những hành động gây hấn và xâm chiếm ngang ngược của Trung quốc; ... chính quyền Việt Nam càng ngăn chận và khủng bố dân chúng bao nhiêu càng bộc lộ bản chất nhu nhược, thậm chí, khiếp nhược của họ trước Trung quốc bấy nhiêu; ... có thể nói mỗi cuộc biểu tình, dù nhiều hay ít, cũng đều làm rơi một chiếc mặt nạ của chính quyền, mỗi mặt nạ là một huyền thoại...; khi huyền thoại đổ, nhà cầm quyền trở thành chơi vơi. Không một lực lượng chính quyền nào có thể tồn tại trên một nền tảng chơi vơi như thế. Vấn đề chỉ là thời gian... Cho đến nay, tất cả các cuộc biểu tình ở Việt Nam trở thành một phiên toà xét xử nhà nước và đảng cầm quyền Việt Nam trước dư luận truyền thông trên thế giới..., mỗi bài tường thuật như vậy, dù được viết một cách ngắn gọn và khách quan đến mấy, cũng đều trở thành một bản án đối với chính quyền Việt Nam trước bồi-thẩm-đoàn-nhân-loại...; và mỗi cuộc biểu tình là một đợt “tập huấn” của tiến trình dân chủ hoá”.

Gần hơn hết, cho dầu có bị đe dọa đàn áp, cuộc biểu tình tuần lễ tiếp theo sau đó, ngày 16-12-2012, đã hình thành dưới dạng thức rất lạ. Nó được phóng viên Tú Anh đưa lên đài RFI, cho biết: “Tại Việt Nam, phong trào chống Bắc Kinh gây hấn vừa có một động thái ‘đánh du kích’ bảo vệ chủ quyền lãnh hải ngay trước cổng Sứ quán Trung quốc ở Hà Nội. Trưa nay 16/12/2012, môt nhóm thanh niên, không rõ bao nhiêu người, đã giăng nhiều biểu ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Anh “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt nam” và “Trung Quốc phải chấm dứt xâm lược”... Hình ảnh cuộc biểu tình ‘đột kích’ này đã được loan tải trên các mạng xã hội. Dường như không có người tham gia biểu tình nào bị bắt vì đại đa số là búp bê nhồi bông. Người thật đã nhanh tay nhanh chân biến mất sau khi dựng biểu ngữ. Trong cuộc biểu tình chủ nhật tuần trước tại Sài gòn và Hà Nội, công an đã ra tay ngăn chận, nhiều người đã bị bao vây trước khi rời nhà. Tại Hà Nội, 24 người biểu tình bị đưa lên xe cảnh sát chở về trại phục hồi nhân phẩm gái mại dâm Lộc Hà. Tác giả tình cờ chụp các bức ảnh này cho biết là lần này công an trở tay không kịp. Do sóng điện rất xấu, RFI chỉ có thể chuyển đến thính giả bốn phương một đoạn phỏng vấn ngắn sau đây: ‘Lúc trưa nay thì tôi ra vườn hoa Lênin đối diện Ðại Sứ quán Trung quốc để chụp ảnh thì tình cờ thấy hai bạn trẻ họ dựng các mô hình là những con thú đồ chơi trẻ con đấy... và trên tay các con thú cầm biểu ngữ phản đối Trung Quốc... tiếng Việt, tiếng Anh mà tôi nhớ không hết... các anh xem ảnh thì sẽ rõ biểu ngữ như thế nào vì tôi chụp rất rõ... ’ ’”



Dựng các con thú cầm biểu ngữ phản đối Trung Quốc.

Tất cả mọi hành động rõ mặt đó của người dân đều mang đầy đủ ý muốn của họ là muốn được đối thoại với Ðảng và Nhà nước về đại họa mất nước, không phải gần kề mà coi như đã thực thụ, qua số hải đảo đã bị kẻ thù chiếm giữ trên biển Ðông; qua lãnh hải bị chúng khống chế coi như ao nhà của chúng; qua rừng đầu nguồn bị chúng chiếm dụng và toàn quyền khai thác; qua dự án Bauxite ở Cao nguyên Trung phần, một lãnh địa chiến lược có thể cho Trung cộng khống chế toàn vùng Ðông Nam Á; qua các nhà máy chúng trọn quyền điều động; qua các “đại phố” ở các tỉnh trù phú, như Ðông Ðô Ðại Phố ở Bình Dương; qua các vùng đất gọi là “làng Tàu” chỉ dành riêng cho công nhân Tàu và gia đình của chúng cư ngụ với đủ loại sinh hoạt riêng cho người Tàu... Nhưng, Ðảng và Nhà nước thay vì đối thoại để cùng dân tìm phương cách đối phó với Trung cộng thì lại thẳng tay đàn áp, như thể chúng đứng về phía kẻ thù, chúng tự coi là những kẻ chủ động gây nên đại họa mất nước.

Anh Ba gaigon, Điếu Cày, Tạ Phong Tần2. Trầm trọng hơn nữa là Ðảng và Nhà nước đã tiến xa hơn trong việc từ chối đối thoại với những người yêu nước. Chúng đã chà đạp luật pháp do chúng đặt ra để xét xử người vô tội và dùng luật rừng trong cả một rừng luật Xã hội Chủ nghĩa của chúng để thẳng tay đàn áp, xử tù những người yêu nước đòi hỏi nhân quyền phải được tôn trọng, đòi hỏi tự do ngôn luận... Ðiển hình gần nhứt và rõ nét nhứt là vụ phúc thẩm xét xử các blogger Ðiếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và anh Ba Sài Gòn Phan Thanh Hải với kết quả tòa y án 12 năm tù giam 5 năm quản chế đối với blogger Ðiều Cày Nguyễn Văn Hải; 10 năm tù giam 5 năm quản chế đối với nhà báo tự do Tạ Phong Tần; 4 năm tù giam 3 năm quản chế đối với blogger Anh Ba Sài Gòn Phan Thanh Hải; trong phiên xử bắt đầu 8 giờ sáng, kết thúc lúc 1:17 chiều cùng ngày 28-12-2012 [xem hình từ trái: các bloggers Anh BaSaigon, Ðiếu Cày, và Tạ Phong Tần]. 

Điếu cày, Uyên Vũ
Điếu Cày và Uyên VũÐiều đáng quan tâm trong vự xử phúc thẩm lần này là nhân chứng Uyên Vũ đã bị công an ngăn chận không cho vào tòa để thi hành nghĩa vụ của một nhân chứng theo giấy triệu tập của tòa [xem hình Uyên Vũ đứng cạnh Ðiếu Cày, bên phải]. Diễn đàn Chúa Cứu Thế đã tường thuật nội vụ như sau: “Chiều hôm qua, ngày 26/12/2012, an ninh thành phố tên Lê Minh Hải đã ngang nhiên đến nhà blogger Uyên Vũ lấy cớ mang Giấy triệu tập đương sự với tư cách người làm chứng của ông Uyên Vũ trong phiên tòa phúc thẩm, để tra hỏi anh một số việc không liên quan, mặc dù Tòa án đã gửi Giấy triệu tập này theo đường bưu điện. Ông Hải còn tỏ giọng đe dọa và yêu cầu blogger Uyên Vũ phải thế này thế nọ nếu có mặt trong phiên tòa. Blogger Uyên Vũ nói với VRNs rằng ông mong cho công lý được thực thi tại phiên tòa và bằng mọi giá ông sẽ có mặt tại phiên tòa với tư cách người làm chứng. Nếu ông không có mặt tại phiên tòa có nghĩa là ông đã bị an ninh, mật vụ ngăn chặn. Ông không có bất kỳ lý do gì để vắng mặt”. Sau đó, trả lời đài VOA, Uyên Vũ nói: “Có khoảng 8 nhân viên an ninh thường phục ngồi sẵn ở đầu ngõ. Khi tôi ra, họ bắt đầu ập đến. Một trung tá công an nói bây giờ nếu tôi muốn đi thì họ sẽ chở đi. Tôi không đồng ý chuyện đó vì tôi biết là nếu lên xe họ, chắc chắn họ sẽ chở về đồn. Tôi có ngồi đôi co với họ một lúc, nhưng cuối cùng thì cũng không thể đi được”.

Cũng được biết thêm là phiên xử phúc thẩm dự tính diễn ra vào ngày 28/12/2012 nhưng hôm trước, 27-12-2012, công an đã có hành vi ngăn chặn những người bị gọi là “nhạy cảm”, để họ không thể ra đường vào ngày mai. Do vậy, phiên tòa xử được nói là “công khai” này không có người thân của bị cáo nào được phép tham dự. Vợ và con trai của Ðiếu Cày đã bị triệu tập từ ngày hôm qua, nhằm gây cản trở việc họ có mặt tại tòa.

Còn nhớ, ở phiên sơ thẩm, 2 người [vợ và con trai của ông Ðiếu Cày] đã bị lực lượng công an và bảo vệ lôi kéo, giằng co tới mức rách cả áo và một trung tá công an tên Vũ Văn Hiển, phó công an phường 6 quận 3 dọa “bẻ cổ” bà Dương Thị Tân [vợ của ông Ðiếu Cày] và nói “tự do cái con c**” khi thấy bà và con trai mặc áo có chữ “tự do cho những người yêu nước” trên ngực.

Bên cạnh đó, nhiều blogger hay bạn hữu của các bị cáo muốn tới cổng tòa án để biểu thị tình đoàn kết cũng đều bị sách nhiễu, cản trở. Blogger Huỳnh công Thuận bị giam tại tòa và bị mất (thu giữ) xe. Hoàng Vi, theo mô tả, đã bị “khênh như lợn” lên xe công an. Không có nhiều chi tiết từ bên trong phiên tòa. Theo tường thuật của phóng viên Thanh Phương trên đài RFI thì “trong số các blogger bị câu lưu hôm 28/12/2012 khi định đến dự phiên xử phúc thẩm ba thành viên Câu Lạc Bộ Nhà báo Tự do nói trên có cô Nguyễn Hoàng Vi không chỉ bị đánh đập, cô còn bị an ninh lột quần áo, khám xét thân thể rất dã man, thô bạo” [Xin xem toàn văn bài tường thuật nội vụ khi Nguyễn Hoàng Vi trả lời phỏng vấn của RFA trong phần phụ đính kèm theo Thư Cho Con kỳ này (Xin lỗi đã trích đăng và cám ơn RFA)]

Vụ việc xảy ra đã khiến bà Trần Thị Ngọc Minh [mẹ của Ðỗ Thị Minh Hạnh, người thiếu nữ đấu tranh bảo vệ quyền lợi công nhân hiện đang bị giam với bản án 7 năm tù] đã có bài viết đăng trên Dân Làm Báo cho biết: “Trong một lần đi thăm Hạnh, nhìn cảnh con ngày càng tiều tụy vì đấu tranh chống bất công trong nhà tù, tôi thở dài nói với con: 'Một con én không thể làm nên mùa xuân'. Nghe tôi nói vậy, Hạnh buồn lắm, nhưng vẫn nhẹ nhàng trả lời bằng một giọng cứng rắn: ‘Má à, con mong được má hiểu. Con không thể ngồi yên khi nhìn họ muốn làm gì thì làm. Một con chim én không đem đến mùa xuân, nhưng nhiều con chim én khi bay đến cũng sẽ là lúc báo hiệu mùa xuân’. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về câu nói của Hạnh. Là một người mẹ, đôi khi tôi cũng không nhận ra là con gái mình đã trưởng thành. Hạnh và Hoàng Vi đều là những con chim én báo hiệu cho mùa xuân của dân tộc, bên cạnh những tên tuổi như Phạm Thanh Nghiên, Tạ Phong Tần, Nguyễn Phương Uyên, Huỳnh Thục Vy... Giá như tất cả những thanh niên của đất nước đều được như vậy thì đó là sẽ là ngày xuân của đất nước, mở ra một tương lai đầy tươi sáng. Con đường phía trước vẫn còn đầy gian nan và nguy hiểm, tôi luôn tin tưởng rằng Hoàng Vi không đơn độc, cũng giống như con gái tôi luôn được bạn bè quan tâm, hỗ trợ. Ðể kết thúc bài viết này, xin gửi đến Hoàng Vi và các bạn của cháu lời nhắn mà Hạnh nhờ tôi chuyển giúp: “Hạnh luôn nhớ các bạn. Hãy kiên trì và giữ vững niềm tin!” 

Trước sự ngang ngược bắt giam và xử tù những người tù lương tâm chỉ vì họ dám đòi hỏi nhân quyền cho dân tộc Việt Nam, dám đấu tranh cho tự do dân chủ; chỉ vì họ muốn có một cuộc đối thoại với Ðảng và Nhà nước trong việc đập tan đại họa mất nước, các tổ chức quốc tế đã lên tiếng can thiệp, đòi hỏi Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam phải trả tự do vô điều kiện cho họ. Chính ông Phó Giám đốc của Human Rights Watch phụ trách khu vực Châu Á là Phil Robertson đã lên tiếng trước khi phiên tòa được triệu tập; ông nói: “Chính quyền Việt Nam nên bỏ các cáo buộc đối với 3 bloggers được nhiều người biết đến này và phóng thích họ ngay. Họ không làm gì để bị tội hình sự. Những gì họ làm là trình bày các thông tin mà người dân Việt Nam muốn đọc mà chính quyền không cho. Những người kêu gọi cải cách dân chủ, nhân quyền cần được tán dương vì đó là việc làm tốt cho sự phát triển của xã hội, nhưng tiếc là ngược lại, họ lại bị Hà Nội truy tố, giam cầm. Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường đàn áp quyền tự do ngôn luận và những ý kiến bất đồng của công dân như hiện nay, tôi cho rằng gần như không có khả năng ba blogger này sẽ được trả tự do trong phiên sơ thẩm sắp tới. Nhưng Hà Nội cần nhận ra rằng cộng đồng quốc tế đang theo dõi những hành động vi phạm nhân quyền của họ, nhiều nhà tài trợ cho Việt Nam đang quan ngại về thành tích nhân quyền của họ.”

Sau khi phiên tòa kết thúc, phóng viên Thanh Phương có ngay bản tin đưa lên đài RFI, nói rằng: “Trong một thông cáo đề ngày hôm qua, 28/12/2012, Tổ chức Phóng viên Không biên giới, trụ sở tại Paris, đã chỉ trích việc tòa án Việt Nam y án sơ thẩm đối với ba blogger Nguyễn Văn Hải (Ðiếu Cày), Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải (Anhbasaigon) trong phiên xử phúc thẩm ngày 28/12, cũng như y án sơ thẩm đối với nhà báo Hoàng Khương ngày 27/12. Tổ chức bảo vệ quyền tự do báo chí của Pháp cũng bày tỏ mối quan ngại về vụ bắt giữ luật sư Lê Quốc Quân tại Hà Nội ngày 27/12 và yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho nhà hoạt động nhân quyền này”. [Xem hình RSF trương biểu ngữ trước Ðại sứ quán Việt Nam tại Paris đòi trả tự do cho các nhà báo và blogger hồi cuối năm 2009. DR]. 

Bản tin cũng cho biết thêm: “Trong bản thông cáo, Phóng viên Không biên giới khẳng định: Ðiếu Cày, Tạ Phong Tần và Anhbasaigon không phạm bất cứ tội nào có thể biện minh cho những bản án như vậy. Khi tuyên y án tù sơ thẩm nặng nề đối với các blogger này, chính quyền chứng tỏ họ xem thường các quyền tự do căn bản, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận. ‘Phóng viên Không biên giới bày tỏ mối quan ngại về kết quả phiên tòa ngày 08/01 tới, xử 9 thanh niên Công giáo, trong đó có blogger Paulus Lê Sơn’. Tổ chức bảo vệ quyền tự do báo chí của Pháp kêu gọi Liên hiệp châu Âu, Giải Nobel Hòa bình năm 2012, gây áp lực lên chính quyền Việt Nam để buộc họ chấm dứt việc đàn áp những tiếng nói đối lập, đặc biệt là những người làm công việc thông tin. Về trường hợp của nhà báo Hoàng Khương, báo Tuổi Trẻ, Phóng viên Không biên giới cho rằng: ‘Những việc làm của Hoàng Khương trong khuôn khổ điều tra nhằm thu thập chứng cứ vững chắc về nạn ăn hối lộ trong lực lượng công an Việt Nam, được tiết lộ qua bài báo mà anh đã đăng, không thể bị xem như là hành động đưa hối lộ. Phóng viên Không biên giới kêu gọi tư pháp Việt Nam xét lại bản án phúc thẩm đối với Hoàng Khương và trả tự do ngay lập tức cho nhà báo này”. Như vậy, cuộc đối thoại của các tổ chức quốc tế, nếu được gọi như vậy, cũng coi như không có, để Cộng sản Việt Nam tự tung tự tác đàn áp và bỏ tù những người tù lương tâm.

3. Bên cạnh người dân và những nhà đấu tranh Dân chủ hóa Việt Nam, một số không nhỏ đảng viên, công nhân viên chức Nhà nước từng giữ những chức vụ quan trọng trong Ðảng và Nhà nước đã hồi hưu hoặc còn đang tại chức... cũng thêm một lần nữa lên tiếng như một cách đề nghị đối thoại. Mới đây, ngày 28-12-2012, biên tập viên Mặc Lâm vừa đưa lên đài RFA bản tin nói về “Trí thức Việt Nam lại lên tiếng” cho biết:

Biểu tình tại Hà Nội“Người dân Việt Nam đã quen dần với những bản kiến nghị do trí thức trong và ngoài nước cùng đứng tên gửi tới các cấp cao nhất để yêu cầu thực hiện những điều mà không một lá đơn nào của cá nhân có thể viết hết”. [Xem hình: giới nhân sĩ trí thức Việt Nam trong một lần biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội. Photo courtesy of basam]

Bản tin cho biết thêm rằng đã có những kiến nghị về việc “khai thác mỏ Bauxite sẽ khiến đất nước đối đầu với những tai nạn tiềm ẩn mà hậu quả rất khó lường”. Tiếp theo đó là kiến nghị “trả tự do cho TS Cù Huy Hà Vũ qua bản án không dựa vào Hiến pháp của tòa án Hà Nội”...

Nhưng “Chính phủ hoàn toàn thụ động trước những yêu cầu hợp pháp và chính đáng của người trí thức cũng như văn nghệ sĩ, nhà báo cùng những thành phần khác của xã hội như những blogger qua thái độ im lặng gần như tuyệt đối... Người ký tên tuy thất vọng nhưng không hề tuyệt vọng và họ đã phản ứng. Một bản kêu gọi mới nhất vừa ra đời trên trang Bauxitvn vào ngày 25 tháng 12 đã xoay chuyển vấn đề một cách mạnh mẽ. Ngay tiêu đề của bản kêu gọi này đã đánh thức rất nhiều người, nó mang một nội hàm quan trọng mà từ trước tới nay chưa một tập thể nào đưa ra: “LỜI KÊU GỌI THỰC THI QUYỀN CON NGƯỜI THEO HIẾN PHÁP TẠI VIỆT NAM” [cũng xin xem toàn văn lời kêu gọi trong phần phụ đính].

Bản tin cũng viết thêm: “Bản kêu gọi yêu cầu Quốc hội Việt Nam hủy bỏ Ðiều 88 Bộ luật Hình sự (BLHS) Việt Nam về ‘tội tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam’ và Nghị định 38/2005/NÐ-CP của Chính phủ ngày 18/3/2005 ‘quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng’. Bản kêu gọi đưa ra đúng vào ngày 28 tháng 12 là phiên xử phúc thẩm ba blogger Ðiếu Cày, Tạ Phong Tần và Anh Ba Sài Gòn. Ba người bị kết vào điều 88 bộ luật hình sự bởi những bản án bỏ túi...” Ðó có thể coi như một cách tích cực đề nghị đối thoại; nhưng Ðảng và Nhà nước cứ làm ngơ, tuy cho tới nay, 31-12-2012, đã có 725 người ký tên với đầy đủ nghề nghiệp, chức danh và địa chỉ; số người ký tên thêm nữa vẫn còn tiếp tục. 

Mọi đề nghị đối thoại, nếu được gọi như vậy, chẳng những không có một ai trong hàng lãnh đạo Ðảng và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam lên tiếng đáp ứng, mà trái lại người cầm đầu Chánh phủ là Thái thú Nguyễn Tấn Dũng đã mạnh mẽ chỉ đạo công an phải quyết liệt trấn áp.

Ðúng vậy, tại hội nghị công an toàn quốc diễn ra ở Hà Nội chiều 17/12/2012, Dũng đã nói rằng “An ninh chính trị đang đứng trước một thách thức lớn khi các thế lực thù địch sử dụng chiến tranh thông tin, chiến tranh tâm lý làm nội bộ ta phân tâm, khiến nhân dân hoài nghi và mất lòng tin vào vai trò của Ðảng, vào những người lãnh đạo Ðảng và Nhà nước”. Dịp này Dũng đã “Yêu cầu lực lượng công an phải ‘tham mưu’ với Ðảng các giải pháp để đối phó với các âm mưu này vì hiện đang có tới 1/3 dân số sử dụng internet”. Ðồng thời, Dũng cũng “Yêu cầu lực lượng công an phải ngăn chặn, không để nhen nhóm hình thành các tổ chức chính trị đối lập”.

Ðồng thời, nhằm mua chuộc lòng trung thành của công an Thái thú Dũng đã quyết định thăng hàm cấp tướng cho 48 lãnh đạo, chỉ huy Công an các đơn vị, địa phương, để ngày 24-12-2012, Bộ Công an tổ chức Lễ công bố và trao Quyết định này. Thượng tướng Trần Ðại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ CA, đến dự và chủ trì Lễ công bố. Ðến sáng ngày 29/12/2012, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao Quyết định thăng quân hàm từ Thượng tướng lên Ðại tướng cho Trần Ðại Quang.

Tại Sài Gòn, cùng ngày 17-12-2012, Bí thư thành ủy Sài Gòn Lê Thanh Hải, ủy viên Bộ Chánh trị, đã lên tiếng nói rằng“Các trang mạng không chính thống như ‘Quan làm báo’, ‘Dân làm báo’ là một ‘vấn đề lớn’ và có ảnh hưởng trên nhận thức của thanh thiếu niên. Vì vậy, cán bộ, đảng viên cần phải tự trang bị ‘sức đề kháng’ về nhận thức và bản lĩnh chính trị trước tác động của các trang thông tin trên”.

Như vậy là chuyện đối thoại với kẻ thù ở trong nước coi như bế tắc, hay đúng hơn là không có. Do đó, những con người “ngây thơ chánh trị” ở hải ngoại muốn có đối thoại với kẻ thù, đối thoại với Cộng sản Việt Nam, hãy về quốc nội đòi hỏi đối thoại, coi có được Ðảng và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chấp nhận hay không. Giáo Già xin đề cặp tới chuyện đối thoại với kẻ thù ở hải ngoại trong kỳ tới.

Hẹn con thư sau,

Giáo Già

No comments:

Post a Comment