Saturday, January 12, 2013

KINH TẾ KHÓ KHĂN KHIẾN HÀNG CHỤC NGÀN SINH VIÊN PHẢI THÔI VỀ QUÊ, Ở LẠI KIẾM TIỀN THÊM


Ở Việt Nam lúc này, vào thời điểm gần Tết, nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn phải chật vật làm thêm kiếm tiền về quê, hoặc chọn lựa cách ở lại hẳn thành phố để kiếm thêm ít tiền cho mùa học sau. Nhưng mọi năm thì vẫn còn kiếm được tiền, năm nay mọi thứ quá khó khăn nên việc thuê mướn làm thêm thời vụ cũng giảm nhiều. Theo Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh niên Hà Nội, thì đơn xin tìm việc nhiều gấp mấy lần những nơi cần người. Đã không tìm được việc, những nơi nấu ăn cho sinh viên giá rẻ cũng lục đục đóng cửa.

Những sinh viên khu vực ngoại thành ở lại làm thêm dịp cận Tết kể rằng họ khó nhọc tìm chỗ ăn cơm, do quá gần Tết hầu hết các quán giá rẻ đều đóng cửa, chợ không mở. Trường hợp như một sinh viên tên Sơn, quê ở Lào Cai là hình ảnh chung của rất nhiều sinh viên lúc này. Tết đến, vì muốn có thêm chút tiền, Sơn nhận việc đi bưng cà phê buổi sáng và tối tại một nơi cách nhà trọ gần 30 cây số. Mỗi lần đi về gần 1 tiếng đồng hồ. Nếu làm hết cái tết này, có thể Sơn sẽ có được khoảng hơn 2 triệu đồng, tức khoảng gần 100 Mỹ kim, hy vọng sẽ đắp đỗi được chút gì đó. Nhưng quan trọng nhất là khoảng 5 ngày cận Tết, lúc đó người thuê mướn thường rộng rãi. Nếu may mắn, mỗi ngày Sơn sẽ được trả 200,000 đồng tức khoảng gần 10 Mỹ kim.

Nhưng bù lại, các quán xá ngày Tết thì cũng đắt đỏ hơn, những nơi bán giá rẻ cũng nghỉ hết. Nằm trong hoàn cảnh ở lại làm thêm những ngày cận Tết này không khác gì Sơn, một sinh viên năm thứ 2 trường Cao đẳng Công nghiệp in Hà Nội tên Thanh Tùng cho biết năm ngoái bạn phải đi xe máy vài cây số mới tìm được chỗ ăn giá vừa phải, để còn dành dụm được tiền. Năm nay, giá xe đò về quê tăng, học phí tăng, tiền thuê nhà tăng, điện nước xăng tăng. Bao nhiêu thứ khó khăn đang đổ ập vào những chàng trai cô gái chuẩn bị vào đời. Mặc dù báo chí, tivi Nhà nước vẫn hô hào các chiến dịch giúp sinh viên về quê ăn tết, hay tìm việc làm cho sinh viên ở lại thành phố, nhưng có vẻ những người nhận được sự giúp đỡ đó không nhiều. Anh Sơn tâm sự với thông tín viên SB-TN tại Hà Nội rằng những quảng cáo giúp đỡ sinh viên trên báo chí, tivi, không bao giờ đến được tay người dân đâu.SBTN

No comments:

Post a Comment